HÀ NỘI (NV) - Bà Bùi Thị Minh Hằng, người tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội đang bị giam trong một “cơ sở giáo dục Thanh Hà” tại tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyệt thực 2 lần.
Bùi Trung Nhân, con trai bà Bùi Thị Minh Hằng cho hay như vậy trong bức thư cầu cứu gửi tới “Hội Chữ Thập Ðỏ Việt Nam” và “Hội Chữ Thập Ðỏ Quốc Tế” đề ngày 9 tháng 1, 2012.
“Khi tôi lên thăm lần đầu ngày 16 tháng 12, 2011 đã được bà cho biết, để phản đối việc bắt giữ bà đưa vào cơ sở giáo dục cải tạo một cách trái pháp luật, mẹ tôi đã tuyệt thực 15 ngày. Sau thời gian tuyệt thực, mẹ tôi không ăn được cơm nên đã yêu cầu được ăn cháo. Tuy nhiên trại đã không đáp ứng yêu cầu chính đáng này của mẹ tôi. Không chỉ thế, mẹ tôi còn bị giam chung với những người bị nhiễm HIV.”
Anh Bùi Trung Nhân viết trong bức thư gửi các Hội Chữ Thập Ðỏ nói thêm rằng, “Do lo sợ bị lây nhiễm, mẹ tôi đã đề nghị được chuyển sang phòng kỷ luật nhưng cũng không được đáp ứng”.
Theo bức thư viết, lần đến thăm mẹ ngày 29 tháng 12, 2011 thì không được gặp vì ban quản lý lấy cớ “không có sổ thăm nuôi” dù nơi đây trên nguyên tắc không phải là nhà tù. Ðến ngày 7 tháng 1, 2012 anh Bùi Trung Nhân đến thăm mẹ thì được biết bà đã tuyệt thực thêm lần nữa, tức là tuyệt thực hai lần trong vòng chưa tới một tháng.
Bà Bùi Minh Hằng đi biểu tình chống Trung Quốc bá quyền ở Hà Nội ngày 24 tháng 7, 2011. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images) |
“...Mẹ tôi vốn có tiền sử bị bệnh tụt huyết áp, nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của bà”, Bùi Trung Nhân viết trong thư và cho biết “Sau lần thăm tiếp theo ngày 7 tháng 1 năm 2012, mẹ tôi có các triệu chứng của bệnh ngoài da như ban và lở loét. Cùng với khí hậu rét đậm của vùng Tam Ðảo, các bệnh thường xuyên làm mẹ tôi đau như thấp khớp, cặn thận, tay tím tái.”
“Cơ sở giáo dục Thanh Hà” đã cho chích thuốc và một ít viên thuốc nhưng khi bà Hằng hỏi loại thuốc gì và tác dụng của nó thì không được cho biết. Do đó, bà đã ngưng dùng thuốc.
“Tôi thiết tha kính đề nghị quý hội hãy khẩn cấp tìm hiểu thực tế hiện trạng của mẹ tôi, can thiệp kịp thời với cơ sở giáo dục Thanh Hà yêu cầu làm đúng trách nhiệm, chức năng trong việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng một cách nhân đạo tối thiểu mà mẹ tôi có quyền được hưởng.”
Anh Bùi Trung Nhân viết trong lá đơn gửi Hội Hồng Thập Tự. “Rất mong quý hội thể hiện vai trò nhân đạo theo đúng tiêu chí của Hội Chữ Thập Ðỏ, để không một công dân nào trên đất nước Việt Nam phải chịu sự đày đọa về thể xác cũng như tinh thần”.
* Biểu tình yêu nước
Bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, là một trong những người hăng hái biểu tình từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8, 2011 ở Hà Nội chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bà từng bị bắt giam nhiều lần, mỗi lần một ít ngày, trong các cuộc biểu tình này dù chỉ biểu lộ lòng yêu nước.
Ngày 27 tháng 11 năm 2011, bà bị bắt khi đứng biểu tình ở bên hông Nhà Thờ Ðức Bà, Sài Gòn, để ủng hộ những người biểu tình ở Hà Nội bị đàn áp khi họ ủng hộ đề nghị của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng làm luật biểu tình.
Việc bắt giam bà Hằng suốt nhiều ngày, không ai biết bà bị giữ ở đâu. Con bà đi tìm ở nhiều cơ quan công an cũng không ai cho biết gì, thậm chí còn bị giam 2 ngày. Hơn 10 ngày sau thì “Cơ Sở Giáo Dục Thanh Hà” tỉnh Vĩnh Phúc mới gửi giấy về địa chỉ nhà bà ở Vũng Tàu nói bà bị giam ở đây 2 năm theo lệnh của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội.
Luật Sư Hà Huy Sơn, căn cứ vào luật lệ CSVN, đã tố cáo việc giam giữ bà Hằng là trái pháp luật.
Việc bắt nhốt một người dân không qua xét xử của tòa án dù người ta chỉ hành xử quyền công dân một cách ôn hòa cho thấy “mặt trái của cái gọi là luật pháp tại Việt Nam”, Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát biểu khi hay tin bà Hằng bị giam ở Vĩnh Phúc.
Ngày 5 tháng 1, 2012 chính phủ Hoa Kỳ qua tòa đại sứ ở Hà Nội kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà Hằng.
Trong một cuộc phỏng vấn của đài RFI, Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc nêu ra 4 giả thuyết về lý do bà Hằng bị bắt.
Thứ nhất, có thể bà Hằng bị bắt vì chế độ Hà Nội muốn “thực hiện tốt” lời cam kết với Trung Quốc phải ngăn cấm các hành động chống Trung Quốc của người dân, ảnh hưởng tới mối quan hệ hai nước.
Thứ hai, “các quan chức Việt Nam tính toán rằng ý định của Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam vào việc ngăn chặn Trung Quốc tại biển Ðông sẽ xóa nhòa các mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền. Trong trường hợp đó, phản ứng của đại sứ quán Mỹ trong vụ bà Minh Hằng chỉ mang tính chiếu lệ mà thôi”.
Thứ ba, chế độ Hà Nội lo ngại bất ổn xã hội do tác động của ba vấn đề: Hiện trạng kinh tế của Việt Nam, bất ổn chính trị ở Trung Quốc và tác động tiềm tàng của các cuộc cách mạng ở Tây Phi và Trung Ðông.
Thứ tư, sự cương nghị của bà Hằng thách đố trực tiếp đến quyền uy của chế độ. (T.N.)