Có cần Luật Biểu Tình hay không? - Dân Làm Báo

Có cần Luật Biểu Tình hay không?


Hành Khất (danlambao) - Hãy tưởng tượng một đoàn biểu tình đầy cờ xí, biểu ngữ, loa phóng thanh, rộn rịp hàng người nối đuôi nhau kéo dài trong hàng lối được vạch sẵn, với những gương mặt tươi cười hớn hở như đang đi theo đoàn du lịch tham quan thành phố, và đây đó là vòng canh giữ của công an, an ninh đủ mỗi loại (chìm, nổi, hay lơ lửng - vì bị vạch mặt ra trước đó) ra chỉ thị, khuyến cáo người biểu tình chỉ được đi trong hai lằn vạch vàng được kẻ riêng; ngấm ngầm dọ mắt xem có kẻ nào hô khẩu hiệu sai hay trương nhầm biểu ngữ v.v... Những hình ảnh rất là "ngăn nắp và nề nếp" của cuộc biểu tình như trên được cộng sản luôn ca ngợi là văn minh, dân chủ nếu được thế giới nhìn vào, chắc sẽ bò lăn ra cười vì thán phục...

*


Qua cuộc tranh luận giữa hai đại diện tiêu biểu trong quốc hội: Dương Trung Quốc (tán thành) và Hoàng Hữu Phước (phản đối) về vấn đề Luật biểu tình, làm người dân thấp thỏm, chờ đợi, lo âu cho một sắc lệnh mới của chính phủ. Dường như phần đông dân ở Việt Nam (VN), những người thường quan tâm đến tình hình, đều ủng hộ ý kiến của Dương Trung Quốc (DTQ) - "Nên có luật biểu tình càng sớm càng tốt", và họ chống đối lập luận của Hoàng Hữu Phước (NHP) - "Nên loại bỏ Luật biểu tình vì những tác dụng tiêu cực cho xã hội". Chúng ta thử xét lại lần nữa, trong quyền hạn của người dân bình thường, xem có cần Luật biểu tình hay không. 

Trước hết, xin lần nữa được nhắc lại về định nghĩa hai chữ biểu tình (trích từ bài viết "Biểu Tình (Demonstration)" , ngày 13/08/2011, trên danlambao) theo tự điển Việt ngữ, và Anh ngữ trên mạng như sau:

Biểu tình: "Tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó: biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh biểu tình chống khủng bố". (vdict.com)

Demonstration: "4_ (Government, Politics & Diplomacy) a manifestation of grievances, support, or protest by public rallies, parades, etc." (thefreedictionary.com, Collins English Dictionary)
(Tạm dịch: một sự biểu lộ của bất bình, ủng hộ hoặc đối kháng bởi những cuộc tập hợp công cộng, diễn hành v.v)

Demonstration: "3_ A public meeting or march protesting against something or expressing views on a political issue." (oxforddictionaries.com)
(Tạm dịch: một cuộc gặp gỡ công cộng, hoặc một cuộc tuần hành phản đối sự việc gì hoặc bày tỏ quan điểm trên vấn đề chính trị) 

Đơn giản hóa về hai chữ "biểu tình" theo tiếng Việt đơn thuần như sau: biểu = biểu lộ, bày tỏ; tình: tình cảm, cảm xúc. Như vậy, có nghĩa là "sự biểu lộ, bày tỏ cảm xúc" có tính cách công cộng đối với hiện tình xã hội bị ảnh hưởng qua chính sách, hay đường lối chính trị của nhà cầm quyền.

Đối với những nước có nền dân chủ thực sự, dường như người ta không bao giờ thấy "sự bày tỏ cảm xúc" của dân chúng trong sự ủng hộ, cổ võ, tán dương cho những chính sách đúng đắn, giúp dân, lợi nước của đảng cầm quyền, mà ngược lại "sự bày tỏ cảm xúc" đó thường phản ảnh của sự chống đối, yêu sách, đòi hỏi cho xã hội; cho quyền công dân bị ảnh hưởng đến mức nghiêm trọng qua những chính sách, đường lối chính trị trong và ngoài nước. Một điều chắc chắn là chỉ có một số nước thuộc khối cs thì vẫn còn cái kiểu "biểu tình ủng hộ chính phủ" như Dương Trung Quốc đưa ra lý luận tại sao nên có luật đó:

"Theo tôi, cách tốt nhất là nhà nước hãy chứng tỏ năng lực để cho người dân biểu tình ủng hộ nhiều hơn biểu tình phản đối" (trích từ "Luật biểu tình sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội",17/11/2011, vnexpress.net, tác giả Tiến Dũng) 

Người dân VN sau 75, và dân miền Bắc trước và sau 75 không lạ gì cái lối biểu tình ủng hộ nhà nước cs. Nếu ai không đi biểu tình (còn được gọi là mít-tinh, mà cái từ nầy do chữ "meeting" của đế quốc Mỹ để lại, nhưng csvn lại thích dùng làm của riêng, để đọc lên nghe… văn minh hơn) thì xem như phản động, bị trừ phần ăn, bị công an kêu lên xuống bất kể ngày đêm, bị phê hạnh kiểm xấu đối với học sinh, nhân viên, v.v... Cái ngữ biểu tình theo lối cs chỉ là một nhiệm vụ mà dân bắt buộc phải tuân hành. Nhà nhà phải có ít nhất một người tham gia biểu tình, không tính người nhà đang theo đoàn biểu tình từ nơi làm việc, hoặc cơ quan nhà nước, hay theo đoàn học sinh của nhà trường. Không ai được thoái thác, trừ khi nằm trong mộ! Biểu tình toàn nước, toàn dân là bắt buộc phải có mặt, như một luật lệ trong hệ thống pháp luật nào đó mà không cần sắc lệnh.

Trong năm nay (11/2011), csvn lại muốn đưa ra một lề lối cụ thể dựa vào pháp luật cho có vẻ văn minh, dân chủ như bọn đế quốc Mỹ. Và từ danh từ "luật", chắc chắn sẽ có những điều khoản nhằm quy tội cho những ai không ủng hộ biểu tình mà đảng phát động; ngoài ra sẽ có những điều khoản cấm tuyệt bất kỳ cuộc biểu tình nào, dù là tự phát hay không trong dân chúng vì "trật tự công cộng, an sinh của dân, người buôn gánh bán bưng, cửa tiệm làm ăn dọc hè phố, lưu thông ùn tắc, v.v. ". Và nhất là tạo nên "tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị; tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, quan hệ ngoại giao của Đảng, Nhà nước" như Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nói (trích từ "Hà Nội yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát", 18/8/2011, vnexpress.net, tác giả Tiến Dũng). Đảng cs là độc tôn, độc quyền, độc bá nên đảng "thực hiện đường lối quan hệ ngoai giao" như thế nào là chuyện của đảng, dù có cắt đất, bán đất, và nô vong cả dân tộc, thì người dân cũng phải "biểu tình ủng hộ". Đảng là trí tuệ cao cả nhất, tập trung những nhân sĩ trí thức lỗi lạc nhất, bao gồm hàng ngàn ngàn đảng viên với bằng cấp Tiến sĩ, Thạc sĩ trong mọi lãnh vực (những điều nầy bọn tư bản không bao giờ sánh nổi với csvn, nhưng vẫn không hiểu tại sao những đảng viên lại thích khoe có bằng Tiến sĩ "ma" của đế quốc Mỹ, hay Cử nhân Anh ngữ, mà không phải là Cử nhân... Mandarin, hay Tiến sĩ Tàu (?)). Vì thế, dưới con mắt của đảng viên, hay thậm chí một công an, an ninh không cấp bậc, thì nhân dân ngu thậm tệ; "chưa đủ trình độ để hiểu đường lối của đảng"; cần được "giáo huấn sâu rộng"; phải học tập ngày đêm cho thông suốt, nắm vững, nắm chắc (để đảm bảo không bị tuột tay thành phản động); tiếp thu cặn kẻ từng chữ, từng câu như những chương kinh Hồi giáo; mài dũa trí não sao cho đúng tư tưởng định hướng của đảng từng phân ly một. Tóm lại là toàn dân và đảng phải cùng một định nhất quán, không thể chấp nhận sự sai lạc, diễn biến, sửa đổi mà chúng là nguyên nhân xa xỉ khiến đảng phải bận tâm, lo sợ không ít.

Đó chính là cái lo sợ mà Đại biểu Hoàng Hữu Phước đã nói trong "Chưa cần Luật biểu tình vì dân trí thấp?" (18/11/2011, tuoitre.vn, tác giả Lê Kiên):

"Khi nào trình độ dân trí cao hơnkinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình."

"… "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh!" 

Không sai chút nào với ý kiến của Đại biểu Phước, vì cộng sản vốn lão luyện trong việc phát động biểu tình để chống đối chính quyền tự do, lợi dụng dân chủ để xúi giục công nông làm loạn, nên họ rất lo ngại nếu "trình độ dân trí còn thấp" sẽ bị kẻ khác "kích động" chống ngược lại đảng cs dù rằng đảng đã và đang ra công sức tuyên truyền giáo huấn chính trị mỗi ngày trong mọi tầng lớp, trong mọi lứa tuổi, và trong tận nơi sâu, nơi xa từ cấp cơ cấu hạ tầng làng xã, không bỏ sót người nào, vùng nào, đến cơ cấu thượng tầng cơ quan nhà nước, nhân viên, đảng viên già trẻ, trí thức hay không trí thức (mà khi đã là đảng viên có cấp bậc, tự nhiên trở thành... trí thức với những học vị từ Cử nhân trở lên được đảng ưu ái cấp). Tất cả thông tin (báo chí, truyền thanh, truyền hình) đều là công cụ riêng của đảng nhằm lập đi lập lại như bài kinh kệ cần phải thuộc nằm lòng trong thiên đường xã hội chủ nghĩa. Và nhất là khi "kinh tế chưa ổn định", có nghĩa là người nghèo còn quá đông; xây dựng thì làm cho có, bỏ nửa chừng hay thậm chí cơ quan công quyền cũng không thèm để mắt đến; thất nghiệp thì tràn lan dù công trình xây dựng qua công nợ thì nhiều nhưng chỉ dành cho dân lao động Tàu; thu hoạch thì thất thường và còn bị Tàu lợi dụng sự yếu kém để phá hoại, lường gạt dân hơn như thu mua đĩa, móng trâu, khoai lang tím, râu bắp non, chuối, mực con, v.v. , dù cơ quan chức năng biết nhưng cứ làm ngơ đến khi vỡ chuyện thì la lên cùng báo chí. Với tình hình rối rắm như đống chỉ liên tục kéo theo nhau, thì có lẽ phải đợi vài chục đời người, dân trí mới tiếp nhận, thấu hiểu được hoàn toàn Luật biểu tình của đảng ban hành.

Đại biểu Phước đã chơi chữ rất hay khi dùng từ "đài thọ" trong câu "đài thọ cho một sự ô danh !". Theo vdict.com, chữ "đài thọ" có nghĩa là: "Chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí". Như vậy có nghĩa là "vì VN chưa phải là siêu cường kinh tến, nên khó có thể chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí... cho một sự ô danh". Đồng thời có nghĩa như sau: "nếu VN là một nước siêu cường kinh tế thì dư sức, dư tiền trả cho một sự ô danh ! (?)" (Không biết dân ngu có theo kịp ý kiến của Đại biểu Phước không). Dường như nghe nói rằng, dù VN chưa là nước siêu cường kinh tế, nhưng cũng dư tiền thuế dân đủ trả cho bất kỳ sự ô danh từ mấy chục năm qua rồi, bởi vậy ngài Đại biểu Phước đừng có lo mấy chuyện "ruồi bu" đó cho mệt óc.

Và Đại biểu Phước thêm rằng:

"Lý do là hoàn cảnh của VN khác. Các nước thì có ai chống họ đâu, trong khi VN thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích. Phải biết rằng kẻ thù đang rình rập mình, họ không bỏ qua cơ hội nào." 

Đảng đã ổn định ghế nắm toàn bộ quyền hành ở VN hơn 60 năm nay, nhưng lúc nào cũng trong tư thế báo động có "kẻ thù địch đang rình rập" như Đại biểu Phước nói, bởi "nhiều thế lực thù địch tập trung công kích". Đáng tiếc là Đại biểu không dẫn chứng thế lực nào, và nói rõ lý do tại sao lại có quá nhiều thế lực công kích đảng, trong khi cũng chính Đại biểu cũng nhìn nhận là "các nước (khác) thì có ai chống họ đâu". Tại sao "họ" thù ghét đảng csvn đến vậy ? Mà "họ" là ai: những người ngoại quốc, hay những người Việt hải ngoại, hay những người dân trong nước? Không lẽ "họ" là bao gồm cả ba khối người được nêu ra? Có phải chăng chỉ những người đang sống trong chế độ cs mới cảm thấy ghét cay ghét đắng cái chủ nghĩa quái dị, ngoại lai đó? Và thế lực thù địch mà đảng lo sợ nhất có phải là nhân dân trong nước, chớ không phải đám người bỏ chạy lấy thân để sống còn mà nơi hải ngoại nào đó, họ phải đầu tắt mặt tối lo ăn, lo nợ, lo kiếm sống từng ngày như bao người thì có thời gian đâu lo nghĩ vẩn vơ mấy chuyện chính trị hay thù địch? Có lẽ vì cuộc sống người dân dường như càng ngày bị cưởng bức, đàn áp, bốc lột trắng trợn, ngay cả quyền cơ bản của một công dân một nước cũng không được thế lực công an trị tôn trọng, nên đó là "lý do là hoàn cảnh của VN khác" "các nước thì có ai chống họ (chính quyền) đâu".

(Có một điều đáng chú ý là trong một đoạn văn ngắn được trích ở trên, Đại biểu Phước lại chơi chữ một cách tuyệt vời với hai chữ "họ" mà đó gọi là hành văn tối nghĩa. Nếu đoạn văn đó do một em thuộc bậc tiểu học, chắc chắn sẽ bị phê bỏ, bắt viết lại ngay; nhưng với danh nghĩa là một Đại biểu Quốc hội, có thể người ta sẽ dễ dải hơn vì cho rằng các bậc Đại biểu phải tệ lắm cũng trong vòng Trung học, huống chi Đại biểu VN toàn là Cử nhân đến Tiến sĩ. Cứ đọc đoạn văn mà Đại biểu Phước lý luận về nguồn gốc biểu tình, thì biết ngay !) 

Dù đảng viên đại biểu nào cũng biết rằng trong Hiến pháp 1959, Điều 25, hay Hiến pháp 1980, ngay cả Hiến pháp 1992, Điều 69, và Hiến pháp 2001, có nói về quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, và biểu tình (theo "Thực tiễn đòi hỏi có Luật biểu tình" , 3/10/2011, tuoitre.vn, phỏng vấn viên Võ Văn Thành) nhưng những quyền đó không được pháp luật bảo vệ, hay nói đúng hơn là đảng chỉ viết Hiến pháp dựa theo văn bản Hiến pháp của đế quốc Mỹ cho có vẻ văn minh hơn là ứng dụng thực tiễn. Trên thực tế, đảng không bao giờ ban những quyền cơ bản đó cho dân trừ khi dân phải hiểu rằng những quyền đó chỉ nằm trong những chỉ thị, mệnh lệnh của đảng và phải tuân hành theo ý đảng mà không bao giờ dám đặt câu hỏi. Vì vậy dù hai chữ biểu tình cũng được nhắc đến trong Hiến pháp VN nhưng sự đàn áp, khủng bố, cấm đoán, là những hình ảnh thật nhất với những bằng chứng sống của nhiều người từng tham gia biểu tình chống Trung cộng vừa qua. Có nghĩa là không cần luật biểu tình; ai vi phạm là thuộc thành phần phản động.

Cuối cùng Đại biểu Phước đưa ra câu hỏi:

"Như vậy, Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không"

"… vì bản chất dễ bị tổn thương dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn." 

Đồng cảm với nổi lo sợ của Đại biểu Phước, nếu có Luật biểu tình sẽ sinh ra hình thức tập trung chống chính phủ csvn "vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng", một Đại biểu Quốc hội khác, Luật sư Trương Trọng Nghĩa diễn dịch rõ ràng hơn nổi lo sợ đó:

"Trong lịch sử hai trăm năm qua của Việt Nam, biểu tình thường là nhằm chống chính quyền phong kiến, thực dân, chống chế độ độc tài, phản động, nên trong cán bộ, công chức và cả trong nhân dân thường có tâm lý rằng biểu tình là chỉ nhằm chống đối, thậm chí chống chính quyền." (trích từ: "Xây dựng Luật biểu tình: Nên lập tổ chuyên gia soạn thảo liên ngành" , 4/10/2011, tuoitre.vn, tác giả Nguyên Triều)

Nếu chính phủ csvn tạo nên cuộc sống dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc như đã và đang tuyên truyền mãi trên miệng của mỗi đảng viên; trên công văn, thư từ công sở; trên biểu ngữ khắp hè phố thành thị đến chòi lá thôn quê, hay bất kỳ nơi nào có người ở, thì tại sao lại luôn luôn lo sợ biến loạn vì biểu tình? Câu hỏi đó được tìm thấy qua lời phát biểu của Đại biểu Nghĩa cho rằng đó là do bệnh tâm lý mà đa số đảng viên cs mắc phải. Nếu dịch nghĩa rộng hơn, thì bệnh tâm lý đó như một kẻ giết người luôn bị bóng dáng ma quái ám ảnh; như một kẻ ác nhân luôn giựt mình khi nghe tiếng gió hú; như một kẻ tàn bạo lo sợ khi thấy những phản ảnh của chính họ trong việc thường ngày; như một kẻ gian manh, xảo trá lúc nào cũng nghi kỵ những người chung quanh v.v... Thì có lạ gì khi chính con người cộng sản xuất thân từ bần cố nông, công nhân, thiếu kiến thức, hiểu biết, và giáo dục, chỉ dựa vào những hành động cổ võ, xúi giục biểu tình bạo loạn qua thời cơ để cướp chính quyền như thời 45. Với công cụ biểu tình đó họ luôn ứng dụng trong giới lao động, và xách động đám sinh viên học sinh - vốn được ăn no, ngủ kỹ, yên ấm nơi hậu phương đang lo sợ phải ra chiến trường - để chống chính quyền miền Nam, chống chiến tranh, nhưng chính những người cs đó là kẻ gây chiến, xâm chiếm mà họ gọi là "giải phóng". Đó là sự ám ảnh từ bệnh tâm lý được chính đảng viên Quốc hội cs đã khẳng định

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa có cùng quan điểm như Đại biểu Dương Trung Quốc trong việc tán thành đưa ra Luật biểu tình, và trong Quốc hội cũng có một số Đại biểu đưa ý kiến đồng nhất như: Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, Chủ tịch MTTQ VN Tp Hà Nội Đào Văn Bình, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Giám đốc sở Nội vụ Tp HCM Châu Minh Tỷ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương v.v. Trong đó cho thấy thành phần lãnh đạo cao cấp thuộc công an cũng hết lòng hưởng ứng. Cùng quan điểm trên, cũng như cùng ý tưởng về điều kiện xây dựng Luật biểu tình là: "hình vi hợp pháp, văn minh, dân chủ, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân, theo quy định của pháp luật"

Xin xem đoạn trích từ "Thực tiễn đòi hỏi có Luật biểu tình" (đã nhắc đến ở trên) qua phỏng vấn viên Võ Văn Thành về "trường hợp cơ quan chức năng vì lý do nào đó đưa ra sự từ chối không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền công dân ?", Thiếu tướng, PGS.TS Cương phát biểu như sau:

"… Nếu người dân bày tỏ thái độ đúng pháp luật và trong trật tự thì cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời và buộc lòng đáp ứng quyền cơ bản này."

"Nếu người dân bày tỏ thái độ đúng pháp luật" , đó là điều kiện tiên quyết cho sự phán xét cho phép biểu tình hay không, trước khi nói đến địa điểm nào được phép, năm tháng ngày giờ nào thích hợp, tổ chức gồm những ai, bao nhiêu người tham dự, biểu ngữ nào được chấp nhận, bài hát nào được phép đồng ca, khẩu hiệu nào được dùng, thậm chí áo quần, trang sức nào được và không được mặc, mang. Và cũng có thể phải trả thêm tiền gọi là bồi dưỡng cho công an, an ninh đang bủa vây, đi theo đoàn biểu tình làm phận sự giữ an ninh xã hội, khuyến cáo, tuyên truyền giáo dục quần chúng, theo dõi, ngăn chận những kẻ nào xúi giục làm sai Luật biểu tình, hay kẻ xấu trà trộn có ý đồ thù địch, lợi dụng v.v. Tóm lại là đoàn biểu tình phải tuân hành những điều khoản trong Luật biểu tình, như một đàn cừu theo đúng đường lối dẫn dắt của bầy chó theo lệnh chủ nhân ông nếu không muốn bị cắn nát thây bỏ lại trên cánh đồng trơ trọi được biểu hiện cụ thể là những nhà lao tù.

Điểu kiện "đúng pháp luật" dường như chỉ đúng trong một chế độ khi quyền dân chủ được tôn trọng, như một phản ảnh của luật pháp. Và chính điều kiện đó là con dao hai lưỡi trong một nước độc tôn, độc quyển, độc đảng trị. Vì không ai có thể lường trước được thế nào là "đúng pháp luật" trong khi những quyền hạn cơ bản khác của người dân bị hạn chế, cấm đoán tối đa, đến độ gần như triệt tiêu nếu cần, mà không một luật sư nào dám lên tiếng biện cáo cho họ dù trong Hiến pháp VN vẫn có ghi đầy đủ những quyền cơ bản đó.

Dường như Luật biểu tình chỉ là hình thức lập dị mà không tìm thấy trong những quốc gia dân chủ thực sự qua Hiến pháp đã viết, bởi vậy dân họ không cần thứ luật đó mà chỉ tuân thủ theo yêu cầu tối thiểu của luật pháp trong vấn đề an ninh và trật tự công cộng. Một nước nếu có quá nhiều luật lệ sẽ làm rối loạn xã hội hơn là giúp ích, vì chắc chắn sẽ có những điều khoản nghịch lý, dẫm lên nhau trong những luật khác. Luật cần thiết trừ khi nào có sự cần sắp đặt một hệ thống phức tạp trong số đông khó kiểm soát. Như vậy, có phải chăng điều lo ngại của nhà cầm quyển csvn là sự ý thức của số đông dân chúng mà họ khó có thể kiểm soát tư tưởng thầm kín của mỗi cá nhân trong một khối phức tạp từ công nhân, nông dân, đến cán bộ, bộ đội, đoàn đảng viên, trí thức v.v., trong mọi cấp bậc, chức vụ, thành phần ?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng đưa ra dự kiến nầy, có thể sau khi chứng kiến cuộc biểu tình đông đảo nhất (khoảng hơn 2.000 người) ở Sài Gòn chống Trung cộng qua sự xâm chiếm vùng biển Đông VN. Đó chính là nỗi lo, sợ hãi của đảng csvn khi nhìn lại chính phản ảnh của họ, mà hôm nay họ là đảng đang nắm quyền độc tôn không khác gì độc tài chuyên chế vốn luôn bị lên án trong lịch sử nhân loại nói chung, và chính họ cũng từng lên án qua giáo dục tuyên truyền trong xã hội.

Dù có Luật biểu tình hay không, chắc chắn một điều là người dân vẫn bị đàn áp dã man nếu đòi hỏi chút quyền dân chủ. Cái quyền dân chủ chỉ có được là phải tuân hành theo mọi chủ trương của đảng dù bất ký là gì; ngay cả sự chiếm giữ, cướp đất của dân. Và nếu căn cứ vào Luật biểu tình, mọi người phải đồng lòng theo chính sách của đảng, phải tham gia biểu tình khi được nhà cầm quyền csvn phát động dù đó là những cuộc biểu tình chống lại đám dân bị mất đất, bị giết oan bởi những hành động dã man, côn đồ của chế độ công an trị v.v... , hay đồng thuận ủng hộ nhà cầm quyền trong việc cắt đất, dâng biển đảo cho Trung cộng hay chủ trương Hán hóa toàn dân tộc Việt. Nhưng trước con mắt quốc tế, csvn dễ dàng đưa những hình ảnh gọi là cuộc biểu tình tự phát của đa số người dân VN ủng hộ chính quyền cs để che lấp những sự kiện thối tha trong xã hội. Nhờ vào Luật biểu tình, mọi hành động nhằm thỏa mãn theo ý muốn cưỡng đoạt, đàn áp của chính quyền địa phương, hay cá nhân lãnh đạo nào đó, cũng được bao phủ, xoá bỏ một cách êm đẹp, hợp lý hợp pháp. Vì đó được gọi là tiếng nói chính thức của đa số nhân dân luôn ủng hộ nhà cầm quyền, và được tận dụng một cách khôn khéo mà không ai có thể chối bỏ hay nghi ngờ; ngược lại chính những người dám kêu oan là bọn phản động cố tình vu khống chế độ theo sự xúi giục của những kẻ xấu, thù địch hồng phá chế độ dân chủ hoàn hảo qua Luật biểu tình.

Xin trở lại hai tháng trước về cuộc biểu tình Chiếm Lĩnh Wall Street làm chấn động thế giới, phát khởi từ thành phố nổi tiếng về dịch vụ mua bán cổ phiếu quốc tế, Nữu Ước (New York), ở Hoa Kỳ, bắt đầu từ khoảng tháng 9/2011, mà theo bài viết "Mỹ: Các địa điểm biểu tình bắt nguồn từ phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street", 15/11/2011, voanews.com, cho biết như sau:

"Phong trào Chiếm Lĩnh Wall Street bắt đầu tại New York vào tháng 9 được xem là một tổ chức lỏng lẻo chống lại sự tham lam của những công ty, sự bất bình đẳng kinh tế và thất nghiệp cao. Phong trào mau chóng tăng sức mạnh và lan đến những thành phố khác trên toàn nước Mỹ cũng như những quốc gia khác."

Đây là một cuộc biểu tình mạnh mẽ, lan rộng cả nước Hoa Kỳ, ngay cả những quốc gia khác như Ba Lan, Pháp, Anh, Ý, Hy Lạp, v.v. , tuy thực chất chỉ là một tổ chức lỏng lẻo nhưng được đa số người dân bình thường hưởng ứng nhằm chống lại sự tham lợi của những công ty nguyên là ở trong nước - điển hình là trường hợp ở Hoa Kỳ - sau đó di chuyển ra nước ngoài như Mễ Tây Cơ (Mexico), Trung cộng, nơi giá công nhân rẻ mạt, khiến kinh tế trong nước bị chấn động mạnh vì sự sản xuất bị chậm lại hay hãng xưởng khác trong nước bị phá sản qua sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường quốc tế như hiện nay, từ đó sinh ra nạn thất nghiệp khá trầm trọng và kéo theo những ảnh hưởng xã hội khác. (Xin mở ngoắc thêm về "sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường quốc tế" là đa số những hãng xưởng sản xuất hàng xuất khẩu của Trung cộng được chính quyền của họ hỗ trợ để phá giá thị trường xuống mức thấp nhất trong sự cạnh tranh mậu dịch thế giới).

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình nầy hoàn toàn không liên hệ với hay là bước thắng lợi nào của chủ nghĩa cộng sản trong cuộc nổi dậy đấu tranh giai cấp như được Trung cộng tuyên truyền trong dân họ; phát động biểu ngữ đầy vỉa hè, công viên; viết bài ủng hộ những cuộc biểu tình đó. Ngay cả đảng csvn cũng mừng hụt vì ngỡ là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản đang tự nhiên bùng nổ khắp thế giới, mà không cần phải xâm chiếm. Tuy nhiên dù đã hơn nửa thế kỷ rồi mà đảng cứ quá độ mãi mà vẫn chưa lên được bước nào, không những vậy mà còn bước lui theo dấu chân đế quốc Mỹ, Châu Âu, như Trung cộng đã từng lui xa tít trước rồi mới được sống còn đến hôm nay (Xin mở ngoặc thêm về danh từ "quá độ" nầy dường như là một danh từ biến thái từ chữ "hoá độ" trong Phật giáo, có nghĩa là "giáo hoá và đem đến sự cứu độ; hướng dẫn và khuyến khích, chuyển hoá đưa đến giải thoát", theo rongmotamhon.net. Như vậy có nghĩa là toàn dân sẽ được chuyển hóa đưa đến giải thoát (chết) để lên thiên đàng chủ nghĩa xã hội !). Điều nầy được tác giả Nguyễn Giang trong bài viết  "Cẩm nang biểu tình' giữa thời Bức Xúc", 15/11/2011, bbc.co.uk, đã có nhận định về những phong trào biểu tình trong xã hội khắp nơi trên thế giới, điển hình là sự Chiếm Lĩnh Wall Street, như sau:

"Tùy vào tình hình mỗi nơi mà phong trào này mang hình thái khác nhau nhưng yếu tố chung là bất bình với tầng lớp trên

"… Dù một số nơi người ta nêu khẩu hiệu 'Cách mạng' nhưng có vẻ đây không phải là phong trào như quốc tế cộng sản ngày trước với một Comintern (Quốc tế cộng sản) từ Kremlin chỉ đạo."

Thực tế, đó là những phản kháng có tính cách dân chủ ở những quốc gia tự do trước tình hình kinh tế suy sụp mà nguyên nhân chính là do sự phát triển kinh tế quá đà của Trung cộng sau khi Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đỗ xô vào Trung cộng khai thác tiềm năng của lực lượng lao động thất nghiệp, dư thừa đang sẵn sàng làm việc với giá rẻ nhất để sản xuất ào ạt và tung sản phẩm với giá thành thấp nhất trở lại nước họ, và trên hơn tỉ người tiêu dùng ở Trung cộng.

Những người biểu tình đã tỏ thái độ chống đối mãnh liết đối với tầng lớp giàu có đang nắm giữ kinh tế quốc gia nhưng quá tham lợi trước mắt, đem hãng xưởng qua Trung cộng tạo nên rối loạn kinh tế trong nước và cuối cùng là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện trên thế giới do hàng loạt hàng hóa từ Trung cộng, phá giá thị trường chung. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế vượt quá mức bình thường của Trung cộng dường như là một biến chứng như nếu dùng quá liều thuốc tăng trưởng bắp thịt, chắc chắn sẽ những có hậu quả khôn lường dẫn đến cái chết hay tê liệt một phần lớn cơ mạch mà được biểu hiện qua nền kinh tế Trung cộng.

Đó là những áp lực của người dân đặt lên chính quyền, với đòi hỏi thái độ, trách nhiệm, và hành động của chính phủ phải giải quyết cấp thời để đối kháng với sự xâm chiếm thị trường bởi hàng hóa Trung cộng. Và nhất là phải có sự kiểm tra gắt gao hơn đối với những sản phẩm giá rẻ đó nhưng mang đầy độc tố, nguy hiểm cho mọi người. Những người biểu tình đó không hô to khẩu hiệu hay trương biểu ngữ ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, và dĩ nhiên là không phải cuộc tập họp toàn dân, kéo nhau với cờ xí đi ủng hộ mấy chính sách của đảng như ở VN. Hình thức biểu tình ở những quốc gia tiên tiến, có đời sống cao hơn những nước Á Châu, Phi Châu, Trung Đông, là sự phản ảnh xã hội một cách trung thực qua sự đòi hỏi của người dân đối với chính phủ. Họ đang thực thi quyền dân chủ cơ bản nhất! Có thể chắc chắn một điều là họ không có và không cần thứ luật gọi là Luật biểu tình như trong những nước thuộc khối cộng sản chuyên chế. Mà có lẽ, ngay cả Đại biểu Phước và một số Đại biểu, hay đảng viên csvn khác, cũng không hiểu được ý nghĩa của những cuộc biểu tình Chiếm Lĩnh Wall Street nầy vì trong mắt họ chỉ thấy toàn là bạo loạn, dám thách thức chống lại cả cảnh sát.

Hãy tưởng tượng một đoàn biểu tình đầy cờ xí, biểu ngữ, loa phóng thanh, rộn rịp hàng người nối đuôi nhau kéo dài trong hàng lối được vạch sẵn, với những gương mặt tươi cười hớn hở như đang đi theo đoàn du lịch tham quan thành phố, và đây đó là vòng canh giữ của công an, an ninh đủ mỗi loại (chìm, nổi, hay lơ lửng - vì bị vạch mặt ra trước đó) ra chỉ thị, khuyến cáo người biểu tình chỉ được đi trong hai lằn vạch vàng được kẻ riêng; ngấm ngầm dọ mắt xem có kẻ nào hô khẩu hiệu sai hay trương nhầm biểu ngữ v.v... Những hình ảnh rất là "ngăn nắp và nề nếp" của cuộc biểu tình như trên được cộng sản luôn ca ngợi là văn minh, dân chủ nếu được thế giới nhìn vào, chắc sẽ bò lăn ra cười vì thán phục. Vì những hình ảnh đó không nói lên được sự biểu lộ cảm xúc nào của người dân, ngoài những gương mặt mệt mõi, mất hết sức mà trước đó luôn hớn hở, tươi cười, vì phải gào to những câu khẩu hiệu được viết sẵn. Đó là thành quả qua kết quả của Luật biểu tình mà Dương Trung Quốc đã mạnh dạn đứng lên hưởng ứng theo dự kiến của Thử tướng Nguyễn Tấn Dũng (?).

Biểu tình không phải chỉ là một hình thức phản ảnh của xã hội trong nước, nó còn được ứng dụng trong sự bày tỏ tư tưởng, cảm xúc của một cộng đồng đối với một cộng đồng khác hay chế độ của một nước khác. Như trường hợp của dân Việt ở hải ngoại, biểu tình chống Trung cộng vừa qua, hay đả kích sự có mặt của những lãnh đạo csvn đang thăm viếng nước ngoài v.v. , thì dĩ nhiên những cuộc tập trung đông đảo đó phải được thông báo trước cho cơ quan chính phủ ở nước đó trong sự phối hợp gìn giữ trật tự công cộng để tránh bị xâm phạm đến quyền cá nhân của người khác. Một lần nữa, có thể khẳng định rằng đó không phải là cái gọi là Luật biểu tình.

Luật theo định nghĩa của vdict.com là: "Điều nêu lên cho mọi người theo để làm đúng những qui ước đã được công nhận". Và thử trích dẫn vài định nghĩa về chữ "luật" theo thefreedictionary.com như sau:

"1. (Law) a rule or set of rules, enforceable by the courts, regulating the government of a state, the relationship between the organs of government and the subjects of the state, and the relationship or conduct of subjects towards each other.

2. (Law) a. the condition and control enforced by such rules."

(Tạm dịch: 1. (Luật) một quy tắc hoặc một sự thiết lập những quy tắc, được thực thi bởi các tòa án, tạo nên quy định quản lý của một nước, cho mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ và những đối tượng của nhà nước, và mối quan hệ hoặc cách hành xử của các đối tượng với nhau.
 2. (Luật) a. điều kiện và sự kiểm soát thực thi bởi những quy định như thế)

Cho thấy rằng luật là một sự quy ước, quy định trong điều kiện và sự kiểm soát của chính quyền. Như vậy, Luật biểu tình phải nằm trong điều kiện và sự kiểm soát của csvn. Thí dụ, có nhóm người xin được biểu tình chống Trung cộng xâm chiếm quần đảo, vùng biển VN, nhưng nhà cầm quyền csvn không chấp nhận vì cớ "bang giao trong hợp tác để phát triển" với Trung cộng. Chiếu theo Luật biểu tình là phạm pháp nếu họ biểu tình.

Xét ra, chúng ta, những người dân VN chưa bao giờ được tôn trọng những quyền cơ bản cá nhân, hãy tự nghĩ lại xem có cần có cái Luật biểu tình không. Và cái luật đó có ban cho người dân chút quyền dân chủ để bày tỏ cảm xúc hay không? Hay đó là cái bẫy sập sẵn sàng chụp xuống bất kỳ ai một cách hợp pháp, và theo đúng Hiến pháp ban hành về quyền công dân ? Vì chỉ có như vậy, VN mới được thế giới nhìn nhận là một nước có đầy đủ dân chủ, tự do; người dân đều ấm no, hạnh phúc, không ai thích biểu tình chống đối gì cả; ngoài những cuộc biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn mọi chính sách của đảng csvn ưu việt đưa ra. Một kiệt tác qua bức tranh dân chủ hoàn hảo mà không một nước văn minh nào trên thế giới có thể sánh kịp với những hình ảnh của "một đàn trừu con ngoan ngoãn theo bầy chó, tìm cỏ ăn".

Có phải chăng những cuộc biểu tình tự phát của dân chúng chống Trung cộng vừa qua ở VN, đã tạo nên sự chấn động ngầm nào đó cho ngòi nổ tự thiêu của chàng Mohamed Bouazizi ở Tunisia bùng cháy mở đầu cho những cuộc cách mạng Hoa Lài ở vùng Bắc Phi? Cũng như trước đó, có phải chăng cuộc biểu tình của nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự do, Nguyển Văn Hải, tức Điếu Cày, chống Trung cộng mượn đường xuyên qua VN để cổ võ cho Olympic của họ, và sự chiếm đoạt Hoàng Sa ngang nhiên của họ, là những làn sóng nhỏ nhưng đã thúc đẩy triều sóng khác dấy lên một cuộc biểu tình hơn 2.000 người ở Sài Gòn trong loạt biểu tình chống Trung cộng về sau ? Chúng ta, những người VN, trong và ngoài nước, tất nhiên rất hãnh diện qua những diễn biến đó mà bằng chứng của sự thành công là đã phát khởi lên những cuộc biểu tình khác của những cộng động người Việt trên toàn thế giới, qua nhiều lần theo triều sóng trong nước. Nếu Luật biểu tình được ban hành, liệu chúng ta còn cảm thấy những hãnh diện đó nữa không?



__________________________________________________________

Phụ Chú:

1. Trong bài viết  "Cẩm nang biểu tình' giữa thời Bức Xúc" của tác giả Nguyễn Giang, có giới thiệu một tác phẩm tiểu luận bán chạy nhất nước Pháp là "Indignez Vous" (được dịch sang tiếng Anh, vào tháng 10/ 2010, với đề tựa Time of Outrage = Thời Kỳ Phản Kháng) của tác giả Stéphane Frédéric Hessel, người mang hai dòng máu Đức và Do Thái, đã từng là nhà Chính khách, Đai sứ, là kẻ sống soát trong trại tập trung Đức, cũng là chiến sĩ trong lực lượng Phản công của Pháp trong Đệ nhị thế chiến. Stéphane Frédéric Hessel qua những kinh nghiệm cá nhân đã viết nên tác phẩm tiểu luận trên, được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã bán hơn 3,5 triệu ấn bản, và nó là cuốn Cẩm nang Biểu tình nhằm kêu gọi người dân xuống đường để lên tiếng đòi hỏi các quyền cơ bản của công dân trong xã hội trên khắp thế giới. Tác phẩm tiểu luận đó được phát tán rộng rãi theo sự đồng ý của tác giả, và có thể lấy xuống từ đường link: Indignez Vous (trong trang mạng, xin kéo xuống một đoạn ngắn; bên phải có khung đen với dòng chữ " MY SHARE… box"; bấm hai lần vào toàn bài tiểu luận ở phần trên cùng; kế tiếp bấm chữ "download".  Nếu ai có nhu cầu xem bảng tiếng Việt xin cho biết để dịch lại sau)

2. Xin nhắc nhỡ là những dòng chữ màu xanh có lằn gạch bên dưới là những đường dẫn (link) chứng minh cho bài viết trên trang mạng khác. Ngoài ra đường gạch màu đen, không phải là đường dẫn.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo