Bài học năm 2011: Biết về hưu - Dân Làm Báo

Bài học năm 2011: Biết về hưu

Phan Văn Song (Đàn Chim Việt)- Năm 2011 vừa tàn, năm con Mèo cũng nhường chỗ cho năm con Rồng. Để khai bút cho năm mới tôi xin lựađăng một tin đầy điển hình tích cực trong bảng tổng kết những dữ kiện vui buồn của năm qua.

Năm 2011 thực sự là năm bản lề.

Bắt đầu bằng các cuộc Cách mạng Bông lài với các cuộc nổi dậy dân chủ ở Bắc Phi và Trung Đông. Trước năm 2011 và sau 2011 Bắc Phi và Trung Đông sẽ khác hẳn, sẽ thay đổi hẳn, từ các chế độ chánh trị, từ những quan điểm chánh trị, những tương quan Đông Tây, những quan niệm so sánh giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo, giữa dân Do thái và dân Palestiniens… Đó là về mặt địa lý chánh trị vùng Trung Đông. Còn về phía Đông Nam Á chúng ta cũng vậy.

Với Đông Nam Á, 2011 cũng là năm bản lề. Nào Mỹ tuyên bố trờ lại Đông Nam Á, hâm nóng lại khối ANZUS lỏng lẻo, bằng trở lại mở căn cứ quân sự ở Darwin, Bắc Úc; hâm nóng lại Seato với một ASEAN tăng cường. Với sự có mặt của Án Độ trong chánh trường Đông Nam Á.

Về môi trường và nhiên liệu, cơn sóng thần giận dữ của ngày 11 tháng ba, đã phá vỡ bức tường tin tưởng vào nhiên liệu nguyên vừa tìm thấy sau bán thế kỷ 20, nguồn hy vọng của nguồn nhiên liệu hậu dầu hỏa và khí đốt, tạo một sự độc lập nhiên liệu cho những quốc gia không có nguồn dầu mỏ và khí đốt.

Nhiên liệu thiên nhiên sạch chưa tìm thấy, thiên hạ đã bắt đầu lo quản trị sự thiếu thốn của cuộc nhơn mãn phải làm sao nuôi sống, sưởi ấm, cưu mang 7 tỷ dân của quả địa cầu?

Và 2011 cũng là năm của nhiều thất vọng, của những tuyệt lộ của các chế độ và phương trình kinh tế tài chánh. Tuy thế giới tư bản chỉ suýt bị tiêu tùng như những năm 1929/30 của thế kỷ 20, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh của thế kỷ 21, bắt đầu từ 2008 cũng không kém phần phá hoại, khủng hoảng đang kéo dài đến nay và cũng sẽ kéo dài thêm nữa, phá vỡ tất cả hệ thống suy nghĩ về thị trường tiêu thụ, phá vỡ nhửng thị trường chứng khoán căn bản của thị trường tư bản, những hệ thống đồng tiền dựa trên tín dụng nay đã lung lay, sẽ trở về nhửng đồng tiền kim loại, vàng, bạc, đồng kẻm… . Cuối cùng thì những anh tư bản giàu sụ của khối G8 cũng phải mở cửa cho những chàng mới lớn lên nhập vào chung một câu lạc bộ. G20 với những tay hỉ mũi chưa sạch nay được mời đến quản trị thế giới, và lại lên mặt dạy đời.

Và đau đớn hơn có những cơ quan tư nhân kinh tế tài chánh cũng ra mặt dạy đời cho điểm với những ba chữ A, những ba chữ A cộng, những hù doạ lên cấp xuống điểm đủ làm náo động cả một chánh phủ, một quốc gia.

Đâu là dân chủ? đâu là nhân dân?

Trong những tin tức đen tối ấy, một gương sáng, một bài học do một nhơn vật xuất chúng dạy cho chúng ta: Đức Đạt-lai Lạt-ma, một vị Phật sống, nhưng sống như một công dân, một vị lãnh đạo tinh thần, một vị lãnh đạo kháng chiến. Đạo đức, ôn hòa, trước thàm trạng một đất nước mình bị xâm chiếm, dân tộc mình bị áp bức, đàn áp, Ngài nhũn nhặn nhưng cứng rắn đề nghị một giải pháp chánh trị lưởng lợi Win-Win với bọn cầm quyền Hoa Cộng.
Ngài là một điển hình! Một điển hình cho một phương thức đấu tranh…

Năm 2011, năm bản lề: Ngài dạy cho Tàu một bài học. Ngài dạy chúng ta một bài học.

Tôi xin được viết về chuyên Ngài Đạt-lai Lạt-ma từ chức về hưu.


Tháng 3 năm 2011: Đức Đạt-lai Lạt-ma về hưu.

Rất nhiều người ái mộ Ngài đếu muốn Ngài hãy tiếp tục giữ một vai trò chánh trị và một chức vụ chánh thức dù rằng danh dự. “Một loại chức vụ như Nữ Hoàng Anh Quốc? tôi không thích thế đâu mặc dù tôi rất ngưởng mộ Nữ Hoàng!” Ngài Đạt-lai Lạt-ma vừa cười, vừa trả lời phỏng vấn Tuần báo “Rollings Stones”.

Hè vừa qua, đầu tháng 8, Đức Đạt-lai Lạt-ma, cũng với chiếc áo tràng đỏ và với đôi dép nhựt muôn thuở, ghé qua thăm miền Tây nước Pháp để đi “nói chuyện”, như một tu sĩ, vì ngày nay Ngài không còn là người lãnh đạo của “quốc gia Tây Tạng” nữa. Người viết có mặt hôm ấy do lời mời của ni sư Marie-Stella Boussemart, Tổng Thư ký của Hội Phật Giáo Pháp.

Lên ngôi năm 15 tuổi, Ngài xin về hưu 60 năm sau vào tháng ba năm 2011.

Thật vậy, vào tháng ba năm 2011, Ngài quyết định cùng với các thân hữu và chiến hữu là lúc nầy là thời điểm đê Tây Tạng bước vào Dân chủ và Tiên Tiến. Thế giới của Thần quyền xưa từ bốn thế kỷ nay, đã ngự trị quá lâu trên quốc gia Tây Tạng, đây là lúc phải tách Thế quyền khỏi Thần quyền. Và mặc kệ các lời khuyên, mặc kệ các khuyến cáo các bô lão, các kiến nghị của Quốc hội Tây tạng Hải ngoại, các lời van lơn yêu cầu của các thân hữu hay chiến hữu Ngài đã nhứt định và ra quyết định. Và Lobsang Sangay, một người công dân Tây tạng bình thường của cộng đồng Tây tạng Hải ngoại, một người thế tục, một luật gia tốt nghiệp Đại Học Harvard, được lựa chọn và bầu lên bởi 100.000 người Tây Tạng của cộng đồng người Tây Tạng Hải ngoại để thành người lãnh đạo của chánh phủ Tây Tạng Hải ngoại đang trị vì tại Dharamsala, thủ đô chánh trị của người Tây Tạng hải ngoại.

1/07/1935: Ngày sanh của Ngài Tenzin Gyatso tại Taktser.

Năm ngài được 2 tuổi: Ngài được nhìn nhận là hiện thân của vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 Ngài sẽ là Dạt-lai Lạt –ma thứ 14.

1950 Ngài lên ngôi, nhưng năm ấy Trung Cộng cũng xâm chiếm Tây tạng.
Tháng 3 năm 1959: Sau cuộc nổi dậy tại Lhassa, Ngài tổ chức cah&nh quyền lưu vong tại Dharamsala, Ấn độ.

1963: Ngài tuyên bố Hiến pháp Tây Tạng dựa theo bản “Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền”
1988 : Ngài chấp nhận từ bỏ cuộc Đấu tranhđòi Độc lập cho Tây tạng, chỉ yêu cầu Trung Quốc trả quyền tự trị cho Tây tạng thôi.

1989: Ngài nhận Giải Nobel Hòa bình.

Tháng 3 2011: Ngài từ chức Lãnh đạo Chánh phủ Tây tạng lưu vong.

Rất nhiều người ái mộ Ngài Đạt-lai Lạt-ma mong muốn Ngài hãy tiếp tục giữ một chức vụ và một vai trò chánh trị chánh thức “Một loại chức vụ như Nữ Hoàng Anh Quốc? Tôi không thích vậy, mặc dù tôi rất ngưởng mộ Nữ Hoàng!” Ngài vừa cười, vừa trả lời Tuần báo “Rolling Stones” trong một bài phỏng vấn dài. Ngài không muốn có một chức vụ “làm vì” hay “một con rối” chỉ biết đọc những bài do người ta viết sẵn. Vì Ngài đã là một vị lãnh đạo tinh thần “giáng thế”, Ngài không có một ngày làm việc bình yên. Đức Đạt-lai Lạt-ma, nhiều lần đã tâm sự, Ngài luôn luôn bảo vệ vai trò “thoát tục” của Ngài, và Ngài luôn luôn cố gằng làm tròn vai trò và bổn phận, nhưng ngày nay, Ngài rất hoan hỉ trở về vai trò mà Ngài luôn luôn mơ ước, là vai trò bình thường của một người tu sĩ Phật giáo!

Nhưng không phải vì vậy mà từ nay, ai ai cũng có quyền gọi Ngài bằng tên tục trần gian của Ngài: Tenzin Gyatso. Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn là một vị “thánh”, một vị lãnh đạo dù chỉ là một nhà lãnh đạo tinh thần thôi! vì Ngài là nhơn vật điển hình và nhơn vật tạo sự che chở cho Tinh thần Tây tạng và người dân Tây Tạng.

Mặc dù vài phần tử Tây tạng cũng chống đối Ngài vì lý do Ngài đã ra những cái lệnh “kỳ khôi”!

Nầy nhé, sau khi đã ra lệnh cho toàn dân Tây Tạng bớt đấu tranh đòi hỏi ồn ào cái cốt lõi là “Độc lập và Tự do cho Tây tạng”, Ngài còn khuyên các chiến hữu hãy vứt bỏ tất cả những ràng buộc với cái ý nghĩa của cuộc di tản, tức là quá khứ và tương lai của đất nước Tây Tạng: chỉ đòi Trung Quốc hãy nhìn nhận quyền tự quyết và tự trị của Tây Tạng thôi!

Mỗi khi Ngài bước chân vào một phòng họp, một giảng đường, hay ngay cả một sân vận động rộng lớn, Ngài chiếm ngay cảm tình của các khán giả bằng những nụ cười nở trên khuôn mặt phúc hậu của Ngài. Trong khi cả phòng đang xì xụp bái lạy, Ngài ung dung cởi dép và leo lên bục ngồi trong thế xếp bằng. Ngài thường ngồi đung đưa nhè nhẹ và nhìn thẳng vào khán giả, khuôn mặt phúc hậu tươi rói với một nụ cười luôn luôn sẵn sàng nở rộ. Phong thái luôn luôn lúc nào cũng sẵn sàng cười ấy, sẵn sàng cuời với những cách chơi chữ, giễu vui của mình – nhiều lúc chẳng đáng cười – là theo Ngài, một phong cách phát biểu của người Tây tạng. Đặc biệt trong những gia đình gốc nông dân, như gia đình của Ngài.

“Tất cả các anh em nhà tôi đều thích cười thích giễu, trừ người thứ hai tên là Gyalo Thondup” Ngài kể cho một bạn người Hoa tên Victor Chan, trong cuốn sách “Sự Sáng suốt trong lòng Vị tha (La Sagesse du Pardon)”: ”Người anh cả chúng tôi, anh Norbu suốt ngày kể chuyện giễu. Một người anh khác đã chết rồi, cố Lobsang Samten lại thích nói chuyện tiếu lâm, vừa tục tĩu vừa giễu cợt. Còn phần chúng tôi, chú em tôi, cô em tôi, bà chị đã mất rồi: chúng tôi thật sự không nghiêm trang gì cả, lúc nào cũng đùa nghịch, cười giễu. Cả mẹ của chúng tôi cũng vậy! Và cả cha chúng tôi nữa, ông cụ tính nóng, dễ nổi giận, nhưng cũng vui tính lắm!”.

Ngài thoạt nhìn rất vui tánh, dễ cười nhưng thực sự Ngài là một vị hiền triết cao siêu. Tất cả những ai đã một lần nghe những bài giảng của Ngài đều phải công nhận cái siêu phàm của những lời giảng ấy. Ngài đi rao giảng trên khắp bốn phương trên thế giới. Những lời Ngài nói thường rất giản dị, với những câu, với những thí dụ rất bình thường, cụ thể, rất hằng ngày, dễ hiểu. Cái cao siêu, cái khó là ở chỗ đó. Ngài thường dùng những thí dụ rất bình thường dễ hiểu, để trả lời hay cắt nghĩa những câu hỏi, những đề tài rất cao siêu, trừu tượng, siêu hình.

“Cũng thể như Jimmy Connors ( một danh thủ số một thế giới về quần vợt – ngày nay ta nói Roger Fédérer hay Rafaël Nadal), đánh banh với các em trẻ trong một buổi biểu diễn” nhà báo và một chiến hữu của Ngài, Pico Iyer cắt nghĩa cho chúng tôi.

Hằng ngày, trong vai trò nhà lãnh đạo tinh thần Ngài cố gắng “tiếp sức – thổi” những ý nghĩ tích cực, toàn hảo đến nhơn loại, tha nhơn. Mỗi ngày, Ngài “hít theo vào làn hơi thở của Ngài” tất cả những đau khổ của nhơn loại và tất cả những ý tưởng tiêu cực “đặc biệt với những tư tưởng tiêu cực của người Hoa đang giày xéo giang sơn Tây Tạng”, và sau khi đã “rửa sạch trong nội tâm Ngài” Ngài “thả hơi thở trong sạch ấy ra” trả về cho nhân loại.

Các Bác sĩ về thần kinh và các khoa học gia nghiên cứu về tâm thần thường đến vấn học với Ngài đều nhìn nhận rằng phương pháp tập luyện của Ngài rất bổ ích chẳng những cho tâm lý mà cho cả thể xác người luyện tập.

“Đức Phật thật sự dạy cho chúng ta biến thành một người rất ích kỷ, nhưng “đấy là một cái ích kỷ khôn ngoan”, vì khi chúng ta biết thương tha nhơn chúng ta nắm được cái bí quyết để đạt được Hạnh phúc cho chúng ta.”

Chính Ngài Đạt-lai Lạt-ma tâm sự cho biết là Ngài tìm ra bí quyết “Yêu tha nhân” rất trễ. Ngài chỉ “Ngộ” lúc Ngài đã 32 tuổi rồi.

Ngài kể lại là Ngài chỉ “Ngộ” được cáỉ “Không” của nhà Phật: khi Ngài hiểu được rằng mọi vật trong thiên nhiên đều tương quan với nhau và dính liền với nhau. Khi chúng ta hiểu rằng không có cái “thắng” dài hạn nào của người nầy có tương quan trách nhiệm gì trên cái “thua” của kẻ khác. Và khi “Ngộ” được như vậy, một thế giới mới sẽ hiện ra, không còn biên giới, thiên nhiên sẽ “nối liền” với hiện hữu con người, “tại đây và bây giờ”.

Hiểu như vậy, làm sao chúng ta có thể có một tư tưởng tiêu cực nào đối với một tha nhân?

Những tiến bộ về tư tưởng Phật giáo ấy của Ngài lúc ấy, cũng cùng song hành với những thay đổi trong cái nhìn chánh trị của Ngài đối đất nước Tây tạng.

Những lời hiệu triệu “Kêu gọi thế giới – l’Appel au Monde” Ngài thường đọc hằng năm từ ngày tỵ nạn tháng ba năm 1959, đã đi từ những đòi hỏi Trả tự Do Độc lập cho Tây tạng của những ngày đầu đến chỉ chấp nhận một chế độ thực sự tự trị của ngày nay. Việc ấy chứng tỏ cái thay đổi trong cái nhìn chánh trị của Ngài.

Thế nhưng, Trung Quốc vẫn còn ngại Ngài. Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Hoa vẫn xem Ngài là “Con sói trong chiếc áo cà sa”. Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc vẫn không tha thứ Ngài vì Ngài đã tuyên bố ủng hộ phong trào các sinh viên trên Quảng trường TianAnMen – Thiên An Môn năm 1989.

Và cũng từ dạo ấy, Nhà cầm quyền Hoa cộng vẫn cứ tố cáo rằng “Ngài Đạt-lai Lạt-ma chỉ đấu tranh để cướp chánh quyền ở Tây tạng, ngõ hầu lập lại một chế độ phong kiến hủ lậu Thần quyền, để trị vì như một ông Thánh sống”.

Từ chức về hưu, Ngài Đạt-lai Lạt-ma đã bịt miệng bọn Hoa cộng.

Hỡi các nhà cầm quyền trên thế giới, hởi các nhà lãnh đạo trên thế giới, hãy noi gương Ngài Đạt –lai Lạt-ma, phải biết về hưu nhường quyền cho người khác, phải biết thấy rằng những chế độ, những nhân vật, những gia đình, triều đại, những đảng phái, phải biết thay đổi và nhường cho người khác, chế độ khác.

Hết thời rồi những Ben Ali ngồi bám suốt 35 năm; Mubarak và quân đội Ai cập 40 năm; Saleh của Yémen vớ trên 30 năm cầm quyền; Đảng Baas ở Syrie, cũng đã 40 năm; và Đảng Cộng sản Tàu 62 năm, và Đảng Cộng sản Việt Nam 58 năm… Đủ rồi! Phải biết về hưu không thì sẽ theo gương của Khadafi bị hạ sát hay của Saddam Hussein bị treo cổ .

© Phan Văn Song

http://www.danchimviet.info/archives/50928


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo