"Xã hội tự do và xã hội sợ hãi" - Dân Làm Báo

"Xã hội tự do và xã hội sợ hãi"


Với tất cả sự thô bạo của nó, xã hội sợ hãi đối với những người quan sát bên ngoài vẫn là một xã hội đồng nhất của những người trung thành với chế độ. Họ không biết rằng có hàng ngàn, hàng chục ngàn, trăm ngàn, ngay cả hàng triệu người "hai mặt" sống trong nỗi kinh hoàng thường trực. Mặt khác, mặc dù không thể biết được chính xác con số những người "hai mặt" trong một xã hội sợ hãi, một điều chắc chắn là số người này càng ngày càng tăng. Điều này xảy ra vì những người trung thành, một khi đã nhận ra chân tướng của chế độ, dần dần trở thành thành viên của nhóm người "hai mặt" và, trong nhiều trường hợp, trở thành những người bất đồng chính kiến kiên định... 


Trần Minh Khôi dịch - Tính viết một cái note về các khái niệm "xã hội thần dân" và "xã hội công dân" đã dùng trong hai loạt bài "Chuyện hiến pháp" và "Chuyện giáo dục", sực nhớ hồi xưa có dịch một chương của cuốn "The case for democracy" của Natan Sharansky, "Xã hội tự do và xã hội sợ hãi". Lục trong hard disk và post lại ở đây để tham khảo khi trình này hai khái niệm kia. 

Xã hội Việt Nam trong những năm đầu của thập niên thứ hai của thể ký này đã đi một đoạn đường khá xa. Nó không còn là một xã hội sợ hãi giống như xã hội Stalin mà Sharansky miêu tả. Nhưng phải mất một thời gian dài và đòi hỏi nhiều ý chí nữa trước khi có thể gọi nó là một xã hội tự do. Tương tự, xã hội dân sự ở Việt Nam, ít nhất là với khái niệm, đã bắt đầu hình thành. Nhưng đoạn đường từ xã hội thần dân đến với xã hội công dân còn xa.)

*

Xã hội tự do và xã hội sợ hãi

Chúng ta thường liên hệ một xã hội tự do với một số quyền căn bản nào đó. Tuy nhiên không một xã hội nào những quyền tự do này là tuyệt đối. Ở Mỹ chẳng hạn, nơi mà các quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng được coi là bất khả xâm phạm, người ta không có quyền tự do để la hoảng "cháy!" trong một nhà hát đông người, hoặc chế độ đa thê được cho phép nhân danh niềm tin tôn giáo. Trong khi những thảo luận về giới hạn thích hợp nào đó của các quyền tự do có thể là những đề tài tranh luận thú vị trong các xã hội dân chủ, những thảo luận này không làm sáng tỏ được sự khác biệt nền tảng giữa một xã hội dựa trên tự do và một xã hội dựa trên sự sợ hãi.

Sự khác biệt này được nhận diện bởi những người chắc chắn phải biết rõ về đề tài này: những nhà bất đồng chính kiến Xô viết. Trong nhà tù Gulag, có nhiều loại tù nhân chính trị khác nhau: quân chủ - những người vẫn tha thiết phục hồi chế độ Nga hoàng cũ đã bị quét sạch trong cuộc cách mạng Bolshevik, những người quốc gia Ukrain đang đấu tranh để giành lại nền độc lập cho quê hương của họ sau hơn 300 thống trị của Nga, những người Pentecostal đấu tranh cho quyền tự do tín ngưỡng, những người cộng sản Âu Châu đang cố gắng một cách vô vọng để khoác một bộ mặt "nhân tính" lên chế độ cộng sản Xô viết, những người Do Thái khước từ chế độ và muốn di dân như tôi, và nhiều người khác nữa. 

Trong sự đa dạng của những ý kiến khác biệt của các tù nhân chính trị này, chúng tôi đồng ý với nhau một điều: Tất cả chúng tôi đều muốn sống trong một xã hội tự do! Và bất chấp những mâu thuẫn có thể có giữa chúng tôi về một viễn cảnh nào đó cho tương lai, kinh nghiệm bất đồng chính kiến đã cho phép chúng tôi đồng ý với nhau về một định nghĩa của tự do: Một xã hội là tự do nếu người dân trong xã hội đó có quyền được bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị bắt giam, bị tù đày, hoặc bị hành hung. 

Mỗi tù nhân chúng tôi hình dung về một tương lai mà trong đó những quan tâm của mình là tối thượng, nhưng bất kể sự cuồng nhiệt đến mức nào đi nữa của những ước vọng riêng biệt này, tất cả những người bất đồng chính kiến đều hiểu rằng một xã hội không bảo vệ quyền được có ý kiến khác biệt, ngay cả khi xã hội này hoàn toàn tuân thủ những giá trị và ý thức hệ riêng biệt của nó, thì nó sẽ không tránh khỏi trở nên một xã hội sợ hãi và, do đó, gây nguy hiểm cho tất cả thành viên trong xã hội. 

Một phương pháp đơn giản để xác định quyền được bất đồng chính kiến trong một xã hội nào đó có được tôn trọng hay không là dùng phép thử "quảng trường thành phố": một người có thể đến quảng trường thành phố và bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị bắt, bị tù đày, hoặc hành hung không? Nếu một người có thể làm việc đó thì người này đang sống trong một xã hội tự do. Nếu không, thì anh ta đang sống trong một xã hội sợ hãi. 

Những người đang sống trong một xã hội tự do có thể cho rằng phép thử này quá bao quát vì, cùng với nền dân chủ tự do, nó bao gồm cả những quốc gia thường vẫn không được coi là tự do. Theo phép thử "quảng trường thành phố" này thì những quốc gia nơi mà phụ nữ không được tham gia bầu cử, nơi nạn phân biệt tràn lan, nơi đời sống kinh tế bị độc quyền trong tay một thiểu số vẫn được coi là những quốc gia tự do. Sự phế phán rất chính đáng này đã chứng tỏ rằng tất cả những xã hội đáp ứng tiêu chuẩn "tự do" không nhất thiết là những xã hội "công bằng". Tuy nhiên những xã hội vượt qua được trắc nghiệm này được coi như đã bước qua ngưỡng của tự do. Ngược lại, một xã hội sợ hãi thì không bao giờ bước qua ngưỡng cửa này và luôn luôn là một xã hội bất công.

Cơ chế của bạo ngược

Công thức tôi đề nghị ở trên chia thế giới thành hai hạng, xã hội tự do và xã hội sợ hãi, và khoảng trống ở giữa. Tôi tin rằng chỉ có hai loại xã hội đó mà thôi. Một xã hội không bảo vệ quyền bất đồng chính kiến chắc chắn sẽ dựa trên sự sợ hãi. Trên thực tế, sự sợ hãi là sản phẩm tất yếu bởi cơ chế của một chính thể bạo ngược. 

Hãy hình dung một xã hội thuần nhất trong đó mọi người đều suy nghĩ như nhau, chia sẻ những giá trị, niềm tin, và lối sống như nhau. Xã hội giả định này là "tự do" vì sẽ không cần có luật để ngăn cấm người ta bày tỏ ý kiến khác biệt - vì đã không có ý kiến khác biệt. Và vì tất cả mọi người đều đồng ý với ý thức hệ chung nên cũng không có những người bất đồng chính kiến. 

Sự đa dạng trong đời sống con người gợi ý rằng thay đổi trong bất cứ xã hội nào là điều không thể tránh khỏi. Sẽ không có hai người nào, nói gì đến tất cả thành viên trong một cộng đồng, có chung hoàn cảnh, chung thị hiếu, chung trình độ thông minh, chung kinh nghiệm, chung sở thích,v.v...Những khác biệt tự nhiên này sẽ tất yếu đưa đến những phản ứng khác nhau trước những hoàn cảnh mới. Dù một xã hội có thuần nhất đến mức nào đi nữa thì dần dần sự khác biệt giữa những thành viên trong xã hội đó sẽ xuất hiện và gia tăng. Tốc độ của tiến trình này khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ mức độ đa dạng của các thành tố xã hội đến mức độ ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, nhưng sự khác biệt về ý kiến là điều chắc chắn. 

Vấn đề trở nên là: xã hội giả định này sẽ phản ứng như thế nào trước sự khác biệt ý kiến không thể tránh khỏi như thế? Liệu nó cho phép mọi người được bày tỏ một cách tự do? Liệu nó cho phép một sự thay đổi trật tự hiện hành bằng những biện pháp dân chủ? Nếu câu trả lời là "có" thì xã hội đó vẫn là một xã hội tự do. 

Nhưng nếu đa số người dân trong xã hội đó không muốn thay đổi, và muốn ngăn chặn bất cứ thay đổi nào trong tương lai thì sao? Những đạo luật nghiêm cấm bất đồng chính kiến sẽ phải được ban hành bởi đa số hoặc được áp đặt bởi chế độ. Việc các đạo luật này có trở thành biện pháp ngăn chặn hữu hiệu hay không còn tùy thuộc vào sự kiên định của những người bất đồng đối với ý tưởng của họ và tùy thuộc ở mức độ khắc nghiệt của sự trừng phạt. Nhưng có một điều rõ ràng: xã hội này không còn là một xã hội tự do nữa!

Những người "hai mặt"

Ở bất cứ nơi nào mà quyền có ý kiến khác biệt bị ngăn cấm, xã hội phân chia thành ba nhóm. Một nhóm gồm những người trung thành với trật tự hiện hành vì họ thật sự tin vào nó. Nhóm thứ hai gồm những người sẳng sàng thách thức trật tự hiện hành bất chấp sự nguy hiểm sẽ bị trừng phạt -những người bất đồng chính kiến. Với những thành viên của hai nhóm người này, không có sự khác biệt giữa ý tưởng và những điều họ nói nơi công cộng. Không giống những người trung thành và những người bất đồng chính kiến, thành viên của nhóm thứ ba không bao giờ nói điều họ nghĩ. Nhóm này bao gồm những người không còn tin vào trật tự hiện hành nhưng không dám chấp nhận những nguy hiểm gắn liền với việc bất đồng chính kiến. Họ là những người "hai mặt"[2].

Stalin chết lúc tôi mới 5 tuổi. Ngày đám tang ông ta, trong tiếng nhạc trang nghiêm từ những chiếc loa phóng thanh đầu phố và những bức chân dung to tướng của Đồng chí Stalin vĩ đại đang diễn hành qua ngỏ, cha tôi gọi người anh 7-tuổi và tôi đến. Biết chắc không có ai đang nghe trộm chúng tôi, cha tôi thì thầm, "hôm nay là một ngày trọng đại mà các con phải nhớ". Ông giải thích rằng người mà ai ai cũng gọi là "người thầy, người lãnh tụ vĩ đại" kia đã giết chết hàng triệu người và đang toan tính một làn sóng thảm sát mới đối với người Do Thái chúng tôi. "Chúng ta rất may mắn vì tên đao phủ kia đã chết". Cha tôi kết thúc bằng một lời cảnh báo nghiêm khắc rằng chúng tôi tuyệt đối không tiết lộ cho ai điều ông đã nói với chúng tôi hôm đó, rằng chúng tôi phải làm và nói theo đúng những gì những đứa trẻ con khác làm hoặc nói. Ngay từ tuổi ấu thơ như thế, miệng hát bài ca tán tụng Stalin, nhỏ những giọt nước mắt cá sấu khóc một tên sát nhân cùng với những người bạn mẫu giáo, tôi đã bước vào cuộc sống của một người Xô viết "hai mặt".

Trong một lá thư được chuyển ra ngoài trong những năm '70, một người Bắc Hàn đã giải thích làm thế nào để anh ta thấu đáo được nghệ thuật sống "hai mặt" này. "Tôi học được là nếu nói thật điều mình nghĩ, tôi sẽ chết. Tôi học được là nếu mình có điều gì muốn nói thì nói bằng mắt dễ hơn nhiều. Tôi học cách nhìn bằng môi và nói bằng mắt".

Những người "hai mặt" sống trong sự căng thẳng thường trực của khoảng cách giữa ý tưởng và ngôn ngữ. Họ luôn tránh phải nói những điều không được phép nhưng cũng phải tránh nói những điều họ không tin. Và cái xã hội sợ hãi kia vẫn không để họ yên. Nó đòi hỏi họ phải liên tục bày tỏ sự trung thành với nó. Từ lớp mẫu giáo, tiểu học, cao đẳng, nơi công sở, nhà thờ, hay bất cứ nơi công cộng nào, những người "hai mặt" phải nói như vẹt những điều của ý thức hệ mà chế độ muốn họ nói và giấu đi suy nghĩ thật của mình.

Sự "tự kiểm duyệt" thường xuyên này là một phần không thể tách rời trong đời sống thường nhật của những người "hai mặt" đến mức nó trở thành một thói quen mà ở đó sự căng thẳng của mâu thuẫn giữa ý tưởng và ngôn ngữ không còn được cảm nhận nữa. Chỉ khi nào những người "hai mặt" được tự do, họ mới nhận ra sự hiện hữu của tình trạng nộ lệ trí óc mà họ đã tự trói buộc mình trước đó.

Giai thoại và chuyện cười chính trị phơi bày tính đạo đức giả của xã hội sợ hãi được dùng như biện pháp giảm thiểu tình trạng căng thẳng trong đời sống "hai mặt". Phương thức những giai thoại và những câu chuyện cười này được truyền đạt - trong một nhóm nhỏ hay lớn, qua truyền miệng hay văn viết - phụ thuộc vào mức độ "sợ hãi" của xã hội đó. Hơn thế, số lượng những người "hai mặt" trong một xã hội sợ hãi có thể được do lượng bằng số lượng và phạm vi truyền đạt của những giai thoại và những câu chuyện như thế.

Đối với thế giới bên ngoài, không có sự khác biệt có thể nhận diện nào giữa những người "hai mặt" và những người trung thành. Cả hai nhóm người này đều có vẽ như tán thành và ủng hộ chế độ, trong khi thật ra chỉ có một nhóm. Do đó, đối với họ, một xã hội sợ hãi chỉ bao gồm hai nhóm người: một thiểu số rất nhỏ bất đồng chính kiến và một đại đa số trung thành với nhà cầm quyền. Và với mức độ khắc nghiệt đủ mạnh của sự trừng phạt, xã hội sợ hãi sẽ không có cả nhóm người bất đồng chính kiến. 

Trong những năm '30, Liên bang Xô viết không có một nhà bất đồng chính kiến nào, ít nhất là không có một người nào được phương Tây biết đến. Có phải tất cả 150 triệu người sống dưới sự thống trị tàn bạo của Stalin đều là những người trung thành ? Và, đáng kể hơn, có phải sự thiếu vắng những người bất đồng chính kiến trong thời gian này là vì họ đã lần lượt bị Stalin hành quyết một cách có hệ thống ? Như thế có phải rất hợp lý không nếu cho rằng số người bất đồng chính kiến trong một xã hội sợ hãi có thể do lường mức độ nguy hiểm của việc hành xử quyền bất đồng ? Không khí chính trị ở Liên Xô trong những năm '70 ít ngột ngạt hơn trong những năm '30, và do đó, vài trăm nhà bất đồng chính kiến bắt đầu xuất hiện. Nếu Gandi của Ấn độ đối diện với chế độ chính trị của Stalin hay Hitler thì chắc chắn cuộc đấu tranh của ông đã bị dập tắt trước khi nó bắt đầu. May mắn cho ông, Gandi sống trong xã hội Anh, mặc dù là một đế quốc, nhưng vẫn là một xã hội tự do và dân chủ. 

Với tất cả sự thô bạo của nó, xã hội sợ hãi đối với những người quan sát bên ngoài vẫn là một xã hội đồng nhất của những người trung thành với chế độ. Họ không biết rằng có hàng ngàn, hàng chục ngàn, trăm ngàn, ngay cả hàng triệu người "hai mặt" sống trong nỗi kinh hoàng thường trực. Mặt khác, mặc dù không thể biết được chính xác con số những người "hai mặt" trong một xã hội sợ hãi, một điều chắc chắn là số người này càng ngày càng tăng. Điều này xảy ra vì những người trung thành, một khi đã nhận ra chân tướng của chế độ, dần dần trở thành thành viên của nhóm người "hai mặt" và, trong nhiều trường hợp, trở thành những người bất đồng chính kiến kiên định. 

Những ý tưởng được phát biểu nơi công cộng không bao giờ phản ảnh đúng những gì một người sống trong sự sợ hãi thật sự suy nghĩ. Nếu có một cuộc thăm dò ở Liên Xô năm 1985, hoặc những năm trước đó, thì chắc chắn sẽ có đến 99 phần trăm số người ủng hộ những chính sách của chế độ cộng sản. Và những ý kiến thăm dò này đã thay đổi đột ngột chỉ vài năm sau khi cộng sản sụp đổ. Lẽ nào người dân có thể thay đổi ý kiến một cách nhanh chóng như vậy? Sự thay đổi thật sự ở đây chính là những người "hai mặt" không còn sợ hãi bày tỏ ý kiến của họ nữa. 

Năm 2001, trong một cuộc họp đầu tiên của chính phủ của Thủ tướng Ariel Sharon, tôi đã lập luận rằng Do Thái cần phải chấm dứt ủng hộ một lãnh tụ độc tài, thối nát như Yasser Arafat. Một nhân vật cao cấp trong chính phủ,và là người ủng hộ tiếp tục đàm phán với Arafat nói với tôi rằng "Do Thái nghĩ gì về Arafat đều không có ý nghĩa gì cả. Điều quan trọng là ông ta có sự ủng hộ và yêu mến của người dân Palestine". Tôi quả quyết với người bạn của tôi rằng nói nhân dân Palestin yếu mến và ủng hộ Arafat thì cũng như trước đây nói nhân dân Liên Xô yêu mến và ủng hộ Stalin vậy. Và cũng tương tự, trước đây người dân Liên Xô, để có thể sống được, phải bày tỏ sự trung thành với Stalin, người dân Palestin ngày nay cũng phải làm như thế đối với những người đang thống trị họ.

Những người trung thành

Uy quyền của một xã hội sợ hãi không phải bao giờ cũng chỉ dựa vào quân đội và công an. Một yếu tố không kém tầm quan trọng là khả năng của chế độ trong việc kiểm soát những gì được đọc, nói, nghe, và trên hết, suy nghĩ. Đây là phương cách mà một chế độ dựa trên sự sợ hãi duy trì một lực lượng cần thiết những người trung thành để hỗ trợ cho nó. 

Chế độ cộng sản Liên Xô đã tiến rất xa trong khoa học nhào nặn trí tuệ của công dân họ, áp đặt người lớn tuổi trong những chương trình tẩy não có hệ thống, đồng thời tiêm nhiểm giới trẻ về sự sáng suốt của đảng và chính phủ Xô viết. Đối với những người đang sống trong một xã hội tự do, ý tưởng cho rằng nhà nước áp dụng những biện pháp tẩy não đối với công dân của mình là điều không thể hình dung được. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, tôi có buổi họp mặt với chủ nhiệm của nhà xuất bản Random House, một người từng chỉ trích quyết liệt những vi phạm nhân quyền của nhà nước Xô viết. Ông ta hỏi tôi là người dân Liên Xô có được phép vào hiệu sách để mua sách không. Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng ông chủ nhiệm này đã không hiểu cơ chế vận hành của một xã hội sợ hãi. Tôi giải thích cho ông ta rằng người dân Xô viết có thể tự do đi vào bất cứ một hiệu sách nào, nhưng sách thì không. 

Tất cả những xã hội sợ hãi đều phải dựa trên một mức độ nào đó của sự tẩy não. Những phương tiện truyền thông đại chúng của nhà nước không ngớt lời ca ngợi các lãnh tụ và kích động dân chúng chống lại những đối tượng được coi là kẻ thù.Nhưng rồi ngay cả những người trung thành nhất của những người trung thành cũng không thể ủng hộ một xã hội sợ hãi vô hạn định. Suốt mấy thập niên, Stalin đã khủng bố không những người dân Xô viết mà cả toàn bộ giới lãnh đạo đảng Cộng sản: một nhân vật trong Bộ chính trị có thể là một ngôi sao đang lên hôm nay những ngày mai thấy mình đang bị cùm trong một toa xe lửa đi đày ở Siberia hay đối diện với án tử hình. Sau khi Stalin chết, không ai trong đảng Cộng sản Liên Xô dám nghĩ đến việc giao quyền hành tuyệt đối như thế cho những người kế vị. Quyền lực của vị tổng bí thư kế tiếp bị giới hạn vì giới lãnh đạo của đảng muốn chấm dứt chế độ toàn trị trong đảng nhưng, quan trọng hơn, vì chính họ không muốn sống trong sự sợ hãi nữa.

Niềm hân hoan của tự do

Không sao có thể biết được chính xác mật độ phân bố của những người "hai mặt" và những người trung thành trong một xã hội sợ hãi. Nhưng từ trong kinh nghiệm đã sống với một xã hội như thế, và trong quan sát của tôi về cách hành xử của người dân trong xã hội đó, tôi tin rằng số người trung thành luôn luôn là một con số rất nhỏ. Và số người "hai mặt" nhiều hơn rất nhiều so với người ta tưởng. Hơn thế, đại đa số những người sống trong xã hội sợ hãi đều mong muốn được sống tự do. 

Mức độ sợ hãi trong một xã hội càng lớn thì thay đổi xảy ra càng nhanh. Năm 1989, một sinh viên Bắc Hàn, đã đào thoát chỉ sau một thời gian ngắn theo học y khoa tại Tiệp khắc, nhận xét rằng "tuyệt đại đa số người dân Bắc Hàn, được nuôi dưỡng từ tuổi thơ coi hai cha con họ Kim là những bậc thánh, chấp nhận sự tuyền truyền của chế độ, cũng như tôi vậy cho đến khi tôi chứng kiến sự tự do tương đối của Tiệp". Một khi những chương trình tẩy não kia chấm dứt, sự thật được phơi bày, những người "hai mặt" không còn sợ hãi nữa, thì trong bất cứ xã hội nào, đa số những người không tự nguyện sống trong sợ hãi sẽ nhanh chóng xuất hiện và lên tiếng. 

Hơn bất cứ lý do nào khác, điều này giải thích tại sao Đức, Nhật, Ý, Tây Ban Nha, Nga, và rất nhiều quốc gia khác đã làm cuộc chuyển tiếp từ sợ hãi sang tự do trong thế kỷ 20. Những quốc gia này có văn hóa, niềm tin, tôn giáo, ý hệ, giá trị, và tập quán khác nhau. Nhưng trên một phương diện, chúng giống nhau: người dân ở các quốc gia này không muốn sống trong sợ hãi nữa! 

Không nên đánh giá thấp ý chí của những người được tự do không bao giờ muốn trở lại với sợ hãi. Thực vậy, ý thức tự do đến lúc một người từ giả thế giới của tẩy não và sợ hãi là một sự giải thoát không dễ gì quên được. Sự giải thoát của tôi khỏi thế giới sợ hãi bắt đầu khi tôi còn là một sinh viên tại Học viện Vật lý và Kỹ thuật Matxcơva, một trường được coi như MIT ở Hoa kỳ. Cho rằng những biện pháp tẩy não thông thường không thể có hiệu nghiệm ở một chốn hàn lâm với những trí thức trẻ và thông minh như thế, chế độ đã dùng những biện pháp khác. Một chương trình tuyên truyền tinh vi hơn được sử dụng, khuyến khích chúng tôi chỉ chăm chú vào sự quan trọng của những công việc trước mắt. Rằng những thảo luận về quyền, về tự do, về công lý cuối cùng cũng chỉ là những thảo luận. Rằng làm sao những ngôn từ sáo rỗng kia có thể so sánh với những định luật Newton, Galileo, hoặc Einstein? Rằng những giá trị chính trị đến rồi đi, chỉ có khoa học mới có thể đem lại chân lý hoàn vũ và vĩnh hằng... 

Mỉa mai thay, tôi được dẫn dắt từ giả đời sống "hai mặt" bởi chính một người đang ở trên đỉnh vinh quang của cái "chân lý vĩnh hằng" đó. Năm 1968, trong một bài tiểu luận nhắm thẳng vào giới lãnh đạo Xô viết, Andrei Sakharov, nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô, cho rằng sự tiến triển của khoa học không thể tách rời quyền tự do. Sự ngột ngạt trong môi trường trí thức đã cản trở tính sáng tạo và làm tê liệt khả năng Liên Xô trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, Sakharov viết. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa sẽ không thể nào đạt được, ông giải thích, nếu Liên Xô không cổ xúy tự do trí thức. Với một nhận định quả cảm, Sakharov đã đánh một đòn chí mạng vào uy quyền Sô viết lúc đó. Nhà khoa học hàng đầu của một cường quốc đang tự hào với những thành tựu khoa học lập luận rằng bản chất của xã hội Xô viết chính là nguyên nhân cản trở quốc gia này tiến kịp với thế giới tự do. 

Đối với những nhà khoa học trẻ tưổi đang dự liệu tương lai của họ, thông điệp này đã rõ ràng. Vị thầy mà chúng tôi kính trọng và ngưỡng mộ cảnh báo rằng thế giới của sự lừa dối sẽ không đưa đến một tương lai sáng sủa cho nhân loại, mà đưa đến sự tê liệt trí thức và trì trệ của khoa học. Sakharov, người sau này đã hy sinh tất cả để thách đố chế độ phải tôn trọng nhân quyền, trở thành nguồn cảm hứng và sự thu hút không cưỡng lại được đối với tôi. Sau này khi tôi có dịp giúp việc cho ông như một người liên lạc với các nhà báo, ngoại giao, và chính khách nước ngoài, tôi chứng kiến là không có một khoảng cách nào giữa những ý tưởng sâu kín nhất của con người khiêm tốn và vĩ đại này với những gì ông ta nói nơi công cộng. Trong trường hợp của tôi, sự hội tụ giữa ý tưởng và lời nói này, xãy ra sau khi tôi trở thành một nhà hoạt động Do Thái, chấm dứt sự bực bội, buồn phiền trong tâm khảm tôi. Gánh nặng của một đời sống "hai mặt" được trút bỏ, tôi cảm thấy như được tiếp sức bởi quyền lực vô hạn của sự giải thoát này. Một cách đột ngột, tôi trở nên tự do, suy nghĩ bất cứ điều gì và nói những điều mình nghĩ. Ngay cả trong những ngày tháng tuyệt thực trong phòng giam kín, cảm giác tự do không bao giờ rời tôi. 

Đối với những người đã sống trọn đời trong sợ hãi, cảm giác này chỉ sẽ đến khi xã hội của họ trở nên tự do, khi họ cảm thấy an toàn để đến "quảng trường thành phố" và bày tỏ quan điểm của họ mà không sợ. Tôi tin chắc rằng niềm hân hoan của tự do vượt lên trên biên giới của chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, và rằng phương thuốc tự do vô cùng hiệu nghiệm. Tôi cũng tin chắc rằng người ta khi đã được tự do thì đa số trong họ sẽ không bao giờ muốn sống trong sợ hãi nữa. Cho rằng, như những người hoài nghi thường rao giảng, dân chúng có tự do lựa chọn sống trong xã hội sợ hãi thì không khác gì cho rằng phần lớn những người nô lệ tự do lựa chọn sống trong nộ lệ vậy. 

Natan Sharansky

Trần Minh Khôi dịch


Chú thích:

[1] The Case For Democracy - Natan Sharansky, Nhà xuất bản Public Affair 2004, ISBN 1-58648-261-0 
[2] "Doublethink" trong tiếng Anh.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo