Vụ tham nhũng RBA: Cuộc điều tra “Hồ sơ mật” - Dân Làm Báo

Vụ tham nhũng RBA: Cuộc điều tra “Hồ sơ mật”

Lê Minh (danlambao) - Trong loạt bài phóng sự điều tra mới nhất của hai phóng viên Richard Baker và Nick Mckenzie được đăng trên báo Sydney Morning Herald số ra ngày hôm nay cho biết các quan chức cao cấp của Cơ quan Thương Mại Austrade của Úc đã từng gặp gỡ một tay buôn vũ khí khét tiếng người Ấn Độ và có biết về những khoản tiền dùng hối lộ một cán bộ cao cấp ngành phản gián của công an để giành hợp đồng in tiền nhựa Polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cuộc điều tra lần này cho thấy nhiều chi tiết mới mẻ về việc công ty Securency và công ty in tiền NPA (Note Printing Australia) đã tung ra hàng chục triệu để hối lộ các quan chức khắp Á Châu. Hồ sơ cho biết vào năm 2001 một quan chức cao cấp của Austrade tại Việt Nam khi đó là bà Elizabeth Masamune không những đã được công ty Securency thông báo rằng một công ty VN là CFTD đứng ra làm “giao liên” giữa Securency của RBA và Ngân hàng Nhà nước VN, mà bà còn có mối quan hệ làm việc chặt chẽ với vị Tổng Giám Đốc của CFTD. Đây là một công ty của Bộ Công An VN, do Đại tá Lương Ngọc Anh làm Tổng Giám Đốc. Trước đây Cảnh sát Liên bang Úc đã nêu đích danh chính Đại tá Lương Ngọc Anh là kẻ môi giới, đã nhận số tiền hối lộ của Securency lên đến 20 triệu đô la để giúp thuyết phục Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển đổi tiền giấy sang tiền nhựa Polymer và các hợp đồng in tiền sau đó. 

Bộ hồ sơ được phép phổ biến theo Đạo luật về Quyền Tự do Thông tin (Freedom of Information Act), cho thấy các quan chức cao cấp của Austrade, mà điển hình là bà Elizabeth Masamune đã có nhiều cuộc gặp gỡ mật thiết và làm việc với các quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bản thân Đại tá Lương Ngọc Anh.

Elizabeth Masamune - Hiện nay là Giám đốc cao cấp Austrade, đặc trách Đông Á

Trong một điện thư đề ngày 14/01/2001 gởi cho Cliff Gerathy là cựu Tổng quản Thương Mại của Securency (và cũng là viên chức cao cấp thứ 8 bị cảnh sát liên bang Úc tạm giữ để điều tra), bà Elizabeth Masamune cho biết vừa mới gặp gỡ bà “Phó Thống đốc” vào ngày hôm trước thì hôm sau và bà ta đã ký duyệt, chấp thuận cho phép in tiền ngay (mặc dù tên tuổi trong Điện thư đã được bôi xóa để bảo mật, nhưng người ta có thể đoán ra đó là bà Nguyễn Thị Kim Phụng, là phó Thống đốc NHNNVN khi đó). Cũng trong bức điện thư này, bà Elizabeth Masamune cho biết “sẽ giữ liên lạc và tiếp tục làm việc với Anh (Lương Ngọc Anh) về nội dung lá thư đề cập đến các vấn đề tiền bạc,...”. 

Để sắp xếp cho chuyến đi đến Úc của Lương Ngọc Anh vào cuối tháng 3 năm 2001, trong một bức điện thư của bà Elizabeth gởi cho Cliff Gerathy đề ngày 13/03/2001, có đoạn viết: “...Anh (Lương Ngọc Anh) sẽ phải cần đến Chiếu Khán hỏa tốc. Chúng tôi sẽ làm hết mình để yêu cầu bên Di trú cấp ngay,... và cũng sẽ thuyết phục họ cấp cho anh ta loại chiếu khán nhập cảnh nhiều lần“. 

Trong bức điện thư hồi âm cho bà Elizabeth trong cùng ngày, ông Cliff Gerathy đã minh xác lập trường làm ăn của Securency như sau: “Đối với trường hợp của Việt Nam, chúng tôi đã xác định là ưu tiên hơn các nước khác, nhất là trong vấn đề chung chi, mà chúng tôi xem đó là một sự đầu tư”.

Trước đó một ngày, trong bức điện thư ngày 12/03/2001 của CFTD gởi cho bà Elizabeth từ địa chỉ cftd-cons@hn.vnn.vn, Đỗ Minh Thông đã đề cập một số nội dung làm việc trong chuyến đi Úc của Lương Ngọc Anh, trong đó có nhấn mạnh đến việc thương thảo và chấp thuận phần huê hồng của CFTD. Bức điện thư này cũng được sao gởi cho Lương Ngọc Anh qua địa chỉ lngocanh@hn.vnn.vn

Đại tá công án Lương Ngọc Anh và cựu Thống đốc Lê Đức Thúy

Việc điều tra sự dính líu của các quan chức Austrade trong vụ tham nhũng RBA là diễn tiến mới nhất tiếp theo sau vụ bắt giữ 8 viên chức cao cấp của hai công ty Securency và công ty in tiền NPA để phục vụ cuộc điều tra vừa qua. 

Được biết Cơ quan Austrade đã giúp công ty Securency trong nhiều thương vụ với 49 quốc gia trên thế giới. 

Mặc dầu các dân biểu của Đảng Xanh và phe đối lập đã nhiều lần lên tiếng ở quốc hội, kêu gọi thành lập một ủy ban để điều tra tường tận vụ tham nhũng RBA nhưng chính phủ Lao động đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng này vì vấn đề “tế nhị”. 

Cho đến nay vẫn còn nhiều hồ sơ liên quan đến các quan chức Việt Nam dính líu trong vụ này chưa được công bố, nhất là các công điện, điện thư trao đổi giữa bà Elizabeth Masamune và các quan chức Việt Nam. Những hồ sơ đã được công bố chỉ là bề nổi bên ngoài, mà trong đó tên tuổi của các quan chức Việt Nam được “cẩn thận” bôi đen. 

Đơn giản bởi lẻ, đó là “Hồ sơ mật”! 

Úc Châu ngày 1/12/2011 


___________________________

Tham khảo: 

Báo The Age 

Báo Sydney Morning Herald 

Nguồn các bức điện thư (Emails): 

Các bức điện thư trao đổi giữa David Twine và quan chức Austrade và Securency. 

Các bức điện thư trao đổi của bà Elizabeth Mesamune 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo