Phản biện giống như 'đánh vào chỗ không' - Dân Làm Báo

Phản biện giống như 'đánh vào chỗ không'

Lê Nhung (VietnamNet) Góp ý về hiệu quả công tác phản biện xã hội của giới trí thức, ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động VN ví von "giống như đánh vào chỗ không" mà không nhận được hồi đáp.

Tại buổi tổng kết đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) sáng 10/12 ở Hà Nội, không ít nhà trí thức đã phàn nàn tình trạng phản biện ít có người nghe. Nhiều đề xuất được đưa ra để cải thiện tình hình trong giai đoạn tới. 

Ai muốn góp cứ góp 

Cầm trên tay tập tài liệu, ông Nguyễn An Lương kể lại chuyện vừa rồi hội của ông đã gửi một bản góp ý hơn chục trang cho một cơ quan lập pháp, đóng góp vào dự án luật. Nhưng rồi chờ mãi cũng không nhận được hồi đáp, dù chỉ là một tờ xác nhận "đã nhận được ý kiến". 

Ông Nguyễn An Lương: Đề nghị có văn hóa trả lời 

Ông Lương ví von, việc góp ý kiến nhiều khi trở thành "đánh vào chỗ không", chưa được trân trọng và ghi nhận. Trí thức không quản nề hà góp ý cho các chính sách xã hội cũng không mong phải được biết đến, nhưng theo ông Lương, đó là tập hợp trí tuệ, tâm huyết của không ít người. Nếu có tiếp thu hay không cũng cần một phản hồi tích cực cho thấy ý kiến đã đến đúng địa chỉ. 

Vậy là, hiệu quả của các ý kiến tư vấn, phản biện không còn phụ thuộc vào chất lượng các đóng góp đó ra sao mà phần nhiều "phụ thuộc thiện chí, tấm lòng của người lắng nghe. Và có một sự thật là các cơ quan quản lý rất ngại nghe góp ý. Nhiều khi chúng ta ai muốn góp thì cứ góp thế thôi", ông Lương tâm tư. Thậm chí ngay cả khi đã chọn cách góp ý đúng mức, xác đáng nhất và dễ nghe nhất. 

Một đề xuất của ông Lương được các đại biểu tán thành là phải hình thành "văn hóa trả lời" trong các cơ quan công quyền. Để những tư vấn, phản biện có đích đến. 

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng phân tích thêm, có một thực tế là nhiều người không thích nghe tư vấn phản biện, đặc biệt là những ý kiến trái chiều, cho là mất thời gian. 

"Vì vậy họ cũng quên luôn yêu cầu tư vấn phản biện hoặc chỉ lấy ý kiến một cách hình thức... Thậm chí, một vài lần phản biện trái ý lập tức sẽ bị quên không yêu cầu nữa", ông Hùng cho hay. 

Các nhà khoa học cũng dẫn nhiều ví dụ về trường hợp các chuyên gia đã dày công chuẩn bị tài liệu, hội thảo công phu, nhưng tư liệu đưa lên lại được trả lời là "vấn đề đã thông qua". Như vậy là đặt các nhà khoa học trước một việc đã rồi. 

Giáo sư Chu Hảo kể lại chuyện từ 2004 đến nay, các tổ chức đã gửi ít nhất 4 bản kiến nghị về giáo dục nhưng tuyệt nhiên không nhận được câu trả lời nào. Ông Hảo cho rằng, cần có một thái độ ứng xử văn hóa hơn. Những ý kiến phản biện không theo đơn đặt hàng mà do các nhà trí thức tự đề xuất và gửi lên thì có thể không cần phải trả lời nhưng cần có sự tiếp thu. 

Phó tổng thư ký VUSTA Phạm Bích San trong tổng kết 10 năm hoạt động phản biện của Liên hiệp hội cũng thừa nhận, cơ chế phản hồi giữa cơ quan nhận kết quả không rõ ràng nên nhiều khi đã không đánh giá được hiệu quả. 

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp do tác động của bệnh thành tích hoặc nhóm lợi ích nên đôi khi vẫn coi hoạt động phản biện là soi mói vào nội tình, không phải lúc nào cũng có thái độ cởi mở với kết quả nhận được. 

Đặt hàng phải kèm... đặt tiền 

Theo nhiều nhà khoa học, chừng nào vẫn luẩn quẩn chuyện nói ai nghe, nói có tiếp thu và tiếp thu đến đâu thì câu chuyện tư vấn, phản biện vẫn sẽ không có được kết quả như mong muốn. Vì thế, VUSTA cần sớm tìm giải pháp. 

Ông Đặng Ngọc Dinh: Chủ động phát hiện đúng vấn đề, công khai trên truyền thông, tự nhiên người ta phải nghe 

Nói như ông Đặng Ngọc Dinh, nên "mặc kệ" chuyện ai đó cần tiếp thu và cũng không nên "xin xỏ" ai, mà cách tốt nhất là các nhà khoa học hãy tự phát hiện, đề xuất vấn đề, công bố rộng rãi, công khai trên các phương tiện truyền thông, khi đó, hiệu ứng lan tỏa của nó sẽ khiến cho cơ quan công quyền sẽ phải để tâm chú ý. Quan trọng là phải luôn giữ được tinh thần ôn hòa, tích cực và cấp tiến. 

Ông Dinh cũng dẫn lại nhiều ví dụ minh họa cho thành công của cách làm trên. 

Không được lạc quan như ông Dinh, ông Nguyễn Ngọc Thu (Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục VN) lại cho rằng, cần đề xuất cơ chế lấy ý kiến góp ý chính sách từ các nhà khoa học, chuyên gia là một điều khoản bắt buộc, như vậy mới có giá trị pháp lý. Đặc biệt trong bối cảnh các nhà khoa học đều cho rằng từng hiệp hội phải tự phát hiện, tự đề xuất vấn đề thay vì chỉ tư vấn, phản biện theo đơn đặt hàng. 

Ông Lê Thanh Ba (Tổng hội Xây dựng) gợi ý, hoạt động tư vấn phải được xem như một loại dịch vụ. "Chỉ khi nào các tổ chức, cá nhân đặt hàng tư vấn phản biện có kèm theo đặt tiền thì mới tạo cơ sở ràng buộc là phải lắng nghe. Nếu như bây giờ vẫn sẽ là nói đến đâu thì nói, nghe được đến đâu thì nghe". 

Một số đại biểu khác cho rằng, tư vấn phản biện phải kết hợp với nghệ thuật vận động chính sách thì mới mong có kết quả và mới mong đóng góp của chuyên gia được tiếp thu. Vận động chính sách phải được tiến hành tới cơ quan ở những cấp cao nhất. Các nhà khoa học cũng không nên thụ động chờ phản hồi và than thở là không có ai phản hồi mà phải có ý kiến đòi hỏi thích đáng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo