Vụ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng: Cần xử đúng người, đúng tội - Dân Làm Báo

Vụ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng: Cần xử đúng người, đúng tội


Tường Thụy - Yêu cầu xử đúng người, đúng tội luôn được đặt ra đối với các cơ quan tư pháp. Nhưng việc xử có nghiêm minh theo đúng luật pháp hay không lại tùy thuộc vào việc quan tòa có thiên vị hay không, có bị sự chỉ đạo từ một thế lực nào đó hay không lại là chuyện khác...

*


Theo thông tin cách đây 2 tuần, ngày 17-11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử vụ nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, công tác tại Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, ở 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin gần đây, phiên tòa có thể lùi lại.

Ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh vào lúc 10 giờ ngày 28/2/2011 sau đó tử vong vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 8/3/2011 tại bệnh viện Việt Đức.

Trong thời gian qua, cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng và gia đình đã nỗ lực vận động để đòi lại công lý cho người đã chết.

Đây là một trong những vụ án gây phẫn nộ trong dư luận. Sự phẫn nộ không chỉ là ở chỗ trong những năm gần đây đã có rất nhiều vụ người dân chết khi rơi vào tay công an mà còn do tính chất độc ác của nó.


1. Tóm lược vụ việc:

Vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết đã được thông tin rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Ít có vụ án nào được sự quan tâm của công luận đến như thế.

Theo anh Phạm Quang Hùng thì sáng 28/2/2011, ông Tùng thuê anh chở đến bến xe Giáp Bát. Khoảng hơn 10 giờ, khi xe máy tới cổng sau bến xe Giáp Bát, ông Tùng tháo mũ bảo hiểm móc điện thoại ra gọi xem bạn mình đã đến chưa.

Lúc xe sắp đi vào bến thì trung tá công an Nguyễn Văn Ninh chạy ra chặn đầu xe. Một tốp 2,3 tự quản viên giữ xe, giật chìa khóa. Sau đó, họ lôi hai người vào bến để lập biên bản xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm. Khi anh Hùng yêu cầu công an Ninh giải thích rõ tại sao anh lại bị lỗi không đội mũ bảo hiểm thì bị công an này tóm cổ áo. Thấy vậy, ông Tùng đã gạt tay Ninh ra khỏi cổ anh Hùng, nói: “Anh là Công an, anh không thể xử sự như vậy được”. Trung tá Ninh quay sang xô đẩy dùng dùi cui đánh ông Tùng. Liền sau đó, một số dân phòng lao vào giúp sức đè ông Tùng xuống đất. Anh Hùng bị một người giữ chặt không cho can ngăn, đến lúc buông ra thì anh đã thấy anh Tùng nằm gục dưới đất và bị mấy người đè lên để bập khóa số tám.

Ông Bạch Chí Cường, người mà ông Tùng hẹn cùng vào Miền Nam cho biết: Tôi thấy một số người cùng nhảy vào đấm đá ông Tùng. Sau đó họ khóa tay ông Tùng vào gốc cây rồi gọi điện cho xe thùng chở về trụ sở Công an phường”

Gia đình ông Tùng được báo tin công an đánh ông Tùng không lết nổi, họ đã khiêng ông về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt rồi.

Ông Minh, bạn thân của ông Tùng cho biết, ông bị trực ban ngăn cản không cho đưa ông Tùng đi bệnh viện. Người trực ban nói: “Kể cả anh có gọi xe cấp cứu đến, chúng tôi cũng không cho đưa người đi”.

Theo lời kể của cô Trịnh Kim Tiến thì trực ban hôm đó trả lời hết sức vô trách nhiệm rằng hiện tại phường đi họp không có ai giải quyết. Khi nào phường có người, gia đình muốn cho đi cấp cứu thì chúng tôi sẽ cho đi, dù lúc đó trong phường có rất nhiều người. Họ còng ông Tùng trên ghế, luôn mồm nói ông không bị sao và bảo ông Tùng ăn vạ. Cô Tiến van xin đi đưa bố đi cấp cứu họ không cho, xin đút phở cho bố, họ cũng không cho. Họ kiểm tra bát phở sau đó bỏ lên bàn.

Mãi tới khoảng 21h30, tức là 12 giờ sau kể từ khi bị đánh, ông Tùng mới được đưa đi bệnh viện bằng xe tải. Ông Tùng bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai. Những công an đưa ông Tùng đến bệnh viện nói với các bác sĩ đây là tội phạm cần phải canh giữ. Theo cô Tiến, chính vì công an nói ông Tùng là tội phạm nên các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai rất thờ ơ trong việc khám và chữa trị cho bố cô.

Ông Tùng được đưa vào bệnh viện trong tình trạng gẫy 2 đốt sống cổ, tủy bị tổn thương. Vì quá đau đớn, ông không đồng ý mổ, đòi dứt các ống ra để ra đi cho thanh thản. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết định mổ cho ông với hy vọng còn nước còn tát.

Ông chết tại bênh viện Việt Đức, sau 8 ngày kể từ khi bị đánh.


2. Bỏ sót tội phạm?

Ban đầu, công an thành phố HN đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “cố ý gây thương tích”, còn gia đình ông Trịnh Xuân Tùng yêu cầu khởi tố về tội danh “giết người”. Cuối cùng thì họ khởi tố Nguyễn Văn Ninh về tội danh “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”

Qua diễn biến của vụ việc, ta thấy không chỉ mình Nguyễn Văn Ninh đánh ông Trịnh Xuân Tùng mà có ít nhất 3 dân phòng tham gia đánh. Sau đó công an phường Thịnh Liệt có những hành động cản trở không cho ông Tùng đi cấp cứu, không cho ăn.

Như vậy, việc khởi tố chỉ mình Nguyễn Văn Ninh là bỏ sót tội phạm.


3. Bỏ sót tội danh?

Nguyễn Văn Ninh bị khởi tố về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Thế nhưng qua sự việc diễn ra sau khi đánh ông Trịnh Xuân Tùng, cho thấy những người tham gia đánh ông Tùng và những người đang thực thi nhiệm vụ ở công an phường Thịnh Liệt đã tỏ ra rất căm thù ông, không hề lo lắng đến việc ông thương tích quá nặng do bị đánh như nhất quyết không cho đưa ông Tùng đi cấp cứu bất chấp lời van xin của gia đình, cho là ông Tùng ăn vạ, không cho ông ăn, còng tay ông đến tận bệnh viện … Trong thời gian từ khi nhập viện đến khi ông Tùng chết, Nguyễn Văn Ninh và nhóm công an, dân phòng đã đánh ông Tùng không một ai đến thăm.

Cần phải đặt ra câu hỏi: “Nếu ông Tùng được đưa đi viện kịp thời, nếu công an không cấm người nhà chăm sóc ông, cho phép ông ăn thì ông Tùng có cơ hội sống không?

Điều 102 Bộ luật hình sự qui định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:


1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.


2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.


3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thế nhưng, Nguyễn Văn Ninh và những kẻ tòng phạm không phải vô ý mà là cố ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của ông Tùng nhưng không cứu giúp.

Như vậy, cơ quan cảnh sát điều tra đã bỏ sót tội danh.


3. Công lý và sự thật được phải được tôn trọng

Do tính chất của diễn biến sự việc mà vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết đã gây nên bức xúc rất lớn trong dư luận. Nếu họ đánh ông gần chết, lo đến trách nhiệm của mình mà biết tội, sốt sắng đưa ông Tùng đi cấp cứu ngay, cùng gia đình chăm lo cho sức khỏe cho ông thì chưa chắc ông đã chết và dư luận không tới mức phẫn nộ như thế.

Sự đòi hỏi của nhân dân trong mỗi vụ trọng án là giết người phải đền mạng. Tuy nhiên, việc xử như thế nào lại phải căn cứ vào pháp luật.

Yêu cầu xử đúng người, đúng tội luôn được đặt ra đối với các cơ quan tư pháp. Nhưng việc xử có nghiêm minh theo đúng luật pháp hay không lại tùy thuộc vào việc quan tòa có thiên vị hay không, có bị sự chỉ đạo từ một thế lực nào đó hay không lại là chuyện khác. Qua nhiều vụ án, tình trạng “quan xử theo lễ, dân xử theo hình” là một thực tế, đã ăn vào tiềm thức của nhân dân. Trong việc đưa tin những vụ án mà tội phạm là công an hay quan chức nhà nước, báo chí cũng rất dè chừng, chỉ đưa tin một phần sự thật, hoặc dùng những từ ngữ nhẹ nhàng nhất để làm giảm đi tính chất nghiêm trọng của nó. Dĩ nhiên, điều này làm mất lòng tin của dân đối với những người cầm bút, cầm cán cân công lý và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chế độ.

Hiện nay, trên báo chí đang sôi nổi thảo luận về việc sửa lại truyện cổ tích Tấm Cám với lý do là sự trả thù của Tấm tàn nhẫn quá. Tôi thì thiên về phía nên giữ nguyên truyện cổ tích. Thứ nhất, đã là truyện dân gian thì cứ để nguyên như thế, đừng có thò tay vào sửa. Thứ hai, sự trả thù của Tấm nói lên nguyện vọng của nhân dân: cái ác phải được trừng trị và trừng trị như thế mới làm xứng đáng. Nhân nào quả ấy. Mẹ con Cám chẳng đã truy cùng giết tận, ba lần giết Tấm đó sao?

Trở lại vụ ông Trịnh Xuân Tùng, ông bị đánh hết sức tàn ác với tính chất côn đồ. Ông cũng đã ba lần bị tước đi cơ hội sống: bị đánh gãy cổ, không cho đi cấp cứu kịp thời, không được ăn. Qua đó mới hiểu vì sao nhân dân quá phẫn nộ đối với vụ án này.

Khó có thể nói rằng, Nguyễn Văn Ninh phải chết theo đòi hỏi “giết người đến mạng”. Nguyện vọng của công chúng có thể chính đáng nhưng việc xử phải tuân theo pháp luật, cho dù pháp luật nước ta còn nhiều bất cập (ví dụ, khung hình phạt đối với tội danh làm chết người khi thi hành công vụ nhiều ý kiến cho là còn quá nhẹ, không đủ răn đe).

Vì thế, tôi không thể nói lên nguyện vọng của mình mà phải căn cứ vào pháp luật. Trong vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết, cơ quan cảnh sát điều tra cần khởi tố thêm tội phạm. Còn tội danh, nếu không khởi tố Nguyễn Văn Ninh về tội giết người” theo yêu cầu của gia đình thì cần thêm tội danh “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Tôi mong và chúc Trịnh Kim Tiến tìm được công lý cho cha.

15/11/2001




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo