“Của quý” của đảng - Dân Làm Báo

“Của quý” của đảng

Minh Thái (Dân Luận) - Bầu quốc hội khoá 12 (năm 2006) có tới 300 người tự ứng cử. Đây là con số cao chưa từng thấy. Đã chán ngán suốt 40 năm vì trò hề “đảng cử, dân bầu”, nay ai cũng hy vọng dân chủ sẽ mở rộng. Nhoáng cái, chẳng hiểu đảng hoá phép thế nào mà trong danh sách chỉ còn 30 vị tự ứng cử. Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo. Câu trứ danh của Nam Cao lại được dịp sử dụng. Rốt cuộc, chỉ có nhõn một vị trúng cử. Đó là bác sĩ Nguyễn Minh Hồng. Mọi chú ý đổ dồn vào nhân vật này. Nhiều người hy vọng ông Nguyễn Minh Hồng sẽ là ông Nguyễn Minh Thuyết thứ hai.

Câu chuyện tiếu lâm 90% người tự ứng cử bị “tuột” khỏi danh sách là vết nhọ lớn trên bộ mặt dân chủ giả danh. Nếu không ai trong số này trúng cử thì không những cái mặt là nhọ nhem nữa, mà là nhơ nhuốc. Bởi vậy ông Nguyễn Minh Hồng trở thành “của quý” – của cả dân lẫn đảng. Càng quý, vì ông không phải là đảng viên.

Sự phấn đấu kinh người

Danh thiếp ông in ra và phân phát khắp nơi cho thấy ông Hồng phấn đấu rất khiếp. Ngay dưới tên mình, ông nêu một hàng ngang các danh hiệu: TIẾN SỸ - BÁC SỸ - NHÀ VĂN. Dưới nữa, xếp hàng dọc là 5 chức vụ đồ sộ mà mỗi cái “gạch đầu dòng” được ông thay bằng một biểu tượng đầy mầu sắc.


Có hai chức vụ đúng với nghề mà ông được đào tạo: 1) bác sĩ, giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam và 2) giám độc bệnh viện đa khoa tư nhân. Những người gần gũi cho biết bản thân ông là chuyên gia chữa hôi nách và rắc rối dương vật. Với thành tích mà Vietnamnet đã nêu, ai chẳng tưởng một ngày của ông phải dài tới 48 giờ để ông có thể làm hết việc ở hai chức vụ nói trên. Ấy thế mà ông vẫn phấn đấu để có cả bằng tiến sỹ. Không thể không kinh ngạc khi biết đây không phải bằng về y học mà là về tâm lý học. Kinh chưa? Gián tiếp, chúng ta cần hiểu rằng tất nhiên ông phải kiếm được cái bằng cử nhân tâm lý học (cho hợp lệ) trước khi nộp luận án tiến sĩ chuyên ngành tâm lý.

Có người nêu thắc mắc: Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Hồng có phải là Tiến sĩ? Thì đây, ngoài danh thiếp, trang web của quốc hội cũng khẳng định ông là tiến sĩ.

Chưa hết, ông còn vào Hội Nhà Văn. Để trả ơn Hội đã kết nạp, ông đề xuất dự luật Nhà Văn trước quốc hội khoá 13 và nhờ vậy ông càng nổi tiếng.

Trúng cử khoá 13: Càng là “của quý”

Nhiệm kỳ khoá 12, ông Hồng rất tích cực phát biểu ở hội trường (tới 4 lần lận). Nhiều đại biểu không phát biểu lần nào, hoặc do không biết phát biểu gì, hoặc do không được chỉ định. Còn ông, cứ như ông được đảng chỉ định phát biểu. Xin cứ đọc cách thức và nội dung phát biểu của ông thì rõ. Chính nhờ cách thức và nội dung phát biểu của ông khiến ông vẫn được đưa vào danh sách tự ứng cử khoá sau (mặc dù khoá này đảng chỉ để 15 người trong danh sách – bằng 50% khoá trước).

Tìm hiểu vai trò (kể cả vai trò “phá thối” – như cụ Tô Hải đặt cho ông)

Đã có nhiều bài tìm hiểu hoạt động của ông Hồng với tư cách nhà văn, tiến sĩ và đại biểu quốc hội. Bài này chỉ là một bổ sung nhỏ.

- Là nhà văn (có thẻ hội viên hẳn hoi) ông viết hơi bị ít. Hay là ông chỉ dùng bút hiệu? Thôi, kính mời bạn đọc hãy coi văn phong của nhà văn Nguyễn Minh Hồng khi ông soạn thảo văn bản phát biểu trước toàn thể quốc hội.

- Là tiến sỹ, nhiệm vụ số 1 (và cả đời) của ông là sản xuất các công trình nghiên cứu và đăng tải ở sách báo khoa học (chuyên ngành Tâm Lý Học). Nhưng tìm mỏi mắt vẫn chỉ thấy một “số không” to tướng. Chả lẽ một đại biểu quốc hội lại không hiểu rằng ai vỗ ngực nhận là phi công thì thành tích duy nhất phải là số giờ bay. Còn nhà văn, phải được đánh giá bằng chất và lượng của tác phẩm? Do vậy, nếu càng nhiều tiến sĩ nghèo công trình (như ông) thì đất nước này càng… bỏ mẹ. Hiện nay, trong quốc hội, chính phủ và tư pháp đang nhan nhản loại tiến sỹ này. Bỏ mẹ thằng dân chưa?

- Là đại biểu quốc hội, qua những phát biểu, ông rất được lòng đảng. Ví dụ, nhiều đại biểu quốc hội khoá này đề xuất những dự luật mới. Lo nhất, nếu đó là những luật về quyền của dân. Ông cứu đảng bằng cách đề xuất “luật nhà văn” - để cái luật tào lao này choán chỗ những luật cấp thiết khác. Những tưởng, vai trò “của quý” của ông càng thêm lớn. Nhưng nay, nó đã lớn tới mức khiến đảng khó chịu.

Minh Thái



Phát biểu của ĐB Nguyễn Minh Hồng trong phiên thảo luận ở hội trường về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 15/6/2010

Kính thưa Quốc hội,

Việc quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đó là việc bắt buộc phải làm vì đất nước ta theo quy luật tiến lên phải có Thủ đô đàng hoàng, to đẹp hơn, đồng thời đây là thực hiện lời của Cha già dân tộc dạy phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Vậy không có lý gì những người con lại sợ không dám xây, không dám làm, nên ta phải làm. Đó là vấn đề thứ nhất chúng tôi thấy như thế.

Thứ hai, để thực hiện được Thủ đô Hà Nội theo lời Bác dạy cũng rất khó, khó thứ nhất là làm thế nào để mở rộng được Thủ đô Hà Nội, giai đoạn đó Quốc hội thừa biết rằng có nhiều ý kiến đồng ý, nhưng cũng có những ý kiến không tán thành. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư Đảng và được sự đồng tình ung hộ của nhân dân, Quốc hội đã thống nhất mở rộng địa giới Hà Nội. Sau đó theo dõi thấy nhân dân rất đồng thuận, mọi người cũng rất đồng thuận, có nhà văn nói với tôi: "Bây giờ cảm thấy nhà mình to hơn, rộng hơn, thoáng hơn mặc dù vẫn ở trong căn nhà như cũ" Tôi thấy hình ảnh đó cũng đúng, bản thân tôi cũng cảm thấy mình đang ở trong căn nhà rộng hơn trước mặc dù vẫn là căn nhà cũ.

Tiếp theo, cái khó thứ nhất chúng ta đã vượt qua, khó thứ hai chúng ta phải vượt qua đó là qui hoạch. Cách đây từ khi vào đại biểu Quốc hội đến bây giờ tôi đã 4 lần phát biểu ở trước Quốc hội nói về vấn đề là phải có qui hoạch, mà lo nhất của chúng tôi là trước tôi có phát biểu tôi lo nhất là Hà Nội không có qui hoạch, đầu tiên tôi định dùng danh từ "manh mún" nhưng sau thấy nói thế không tiện tôi bảo sợ là không đẹp, nhưng thực tế nếu mà Hà Nội chúng ta không có qui hoạch tốt thì sẽ trở thành sau này con cháu chúng ta phải làm lại, phải đập phá đi và xây dựng lại chắc chắn là nếu chúng ta bây giờ không làm tốt.

Vậy thì để có qui hoạch vừa qua chúng tôi thấy có nhiều đại biểu cũng chưa nhất trí với nhau, có đại biểu bảo là cần có trục Thăng Long, có đại biểu bảo không cần, có đại biểu nói về vành đai xanh như thế nào, thủ đô hành chính ra làm sao, tôi đề nghị như thế này:

Thứ nhất, đây mới ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội là những người giơ tay biểu quyết ấn nút để quyết định, nhưng cũng chưa phải những chuyên gia để có thể giải đáp được những câu hỏi về qui hoạch, cho nên theo tôi đề nghị Chính phủ phải tập họp tất cả những chuyên gia giỏi của đất nước này để mà làm chuẩn thêm qui hoạch cho tốt hơn nữa, để đỡ bàn cãi hơn và được sự đồng thuận của nhân dân hơn. Bởi vì sao? vì ta nói là qui hoạch Thủ đô Hà Nội nhưng mà theo tôi nghĩ không nên dùng danh từ thủ đô mà thêm từ Hà Nội bảo: đây là qui hoạch thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho nên cần phải có một tập hợp rất nhiều nhà tài giỏi về văn học, về lịch sử, về địa chất, về xây dựng của cả nước, cả trong Nam, ngoài Bắc tập hợp lại và do một đồng chí, tối thiểu là Thứ trưởng đứng ra lãnh đạo quy hoạch đó, làm lại thật chuẩn, thật đẹp, thật tốt để sau này con cháu ta không phải làm lại.

Thứ hai, quy hoạch phải chi tiết, nếu chúng ta chỉ quy hoạch chung chung thì rất khó, cho nên phải quy hoạch chi tiết đến từng vùng, từng phường, từng quận, từng xã, quy hoạch về tất cả, phải làm quy hoạch như thế thì chúng ta làm mới tốt được.

Thứ ba, quy hoạch là phải thống nhất, ta không được làm lại thì thôi, nhưng ta được làm lại thì làm cho thống nhất. Kiểu nhà thế nào, ví dụ như kiểu nhà ở quận Long Biên như thế nào, của quận Hoàn Kiếm như thế nào, của nội đô hay ngoại đô như thế nào, ta thống nhất trước, sau đó ta có chi tiết mẫu để chúng ta làm, cố gắng như thế là tốt nhất thì thủ đô mới đẹp được.

Thứ tư, phải thông qua quy hoạch, tại sao phải thông qua quy hoạch. Bởi vì, từ trước tới nay, chúng tôi thấy mỗi khi xây nhà, mua mảnh đất, làm việc gì cũng phải chạy lên kiến trúc sư, công trình sư để tìm mọi cách thăm dò đất đó mình có mua được không, đất đó có đường đi qua không, đất đó có thế này, thế nọ không. Tất cả các nhà đầu tư đều mong muốn như thế, cho nên, theo tôi nghĩ khi có quy hoạch chi tiết rồi công khai bằng văn bản, bằng xuất bản những cuốn sách từng trang một. Ví dụ phường Điện Biên quy hoạch như thế nào, có trang phường Điện Biên để người dân biết nếu không mấy đồng chí, mấy vị làm quy hoạch ở trên đó là giàu to. Bởi vì, tất cả mọi người đều cần các đồng chí đó, các vị đó để mua các bản quy hoạch hoặc làm thế nào để biết chỗ đó như thế nào. Cố gắng làm thế nào công khai để cho nhân dân được biết quy hoạch của thành phố, từng phường, từng xóm, cả thủ đô như thế nào để biết, chúng tôi thấy chưa có đại biểu nào nêu đến, nhưng theo tôi nghĩ đại biểu Đào cũng nói láng láng qua rồi. Theo tôi nghĩ cũng phải chống tham nhũng trong chỗ này. Bởi vì nếu chúng ta không chống tham nhũng thì sẽ có những người làm quy hoạch, nếu ai không làm cái đó mà không có như thế thì tôi xin lỗi, nhưng sẽ có những người làm quy hoạch bán các quy hoạch đó cho những nhà đầu tư và những nhà đầu tư sẽ mua các quy hoạch đó để làm giàu, để phát triển thì cái đó là phải chống tham nhũng, chứ không thì cũng rất gay go cho vấn đề chống tham nhũng của ta.

Còn bước thứ ba là bước rất đơn giản là thực hiện thì có đại biểu nói rằng ta không có tiền, nhưng tôi nghĩ rất dễ. Vì sao? Vì Nhà nước có chỉ có 2 phần làm, một phần của Nhà nước sau khi có quy hoạch rồi thì Nhà nước sẽ làm cầu, đường, trường, trạm v.v... những công trình công cộng là Nhà nước làm. Còn những cái của nhân dân làm thì rất dễ, báo cáo quý vị sau khi có quy hoạch chuẩn từ phường trở lên thì không cần 10 năm, 20 năm, 5 năm sau vẫn phải làm hết, làm đúng theo quy hoạch và làm rất đẹp thì các vị cứ ra nước ngoài một thời gian quay về sẽ thấy nó khác ngay. Cho nên, theo tôi thấy vấn đề đó cũng rất dễ.

Mấy ý kiến nhỏ của tôi như vậy, tôi cũng xin báo cáo và cảm ơn Quốc hội. Xin hết.


Nguồn: Đại biểu Quốc Hội

Phát biểu của ĐB Nguyễn Minh Hồng về quyết toán NSNN năm 2008
http://daibieuquochoi.vietnamnet.vn/content.aspx?id=1266
Phát biểu của ĐB Nguyễn Minh Hồng về giáo dục đại học
http://daibieuquochoi.vietnamnet.vn/content.aspx?id=1270
Phát biểu của ĐB Nguyễn Minh Hồng về dự thảo Luật nuôi con nuôi
http://daibieuquochoi.vietnamnet.vn/content.aspx?id=1131

Vô số giấy khen

Thông tin đại biểu Nguyễn Minh Hồng

Sinh năm 1944
Trình độ học vấn: Bác sĩ y khoa, tiến sĩ tâm lý học, nhà văn
Nghề nghiệp hiện nay: GĐ trung tâm NC và ƯD các tiến bộ y học trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam;
- Ủy viên Ủy ban TW MTTQ tỉnh Nghệ An;
- Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
- 1978: Tốt nghiệp ĐH Quân y
- 1978 - 1989: Bác sĩ Quân đội
- 1989: Giám đốc TT khám chữa bệnh theo yêu cầu 28 Điện Biên Phủ Hà Nội - Hiện nay gọi là TT Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam.
- Ủy viên TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
- Phó Chủ tịch Hội nghị sĩ sức khỏe của Quốc hội.
- GĐ Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Minh Hồng - TP Vinh, Nghệ An.
- Uỷ viên BCH Hội khuyến học tỉnh Nghệ An.
- Chủ tịch Hội các doanh nghiệp Nghệ An tại Hà Nội.

Nguồn: Đại biểu Quốc Hội


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo