Mai chị có ra Bờ Hồ không? - Dân Làm Báo

Mai chị có ra Bờ Hồ không?

Phương Bích Đấy là câu hỏi anh công an khu vực thường hỏi tôi vào mỗi thứ bẩy. Lúc đầu thì anh ấy còn vào tận nhà, bảo là đến chơi thôi. Chả biết nói chuyện gì, loanh quanh một lúc thì hỏi câu đó. Khi tôi biết anh ấy vào cốt chỉ có mục đích vậy, để có cái về báo cáo với cấp trên, thì tôi chủ động trả lời luôn. Sau vài bận, để anh ấy khỏi phải mất công vào nhà tôi, tôi nói : Đi hay không tôi sẽ nhắn tin cho – quân dân hợp tác với nhau thế còn gì.

Lúc đầu, nghe chừng anh ấy vẫn chưa tin, sáng Chủ nhật vẫn gọi điện hỏi, qua vài lần thì bắt đầu tin. Tôi vốn là người nói sao làm vậy, ghét dối trá. Giá hẳn như tôi là người hoạt động cách mạng như thời trước thì đã đành một nhẽ, đương nhiên tôi phải quan sát cẩn thận, nhìn trước ngó sau, che giấu hành tung của mình. Nhưng bây giờ thời bình, tôi lại chẳng buôn lậu hay trộm cắp, thì để ý trông chừng công an làm gì? 

Ờ, mà có lần anh ấy hỏi tôi : Tại sao lại cứ phải ra Bờ Hồ? 

Hứ! Tôi ra đó là để khẳng định cái quyền của tôi. Là trên cái đất nước này, tôi có quyền đến nơi nào tôi muốn đến mà không bị cấm. Có thế thôi.

Tuy nhiên, lâu lâu tôi bắt đầu thấy khó chịu. Ơ hay! Đường đường là một người dân lương thiện, sống trong một xã hội dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản như bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói, lại cứ phải báo cáo công an là tôi đi đâu, bằng phương tiện gì, vào lúc mấy giờ? Thế chẳng hóa ra tôi đang bị quản thúc à? 

Tôi bắt đầu cáu. Tôi nhắn tin cho anh công an khu vực là tốt nhất anh ấy đừng hỏi tôi, rằng tôi sẽ không trả lời đâu.

Lần đầu tiên ra Bờ Hồ, tôi không thấy bóng dáng công an cả chìm, cả nổi đâu cả. Lạ nhỉ? Dường như không tin, vừa đi tôi còn vừa xăm soi nhìn vào từng gương mặt, cố ý tìm xem có thấy vị nào “quen quen” không. Hoàn toàn không có! 

Ôi chao ơi! Sao lòng tôi thấy nhẹ nhàng thanh thản là thế. Tôi ung dung bước đi, khoan khoái hít thở cái không khí trong lành của Hồ Gươm. Mùa Đông năm nay rét đến chậm. Sang tháng 11 rồi mà tiết trời vẫn man mát, thậm chí mọi người đi dạo chơi chỉ cần mặc áo cộc tay. Tôi gặp bác Khánh chồng bác Trâm cũng ra Bờ Hồ. Hai bác cháu ngồi trên ghế đá, vui vẻ chuyện trò. Hỏi thăm, biết hai vợ chống bác ấy vẫn phải làm một cuộc đào tẩu ra khỏi nhà mình từ hôm trước, để chủ nhật còn được ra Bờ Hồ gặp anh em bạn bè. 

Tôi thắc mắc lắm. Nghe nói bác ấy đã từng đỗ tú tài toàn phần thời Pháp, thế có nghĩa là bác ấy có trình độ ghê đấy. Thế mà sao bây giờ lại chịu o ép một cách ngang nhiên thế. Gặp tôi vài lần, nghe chừng đã tin tưởng tôi, bác ấy mới kể sơ qua chuyện cuộc đời của bác ấy. Tôi ngồi lặng đi! Thực ra không bất ngờ tý nào. Chính vì không bất ngờ về số phận bi thảm của bác ấy cũng như bao nhiêu người cùng cảnh ngộ, tôi chỉ thấy thương cảm lẫn chua xót. Hiểu lý do tại sao bác ấy sống cam chịu thế. (Con người bé nhỏ khắc khổ này đã từng ngồi tù 12 năm không xét xử, từng chung trại giam với Vũ Thư Hiên- tác giả dịch thuật cuốn Bông hồng vàng của Pautopxki và người tù bị giam giữ lâu năm nhất Việt Nam- Tôn Thất Tần)

Có thêm một người mới đến ngồi cùng chúng tôi, một bác người ở Hàng Buồm, hình như cũng có tham gia biểu tình một vài lần. Chúng tôi quay sang nói chuyện thời sự, chuyện kinh tế đang khó khăn như thế nào. Chắc nghe tôi nói thế mọi người buồn cười lắm -dân đen mà lại cứ đi lo tranh việc của đảng và nhà nước. 

Thây kệ chúng tôi! Đói ăn rồi, bây giờ lại đói cả thông tin nữa, thế thì dân đen chúng tôi khác gì…tùy mọi người ví von. Chỉ có điều khi cần đả thông chủ trương gì đó, lại đay nghiến trì chiết rằng dân mình dốt nát quá, ỷ lại quá nên nghèo đói là phải.

Đang vui vẻ chuyện trò, chợt nhìn thấy một khuôn mặt “quen quen” đi đến. Tôi kệ, cứ nói chuyện tiếp, thậm chí còn chủ ý nói to lên cho mọi người cùng nghe. Khuôn mặt “quen quen” ấy dừng lại cạnh tôi, vẻ cười cười. Để một lúc tôi mới quay sang lườm cho một cái:.

- Từ sáng đến giờ không thấy bóng công an, thấy nhẹ hết cả người. Ngồi chơi thấy thoải mái quá. Đấy, thế có phải hơn không? Làm gì mà cứ phải công an chìm công an nổi dày đặc quanh Bờ Hồ thế? Rồi có để làm gì đâu?

- Ừ thì thoải mái, nhưng đi chơi thế này, cần gì phải ăn mặc…

Khuôn mặt “quen quen” nói lấp lửng

- Ăn mặc làm sao? Cái áo No-U này ấy hả. Nó có phạm pháp không? Có bị cấm không?

- Cấm thì không cấm, nhưng mà…

Lại lấp lửng.

- Nhưng mà làm sao? Tôi nói cho cậu biết, nghe nói lần trước công an còn làm khó dễ cho một cậu làm hướng dẫn viên du lịch về cái áo No-U này đấy, thật chẳng ra làm sao cả. Tôi nói thật, tôi thấy rất tự hào khi mặc cái áo No-U này.

- Ừ! Lên đến tận Lũng Cú còn gì.

- Ơ! Hóa ra cũng đọc kia à?

Đúng là đàn bà! Dễ mềm lòng thế! Thấy công an cũng đọc báo lề trái – thì mới biết tôi lên Lũng Cú chứ - tôi trở nên vui vẻ, không có ý đối đầu nữa. Cái cậu có khuôn mặt “quen quen” ấy lập tức tranh thủ, giọng vẻ năn nỉ:

- Thôi trưa rồi, chị về đi để anh em còn nghỉ.

- Ô hay, thế ra vẫn chưa thôi à? Thế ra vẫn phải đi canh chúng tôi à?

- Thì chị ngồi đây nên bọn em mới lại phải ra.

Chán thật! Thế mà cứ tưởng công an đã xác định là chúng tôi vô hại nên bỏ cuộc rồi, không canh chừng nữa rồi. Mọi cuộc tranh luận với công an có bao giờ nhận được câu trả lời đâu, không cười trừ thì cũng vòng vo tam quốc.

Thực ra thì tôi cũng đã chuẩn bị về, chả gì cũng đã hơn 11 giờ. May cho thái độ cậu ta không kẻ cả, không giở giọng khuyên bảo nên tôi cũng không có ý định phản kháng lại, chứ không có khi tôi còn ngồi đến chiều xem họ làm gì được tôi.

- Chả bảo tôi cũng đang định về đây, đấy là tôi hợp tác đấy, chứ không...Thôi em chào các bác em về nhé.

- Ơ chị đi đâu đấy?

- Thì tôi đi một vòng, rồi ra bến xe buýt chứ còn đi đâu.

- Thôi thôi chị đừng đi nữa. Đây có thằng em đây, để nó đèo chị ra bến xe buýt. Chị đi bến nào?

- Không! Tôi không đi xe công an.

- Ôi giời ơi, thì chị cứ coi em như là em của chị đi…

Úi giời! Có tin được không nhỉ? Nói thế thôi chứ tôi lạ gì bụng dạ các cậu. Nay mai có biểu tình chống Trung Quốc nữa, tôi lại đi thì thằng em này cũng hết là em chị luôn. Nhưng rõ ràng là đến bây giờ, họ chả có cớ gì để gây khó dễ cho tôi nên họ mới phải xuống nước thế. 

Tôi cũng không phải là dạng hẹp hòi, giả vờ cự nự tý thế thôi. Chuyện đời lắm cái hài hước thật. Ba tháng trước, công an Hoàn Kiếm bắt tôi nhốt vô đồn, còng tay tôi. Bây giờ lại xung phong đèo tôi ra bến xe buýt, để tôi khỏi mặc áo No-U đi bộ trên phố. 

Trước khi tôi trèo lên sau xe máy, cậu ta còn kịp hỏi tôi:

- Thế hôm qua có ra Hà Đông không?

- Có chứ!

Ý cậu ta hỏi cái vụ mấy người anh em biểu tình bị bắt ở công an Hà Đông hôm qua đấy.

Tuần này, tôi cứ phân vân không biết có nên tiếp tục ra Bờ Hồ không. Chả là mấy hôm trước, chị tổ phó tổ dân phố kể với tôi, lúc đi hái lá tre về làm giá đỗ, nghe thấy mấy cậu công an ngồi ỏ quán nước cạnh đó than thở:

- Quận mình có 2 người đi biểu tình. Bây giờ chỉ còn 1, mà lại rơi vào đúng phường mình. Biết làm thế nào được, nói về quyền công dân thì bà ấy có quyền. Nhưng nếu bà ấy đi vào ngày thường thì còn đỡ, đằng này lại cứ nhè vào chủ nhật mà đi mới khổ. 

Tôi bảo:

- Bọn họ lại nhờ chị thuyết phục em chứ gì?

- Ôi giời, họ biết thừa chả ai thuyết phục được em, là chị hái lá tre cạnh quán nước đấy nên mới nghe thấy chúng nó nói thế.

Tôi chắc qua lời chị ấy kể lại thì nhẹ đi, chứ cung cách nói chyện ngoài quán nước chè của công an thì không lịch sự như thế đâu. Nhưng tôi cũng thấy động lòng. 

A! Thế ra là họ cũng phải thừa nhận chúng tôi có cái quyền ấy rồi đấy. Và rõ ràng việc người dân đi biểu tình chẳng phải là lỗi của công an, thế mà họ cứ bị mất thi đua vì việc để địa phương có người đi biểu tình (!) (làm sao mà cái thi đua rất hình thức ấy nó quan trọng với họ đến thế kia chứ). Rồi dù biết rõ chẳng đem lại kết quả gì, họ cứ bị xua ra để đi canh chừng chúng tôi. Thấy rắn không ăn thua, bây giờ lại phải quay ra mềm mỏng.

Lẽ ra họ cứ để mặc kệ thì tôi đi mãi rồi cũng chán. Nhưng chính cái sự muốn ngăn cấm lại khiến tôi càng muốn khẳng định cái quyền tự do của mình. Tôi đi thế này chả ai trả thêm lương thêm giờ cho tôi, lại tốn tiền đi lại. Còn công an thì họ được hưởng lương ngoài giờ. Cái tiền lương đó có phải trả bằng tiền túi của cái vị bắt họ đi canh chúng tôi đâu, tiền của dân đấy chứ. Họ không tiếc tiền của dân, nhưng tôi thì tôi tiếc. 

Tôi phân vân mãi rồi quyết định nhắn tin cho anh công an khu vực, rằng ngày mai tôi không ra Bờ Hồ, rằng sau này nếu có đi thì tôi sẽ báo. Nhìn cái tin nhắn trả lời, tôi cảm thấy như có sự nhẹ nhõm trong đó: Ok! Cảm ơn chị.

Tôi quyết định sẽ không ra Bờ Hồ trong thời gian tới. Nhưng nếu có biểu tình chống Trung Quốc nữa, chắn chắn tôi sẽ đi. Dù quốc hội khóa này có không ra được luật biểu tình, nhưng rõ ràng khi không có một văn bản luật nào xóa bỏ cái quyền biểu tình trong hiến pháp, thì nó vẫn còn nguyên giá trị chứ.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo