Thư ngỏ & tín hiệu (số 2) - Dân Làm Báo

Thư ngỏ & tín hiệu (số 2)

Mẹ Nấm - Bắt đầu có chuyện rồi. Thưa các anh an ninh đã hành xử với người ký tên vào bức thư gửi cho ông Trương Tấn Sang dưới đây, tôi rất mong được đối thoại với các anh một cách công khai đàng hoàng, đừng làm cái trò này, xấu mặt ông Sang, xấu cả mặt nhà nước quang vinh lắm.

*

Các bạn thân mến !

Từ hôm nay, tôi chính thức đóng cửa Blog này và cũng vì nhiều lý do tôi đã đề nghị được rút tên ra khỏi danh sách đề nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ và Blogger Điếu Cày.

Mong bạn đọc thứ lỗi cho ông giáo già nghỉ hưu này.

Tạm biệt các bạn

Tô Oanh

*

Đây là trường hợp đầu tiên chính thức “được” cơ quan an ninh yêu cầu rút tên khỏi danh sách ký tên vào thư ngỏ gửi ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về việc tiếp tục giam giữ trái phép công dân Nguyễn Văn Hải – blogger Điếu Cày.

Tôi thực sự thất vọng với cách hành xử thiếu văn minh, trái luật và vi phạm quyền công dân của lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang.

Bác Tô Oanh, một giáo viên nghỉ hưu, là người đã 5 lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Và tôi nghĩ mọi người khó có thể quên hình ảnh một ông giáo già luôn giơ cao tấm biểu ngữ “Sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm” bên Bờ Hồ những ngày đầu tháng 8.

Sau những lần biểu tình về, bác đều bị theo dõi, và đỉnh điểm của việc sách nhiễu, trấn áp là cơ quan an ninh đã triệu tập bác lên để làm việc và khám xét máy vi tính tại nhà.

Ngày 15/12/2011 họ kiểm tra máy vi tính của bác nhưng không phát hiện được gì.

Ngoài việc phạt hành chính (theo luật quản lý Internet) ngành công an yêu cầu bác mấy điều sau:

- Xóa hết các trang Blog (cả hình ảnh và bài viết, dù từ tháng 8 năm 2010 bác đã không viết bài nào);

- Không tham gia biểu tình khi chưa có luật biểu tình;

- Rút tên trong bản kiến nghị thả LS Cù Huy Hà Vũ và Blogger Điếu Cày.

Luật nào cho phép công an ra quyết định buộc một công dân phải xóa blog mà không có quyết định của tòa án?

Luật nào cho phép công an cấm công dân biểu tình khi chưa có luật biểu tình?

Luật nào cấm công dân Việt Nam tham gia viết thư ngỏ cho Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam?

Tôi sẽ chờ xem quyết định xử phạt mà cơ quan an ninh điều tra áp dụng đối với một ông giáo già nghỉ hưu, người đã huấn luyện cho nhiều người sử dụng máy vi tính.

Tính đến nay, thư gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước đã tròn 1 tuần, và bản thân tôi vẫn chưa nhận được phiếu báo phát của dịch vụ EMS từ Công ty Bưu chính Viễn thông, xác nhận việc thư đã đến đúng địa chỉ và có người nhận hay chưa.

Thật lạ lùng là khi chưa biết thư gửi đi có đến tay ông Trương Tấn Sang hay không thì lực lượng an ninh đã có động thái gây áp lực tinh thần đối với những người đồng ký tên vào lá thư.

Trước khi xác định được liệu lá thư có đến tay ông Chủ tịch nước hay không, thì rõ ràng hành động sách nhiễu công dân và đứng trên luật pháp của lực lượng an ninh tỉnh Bắc Giang đã làm xấu mặt ông Sang, xấu cả mặt nhà nước, đi ngược lại những gì mà ông Chủ tịch nước và nhà nước vẫn luôn tuyên truyền, giáo dục nhân dân về một đất nước tôn trọng pháp quyền, dân chủ và văn minh.

Và tôi nghĩ, chúng ta, những người đã cùng ký tên vào thư gửi cho ông Trương Tấn Sang, nhất định sẽ không để một người cùng đồng hành với mình như bác Tô Oanh cô đơn phải không mọi người?


*






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo