Nguyễn Duy Thành (danchimviet.info) - Nhân loại qua được giai đoạn hồng hoang để tấn tới thế giới ổn định
như ngày nay thì công lao đóng góp bởi các vĩ nhân của từng quốc gia
thật đáng ghi nhận. Nhưng hơn hẳn các bậc vĩ tài đã thấy, Ngô Đình Nhu đã để lại cho Việt
tộc của ông một tiến trình kiến quốc và giữ nước bằng sử liệu, mà hiếm
thấy ai đó trong thiên hạ có biệt tài tiên tri được trăm năm sau về số
phận của một quốc gia, như chính ông!
Tất cả hùng tâm đại chí và binh thao chính lược của nhà tư tưởng uyên bác này đã được cô đọng và đúc đặc trong đại chánh tác:
CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM
Trân trọng nhận xét rằng: Hôm nay, hay mai đây, cho dẫu Việt Nam
thuộc thể chế nào; các nguyên thủ quốc gia hùng tài vĩ lược đến đâu;
nhưng 2 lãnh vực quân sự và chính trị không trải qua thực nghiệm như
công trình nghiên cứu của Ngô tiên sinh, thì cái họa xâm lấn của người
Phương Bắc vẫn treo lơ lửng trên đầu dân tộc!
Hãy cùng nhau nghiệm kỹ suy sâu một đoạn nhận định của ông để chứng
minh sau 50 năm, Ngô Đình Nhu đã hóa người thiên cổ nhưng nỗi lo xa về
ngày vong quốc trong nhãn lực của ông đã vận vào mệnh nước hôm nay,
rằng:
«… Sự chia đôi lãnh thổ đã tạo thành hoàn cảnh cho sự chi phối và
sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau
gần một thế kỷ vắng mặt. (..) Các lãnh đạo miền Bắc, khi đặt mình vào
sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ
kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt
mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà còn đe dọa đến sự tồn tại của dân
tộc.
Sở dĩ tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam
chưa hình thành, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự
tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa
chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo
đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo
đảm lối thoát cho các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy
cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nay họ vẫn tiếp tục ý định xâm
chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng.
Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành
một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó,
tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự
do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho
miền Bắc, và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa..(..)»
Nhận định xưa, nay thành sự thật, hiện tình bi quan và e ngại là
chánh sự quốc gia đang trong vòng bế tắc, mà luận khảo của người xưa là
sinh lộ cứu quốc nhưng ít ai màng tưởng đến !
Ngộ từ ý trên, xin vịn vào một phần trong lý thuyết chính trị của
ông Ngô Đình Nhu, ngõ hầu trình ra vài điểm căn bản thực tế với tình
hình chính trị Việt Nam hiện nay. Mong may ra, ai đó cao kiến mà tìm ra
giải pháp để quê hương sớm được minh thời!
Vậy, tiền đề cùng nhau tham luận là:
XÁC QUYẾT QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ CỦA QUỐC GIA THEO ĐỊA LÝ CHÍNH TRỊ CỦA QUỐC GIA.
Rất
khác với quan niệm của các chính trị gia đương thời, về Trung Hoa, ông
Ngô Đình Nhu quả quyết kết luận bằng quá trình lịch sử của dân tộc, rất
khoa học và tâm lý, ông lý giải là:
«(..) Trong lịch sử bang giao giữa chúng ta và Trung Hoa, các
biến cố xảy ra đều do hai tâm lý đối chọi nhau. Từ năm 972, sau khi nhìn
nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất
một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa
đến, để thâu gồm phần đất mà Trung Hoa xem như là của họ.
(..) Ý cố định của Trung Hoa là đặt lại nền thống trị, và không
lúc nào Trung Hoa thỏa mãn với sự thần phục và triếu cống của chúng ta.
Ngay mà những lúc quân đội chúng ta hùng cường nhất, và chiến thắng quân
đội Trung Hoa, thì các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khôn ngoan tìm cách
thỏa thuận với Trung Hoa và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng
điều mà Trung Hoa muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều
cống. Trung Hoa suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại
mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất.(..)
Họa xâm lăng de dọa dân tộc chúng ta đến nỗi trở thành một ám ảnh
cho tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta, và do đó mà lịch sử ngoại
giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi tâm lý thuộc quốc..(..)
Và để đối phó lại, các nhà lãnh đạo chúng ta chỉ có 2 con đường, một là
thần phục Trung Hoa, hai là mở rộng bờ cõi về phía Nam (..)
Ảnh hưởng «Tâm Lý Thuộc Quốc» từ cổ sử kéo dài đến thời cận đại,
rồi tiếp nối tới thời hiện đại ngày nay, thì một cách nhìn khác của ông
Ngô Đình Nhu về đường lối - chủ trương, xa hơn là học thuyết Cộng Sản mà
bây giờ các nhà lãnh đạo Hà Nội vẫn cố bám với Trung Cộng, theo ông
Nhu thì:
«(..) Sự phát triển của một nước nhỏ như quốc gia Việt Nam,
không dễ trở thành một sự de dọa cho ai cả, và do đó, sẽ không tạo một
phản ứng thù nghịch nào có thể gây trở lực cho công cuộc phát triển của
chúng ta.(..) Trong khi đó, sự phát triển của một khối dân, như khối dân
Trung Cộng, tự nó sẽ là một sự de dọa cho tất cả thế giới, dầu mà các
nhà lãnh đạo Trung Cộng không có tham vọng như hiện nay. Và đương nhiên,
những phản ứng thù nghịch sinh ra khắp nơi và dựng lên vô số trở lực
cho công cuộc phát triển.(..) …Như vậy thì, sự gắn liền vận mạng của
Việt Nam với vận mạng của Trung cộng, trong giai đoạn phát triển hiện
nay, là một hành động di hại cho dân tộc.
(..) Nếu đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, thì không có một lý
nào có thể bênh vực được sự gắn liền vận mạng công cuộc phát triển của
chúng ta với vận mạng công cuộc phát triển của Trung Cộng. Chỉ có một sự
lệ thuộc về lý thuyết, mà thật ra Trung Cộng xem như là một phương
tiện, mới có thể mù quáng hy sinh quyền lợi của dân tộc Việt Nam cho
quyền lợi của dân tộc Trung Hoa. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng ý thức sung
mãn tâm lý đó ngày nay, cũng như Nga Sô ý thức sung mãn tâm lý đó trước
đây. Vì vậy cho nên, Trung Cộng nỗ lực khai thác lý thuyết Các Mác-Lê
nin quy tụ những người dễ bị ma lực cám dỗ, với mục đích cuối cùng là
hậu thuẫn cho công cuộc phát triển Hán Tộc (..)
Từ các luận điểm mà ông Ngô Đình Nhu đưa ra, chứng tỏ rằng với địa lý
sát nách Trung Hoa, thì quan điểm chính trị cũng như đường lối của đảng
cộng sản Việt Nam là nguồn gốc dẫn đến họa xâm lăng của người Phương
Bắc.
Như vậy để quốc gia tránh được ngoại xâm, và dân tộc được phát triển thì ý kiến của ông Ngô Đình Nhu như thế nào ?
Nếu dựa vào lý thuyết của ông và liên hệ thực tế tình hình hiện nay thì có thể khái quát chung bằng tiêu đề quan trọng là:
Ý THỨC NGOẠI XÂM VÀ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC
Trong sách sử hay đời sống thường nhật, người Việt thường tự hào là
một dân tộc anh dũng thắng giặc ngoại xâm phương Bắc. Có người lập luận
rằng, sở dĩ Việt Tộc viết nên được thiên anh hùng ca đó, là nhờ mọi
người nồng nàn yêu nước hay căm thù giặc cao độ. Cũng không ít người cho
là vì lẽ này, hay lý kia. Nhưng chẳng mấy ai đặt ra câu hỏi: Động lực
nào đã quy tụ được các yếu tố căn bản nói trên thành một mối cho công
cuộc chống ngoại xâm của dân tộc?
Vì vấn đề này, trong lý luận chính trị của mình, ông Ngô Đình Nhu xác định ngay:
« (..) Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính
yếu của các cường quốc xâm lăng (..) Đối với một quốc gia mà nền độc lập
bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhất, và điều kiện thiết
yếu nhất để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo
(..) »
Ngoài điều kiện thiết yếu nói trên, sau khi phân tích toàn bộ các
quốc gia có cùng hoàn cảnh, đặc biệt một số điểm yếu và mạnh trong dòng
sinh mệnh lịch sử Việt Nam, Ngô tiên sinh chỉ giáo thêm rằng:
«(..) Nền ngoại giao của chúng ta ấu trĩ nên, lúc hữu sự, không
đủ khả năng để bảo vệ chúng ta. Trong khi đó, đối với một quốc gia nhỏ,
lúc nào cũng bị họa xâm lăng đe dọa, thì ngoại giao là một trong các lợi
khí sắc bén và hữu hiệu để bảo vệ độc lập và lãnh thổ..(..)
Và rất bất ngờ, nhưng vô cùng cao thâm mà xưa nay ít có nhà sử học hay nghiên cứu nào đặt ra các câu hỏi như ông Ngô Đình Nhu:
(..) Nếu chính sách ngoại giao của chúng ta khoáng đạt hơn, tựa
trên những nguyên tắc khoáng đạt hơn(…) Một câu hỏi chúng ta không thể
tránh được: Chúng ta là một dân tộc ở sát bờ biển, nhưng sao nghệ thuật
vượt biển của chúng ta không phát triển được? (..)
Và ông nói một câu hết sức yếm thế mà lịch sử Việt Nam chưa ai từng nói hay và đúng như hiện trạng của quốc gia, rằng:
(..) Chúng ta đã bỏ hẳn cửa biển bao la đáng lý ra phải là cái cửa sống cho chúng ta..(..)
Là bậc trí giả khiêm hiền, ông Cố vấn nhẹ nhàng đặt câu hỏi như thế!
Nhưng thật nặng nề khi nhìn lại một chiều dài lịch sử của quê hương mãi
cứ quẩn quanh trong «bế quan tỏa cảng». Với 36 năm trôi qua, chiến
tranh kết thúc nhưng nền ngoại giao của đảng cộng sản Việt Nam cũng
không vượt ra ngoài «cái khung» của Triều Nguyễn. Đến tận bây giờ khi
tình hình như «nước nhảy lên bờ», thì giới cầm quyền Hà Nội mới cầu cứu
khắp nơi để mong Trung Cộng giảm thiểu áp lực; mà lẽ ra, cánh cửa ngoại
giao nên mở toang ra từ ngay ngày kết thúc cuộc chiến!
Nếu tình hình đã là như vậy, thì liệu rằng trong: CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM,
ông Ngô Đình Nhu có «quân sư» được gì cho hiện trạng chính trị này,
ngoài 2 yếu tố: Lãnh đạo+ Ngoại giao vừa nói trên?
Trả lời cho câu hỏi quan trọng này nếu dựa theo đề cương chính trị của ông, thì việc nhãn tiền phải làm là:
VIỆT NAM CẦN TÂY PHƯƠNG HÓA TOÀN DIỆN ĐỂ GIỮ NƯỚC
Nhận xét một cách khách quan thì giới đương quyền Việt Nam đang đi
theo lý thuyết chính trị của ông Ngô Đình Nhu. Nhưng họ đã làm sai!
Mà may thay, dân tộc Việt Nam sẽ vươn lên từ sự sai sót này!
Muốn biết điểm đặc biệt đáng chú ý đó thì liên hệ thực tế sẽ thấy
giới cầm quyền Hà Nội đang mua sắm khí cụ khắp nơi, và nhờ cậy nhiều
quốc gia đào tạo chuyên viên quân sự. Về lãnh vực này, 50 năm trước,
nhìn dòng lịch sử thế giới đi qua, ông Ngô Đình Nhu bàn rằng:
«(..) Chúng ta chiến bại vì vũ khí của chúng ta kém về độ tinh
xảo và quân đội chúng ta thua về tổ chức. Vậy, để chống lại địch thủ một
cách hiệu quả và lâm thời thắng địch thủ, chúng ta chỉ cần học, một là
kỹ thuật sử dụng vũ khí tối tân, hai là tổ chức quân đội theo Tây
phương. Với hai khí giới đó, chúng ta có thể hy vọng thắng địch để bảo
vệ được các tiêu chuẩn giá trị truyền thống của xã hội chúng ta. (..)
Như thế có nghĩa là chúng ta chỉ canh tân quân trang và cải tổ quân đội
là đủ. Mọi cơ cấu khác trong xã hội giữ nguyên vẹn. Đây gọi là sự Tây
phương hóa có giới hạn.(.. »
Nghĩa là, hiện nay đảng cộng sản Việt Nam bắt tay với Mỹ-Pháp- Ấn Độ
-Nhật-Nga v.v.. nhằm nhờ họ hiện đại hóa quân đội để bảo vệ đảng, cũng
như tìm mọi cách để «đối trọng» với áp lực của Bắc Kinh. Còn mọi khai
hóa và cải cách về xã hội với chính trị để nâng cao dân chủ cùng dân trí
cho toàn dân thì nhà nước vẫn muốn duy trì nguyên trạng.
Nhưng, với hình thức Tây phương hóa có giới hạn như thế sẽ đưa nhà
cầm quyền Việt Nam đến chỗ thất bại, có khi là sụp đổ chế độ. Bởi, kinh
nghiệm qua nghiên cứu thì ông Ngô Đình Nhu «lắc đầu», rồi nói rằng:
«(..) Muốn nuôi dưỡng một lực lượng quân sự đã được canh tân (..)
Và muốn gieo cho người chiến binh một sức mạnh tinh thần như người
chiến binh Tây phương, lại phải tạo cho họ hoàn cảnh xã hội tương tự,
nghĩa là phải cải tạo xã hội. Mà cải tạo xã hội thì phải thay thế các
giá trị tiêu chuẩn cũ, điều mà các lãnh đạo không dự định làm và cũng
không muốn làm, vì sở dĩ, các nhà lãnh đạo này chủ trương canh tân quân
đội là với mục đích bảo vệ các giá trị truyền thống cũ của xã hội
họ.(..) »
Với trường hợp của quân đội cộng sản Việt Nam hiện nay cũng nằm trong
hoàn cảnh nêu trên. Về mặt chủ quan, các lãnh đạo đảng tin rằng quân
đội và công an sẽ nhất quán «trung với đảng, hiếu với dân»! Nhưng nếu
xét theo lời bàn tiếp theo của Ngô tiên sinh thì sự tác động của khách
quan sẽ làm đảo lộn mọi vấn đề, mà theo kinh nghiệm khảo cứu thì ông Cố
vấn lý luận thêm:
«(..)
Sự canh tân quân đội lại đương nhiên mang đến một hậu quả khác mà các
nhà lãnh đạo cũng không ngờ. Những người muốn học về tổ chức quân đội
Tây phương, trước tiên phải học ngôn ngữ Tây phương. (..)
Nhưng khi đọc
được ngôn ngữ của Tây phương rồi, thì không làm thế nào cấm họ đọc các
sách khác của Tây phương trong nhiều lĩnh vực khác: Chính trị, văn hóa,
hay xã hội. Do đó, và vì đã sẵn trong đầu sự cảm phục chính đáng đối với
Tây phương trong lãnh vực quân sự, những người này tự nhiên nảy ra sự
cảm phục Tây phương trong lãnh vực xã hội, chính trị. (..) Như vậy, họ
tin rằng không thể nào có được một quân đội hùng mạnh theo mới, mà không
có một tổ chức xã hội và chính trị theo mới. Và chính những người này
sẽ biến thành những cái mầm của cuộc cách mạng chính trị và xã hội sau
này.(..).
(..) Nếu các nhà lãnh đạo lại dùng bạo quyền như đã xảy ra ở Ai
Cập và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu thế kỷ hai mươi, để hoặc là bãi bỏ công việc
theo mới hoặc là ngưng cuộc canh tân trong những giới hạn họ muốn, mặc
dù họ biết rằng hành động như vậy vẫn không cho phép họ bảo vệ các giá
trị tiêu chuẩn cũ, thì lực lượng cách mạng, lãnh đạo do những người hấp
thụ được, chẳng những kỹ thuật quân sự mới, mà lại thêm những tư tưởng
chính trị và xã hội mới, sẽ nổi lên lật đổ các nhà lãnh đạo này..(..) »
Xét theo lý luận chính trị của ông Ngô Đình Nhu, thì việc tân trang
quân đội của giới cầm quyền Việt Nam hiện nay đang chứa đựng một sự tiềm
ẩn về binh biến, hay nói theo cách lo sợ của đảng cộng sản Việt Nam, là
sớm hay muộn cũng sẽ có «diễn biến hòa bình», cũng có khi «bất hòa
bình»!
Và lý luận trên cũng chứng tỏ rằng, mỗi khi hệ thống cầm quyền quyết
định chính sách cải cách, thì việc cải cách đó phải toàn diện và sâu
rộng trên mọi lãnh vực, không thể và không thế nào thành công khi công
cuộc cải cách mang tính « nửa vời» như một số chính sách «đổi mới hay mở
cửa», mà nhà nước Việt cộng đã thực hiện nhưng không hiệu quả, trái
lại, mức độ thiệt hại vì phản ứng ngược lại mà hậu quả đó còn ảnh hưởng
tới ngày nay trên một số phương diện kinh tế, chính trị và an ninh của
quốc gia cũng như tình tự dân tộc!
Do vậy, có thể hiểu hai chữ Tây phương mà ông Cố vấn đề cập vào 50
năm trước, nghĩa là nói đến Triều đại nhà Nguyễn đã bỏ lỡ cơ hội khi
người Pháp bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam! Nhìn từ khung cảnh chính trị
thời đó để liên hệ đến thực trạng hôm nay, khi người Mỹ đang tuyên bố
trở lại Đông Nam Á, và Việt Nam là quốc gia có địa lý chiến lược cũng
như chứng cứ pháp lý mạnh nhất về Biển – Đảo mà Hoa Kỳ đang muốn liên
kết..! Hay nói cách khác là Việt Nam đang đứng trước một cơ hội tốt.! Và
nếu, người lãnh đạo quốc gia biết cách tận dụng cơ hội này thì Việt Nam
sẽ thoát được vòng kiềm tỏa của Trung cộng..! Về chính sách đối ngoại
qua quan niệm khai hóa và cải cách cho quốc gia thì lời của ông Ngô Đình
Nhu càng chí lý càng tha thiết, rằng:
«
(..) Đứng trước sự tấn công của Tây phương, con đường chết là con đường
bế quan tỏa cảng ngăn cấm không cho Tây phương xâm nhập vào xã hội của
nước bị tấn công; con đường sống lại là con đường mở cửa đón rước văn
minh Tây phương (..) Bởi vì công cuộc phát triển dân tộc bằng Tây phương
hóa là một công cuộc liên hệ đến sự sống còn của dân tộc. (..) Trong
hoàn cảnh đó nếu người lãnh đạo không quả quyết tin vào công cuộc phát
triển, nếu toàn dân không tin rằng công cuộc phát triển là con đường
sống duy nhất của dân tộc, thì công cuộc phát triển không sao thực hiện
được.
Vì vậy cho nên, một điều vô cùng thiết yếu là sự tin tưởng rằng,
công cuộc phát triển dân tộc bằng Tây phương hóa là một sự kiện lịch sử
dĩ nhiên, không thể tránh được và ngoài công cuộc phát triển, dân tộc
chúng ta không còn một lối thoát thứ hai. (..)
Tại sao lý luận của ông Ngô Đình Nhu gần như trở thành một Định
Nghĩa là, ngoài công cuộc Tây phương hóa thì Việt Nam không còn một lối
thoát thứ hai?
Như trên đã nói, phần lãnh đạo và ngoại giao tuy quan trọng trong
công cuộc giữ nước và kiến quốc. Nhưng, về lâu dài để một quốc gia nhỏ
bé như Việt Nam có thể trụ vững trước một đất nước đầy tham vọng bành
trướng như Trung Cộng, thì nội lực phát triển dân tộc mới là điểm chính.
Tuy nhiên, sau các phân tích lý lẽ chính trị nhằm tạo thành một luận
điểm chung. Mà tin rằng, toàn dân Việt Nam hiện nay đều mong mỏi theo ý
như ông Ngô Đình Nhu là phải : Tây hóa để chống Tàu.
Nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt hiện nay của dân tộc Việt Nam là bị chế
độ độc tài khống chế, và tập đoàn thống trị này đang hoàn toàn phụ thuộc
và khiếp sợ bởi ảnh hưởng của Tàu Cộng.
Nếu quốc gia lâm vào hoàn cảnh như thế, thì liệu rằng trong luận
cương chính trị của ông Ngô Đình Nhu có giải pháp gì nhằm khai thông sự
bế tắc chính trị hiện nay để toàn dân cùng nhau giữ nước?
Câu hỏi thật khó như hai ngàn năm trước Lưu Bị hỏi Gia Cát Khổng Minh:
- «Liệu phải mất bao lâu thì Tiên sinh giúp ta bình thiên hạ?»
Vâng! Câu hỏi khó như lên trời; nhưng không có nghĩa là không có sự
lý giải! Vì nếu cặn kẽ nhìn lại lịch sử những tháng ngày cuối cùng của
chế độ Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa do chính ông góp tay dựng nên, t đó,
liên hệ đến cục diện hôm nay của đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ tìm ra
câu trả lời của ông Ngô Đình Nhu, mà có thể luận giải là:
NẾU “THUỘC TÀU” KHÔNG “TÂY HÓA” THÌ SỤP ĐỔ CHẾ ĐỘ
Tuy điều kiện lịch sử cũng như thể chế chính trị của thời đó, và nay, tuy khác xa hoàn toàn. Nhưng có hai điểm giống nhau:
1) Sự áp lực khắc nghiệt mà lãnh đạo quốc gia đang + sẽ phải đối diện .
2) Cùng chịu chung (và vẫn là) sự tác động đến từ ngoại bang Trung – Mỹ!
Từ 2 điểm chính này, mà dường như, lịch sử đang lặp lại! có thể đặt ra vài câu hỏi để lạm xét vấn đề là:
Vì sao năm xưa ông Ngô Đình Nhu cùng thứ huynh của ông là Tổng Thống
Ngô Đình Diệm phải bị thảm sát??? Ai cũng trả lời được câu hỏi này!
Nhưng nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm chuyện gì cũng gật đầu nghe lời ngoại bang thì có bị thảm sát không?
Vì sao sẽ không chết?
Vì sao ông không chịu gật đầu?
Lý luận để trả lời tùy theo quan niệm mà 47 năm rồi chưa dứt cơn bàn cãi!
Nhưng, hôm nay giới đương quyền Việt Nam cũng đang đứng trước: « Đèn Vàng»!
Hơn 60 năm rồi quẹo tới quanh lui cũng trong: «Đèn Đỏ»!
Bây giờ có Hoa Kỳ đưa tay bấm nút: «Đèn xanh»!
Chạy về phía nào đây!?
Cả dân tộc đều đồng thanh «Đèn Xanh» để dân chủ hóa và giữ nước!
Nhưng cái đầu của con tàu vẫn cứ lắc..lắc..lư ..lư.. .. Vì không muốn
bỏ.. «Đèn Đỏ», nhưng cũng không muốn hụt mất.. «Đèn Xanh»!
Hiện trạng quốc gia Việt Nam cũng như vậy đó! Cái đầu tàu chính là
các nhà lãnh đạo VNCS không muốn từ bỏ Trung Cộng vì sợ mất đảng và tư
lợi!
Nhưng có lẽ rồi cũng đến lúc; mọi người trên con tàu ấy sẽ bước xuống
để cùng nhau tiến xô đẩy con tàu! Nếu thế, và cục diện sẽ xảy ra như
thế, thì chính giới đương quyền Việt Nam hiện đang và sẽ tự đặt mình
vào lý luận của ông Ngô Đình Nhu, là:
« ..(..) Những người lãnh đạo bao giờ cũng hành động theo một
triết lý chính trị mà họ đã nghiền ngẫm lâu ngày, trước khi mang ra thực
hành. Nếu khi đụng chạm với thực tế, những tư tưởng đang hướng dẫn hành
động của họ đã tỏ ra sai lạc, hay vì hoàn cảnh bên ngoài đã biến đổi
nên không còn phù hợp với những tư tưởng ấy nữa thì cần phải có một sự
thay đổi ngay, nhưng thay đổi như thế nào?
Người lãnh đạo phải thay đổi tư tưởng, hay phải thay đổi người lãnh đạo? (..)
Càng phân tích về lý luận chính trị của cố vấn Ngô Đình Nhu để liên
hệ với hiện chính Việt Nam thì càng hấp dẫn bởi tính hợp lý và linh động
trong lý thuyết chính trị của ông!
Một điều ngạc nhiên nhưng khâm phục vô bờ khi nghiên cứu luận cương
chính trị của bậc triết phu này, là ngay cả, lý thuyết gia như ông viết
ra lập thuyết nhưng cũng không ngờ rằng: Đã có ngày…! Chính tính mạng
của ông phải trả lời các nan đề trong khối lý thuyết của chính ông!
Hiếm có tư liệu nói đến! Nhưng có thể võ đoán rằng, ông Cố vấn và
Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dứt khoát không suy nghĩ đến vế thứ nhất của
câu hỏi là:
«Người lãnh đạo phải thay đổi tư tưởng».
Bởi
rằng, nếu tham khảo thật kỹ toàn bộ từng chương, từng phần của: CHÍNH
ĐỀ VIỆT NAM, thì có thể nói: Trải dài trong 9 năm, từ lúc giúp thứ Huynh
của ông là Ngô Đình Diệm xây nền móng thể chế Cộng Hòa, cho đến lúc chế
độ sụp đổ, ông Ngô Đình Nhu đã có bắt đầu.. ! Nhưng chưa hoàn thành
được một số điểm căn bản quan trọng mang tính chiến lược lâu dài do ông
vạch ra, ngoại trừ thành công được một số mặt về bình định và dân sinh.
Điều này cũng thật dễ hiểu vì chính phủ mà ông phụng vụ phải chịu quá
nhiều áp lực, nhất là từ phía Hoa Kỳ, cũng như phá hoại từ Miền Bắc tác
động vào!
Tuy nhiên, một quan điểm chính trị hết sức rõ ràng được thể hiện qua
từng chi tiết trong việc hướng dẫn giữ nước và kiến quốc: Là ông Ngô
Đình Nhu chỉ muốn dựa vào sự viện trợ của Hoa Kỳ để cường thịnh quốc gia
trên toàn phương diện, và cũng từ nỗ lực của chính phủ cùng sự hợp tác
của toàn dân, ông tin tưởng rằng Miền Nam cũng sẽ vững mạnh như Nhật Bản
v.v..
Đồng thời, ông trọng kính kêu gọi lãnh đạo Miền Bắc hãy lợi dụng sự
viện trợ dồi dào của Nga Sô và Trung Cộng để tái thiết quê hương, và chớ
nên phá hoại miền Nam theo chủ trương xâm lấn của Trung Cộng. Trên tinh
thần dân tộc đó, Ngô Đình Nhu cũng đã Kế Hoạch một công cuộc kiến quốc
cho cả 2 miền, nếu thống nhất! ( nhận xét theo nội dung của Sách).
Hoặc, có thể kết luận rằng : Tư tưởng Ngô Đình Nhu hay Chính phủ của
Ngô Đình Diệm mong muốn xây dựng quốc gia theo quan điểm: Chính Trị
Trung Lập, vào thời đó.
Một quan điểm chính trị mà ngày nay đảng cộng sản Việt Nam đang muốn
thể hiện, qua tuyên bố: 3 Không của Thứ trưởng quân đội Việt cộng Nguyễn
Chí Vịnh khi trả lời báo chí, là:
1) Không tham gia các liên minh quân sự, hoặc đồng minh quân sự của bất cứ nước nào.
2) Không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.
3) Không dựa vào nước này để chống nước kia.
Từ một số luận giải quốc sự thuộc quá khứ và hiện tại như vừa nêu để
đầy đủ hiểu rằng: Dù năm xưa là Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hay hiện tại
là các lãnh đạo Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng: Người Lãnh Đạo Không
Thay Đổi Tư Tưởng, dù vì mục đích gì!
Qua một phần phân tích tuy hạn hữu nhưng cũng đủ để hiểu toàn bộ cục
diện chính trị xưa, và nay, của từng thể chế đang chịu tác động bởi các
cường quốc trong 2 giai đoạn lịch sử khác nhau của Việt Nam. Để rồi từ
đó, có thể đặt ra một câu hỏi nghiêm khắc với lịch sử, cũng như với các
nhà lãnh đạo Hà Nội, rằng:
Mọi khả năng nội lực hiện có của quốc gia dưới thể chế tự do năm xưa
của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng như mọi phương diện sẵn sàng của chế
độ cộng sản Việt Nam hiện nay, cả hai, có hội đủ mọi yếu tố để Quân lực
được hùng mạnh, Ngoại giao được phóng khoáng, Kinh tế được tự lực, nhằm
vững vàng tự chủ một quốc gia có quan điểm: Chính Trị Trung Lập???
Ai nắm chắc được rằng, nếu bị Tây phương cấm vận một lần nữa, thì
kinh tế Việt Nam vẫn ổn định cho người dân, không rơi vào tình trạng như
Bắc Hàn?
Ai dám vỗ ngực nói rằng, nếu bị xâm lăng thì Quân đội Nhân dân sẽ
đánh tan Trung Cộng khi mà kỹ nghệ quốc phòng chưa chế tạo được một loại
vũ khí nào; dù là vũ khí cận chiến như Lựu Đạn, Súng ngắn, đạn dược,
quân y?
Nếu ấp úng trả lời trước các câu hỏi này rồi, thì từ đó có thể niệm
ra khi người lãnh đạo không chịu thay đổi tư tưởng, thì ắt hẳn lý luận
tiếp theo của ông Ngô Đình Nhu phải xảy ra là :
PHẢI THAY ĐỔI NGƯỜI LÃNH ĐẠO
(Tức là: phải thay đổi thể chế)
Cố vấn Ngô Đình Nhu luận rằng: «…
Kinh nghiệm chỉ rằng không bao giờ người lãnh đạo thay đổi tư tưởng
trong lúc đang ở trong không khí hành động, bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ
phải mất rất nhiều thì giờ nghiền ngẫm mới đi đến triết lý chính trị mà
họ chủ trương. Nay nếu nó không phù hợp với hoàn cảnh, họ phải có đủ
thì giờ để một là xét vì sao triết lý đó không phù hợp, và hai là, để
tìm triết lý khác thay thế vào. Điều mà họ không thể làm được nếu họ vẫn
bị hành động lôi cuốn. Vì vậy cho nên yêu cầu một người lãnh đạo thay
đổi tư tưởng của họ đang khi hành động là một việc không bao giờ thực
hiện được. Giả sử mà họ có thay đổi được thì, việc lãnh đạo sẽ gặp một
nguy cơ lớn hơn nữa. Bởi vì thay đổi hấp tấp và không suy nghiệm như
vậy, người lãnh đạo sẽ không còn chính là họ nữa, và đương nhiên hiệu
quả trong hành động của họ sẽ kém bội phần. Như vậy chỉ còn cách là phải
thay đổi lãnh đạo (..)
Tất cả lý lẽ của ông Ngô Đình Nhu rất hợp lý và rõ ràng … !
Nhưng!
Lực lượng nào có thể thay đổi được người lãnh đạo khi chính họ không chịu thay đổi tư tưởng để giữ nước!?
Như đang biết, hiện tại giới lãnh đạo đương thời Việt Nam nằm giữa
hai gọng kềm Trung – Mỹ, kèm theo cái «đinh nhọn» là phong trào chống
Tàu của trí thức! Hiện cảnh chính trị này cũng giống như những tháng
cuối cùng của năm 1963, ông Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm
cũng phải đứng giữa 2 gọng kìm Hoa Kỳ – CSVN, kèm theo cái «răng nanh»
là các nhóm đối lập..!
Xét lại một đoạn lịch sử năm xưa để nhận định chính tình Việt Nam hôm
nay là: Nếu không có thế lực bên ngoài nhúng tay thì dù các phong trào
đối lập mạnh đến đâu, có khi …kể cả quân đội tự lực đảo chánh thì kết
quả chưa chắc đã thành công!
Vậy, ai có thể móc nối với quân đội?
Và, có nên tạo điều kiện và ủng hộ cho lực lượng này không?
Cũng từ các lý luận nêu trên, cho dù phải đi qua bước nào, thì rốt
cuộc, lời của ông Ngô Đình Nhu đã nói là: Tây phương hóa nhưng phải giữ
được bản chất dân tộc là mục đích sống còn mà tin rằng mỗi con dân Việt
Nam đều khát vọng!
Người ta có thể hoài nghi… rồi loại bỏ… và đả phá chủ thuyết Mác –
Lê! Bởi đôi khi, chính 2 ông Mark- Lenin này cũng chẳng biết mình viết
ra cái gì đây; để hôm nay người đời phải lập bia tưởng niệm hơn 100
Triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng với lý thuyết chính trị của
Ngô Đình Nhu thì rất có giá trị, vì «bảo chứng» cho giá trị đó chính là
tính mạng của ông. Hay, trọng kính nhận xét cách khác rằng: Ngô Đình
Nhu bị thảm sát nên Lý Thuyết Chính Trị của ông sẽ sống mãi đời đời!
Kết thúc bài viết, xin gởi đến đoạn tâm chí cuối cùng của bậc quốc sĩ chí hiền đã xếp bút trong Đại chánh tác của mình, rằng:
«(..) Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay và trong trình
độ tiến hóa của nhân loại hiện nay, các vấn đề của dân tộc Việt Nam,
trong thời kỳ này chỉ có thể tìm được một giải đáp nếu chúng ta trụ vào
vị trí dân tộc (..) Đương nhiên là vị trí dân tộc mà chúng ta quan niệm
không thể là một vị trí dân tộc bế quan tỏa cảng, hẹp và nông như dưới
các triều đại quân chủ xưa kia. Vị trí dân tộc mà chúng ta quan niệm là
một vị trí dân tộc nằm trong khung cảnh thế giới, với tất cả các dây
liên hệ tinh thần và vật chất cần phải có (..) Và vì vậy cho nên, chúng
ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo Miền Bắc, kịp thời nhận định đã
đến lúc, vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên sự tiếp tục trụ đóng
vào phương tiện cộng sản nữa (..)»
Đang dịp húy nhật của nhà tư tưởng. Xin hãy cầu nguyện nhân mùa lễ tạ ơn!
Kính chào.
© Đàn Chim Việt