Ngô Nhân Dụng - Ở các nước dân chủ, mỗi lần có một cuộc vận động tranh cử, người ta lại thấy nhiều bất mãn về không khí chính trị. Như cuộc vận động tranh cử hiện đang diễn ra ở nước Mỹ chẳng hạn. Ngược lại, tại một nước độc tài, một cuộc bầu cử hơi tự do một chút cũng khiến mọi người thêm tin tưởng rằng cơ chế chính trị dân chủ hy vọng sẽ giúp quốc gia sẽ tiến bộ hơn. Như tình trạng ở Nga trong mấy ngày nay. Chế độ dân chủ giống như một cái bánh: Ðược nếm một chút thì người ta thèm muốn ăn nhiều hơn; nhưng khi được ăn mãi thì lại dễ thấy chán!
Sang năm nước Mỹ mới có bầu cử tổng thống và Quốc Hội. Nhưng không khí chính trị đã sôi nổi, hào hứng nhờ các nhà chính trị bên đảng Cộng Hòa đang giành nhau để được đảng đưa ra làm ứng cử viên tổng thống. Một tháng nữa mới có những cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa nhưng từ nửa năm nay đã có hàng chục nhà chính trị rất sáng giá vận động hòng được đảng đưa ra đối đầu với đương kim Tổng Thống Barack Obama. Hãy tạm coi họ đều là những ứng cử viên tổng thống. Với tình trạng kinh tế đang trì trệ và khó hy vọng khá lên nhiều trong 12 tháng tới, ai chính thức được làm ứng cử viên Cộng Hòa sẽ hy vọng được làm tổng thống nước Mỹ từ năm 2013.
Nhưng chính cuộc vận động sôi nổi này làm nhiều người thấy chán nản. Theo dõi các cuộc tranh luận của họ, có những vị ứng cử viên tổng thống làm người ta phát chán. Nhiều người Mỹ tự hỏi: Cái ông (hay bà) này mà sẽ làm tổng thống của tôi hay sao? Thí dụ như ông Herman Cain, nhà triệu phú chủ nhân nhiều tiệm ăn thành công, có tài ăn nói, có lúc đã vượt lên đứng hàng đầu. Ông đưa ra một chính sách thuế rất giản dị, ai cũng hiểu được, gọi là “999,” ba thứ thuế cái nào cũng đánh 9%. Ai cũng biết các suất thuế như vậy sẽ làm ngân sách chính phủ Mỹ thiếu tiền tiêu, nhưng nếu có ai đặt câu hỏi thì ông Cain coi như chuyện đó không quan trọng! May mắn cho đảng Cộng Hòa, có đến 4 phụ nữ xuất hiện tố cáo ông đã sách nhiễu tình dục họ; rồi chính ông cũng thú nhận đã từng ngoại tình. Sau cùng ông Cain phải rút lui, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Một ứng cử viên sáng giá khác là ông Rick Perry, thống đốc tiểu bang Texas. Ông có những khẩu hiệu rất hay, dựa trên thành tích đã quản trị thành công trong một tiểu bang vào hạng lớn và giầu nhất nước Mỹ. Có lúc ông đã vượt lên chạy hàng đầu, qua mặt cả Mitt Romney và Newt Gingrich; được coi như niềm hy vọng của đảng. Nhưng bây giờ ông đã xuống, rất thấp. Ông Perry có cái tật hay quên một cách thảm hại, đặc biệt là quên tên! Ðãng trí một lần thì dễ được bỏ qua, vì ai cũng có lúc quên; nhưng quên đến mấy lần, quên toàn những chuyện quan trọng, thì những người ủng hộ ông cũng phải lo! Một lần, lên ti vi tranh luận với các ứng cử viên khác, ông trình bày dự án chính trị sẽ thi hành khi lên làm tổng thống: Chính phủ liên bang to lớn quá, phải cắt bớt (Ai cũng đồng ý!). Cho nên Tôi, Perry, sẽ xóa bỏ bớt ba bộ trong chính phủ Mỹ. Thứ nhất là Bộ Thương Mại; thứ hai là Bộ Giáo Dục; và thứ ba là bộ... bộ nào nhỉ, quên mất rồi!
Mới ngày hôm qua, ông Rick Perry lại biểu diễn tính đãng trí một lần nữa. Ðang đi vận động ở Iowa, nói chuyện với ban biên tập tờ báo lớn nhất tiểu bang, The Des Moines Register, ông Perry chỉ trích Tổng Thống Obama đã Ðề Cử Hai Thẩm Phán Tối Cao, “thí dụ như là...” Nói tới đó ông Perry lúng túng nghĩ không ra cái tên vị thẩm phán này. Ông tự hỏi thầm, nhưng ai cũng nghe thấy, “Không, không phải là Montemayor...” Một nhà báo có hảo ý nhắc tên vị nữ thẩm phán: “Sotomayor.” Ông Perry sung sướng nhắc lại: “Sotomayor, đúng, Sotomayor.” Sau đó, ông chỉ trích các quan tòa Tối Cao Pháp Viện đã can thiệp vào “quyền tự do cầu nguyện” ở trong các trường học. Ðó là một đề tài rất hấp dẫn. Cho nên ông lên tiếng phản đối “Tám vị thẩm phán tối cao không do dân bầu ra; thành thật mà nói, họ không chịu trách nhiệm với ai hết!” Ý kiến này sẽ được nhiều người đồng ý. Chỉ có một điều bất ổn, là Tối Cao Pháp Viện nước Mỹ xưa nay vẫn có chín vị thẩm phán. Ðề tài Tối Cao Pháp Viện là do ông Perry chọn, để ông phê phán định chế này. Tôn giáo là một lãnh vực ông được rất nhiều người tán thưởng. Vậy mà ông quên cả con số 9 người hay 8 người. Nhiều người sẽ tự hỏi: Sao ông không chịu học trước khi lên trả bài?
Chắc cuối cùng ông Rick Perry khó qua mặt được Mitt Romney và Newt Gingrich để giành lấy vai trò ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa. Nhưng các màn biểu diễn tính hay quên khiến nhiều người đã thất vọng về khả năng chính trị của ông. Và nếu ông cứ tiếp tục vận động thêm vài tháng nữa, có lúc người ta sẽ thất vọng cả về những chuyện tranh cử và bầu cử sơ bộ. Liệu hai chính đảng lớn ở Mỹ không tìm ra cách nào khác để chọn một ứng cử viên chính thức hay sao?
Chưa hết, hãy chờ đến sang năm. Khi đảng Cộng Hòa chọn xong rồi, cuộc tranh cử giữa ông Barack Obama với, hoặc ông Mitt Romney hoặc ông Newt Gingrich, sẽ diễn ra với những cảnh đấu đá, chê bai, bới móc và có khi bôi bẩn nhau rất nặng nữa. Dân chúng sẽ còn chứng kiến nhiều cảnh không phải lúc nào cũng hay ho, đáng ngưỡng mộ. Vậy mà, sau cùng, một trong mấy người đó sẽ lên làm tổng thống cai trị dân Mỹ trong bốn năm! Có cách nào khác hay không?
Nhưng khi nhìn lại những vị tổng thống được kính trọng nhất trong lịch sử Mỹ, như ông Lincoln, như hai ông Roosevelt, ta thấy ông nào cũng đều đã trải qua những cuộc tranh cử giống y như vậy cả! Ðọc lịch sử nghe những điều các đối thủ bôi nhọ ông Lincoln, phải thấy là kỳ lạ!
Chế độ Dân Chủ có một khuynh hướng kỳ lạ này, là rất thích phơi bầy những cái xấu của mình! Sống giữa các cuộc vận động tranh cử, nhiều người phải phát chán. Một người quan sát ngoại quốc sẽ lại đặt câu hỏi: Có cách nào khác (coi lành mạnh và sạch sẽ hơn), để chọn một người cai trị quốc gia hay không?
Ở một nước độc tài thì khác hẳn. Chế độ độc tài rất giỏi trong nghề che đậy, giấu diếm. Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại. Dân chúng biết càng ít càng tốt!
Thử nhìn ông Vladimir Putin mà coi. Ông ta chỉ xuất hiện trước công chúng để đóng trò một người hùng; chỉ thua Thống Chế Stalin ngày xưa mà thôi! Putin bắn súng. Putin đấu võ. Putin cưỡi ngựa (cởi trần, khoe bộ ngực lực sĩ). Putin lái máy bay, lái cả tầu ngầm. Putin đứng giữa đoàn nữ vệ binh (các cô y phục rất khiêm tốn). Ðầy rẫy trên truyền hình, trên báo, trên màn ảnh lớn, trên cả nhãn hiệu Vodka. Ông Putin còn được các đồng chí Trung Quốc chọn trao giải Hòa Bình mang tên ông Khổng Tử nữa!
Trước đây hai tháng cả nước Nga và cả thế giới chỉ thấy một chính quyền Putin vô địch, được toàn dân ngưỡng mộ, kính yêu, không ai thay thế nổi; sang năm ông chắc chắn sẽ làm chúa tể Ðiện Kremlin thêm 12 năm nữa. Ai than vãn hay tỏ ý nghi ngờ sẽ bị công an mật vụ hỏi thăm, nhiều nhà báo can đảm đã mất mạng.
Nhưng chỉ cần cho dân chúng bỏ phiếu tự do hơn một chút, bầu không khí đã thay đổi. Tự nhiên hàng chục ngàn người dân bỗng thấy họ mạnh dạn hơn. Họ dám xuống đường tố cáo bầu cử gian lận! Một phụ nữ nói, “Trước đây tôi không bao giờ đi biểu tình. Vì sợ cũng có, mà còn vì tôi nghĩ đi biểu tình cũng chẳng thay đổi gì được. Nhưng bây giờ khác. Chủ Nhật này tôi sẽ đi biểu tình!” Một người dân bình thường bỗng thấy can đảm. Vì bắt đầu tin tưởng vào những quyền tự do căn bản của thể chế tự do dân chủ: Tự do hội họp; và tự do phát biểu. Chắc những quyền đó phải hấp dẫn, phải đưa tới những kết quả tốt hơn tình trạng độc tài! Một điều chắc chắn: Những người Nga đi biểu tình ngày mai, Chủ Nhật 11 tháng 12 năm 2011, đều mong muốn đất nước họ được tự do dân chủ hơn.
Ðể làm gì? Tất nhiên, để cuộc sống kinh tế, xã hội tốt đẹp hơn. Ðể con cháu họ sống hạnh phúc hơn. Nhưng, sẽ đến ngày nước Nga tự do dân chủ thật, các cuộc bầu cử sẽ có nhiều ứng cử viên tham dự, họ sẽ tranh luận với nhau trước công chúng, cãi nhau như mổ bò, y như ở Mỹ bây giờ. Và sau đó nhiều người sẽ thất vọng, sẽ tự hỏi: Có cách nào khác để chọn người cai trị mình hay không?
Nhưng chúng ta biết, chế độ dân chủ tự do không bảo đảm sẽ tìm ra những người lãnh đạo tốt nhất, giỏi nhất, đẹp trai hay xinh gái nhất nước để trao quyền. Dân chủ tự do là một chế độ không hoàn hảo, và không hứa hẹn những kết quả hoàn hảo. Dân chủ tự do không cam kết sẽ tạo ra một xã hội “lý tưởng” - như các chủ nghĩa viển vông thường mê hoặc những người dại dột.
Vậy thì đâu là giá trị đặc biệt của thể chế dân chủ tự do khiến loài người đã mất bao công tranh đấu, theo đuổi, muốn thực hiện bằng được? Hiện nay ở nước Miến Ðiện người ta cũng náo nức đặt những viên đá đầu tiên xây dựng con đường tự do dân chủ cho các thế hệ tương lai. Nhiều người dân các nước Á Rập cũng đang hào hứng xây dựng xã hội mới dân chủ tự do hơn.
Ưu điểm của chế độ tự do dân chủ là nó tạo ra một cái khung, cái sườn cho cuộc sống chung; để giới hạn quyền hành của những người đóng vai cai trị. Khi sống trong khung cảnh pháp lý đó, có thể ngăn ngừa được những tai hại do tình trạng lạm quyền sinh ra. Chỉ cần cho người dân quyền thay đổi người cầm quyền một cách tự do, khuynh hướng lạm quyền sẽ bị hạn chế. Trong một nước độc tài thì tham nhũng, bất công, đàn áp, tham quyền cố vị sẽ khó sửa chữa được. Khi được tự do, người ta có hy vọng thay đổi. Dân chủ tự do không hứa hẹn thiên đường. Nhưng sẽ giúp xã hội loài người tránh rơi xuống địa ngục. Vì vậy loài người vẫn tiếp tục khát khao tự do dân chủ.