Nổ bụng vì Xã hội Học tập - Dân Làm Báo

Nổ bụng vì Xã hội Học tập

Trần Vô Học Xưa ở một xứ thuộc Nam Thiêm Bộ Châu có một vương quốc tục gọi là Đại Ngu nổi tiếng vì có nhiều thế hệ vua quan dốt nát nhưng rất ham làm mẽ, ra vẻ mình uyên thâm và nhiều ý tưởng lớn. Kiếp trước, bỉ nhân đã từng làm một chức quan mọn trong cung, được mắt thấy tai nghe biết bao những trò nhố nhăng kệch cỡm.

Lâu lâu, vua lại nghĩ ra một từ gì đó rất kêu hoặc lấy một cụm từ nào đó của một bậc thức giả (ví như “dân vi bản”) làm của mình rồi xướng lên trước quần thần, làm như mình vừa phát minh ra một điều vô cùng quan trọng. Có những cụm từ đã dùng nhiều năm, nhưng vì chưa nghĩ ra cái gì mới để thay thế, vua bèn đảo chữ từ sau lên trước (tỉ như “công bằng – dân chủ – văn minh” đảo thành “dân chủ – công bằng – văn minh”) gọi là “cho phù hợp với giai đoạn cách mạng mới”. Cũng có khi vua tỏ ra ưu ái quần thần, cho đem việc đảo chữ ra bàn thảo trước triều đình nhiều ngày và cho rằng việc đó sẽ đem lại nhiều ân huệ cho bách tánh. 

Thỉnh thoảng, vua lại ra một chỉ dụ rồi bắt các quan tỏa về các địa phương, lệnh cho quan chức các nơi phải gom dân lại học ngày học đêm, làm cho sản xuất đình đốn, dân đã nghèo càng thêm đói khổ (nhưng vẫn phải luôn mồm ca ngợi công đức nhà vua). Nhà vua cũng hay “phát động các phong trào” này nọ để toàn dân tham gia. Chỉ riêng “phong trào học tập tiên đế” đã kéo dài hàng chục năm, góp phần làm quốc khố vơi đi nhanh chóng. 


Một lần, trong buổi thiết triều, sau màn đàn hát và những bài nói của các quan ca ngợi công đức và sự anh minh của “thiên tử”, nhà vua trịnh trọng đứng dậy nói: 

“Hôm nay, trẫm long trọng công bố với bá tánh trong nước và trước cả các lân bang một chương trình độc nhất vô nhị. Phải nói rằng từ cổ chí kim cũng như mãi mãi sau này không ở đâu và không bao giờ có một chương trình hoành tráng như cái mà trẫm sắp nói ra đây…” 

“Hoàng thượng sáng suốt! Hoàng thượng vạn tuế!” Long sàng dậy lên tiếng tung hô như sấm. 

Hoàng thượng nhìn xuống quần thần với vẻ bao dung và thỏa mãn. Rồi Ngài khẽ giơ tay ra hiệu im lặng. Một hồi sau, các quan tạm ngừng tung hô. 

“Đại chủ trương mà trẫm muốn bá cáo trước toàn thiên hạ là chương trình “Khuyến học – Khuyến tài – Xây dựng xã hội học tập”… 

“Hoàng thượng đại sáng suốt! Hoàng thượng vạn-vạn tuế!” Tiếng tung hô như sấm lại dậy lên. 

Hoàng thượng lại giơ tay một cách bao dung. 

“Trẫm nhắc lại. Đây là chương trình “Khuyến học – Khuyến tài – Xây dựng xã hội học tập”. Dân ta vốn là dân hiếu học. Nước ta đang vươn lên như một con rồng kinh tế và một con rồng học vấn. Nhưng muốn làm bá chủ thiên hạ thì còn phải làm sao cho mọi thần dân của trẫm học nhiều hơn nữa. Học suốt đời. Người sắp xuống lỗ cũng phải học! Trẻ con mới lọt lòng cũng học. Phải lập ra lớp học khắp nơi. Hàng ngày ai cũng phải đến lớp. Phải phấn đấu để trong vòng 10 năm vương quốc của trẫm sẽ có 2 vạn tiến sĩ, hàng chục vạn thạc sĩ, hàng triệu cử nhân,… Các quan trong triều và quan hàng tỉnh tới đây đều phải là tiến sĩ, tiến tới quan chức quận huyện cũng phải tiến sĩ. Ở thôn quê, bọn nào không đi học đại học trở lên được thì mở các lớp dạy nghề cho chúng, mỗi năm dạy nghề cho 1 triệu đứa. Phải khuyến học bằng cách ép học, dân đen đứa nào không chịu học thì nọc ra đánh hoặc bắt nhịn ăn, phạt giam, phạt tiền. Và phải biết khuyến tài, nhất là tài ca ngợi trẫm, tài tuân lệnh và cung phụng thượng cấp. Đứa nào giỏi làm việc nhưng dám nói ngang hay can gián không được tính là thực tài. Đó chỉ là tay sai của các thế lực thù địch. Phải nghiêm khắc trừng trị chúng, phát hiện đứa nào thì tống ngay vào ngục. Làm thế bảo đảm mươi mười lăm năm nữa vương quốc của trẫm sẽ đầy những học giả lỗi lạc, các quan ai nấy đều là tiến sĩ đạo sĩ đạo văn. Các ngươi có đồng ý không?” 

“Hoàng thượng đại-đại sáng suốt! Hoàng thượng vạn-vạn-vạn tuế!” Sấm tung hô lại nổi lên, lần này làm cả thành đô rung chuyển và vang xa hàng chục dặm. 

Bỉ nhân chợt thấy ngỡ ngàng. Cả một triều đình, từ vua tới các quan, đều là một phường chỉ biết hưởng lạc, không bao giờ giở sách thánh hiền ra đọc, nếu có giở sách cũng chỉ giả vờ nhìn vào để lấy mẽ, nếu có học cũng chỉ học mẹo xu nịnh, lừa lọc, còn dân thì đang sống dở chết dở vì đói kém, vì lụt lội, vì môi trường đầy rác thải độc hại, thế mà bỗng nhiên nói đến “Khuyến học – Khuyến tài – Xây dựng xã hội học tập”. Vì quá tức cười, trong phút chốc, hơi ở đâu bỗng dồn vào bụng bỉ nhân, làm cái bụng căng ra, rồi không chịu nổi, nó bỗng nổ bùm một tiếng, tóe hết cả thức ăn lẫn cứt đái lên đầu, lên mặt vua tôi nước Đại Ngu. Bỉ nhân chết tức khắc. 

Cả triều đình sửng sốt. Được cái không có kẻ nào la thối. Vì họ đã quá quen với những thứ thối hơn nhiều. 


Sau khi bỉ nhân bất đắc kỳ tử, hồn vía rời kinh thành vì không chịu nổi mùi thối chốn cung đình. Sau mấy ngày phiêu diêu, bỉ nhân (tức là hồn vía) quyết định hồi hương. 

Về đến nhà, bỉ nhân được chứng kiến người nhà đang làm ma bỉ nhân. Mọi người đang khóc lóc chợt im lặng như đang lắng nghe, rồi tất cả bỗng tươi tỉnh như không có chuyện gì xảy ra. Đoán biết mọi người cảm nhận được sự trở về của bỉ nhân, bỉ nhân liền lên ngự trên bàn thờ, cạnh bài vị. 

Ở nhà được mươi ngày, một hôm bỉ nhân thấy trưởng thôn đến đầu ngõ gọi to: 

“Ơ này ông Bớ (đó là tên em trai bỉ nhân), tối nay ra nhà văn hóa làng họp triển khai chủ trương “Khuyến học – Khuyến tài – Xây dựng xã hội học tập” nhá! Đi cả nhà. Ai vắng họp bị phạt một thưng thóc.” 

Bỉ nhân vừa nghe gọi đã lại thấy tức cười. Cố gắng nhịn cười để tối ra “nhà văn hóa” xem người ta “triển khai triển thối” kiểu chi. 

Buổi tối tại nhà văn hóa, sau khi đợi mãi chỉ được có 34 người đến dự họp, trưởng thôn quyết định khai mạc cuộc họp. Mở đầu, y cung kính quay sang nhìn một người lạ bụng phệ đang ngả người, lim dim mắt trên ghế và giới thiệu đó là tân chủ tịch hội khuyến học huyện. 

“Vô cùng may mắn cho thôn ta không chỉ được đón cán bộ khuyến học xã mà được đón chính đồng chí chủ tịch hội khuyến học huyện về chỉ đạo cuộc họp quan trọng này.” Trưởng thôn nói. “Đề nghị bà con ta cho một tràng vỗ tay.” 

Rồi y lấy hết sức đập hai lòng bàn tay vào nhau bồm bộp. Vài người miễn cưỡng vỗ tay theo hờ hững. Chủ tịch hội khuyến học huyện lừ mắt vẻ khó chịu. 

Sau khi ông chủ tịch ậm ọe lên lớp một hồi lâu về đại chủ trương của hoàng thượng, trưởng thôn đọc một danh sách tuyên dương 38 gia đình có thành tích khuyến học xuất sắc trong 5 năm vừa qua. Rồi y nói tiếp: 

“Trong năm năm tới, để hưởng ứng chủ trương của hoàng thượng về “Khuyến học – Khuyến tài – Xây dựng xã hội học tập”, cũng như các nơi, thôn ta sẽ thành lập hội khuyến học, mỗi gia đình mỗi tháng phải nộp Quỷ 2 đồng, nhà nào không có tiền thì nộp 2 đấu thóc. Ngoài ra, để đạt danh hiệu “thôn khuyến học xuất sắc”, mỗi gia đình phải nộp 3 đồng để làm quà cho đồng chí chủ tịch đây, nhờ đồng chí ấy về nói với các đồng chí lãnh đạo cấp trên công nhận cho thôn ta, và mỗi nhà 5 đồng nữa để làm quà cho các đồng chí cấp trên thì mới bảo đảm chắc ăn…” 

Trưởng thôn đang nói dở thì cái bụng của bỉ nhân – lần này thì không phải bụng thịt của thân xác mà là bụng thể vía – lại chướng lên vì tức cười. Rồi nó lại nổ tung như cái bụng thịt kia. Chỉ có điều cái bụng vía nổ không tạo ra tiếng bùm mà chỉ thành một tiếng như đánh rắm. Lợi dụng cái tiếng như tiếng rắm đó, mấy người từ nãy đã cố chịu mùi thối liền lấy tay bịt mũi chạy ra ngoài. 

Bỉ nhân chết lần hai. Cả hai lần đều do tức cười vì cái chương trình “Khuyến học – Khuyến tài – Xây dựng xã hội học tập”. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo