Tuanddk - Trong cuốn "Đêm trước đổi mới", có một ví dụ về việc "thu mua" của nhà nước: Năm 1978 giá thành 1m2 vải calicot sản xuất tại xưởng của Công ty Dệt Thành Công là 1,5 đồng. Tuy nhiên, mét vải đó phải bán cho Nhà nước với giá 1,2đ/m2. Đây là thời kỳ dân gian có thơ "Bắt phanh trần phải phanh trần/Cho may ô mới được phần may ô". Người dân có gì cũng phải bán cho Nhà Nước, với giá do Nhà nước ấn định, trong khi muốn mua gì thì chỉ được mua theo tiêu chuẩn, theo kế hoạch phân phối. Ông Trần Đức Nguyên, nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng từ “thu mua” (vừa thu vừa mua) được hình thành từ thực tế này.
Ngày 23-11, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thương mại và Chế tác Vàng Ngọc Long số tiền 100 triệu đồng, tịch thu số ngoại tệ 12.195 USD đồng thời yêu cầu GĐ DN này phải bán 10.000 USD cho một tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ. Căn cứ xử phạt là nghị định 95 vừa được ban hành và có hiệu lực ngay trong ngày 20-11. Cùng với Ngọc Long, còn có một DN tư nhân khác bị phạt, bị buộc phải bán lại ngoại tệ và đại học FPT bị xử phạt 500 triệu đồng do niêm yết học phí bằng USD.
Có thể nói, nghị định 95 là văn bản quy phạm được thực hiện nhanh nhất từ trước đến nay.
Thế là từ nay, những người dân có USD muốn bán, cũng chỉ có thể bán cho Nhà nước, với tỷ giá do nhà nước ấn định. Quy định của nhà nước rất rõ ràng, rằng: Nếu bị phát hiện bán USD cho tiệm không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, người vi phạm sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng và tịch thu tang vật.
Thực ra việc cấm mua bán, giao dịch bằng USD đã có từ lâu, nhưng với quy định xử phạt, tịch thu "tang vật" rất mạnh tay, Chính phủ cho thấy sự quyết liệt của mình, hoặc trong việc chống đô la hóa nền kinh tế, hoặc trong việc tăng dự trữ ngoại tệ. Tất nhiên, sẽ không có những hoạt cảnh ấu trĩ "Chỉ vài cây số đã có tới cả chục trạm kiểm soát" như thời bao cấp, nhưng các vụ bắt giữ và xử lý cũng không phải là nhỏ. Trả lời Tuổi trẻ, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, Nguyễn Hoàng Minh cho biết chỉ riêng tại TP HCM, chỉ tính từ đầu năm 2011, đã có tới 54 vụ mua bán ngoại tệ trái phép, trong đó đã khởi tố hình sự 5 vụ và chuẩn bị khởi tố thêm 2 vụ nữa.
Nhưng liệu biện pháp ngăn sông cấm chợ này có giúp dự trữ ngoại tệ được nâng lên? Có dẹp được những cái chợ đen? Có làm giảm bớt tình trạng đô la hóa nền kinh tế?
Dự trữ ngoại tệ trong dân ước tính không hề ít hơn dự trữ ngoại tệ quốc gia. SGTT dẫn lời Kinh tế gia trưởng của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Martin Rama cho rằng: “Người dân Việt Nam đang nắm giữ hàng tỉ USD”. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì kể lại chuyện đã cùng phỏng đoán với Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa: "Chúng tôi giật mình khi thấy sai số là 9,7 tỉ USD. Con số này không thấy xuất hiện trong tài khoản ngân hàng. Tức là nó nằm trong túi người dân".
Còn chính ông Nghĩa cho biết: Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia đã kiểm tra tất cả các tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của dân cư, có người gửi ngân hàng tới 260 triệu USD (Sau này ông đính chính là 260 ngàn USD). Điều này cho thấy chúng ta không thiếu ngoại tệ nhưng dân chúng không đủ lòng tin để bán USD cho ngân hàng".
TS. Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), cũng cho biết NHNN ước tính lượng vàng trong dân tại Việt Nam hiện khoảng 300-500 tấn. giá trị tương đương 28 tỷ USD.
Ai cũng biết vàng trong ống bơ là vàng chết. Trong hoàn cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, chỉ vào khoảng 15 tỷ USD thì rõ ràng lượng vàng chết, lượng USD cất tủ là một khoản tiền lớn mà không một nhà nước nào không muốn đưa vào lưu thông.
Nhưng không thể "giữ hộ dân" bằng cách "thu mua" một chiều, bằng biện pháp kiểu ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp.
TS Vũ Đình Ánh, một quan chức của Bộ Tài chính từng nói: Nguyên nhân quan trọng nhất (của tình trạng đô la hóa nền kinh tế) là niềm tin vào đồng Việt Nam bị hạn chế bởi lạm phát quá cao... Đồng tiền phải thực hiện đủ các chức năng của nó: thứ nhất là thước đo giá trị, thứ hai là phương tiện thanh toán và thứ ba là phương tiện dự trữ. Nhìn ở cả 3 chức năng này, đồng tiền Việt Nam đều không thực hiện được chức năng của nó".
Cái gốc của việc tránh USD hóa, vàng hóa phải là niềm tin của nhân dân. Bởi nếu nhân dân không còn niềm tin vào đồng nội tệ, bị phá giá bởi lạm phát chẳng hạn, thì thay vì USD bị cấm, người dân sẽ chuyển sang Euro, Yên Nhật, thậm chí, Nhân dân tệ.
Không lẽ lúc đó lại cần những nghị định 96,97,98 để cấm mua bán Euro, Yên, Nhân dân tệ?