TQ 'cần giải thích lại về đường lưỡi bò’ - Dân Làm Báo

TQ 'cần giải thích lại về đường lưỡi bò’

Lê Quỳnh (BBC, Manila)Lựa chọn thứ ba khả dĩ hơn cả: đạt thỏa thuận như vừa có với Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghĩa là ‘chế ngự’, chứ không phải giải quyết rốt ráo, vấn đề - tương tự chuyện Đài Loan hiện nay. Làm theo khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc sẽ vẫn nói có chủ quyền “không thể tranh cãi” nhưng sẽ khuyến khích các nước “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Hệ quả tiếp theo là Trung Quốc sẽ đồng ý khai thác "đa phương" nhưng thương lượng chủ quyền "song phương"... 

*

Khách mời, gồm giới ngoại giao, học giả và nhà báo, tại một hội thảo mới nhất về Biển Đông đã tập trung chú ‎ý vào bản đồ ‘đường lưỡi bò’ gây tranh cãi của Trung Quốc. 

Hội thảo về Biển Nam Trung Hoa (Forum on South China Sea) do tổ chức đặt ở Manila, Carlos P. Romulo vì Hòa bình và Phát triển, cùng hợp tác với Viện Nghiên cứu Đông Á ở Singapore, đã có phiên họp kín hôm 16/10 trước lúc khai mạc ngày thứ Hai 17/10. 

Sở dĩ gọi là họp kín, dù giới truyền thông được tham dự, vì cuộc họp hơn hai tiếng chiều 16/10 diễn ra theo Quy tắc Chatham House. 

Đặt theo tên một viện nghiên cứu của Anh, quy tắc này hàm ý thông tin được tự do công bố, nhưng không được tiết lộ người phát biểu. Mục đích nhằm khuyến khích các diễn giả “nói thẳng, nói thật” hơn những gì họ có thể nói công khai bên ngoài. 

Ý nghĩa đường 9 đoạn? 


Bản đồ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc 
bị nhiều chỉ trích
Các diễn giả đề cập các khía cạnh khác nhau của cuộc tranh chấp, nhưng hầu hết bài nói – và nhiều câu hỏi của khán giả sau đó – đều đụng đến ‘đường lưỡi bò’. 

Đường vạch (mà các diễn giả tiếng Anh gọi là đường 9 đoạn) do Trung Hoa Dân Quốc đưa ra lần đầu năm 1947, chưa bao giờ được chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay nói rõ ‎‎ý nghĩa là gì. 

Chiều 16/10, một người nói thẳng là lý lẽ duy nhất mà Trung Quốc gán ghép cho đường lưỡi bò là tính chất lịch sử. Nhưng lịch sử cùng lắm chỉ là điểm tham chiếu, chứ không phải là biện minh cho đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. 

Thực tế, Trung Quốc có ba lựa chọn: tuyên bố đường lưỡi bò đánh dấu ranh giới biển của mình [không thể, vì sẽ khiến Trung Quốc trở thành kẻ thù của nhiều nước], xóa đường vạch [cũng không thể, vì đa số người Trung Quốc sẽ không chấp nhận]. 

Lựa chọn thứ ba khả dĩ hơn cả: đạt thỏa thuận như vừa có với Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghĩa là ‘chế ngự’, chứ không phải giải quyết rốt ráo, vấn đề - tương tự chuyện Đài Loan hiện nay. Làm theo khẩu hiệu của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc sẽ vẫn nói có chủ quyền “không thể tranh cãi” nhưng sẽ khuyến khích các nước “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Hệ quả tiếp theo là Trung Quốc sẽ đồng ý khai thác "đa phương" nhưng thương lượng chủ quyền "song phương". 

Nhưng sự mời gọi của Trung Quốc chỉ có thể thuyết phục hơn nếu nước này chịu giải thích rõ ‘đường lưỡi bò’ là gì. Theo giới học giả, Đài Loan đã công khai xem ‘đường lưỡi bò’ đánh dấu cả Biển Đông là của họ. Nhưng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì cố ‎ý có “sự mơ hồ chiến lược” với đường vạch này. Như một người đặt câu hỏi: “Nếu khai thác chung, thì khai thác ở đâu?” 

Một nhân viên ngoại giao nói với tôi sau đó về thái độ của Trung Quốc: “Rõ ràng là tình hình vẫn không rõ ràng.” 

Chính trị toàn cầu 

Một người khác bình luận thêm, sở dĩ Trung Quốc không thể hay không muốn giải thích vì ở ngay trong chính trường và giới nghiên cứu đại lục cũng không có được sự diễn giải thống nhất quanh ‎ ý nghĩa của ‘đường lưỡi bò’. Từ góc nhìn này, Trung Quốc, dù lớn tiếng, thực ra ở trong thế phòng thủ và chia rẽ về tính chính danh của đòi hỏi chủ quyền. Những căng thẳng trên biển một năm qua có thể được xem là biểu hiện đấu đá nội bộ trong chính trường Trung Quốc, với phe “diều hâu” muốn giành thêm quyền lực, hơn là cố gắng khẳng định chủ quyền đơn thuần. 

Điều chắc chắn hơn là sẽ không có giải pháp dễ dàng và mau chóng cho cuộc tranh chấp. 

Không chỉ có Mỹ, mà cả Nhật Bản và Ấn Độ gần đây đều có những tuyên bố liên quan Biển Đông. Sự có mặt tại hội thảo của nhân viên ngoại giao nhiều nước cho thấy thách thức Biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền và khai thác tài nguyên, mà còn là một phần của cuộc tranh đấu địa chính trị quốc tế. 

Mỹ và Trung Quốc – nước nào sẽ đứng đầu trong bản đồ quyền lực toàn cầu? Vấn đề Biển Đông có thể sẽ lại gắn chặt với câu hỏi đó. Tất nhiên, những biện pháp xây dựng niềm tin sẽ góp phần giúp bình ổn vấn đề, nhưng khó tin rằng các bên sẽ sớm đồng ý lấy Luật biển LHQ 1982 làm cơ sở cho giải pháp. 

Trước mắt, nhiều ‎ ý kiến cho rằng các nước liên quan tranh chấp cần tiếp tục đòi hỏi dứt khoát Bắc Kinh phải giải thích chi tiết về đường 9 đoạn. Một người nói vào tai tôi trước lúc ra về: “Chẳng có gì cho không cả. Họ sẽ phải liên tục tạo sức ép thì mới mong có kết quả!”




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo