SGTT.VN - Đến ngày 8.11, các tỉnh miền Trung có 12 người chết và mất tích do mưa lũ, trong đó tỉnh Quảng Nam: bảy người; Quảng Ngãi: ba người; Thừa Thiên – Huế: một người và Đà Nẵng: một người
Thuỷ điện, hồ chứa nước tiếp tục xả lũ
Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã làm cho các hồ, đập ở các tỉnh miền Trung phải xả lũ, làm cho vùng hạ lưu bị ngập. Mưa lũ cũng làm sạt lở núi khắp nơi, gây ách tắc giao thông, nhiều xã miền núi bị cô lập. Trong hai ngày 7 và 8.11, các tỉnh ở miền Trung đều xả lũ, gồm các hồ thuỷ điện Bình Điền, Hương Điền (Thừa Thiên – Huế); A Vương, sông Tranh 2 (Quảng Nam), hồ Liệt Sơn (Quảng Ngãi); sông Hinh, sông Ba Hạ (Phú Yên) và Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai) tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn. Ngày 8.11, nhiều hồ chứa nước lớn ở Bình Định tiếp tục xả nước, trong đó, hồ Định Bình xả lưu lượng nhiều nhất với 316m3/s, khiến vùng hạ lưu các sông bị ngập nặng. Hiện nhiều xã vẫn còn bị lũ cô lập như: Phước Hoà, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận (huyện Tuy Phước); Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (huyện Phù Cát)… Tại huyện Tuy Phước, hơn 2.000 ngôi nhà bị ngập, hàng vạn học sinh phải nghỉ học, gần 10.000 công nhân không thể đến làm việc tại các khu công nghiệp ở thành phố Quy Nhơn. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão… bị ách tắc do lũ chia cắt, trong đó ở tỉnh lộ 640 từ huyện Tuy Phước đi huyện Phù Cát, nhiều đoạn nước ngập gần 1m, các phương tiện giao thông không thể qua lại. Tại huyện An Lão, đã xuất hiện lũ quét trên các lưu vực thuộc phụ lưu sông An Lão, nước lũ cuốn trôi, làm sạt lở nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng; đường từ xã An Quang đi xã An Toàn bị sạt lở nặng, làm xã bị cô lập; tại huyện Hoài Ân, nhiều tuyến giao thông không thể đi lại.
Thuỷ điện Sông Tranh – Quảng Nam mở sáu cửa xả lũ. Ảnh: Phạm Anh
Quảng Bình: Lũ lại cô lập đồng bào Rục
Chiều ngày 8.11, ông Cao Xuân Biên, chủ tịch UBND xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã nhấn chìm đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Nhiêu hơn 1m nước, giao thông đi lại bị ách tắc. Trong khi đó, đường vào với 750 người Rục ở Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ hoàn toàn bị chia cắt ba điểm, trong đó, nặng nhất là đoạn qua Hung Trâu ngập dài 4km, sâu hơn 6m, người Rục không thể đi lại với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, hơn 3.000 dân của xã Tân Hoá bị cô lập hoàn toàn do lũ ngập ngầm Lạc Thiện sâu hơn 7m.
Q. NAM
Ngày 8.11, các nhà máy thuỷ điện tại tỉnh Phú Yên tiếp tục xả lũ, trong đó nhà máy thuỷ điện Sông Hạ xả lũ và vận hành với lưu lượng 1.400m3/s, nhà máy thuỷ điện Sông Hinh xả lũ 200m3/s. Hiện nhiều xã tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hoà vẫn bị lũ cô lập, nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị chia cắt; trong đó, đường vào trung tâm huyện Đồng Xuân vẫn bị ngập sâu trong nước.
Nước ngập, giao thông tê liệt
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đại Lộc cho biết, tối 7.11, nước lũ sông Vu Gia đã vượt mức báo động 3, ít nhất 500 nhà dân đã bị lũ tràn vào. Ông Văn Bá Năm, phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 250 nhà dân nằm dọc các triền sông trên địa bàn đã bị ngập rất sâu, nhiều trường học đã cho học sinh nghỉ học.
Tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đến chiều 8.11, 70% số hộ dân trên địa bàn huyện bị ngập nước, trong đó có 8.000 hộ bị ngập sâu từ 1m trở lên. Vùng ngập sâu nhất nằm tại các xã như Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang. Nước lũ đã gây sạt lở khoảng 300m kênh mương tại xã Điện Thắng Bắc. Giao thông hoàn toàn bị tê liệt, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ xã Điện Phương đến xã Điện Thắng Nam cũng bị nước lũ băng qua, nơi ngập sâu khoảng 0,5m.
UYÊN THU – PHẠM ANH – THANH MINH