Kinh doanh xăng dầu: “Mẹ” kêu lỗ, “con” lãi to - Dân Làm Báo

Kinh doanh xăng dầu: “Mẹ” kêu lỗ, “con” lãi to


Lê Thanh - Bạch Hoàn (TT) - Việc các công ty xăng dầu đầu mối chi đậm hoa hồng (chiết khấu) cho cửa hàng, đại lý trong nhiều thời điểm thay vì giảm giá cho người tiêu dùng được nhiều chuyên gia khẳng định đây chính là hình thức chuyển giá: lỗ mẹ, lãi con.

Người dân đến mua xăng tại một cây xăng của Petrolimex ở quận 3, TP.HCM. Giá xăng dầu thời gian qua luôn gây bức xúc trong dư luận - Ảnh: Thuận Thắng

Bởi hầu hết các công ty đầu mối đều có hệ thống cửa hàng trực thuộc và giữ cổ phần chi phối trong nhiều tổng đại lý. 

Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) là đơn vị có thị phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước (chiếm khoảng 55% thị phần), thường xuyên kêu lỗ. Tuy nhiên, ngay cả khi chi chiết khấu cao, đơn vị này cũng có thể thu lại được một khoản chênh lệch lớn qua hệ thống bán lẻ trực tiếp và các cửa hàng, đại lý của những đơn vị mà Petrolimex có cổ phần chi phối. 

Hưởng từ A đến Z! 

Theo quy định của Bộ Tài chính, chiết khấu và các chi phí kinh doanh của doanh nghiệp gói gọn trong định mức 600 đồng/lít, kg xăng, dầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy nhiều thời điểm các doanh nghiệp trả chiết khấu cho đại lý lên tới 800-850 đồng/lít, đẩy chi phí kinh doanh lên tới 1.100-1.200 đồng/lít. Có thời điểm Petrolimex còn chi chiết khấu tới 860 đồng/lít. Tuy nhiên, những lúc này giá bán lẻ xăng dầu không được giảm theo đà giảm của giá thế giới. Toàn bộ phần chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ rơi vào “túi” doanh nghiệp đầu mối và các đại lý được hưởng chiết khấu cao. 

Theo các chuyên gia, ngay cả những thời điểm doanh nghiệp kêu lỗ, một phần khoản lỗ đó do doanh nghiệp chi chiết khấu cao làm chi phí kinh doanh cao hơn mức quy định của Bộ Tài chính nên doanh nghiệp vẫn không bị thua thiệt hoàn toàn như thông tin vẫn công bố lâu nay. Hiện Petrolimex sở hữu trên 2.100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Các cửa hàng chiếm tới 16% trong tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiếm khoảng 30% tổng lượng bán lẻ xăng dầu của cả nước. 

Theo thông tin công bố của Petrolimex trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), sở dĩ chiếm 16% về số lượng nhưng lại chiếm tới 30% về sản lượng hàng bán ra là do hệ thống cửa hàng này chiếm lĩnh được những vị trí đắc địa nên năng suất bán hàng cao hơn hẳn so với các cửa hàng bán lẻ khác trong ngành xăng dầu. 

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính vừa công bố, nhiều thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm nhưng doanh nghiệp không giảm giá bán lẻ mà tăng mức chiết khấu cho đại lý - Ảnh: N.Khánh

Với tỉ lệ trên, năm 2010 sản lượng hàng bán ra của các cửa hàng này đạt khoảng 4,89 triệu tấn xăng, dầu các loại. 

Petrolimex cho biết hệ thống các cửa hàng nói trên đang đem lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp. Khác với việc bán hàng qua kênh tổng đại lý, đại lý, Petrolimex không phải chi chiết khấu mà được hưởng toàn bộ lợi nhuận nhờ khoản chênh lệch từ giá mua đến giá bán, sau khi trừ khoản hao hụt vận chuyển, quản lý kho từ hệ thống 2.100 cửa hàng này. 

Như vậy, bản thân việc doanh nghiệp kêu lỗ trong nhiều thời điểm là chưa thật sự đúng vì kênh bán hàng này không phải chi chiết khấu, sẽ kéo chi phí kinh doanh giảm xuống so với các kênh bán hàng khác. 

Sơ đồ lợi nhuận kinh doanh xăng dầu của Petrolimex

Lỗ vì chiết khấu cao 

Một kênh khác đưa sản phẩm xăng dầu ra thị trường của Petrolimex là hệ thống tổng đại lý, đại lý trên cả nước. Hiện Petrolimex có khoảng 4.000 tổng đại lý, đại lý. Nhiều chuyên gia phân tích với những trường hợp tổng đại lý là các doanh nghiệp Petrolimex có cổ phần, nắm giữ cổ phần chi phối thì khi chi trả chiết khấu cao, Petrolimex lãi ít hoặc bị lỗ nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi. Vì vậy một phần lợi nhuận của những đơn vị thành viên này cũng thuộc về Petrolimex. 

Chẳng hạn, một công ty kinh doanh xăng dầu mới được thành lập, Petrolimex nắm giữ 51% cổ phần. Đơn vị này cũng có hệ thống bán lẻ xăng dầu. Nếu chiết khấu cao, công ty này lời lớn. Và thực tế Petrolimex cũng có quyền lợi trong đó. 

Liên quan đến việc doanh nghiệp kêu lỗ nhưng lại chi chiết khấu quá cao, ông Vương Hồng Hà - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - nhận định thực chất việc lỗ mẹ, lãi con, có chuyển giá hay không là vấn đề cần được tiếp tục thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. 

“Chiết khấu lên tới 900 đồng/lít cho đại lý rồi nói bị lỗ thì các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đừng kêu Nhà nước!” - ông Hà cho hay.

Đề cập cơ chế tài chính giữa doanh nghiệp đầu mối và các tổng đại lý, đại lý, ông Hà nhận định bản chất là mua đứt bán đoạn. Thể hiện qua việc chiết khấu cho các đại lý không thể hiện trong hóa đơn. ' 

Cụ thể: giá bán lẻ được Nhà nước định sẵn, đơn cử giá bán xăng là 20.000 đồng/lít thì các đại lý trực tiếp của doanh nghiệp đầu mối hay các đối tác ký hợp đồng làm đại lý của doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ được bán với mức giá này. Nếu như là đại lý thì doanh nghiệp đầu mối thỏa thuận chi chiết khấu chẳng hạn 500 đồng/lít. 

Khi xuất hóa đơn, giá bán xăng cho các đại lý chỉ là 19.500 đồng/lít. Còn nếu phân phối xuống tận các cây xăng thì tổng đại lý sẽ phải ngắt tiếp một khoản hoa hồng nữa. Nên đôi khi giá mà các doanh nghiệp đầu mối thu về chỉ 19.000 đồng. Do vậy, lỗ mẹ lãi con là như thế. 

“Tôi chưa giải thích được tại sao chi phí chiết khấu cho đại lý lại đẩy cao đến như vậy. Vì hoạt động kinh doanh xăng dầu không như các sản phẩm khác, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh để giành thị phần bằng việc tăng chiết khấu cho đại lý. 

Thực tế các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng ổn định với hệ thống đại lý, thậm chí hệ thống phân phối theo vùng, theo khu vực làm sao tiêu thụ cho hiệu quả. Nên không thể hôm nay có thể ký với đại lý này, mai lại thay đổi mà ký với đại lý khác. Do vậy, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần vào cuộc để nghiên cứu” - ông Hà băn khoăn. 

Nên có mức trần chiết khấu 

Theo đề xuất của ông Hà, nên quy định mức trần chiết khấu cho đại lý. “Doanh nghiệp không thể muốn tăng chiết khấu bao nhiêu cũng được. Có thể định mức chi phí kinh doanh 600 đồng/lít là lạc hậu nhưng cần phải nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn sẽ nâng lên mức 800 đồng/lít, trong đó quy định chiết khấu cho đại lý chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm, khoảng 40% là 320 đồng. Nếu sau này cơ quan thuế quyết toán mà thấy vượt thì sẽ bị xử lý. Nếu thấp hơn quy định 40% mà đại lý chấp nhận thì doanh nghiệp có lãi” - ông Hà nói. 

Còn về phía doanh nghiệp, qua kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đề nghị doanh nghiệp cần xem lại quản trị. Càng bán càng lỗ là điều không chấp nhận được. Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 1-7 đến 26-8-2011, giá nhập khẩu thế giới giảm, thuế nhập khẩu không tăng... nếu doanh nghiệp không vung tay chi chiết khấu quá cao tới 800-900 đồng/lít, giá mà vẫn giữ mức chi chiết khấu 200-300 đồng/lít như hồi đầu năm thì doanh nghiệp sẽ giảm lỗ, thậm chí có lãi. 

Ông Lê Hoàng Hải, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết để minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu hơn nữa, cần phải thanh tra toàn diện từng vấn đề cụ thể. Đồng tình, ông Hà hi vọng Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước có kiểm tra, thanh tra toàn diện ngành xăng dầu. Hoặc bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị như thanh tra bộ, Tổng cục Thuế vào cuộc. 



*

Kinh doanh xăng dầu: "Mẹ lỗ, con lãi" để né thuế? 

21/12/2011 2:13 

Anh Vũ (TN) Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, điệp khúc "lỗ, tăng giá" mà các doanh nghiệp (DN) xăng dầu sử dụng trong suốt thời gian qua chỉ là chiêu “ve sầu thoát xác”. Để cho công ty “mẹ” lỗ, còn “con” thì lãi nhằm gây áp lực đòi tăng giá xăng, tăng hoa hồng đại lý, giữ và giành giật thị phần của nhau. 

Cố tình lỗ

TS Doanh khẳng định, về nguyên tắc kinh doanh, không một DN nào thích bán hàng dưới giá vốn cho đối tác để chấp nhận thua lỗ. Ví dụ, nếu giá thị trường của một lít xăng là 22.000 đồng, giá vốn 20.000 đồng, DN bán cho các bạn hàng của mình thấp hơn giá bán lẻ nhưng không thể thấp hơn giá vốn, như vậy họ sẽ phải gánh chịu thua lỗ. Nhưng trong vòng 9 tháng kể từ đầu 2011, theo kết luận của đoàn kiểm tra (Bộ Tài chính), Tổng công ty (TCT) xăng dầu (Petrolimex) liên tục bán cho các thành viên của mình, và kể cả đại lý ngoài hệ thống với giá thấp hơn giá vốn rất nhiều. Cụ thể, nếu tháng 1, mỗi lít xăng CT “mẹ” trích cho các thành viên của mình khoảng 300 đồng, thì đến tháng 7 và tháng 8 được tăng lên 600 - 700 đồng/lít. Với định mức chi phí kinh doanh theo quy định không quá 600 đồng/lít, chiêu này khiến Petrolimex càng ngày càng lỗ to. Từ tháng 1 đến 9, khoản chênh lệch do bán dưới giá vốn lên tới 847 tỉ đồng, gián tiếp làm cho TCT bị lỗ 1.840 tỉ đồng, riêng CT “mẹ” lỗ 1.670 tỉ đồng. 

Trả lời báo chí về hành vi trên của DN, ông Lê Hoàng Hải - Cục phó Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - nói: “Sự việc này đoàn kiểm tra đang kiến nghị làm rõ vì hiện vẫn chưa thể kết luận có hiện tượng lỗ “mẹ”, lãi “con” chuyển giá ở DN này hay không. Nhưng trên thực tế khi chiết khấu càng cao thì DN bán hàng sẽ càng lỗ và đại lý sẽ càng có lợi”. TS Lê Đăng Doanh nói thẳng, cần phải làm sáng tỏ bởi lỗ “mẹ”, thông qua việc chuyển lợi nhuận sang CT “con”, bản chất cũng là chuyển giá nhằm bớt phải nộp thuế, nộp tiền vào ngân sách. Ngoài ra, theo lẽ thường trong kinh doanh xăng dầu, các đại lý, tổng đại lý phải phụ thuộc vào CT cung ứng, nhưng giờ CT cung ứng phải chiều họ. “Tăng phí hoa hồng như vậy chắc chắn có sự bắt tay, móc ngoặc ở đây giữa CT xăng dầu và đại lý. Cần phải thanh tra làm rõ, xử lý chứ không thể bắt người tiêu dùng gánh chi phí hết sức vô lý này”, ông Doanh nói. 

Ảnh: Ngọc Thắng 

Chắc chắn gian lận 

Phó viện trưởng Viện Khoa học tài chính Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng thông thường các hành vi chuyển giá chỉ xuất hiện tại các tập đoàn xuyên quốc gia, ở VN muốn xác định được phải thanh tra, kiểm toán để làm rõ. Tuy nhiên, ông Tuyến khẳng định nếu CT “mẹ” chuyển lợi nhuận cho CT “con” hạch toán độc lập, cũng sẽ làm thay đổi lợi ích cục bộ của toàn TCT. Khi đó, CT “mẹ” sẽ bớt được phần thuế, phần nộp ngân sách cho nhà nước. Trong trường hợp của Petrolimex, theo ông Tuyến có thể khẳng định ngay hành vi bán dưới giá vốn là hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, phải bị xử phạt. Còn động cơ có thể nhìn thấy rõ như ban ngày là vin vào lý do bình ổn giá, thích lỗ to để dọn đường đòi tăng giá, chấp nhận bán lỗ để nuôi các đại lý, sợ mất thị phần, mất độc quyền. 

PGS Vũ Công Ty, Học viện Tài chính, cũng cho rằng mục đích chính chuyển lợi nhuận cho CT “con”, để CT “mẹ” không phải nộp thuế, bớt được thuế thu nhập DN phải nộp cho nhà nước. “Nếu để CT “mẹ” lãi lớn sẽ phải nộp thuế nhiều hơn còn nếu chuyển sang CT “con”, đặc biệt CT cổ phần, lợi nhuận đó không phải nộp thuế lại vẫn được chia cổ tức. Bộ Tài chính kết luận chi hoa hồng sai hơn 500 tỉ đồng, thông qua bán cho thành viên, đại lý thấp hơn giá vốn rồi, nhưng nếu giải thích nhằm bình ổn thì cũng không thể thấp hơn giá vốn được. Đây rõ ràng là gian lận”, PGS Ty nói. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng bất kể CT nước ngoài hay trong nước, cứ “mẹ” bán cho “con” thấp hơn giá thành chắc chắn là chuyển giá. Mục đích, tạo lợi nhuận cho CT “con” để “mẹ” hưởng lợi, còn “mẹ” bớt thuế, bớt phần trách nhiệm với ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho nhà nước. 



*

Doanh nghiệp xăng dầu tự tung tự tác 

Thứ Ba, 20.12.2011 | 08:18 (GMT + 7) 

Cao Sơn (laodong) Bộ Tài chính ngày 19.12 đã công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro và Petimex. 

Công bố này cho thấy doanh nghiệp không chỉ báo cáo “chưa đúng” số lỗ, mà còn tự ý trích hoa hồng quá cao để “nuôi” đại lý thay vì chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng bằng cách giảm giá. Điều này làm giảm lãi, tăng lỗ của doanh nghiệp. Đặc biệt tình trạng bán hàng dưới giá vốn cho các Cty thành viên, đại lý khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có sự chuyển giá trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này? 

Petrolimex đã báo cáo lỗ hơn 1.800 tỉ đồng, trong khi con số lỗ của DN này mà Bộ Tài chính công bố hôm 19.12 chỉ là hơn 1.300 tỉ đồng. Ảnh: Giang Huy 

Lộn xộn trích hoa hồng

Kết quả kiểm tra tại 4 DN cho thấy mức trích hoa hồng cho đại lý thực hiện khá lộn xộn, mỗi DN thực hiện một kiểu, mỗi thời điểm trích một mức khác nhau. Thậm chí, thời điểm giữa năm đã xảy ra cuộc đua tăng hoa hồng cho các đại lý trong cuộc cạnh tranh thị phần. Cụ thể, tại Petrolimex, mức trích hoa hồng mặt hàng xăng thấp nhất là 210 đồng/lít ghi nhận hồi tháng 3.2011, đến tháng 6.2011 tăng lên đến 630 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu tăng từ 130 đồng/lít hồi tháng 3.2011 lên 803 đồng/lít tháng 6.2011. 

Tình trạng này xảy ra tương tự tại Sài Gòn Petro khi có thời điểm DN này tăng trích hoa hồng cho đại lý lên tới 714,36 đồng/lít; thậm chí có lúc là 728,77 đồng/lít. Petimex là DN nhỏ nhất và lỗ nhiều nhất trong số này, thế nhưng Petimex lại là DN dẫn đầu trong cuộc đua khi tăng hoa hồng cho các đại lý từ 277,18 đồng/lít trong 5 tháng đầu năm lên 859,68 - 867,29 đồng/lít từ 1.6-26.8. 

DN kinh doanh xăng dầu đã trích hoa hồng cho đại lý thay vì giảm giá. Ảnh:? Giang Huy 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng: “Dù tiếng là điều hành giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, nhưng thực tế thị trường lại đang do DN, nhóm DN thống lĩnh thị trường chi phối, nên trong một vài trường hợp DN tự ý tăng thù lao đại lý để tạo sự cạnh tranh không bình đẳng”. Bên cạnh đó khi giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngày 23.9.2008, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 32/2008/QĐ-BCT tạo “cơ chế” cho DN tự do thỏa thuận với các đại lý trong thực hiện chi phí và hoa hồng. 

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng nhận được phản hồi của DN khi cho rằng định mức 600 đồng/lít trên là không còn phù hợp trong bối cảnh trượt giá. Tuy nhiên, thực tế là mức thù lao này có thời điểm lên tới gần 1.000 đồng/lít nhưng có thời điểm chỉ hơn 100 đồng/lít. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng lập luận trên là chưa hợp lý.

Ai thiệt - ai chịu trách nhiệm?

Trước câu hỏi: Vậy khi DN chi thù lao cho đại lý vượt định mức làm giảm lãi, tăng lỗ thì ai chịu trách nhiệm, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: NTD không phải chịu, Nhà nước cũng không cấp bù mà DN phải tự trang trải(?). 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Mai cũng cho rằng, như vậy là DN chưa chia sẻ khó khăn với Nhà nước và NTD trong bối cảnh lạm phát cao, kinh tế khó khăn, người dân và mọi ngành nghề ra sức tiết giảm chi phí. Thêm nữa, khi chi phí kinh doanh của DN tăng cao sẽ làm giảm lãi/tăng lỗ của DN khiến tình hình tài chính không lành mạnh và ảnh hưởng tới nguồn thu thuế. Các chuyên gia đặt câu hỏi: Chẳng lẽ, việc NTD không được hưởng mức giá thấp hơn thì “chưa phải” là một thiệt thòi?

Hơn nữa, đoàn kiểm tra còn cho biết các DN chưa chủ động nỗ lực tiết giảm chi phí hao hụt nhiên liệu để giảm lỗ và còn khấu hao tài sản cố định ở mức tối đa trong khung thời gian tối thiểu. Bên cạnh đó, các DN còn tiến hành bán hàng dưới giá vốn cho các đơn vị thành viên và các tổng đại lý dẫn tới tình trạng “Cty mẹ lỗ nhưng Cty con lãi”.

Vấn đề này đặt ra câu hỏi: Liệu có hiện tượng chuyển giá trong trường hợp này không? Ông Lê Hoàng Hải - Cục phó Cục Tài chính DN cho rằng... chưa có kết luận. “Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu DN điều chỉnh giảm lỗ ở Cty mẹ và giảm lãi ở Cty thành viên” - ông Hải nói. 


Không lỗ như doanh nghiệp kêu
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2011, Petrolimex lỗ 1.318 tỉ đồng (DN này báo cáo lỗ 1.840 tỉ đồng). Petimex lỗ 136 tỉ đồng; PV Oil lỗ 346 tỉ đồng và Sài Gòn Petro lãi 156 tỉ đồng. Từ 1.7 đến 26.8.2011, Petrolimex ước lãi 130 tỉ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỉ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỉ đồng; tương tự, Petimex báo lỗ 55,23 tỉ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỉ đồng.  


Cao Sơn 


http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Doanh-nghiep-xang-dau-tu-tung-tu-tac/70235




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo