Tina Burrett - The Japan Times (Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ) - Nhiều người tham dự cuộc tuần hành đã hưởng ứng lời kêu gọi từ những mạng xã hội như Facebook và Twitter. Cuộc bầu cử viện Duma 2011 là lần đầu tiên khi Internet đã đóng một vai trò quan trọng tại Nga. Kể từ vòng cuối của cuộc bầu cử toàn quốc năm 2008, việc sử dụng Internet đã lan tràn khắp quốc gia, thậm chí thâm nhập đến cả những vùng xa xôi nhất nước Nga...
*
Những người dân nước Nga không lấy gì ngạc nhiên khi cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức vào ngày 4 tháng Mười hai là không tự do và công bằng. Việc bầu cử ở Nga ngày càng bị kiểm soát kể từ khi Vladimir Putin tranh cử thủ tướng lần đầu tiên vào năm 1999.
Thậm chí trước cả Putin, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, bầu cử đã bị điện Kremlin lũng đoạn và những người bạn chính trị đầu xỏ trong ngành truyền thông. Năm 1996, Yeltsin dù bệnh tật vẫn vận động thắng cử tổng thống mặc dù tỉ lệ tin tưởng ông chỉ có 3% vài tháng trước cuộc bầu cử. Kể từ dạo ấy, cử tri Nga đã xem kết quả bầu cử chính trị với mức độ nghi ngờ lớn. Nhưng cho đến nay, chỉ có vài người sẵn sàng tích cực thách thức tính chính danh của hệ thống bầu cử hoặc việc chính quyền lũng đoạn kết quả bầu cử.
Những cuộc biểu tình tại Moscow từ Chủ nhật tuần trước cho thấy xã hội dân sự đang dần dần tỉnh thức. Những cuộc biểu tình chống lại nhà cầm quyền trong thập niên vừa qua hiếm khi lôi kéo hơn 200 người. Nhưng cuộc tuần hành được tổ chức sau cuộc bầu cử tuần qua đã hấp dẫn gần 5 nghìn người.
Nhiều người tham dự cuộc tuần hành đã hưởng ứng lời kêu gọi từ những mạng xã hội như Facebook và Twitter. Cuộc bầu cử viện Duma 2011 là lần đầu tiên khi Internet đã đóng một vai trò quan trọng tại Nga. Kể từ vòng cuối của cuộc bầu cử toàn quốc năm 2008, việc sử dụng Internet đã lan tràn khắp quốc gia, thậm chí thâm nhập đến cả những vùng xa xôi nhất nước Nga.
Mặc dù không nên cường điệu hoá tầm quan trọng của môi trường này, cơn bão chỉ trích trên mạng đối với Putin và đảng Nước Nga Thống nhất của ông trong những tháng trước cuộc bầu cử đã có ảnh hưởng rõ rệt đến giới cử tri, đặc biệt là đối với lớp trẻ.
Trong mười năm qua, nhà cầm quyền đã thắt chặt quyền tự do trong truyền thông chính thống mà chẳng có một lời than vãn nào từ xã hội. Nhưng trên mạng và ngoài mạng, công dân Nga đã tìm lại được tiếng nói của mình; trong một trường hợp điều này đã đúng theo nghĩa đen.
Khi Putin xuất hiện trong một cuộc thi đấu võ hỗn hợp tại Sân thể thao Olimpiilky ở Moscow vào ngày 21 tháng Mười một, lời phát biểu bế mạc của ông đã bị cử toạ la ó. Đoạn phim về sự kiện này đã loan truyền rất nhanh trên YouTube với 1,5 triệu lượt người xem trong vòng 48 giờ. Khi điện Kremlin tìm cách giải thích sự việc bằng cách cho rằng cử toạ đang la ó đấu sĩ Hoa Kỳ Jeff Monson, thanh niên Nga đã tràn lên trang Facebook của đấu sĩ Hoa Kỳ này để giải thích cho anh và thế giới rằng Putin chính là đối tượng bị la ó.
Tiếp theo sau sự kiện này, nhà báo Yuliya Latynina tiên đoán rằng “hoặc là chính quyền sẽ huỷ diệt Internet hoặc Internet sẽ huỷ diệt chính quyền”. Lời của Latynina cho thấy đấy là một tiên đoán đầy mỉa mai. Vào ngày Bầu cử, trang mạng của cơ quan bà, đài truyền thanh bình luận độc lập Ekho Moskvy, đã bị tin tặc phá sập. Trang mạng Golos, cơ quan quan sát bầu cử độc lập duy nhất cũng phá sập bởi những cuộc tấn công mạng, sau nhiều ngày chịu áp lực từ chính quyền. Thời điểm của những cuộc tấn công chống lại các trang mạng của các tổ chức phi chính phủ và truyền thông cấp tiến cho thấy sự liên hệ của Kremlin.
Không như chính quyền Trung Quốc, chỉ đến gần đây, giới lãnh đạo Nga mới vài lần tìm cách kiểm soát quyền truy cập thông tin trên mạng. Nhưng điện Kremlin đã đúng khi lo ngại luồng thông tin tự do trên mạng. Trong cuộc bầu cử này, các cử tri đã sử dụng triệt để mạng truyền thông xã hội để vạch trần nạn gian lận bầu cử. Một đoạn phim từ Moscow được đăng trên YouTube cho thấy những cây bút trong phòng phiếu đã được đổ đầy mực vô hình. Trong một đoạn phim khác từ Siberia, cho thấy các thùng phiếu đã đầy một phần ba khi được đưa đến các phòng bầu cử. Một số người sử dụng YouTube đã quay phim các chiếc xe buýt, được mệnh danh là “đèn kéo quân”, chuyên chở cùng một nhóm người đến những trạm bỏ phiếu khác nhau để bầu nhiều lần.
Những câu chuyện điển hình trên giới viết blog, ví dụ như những cuộc biểu tình bảo vệ khu rừng Khimki, đã đưa ra một thế hệ lãnh đạo đối kháng mới. Tuần trước, blogger nổi tiếng nhất ở Nga bị giam tù 15 ngày vì đã đăngi bài chống lại gian lận bầu cử và Thủ tướng PUtin một đêm trước ngày bầu cử. Alexei Navalny, 35 tuổi, là người lãnh đạo không chính thức của giới trẻ bất đồng ở Nga. Trang blog của anh, chuyên vạch trần nạn tham nhũng ở mọi tầng lớp của chính phủ Nga, đã có hàng nghìn khách viếng thăm mỗi ngày. Navalny là một đe doạ đối với Kremlin, khi trang blog chống tham nhũng của anh vạch trần một khoảng cách rõ rệt giữa tuyên truyền của chính quyền và thực tế. Đảng Nước Nga Thống nhất đã dùng việc chống tham nhũng làm chủ trương chính của chiến dịch vận động bầu cử 2011. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng vẫn chỉ được hứa hẹn trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2003. Sau 12 năm cầm quyền của Putin, tham nhũng và những điều còn lại đều tồi tệ hơn chứ không tốt lên, và cử tri đã không còn kiên nhẫn.
Kể từ khi Đại hội Đảng Nước Nga Thống nhất vào tháng Chín trước thông qua việc Putin và Medvedev giao hoán chức vụ cho năm tới, sự ủng hộ của công chúng đối với bộ đôi cầm quyền này đã bị suy giảm. Mặc dù người Nga biết ơn sự ổn định mà Putin đã đem lại sau thời đại hỗn loạn của Yeltsin, giờ đây nhiều người đã thấy việc cầm quyền của ông đã không còn có ích.
Trong khi cử tri sẵn sàng chấp nhận phong cách cầm quyền bán độc tài của ông trong những năm bùng nổ giữa thập niên 2000, kể từ cơn khủng hoảng kinh tế 2008-2009, nhiều người đã nhận thấy cần phải có sự thay đổi.
Khi sự ủng hộ với chính phủ cầm quyền đã thuyên giảm, một vài cựu đồng minh của nó cũng đã rời bỏ nó. Một ví dụ là Sergei Mironov, lãnh đạo đảng Nước Nga Công bình đưọc thành lập năm 2006 với sự tán đồng của Kremlin. Mironov và đảng của ông đã tách xa Putin từ năm ngoái. Vào tháng Mười một năm nay, khi Putin đọc diễn văn trước Quốc hội, một số thành viên của đảng Mironov đã từ chối đứng lên đón chào vị thủ tướng; một biểu hiện nổi loạn hiếm thấy đã được hưởng ứng bởi những dân biểu thuộc Đảng Cộng sản.
Thái độ không hài lòng ngày càng cao đối với Putin cũng như những hoạt động đối kháng trong xã hội Nga sẽ không ngăn trở được Putin quay lại ghế tổng thống vào năm 2012. Việc thiếu vắng một nhân vật khác Putin cộng với việc Kremlin kiểm soát nguồn lực quản lý sẽ bảo đảm chiến thắng cho ông. Trong hai nhiệm kỳ trước, Putin đã được may mắn với những hoàn cảnh thuận lợi. Nhiệm kỳ thứ ba của ông sẽ không dễ dàng như thế.
Cơn khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã làm thiếu hụt ngân sách để tài trợ cho việc hiện đại hoá vô cùng cấp thiết đối với cơ sở hạ tầng nước Nga. Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vượt trên 25%; hưu trí, y tế và giáo dục đang rất cần cải cách; và kinh tế Nga vẫn dựa vào việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên một cách đầy nguy hiểm.
Cử tri Nga đã cho Putin một thập niên để giải quyết những cơn bệnh kinh tế và xã hội của Nga. Nếu ông không đưa ra một phương pháp thật sự mới để giải quyết những vấn đề cố hữu này, chắc chắn cử tri sẽ không cho Putin cầm quyền thêm 10 năm nữa.