Chỉ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc? - Dân Làm Báo

Chỉ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc?

Phương Bích - Năm mới, một người bạn chúc tết, bảo năm nay mình bước sang tuổi 53 âm rồi đấy, nhớ cẩn thận nhé! Tôi hiểu ý người bạn, là người ấy muốn nói về chuyện tôi cứ hay quan tâm đến những chuyện xã hội đấy. Dù sao tôi cũng cảm ơn và bảo: Yên tâm! Ở Việt Nam ta không ai bị bắt vì lý do bất đồng chính kiến đâu.

Nói về chuyện chính kiến thì phải kể chuyện này. Trước đây, nhiều lần thấy bố với các “chiến hữu” cứ say sưa nói chuyện “quốc gia”, tôi có ý kiến rằng bố với các bác chỉ nói với nhau như thế thì có tác dụng gì? Bố bảo: con người sống mà không quan tâm đến chuyện xung quanh mình, cứ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc? 

Đến đận tôi đưa cho bố xem những bài viết của bác Tống Văn Công, bác Nguyễn Trung, Cù Huy Hà Vũ...bố thích lắm nhưng lại bảo: con say sưa chính trị vừa phải thôi. Nhân viên thường như con, quan tâm đến chuyện đấy ích gì? 

Tôi nhắc lại lời của bố. Nếu chỉ biết ăn, ngủ, hưởng thụ ...thì khác gì giống cỏ cây? Cuộc sống có cái xấu cái đẹp, cái thiện cái ác, có cái nên làm và có cái không nên làm. Chuyện tốt khen xấu chê là lẽ thường ở đời. Mọi cái khen chê, yêu ghét nó phải rõ ràng, không thể nhờ nhờ ba phải được. Những cái đó có phải là chính trị không? 

Tôi chẳng phải là ông to bà lớn gì, cũng chẳng phải người có trọng trách gì, nhưng hễ thấy ngang tai trái mắt thì cứ hay lên tiếng. Gặp người biết lắng nghe thì phúc. Gặp kẻ bất chấp lý lẽ thì mình thua, chứ có đánh đấm, chửi bới được ai đâu. Thích nhất câu nói của giáo sư Huệ Chi: “Chúng tôi viết để cho thấy 85 triệu người dân không phải là những con bò”. Câu thơ của giáo sư viện sĩ Hoàng Xuân Phú: “Ta lên tiếng, họ biết ta là ai. Họ phản ứng, ta biết họ là ai”

Vĩ nhân hay chính trị gia suy nghĩ tầm của vĩ nhân, của chính trị gia. Thảo dân như tôi thì suy nghĩ tầm của thảo dân. Sống trong một xã hội mà cứ như kẻ đui mù sao được, dù chỉ là cái chuyện ở tầm “cướp, giết, hiếp”. Đã nghe, đã thấy thì tự dưng nó cứ phải nghĩ. Tôi lấy làm lạ, rằng nhiều người thấy những điều rõ ràng là sai, là xấu. Nhưng hễ cứ động đến lại một mực thở dài: không thay đổi được gì đâu. Nói cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thằng cháu họ tốt nghiệp luận án tiến sĩ dược ở Paris, thuộc diện học bổng toàn phần cũng thở ra cái giọng điệu như thế. Sau khi cho nó thấy là cái thứ nó không phải là đối tượng để tôi tranh luận, tôi thắc mắc không biết có bao giờ nó tự hỏi: một tiến sĩ khoa học như nó mà bao nhiêu năm nay lương vẫn chưa nổi 4 triệu. Điều đó phải phản ánh lên điều gì chứ?

Ngán nhất là mỗi khi nói về những vấn nạn của xã hội, người ta lại bảo sao không nhìn vào những mặt tích cực của xã hội? Thế cứ tưởng các xã hội văn minh khác đã là tốt đẹp hơn à? Cũng đầy rẫy những tội ác và bất công đấy. 

Chao ôi! Thế kỷ này là thế kỷ thứ bao nhiêu rồi? Chiến tranh cũng qua gần bốn chục năm rồi mà sao người ta vẫn bằng lòng với những gì ít ỏi đã đạt được thế? Tôi không tranh luận, chỉ lấy dẫn chứng bằng những con số cụ thể để đặt câu hỏi. Loanh quanh lại vẫn bảo: khó lắm! Không thay đổi được đâu. Thật tức chết đi được. 

Một cậu là cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trung ương, nghe tôi nhắc đến vụ Đoàn Văn Vươn thì a lên một tiếng bảo: À! Cái tay này hết thời hạn được giao đất từ lâu rồi nhưng không chịu giả cho nhà nước, chỉ vì tiếc số tiền đã đầu tư nên chống đối lại chính quyền đây mà. Tôi hỏi cậu lấy thông tin ấy ở đâu ra thì cậu ấy ra vẻ hiểu biết lắm: thì em đọc báo mạng chứ đâu. Tôi hỏi cậu đọc báo nào? Thì báo Vnexpress, báo Dân trí. Tôi lại hỏi thế cậu có biết tại sao báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ đều đã từng bị thay đổi Tổng biên tập vì lý do gì không? Cậu ấy không trả lời mà lại cao giọng hỏi lại: thế bác bảo em phải đọc báo nào bây giờ? Tôi cũng không trả lời mà chỉ bảo, thôi cậu cứ chờ xem rồi vụ này nó đến đâu rồi khắc biết. Tôi tin là trước sau rồi cậu ấy cũng sẽ biết. Dù muốn bưng bít đến đâu rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải tòi ra. 

Nghe tin trên mạng, thì cả những người đàn bà trong gia đình anh em nhà ông Vươn cũng bị đánh rất dã man (tôi nghe trên youtube), còn trong trại tạm giam, anh em nhà ông Vươn bị quản giáo đánh đập, nhục mạ mà căm giận quá. Sao lại có những kẻ hèn mạt đến thế. Những con người mà có tâm ác thì ở đâu cũng ác, khoác cái gì lên người cũng ác. Tôi nhớ hôm đi cùng Kim Tiến đi đến Bộ Công an ở phố Yết Kiêu, thấy Kim Tiến cầm bức ảnh tiến ông Tùng tiến đến trước cổng, cậu công an trẻ măng vội đi ra hỏi có việc gì. Tôi bảo cháu nó muốn hỏi tại sao vụ công an đánh chết bố nó mãi vẫn chưa xử thế, nhân tiện ta thán: dạo này công an đánh chết dân nhiều quá. Cậu công an trẻ không phản ứng gì về lời ta thán của tôi, chỉ hướng dẫn sang bên số 3 Nguyễn Thượng Hiền để khiếu nại. Bây giờ lại nghe bác Lê Hiền Đức khóc bảo: bây giờ công an đánh chết dân nhiều quá... đúng là cái thiện cúi đầu thì cái ác sẽ lên ngôi thôi.

Năm mới mà toàn nói chuyện buồn. Rét quá nên chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Hôm qua ấm ấm trời mới đi uống rượu ốc với mấy anh chị em (mình không uống rượu, chỉ ăn ốc). Bác Gốc Sậy có tý hơi men vào, khật khừ bảo: thương mụ Hằng béo quá. Ừ! Mấy hôm rét tê tái, nhiều người vào facebook kêu rên thương Bùi Hằng. Có lẽ không chỉ thương Bùi Hằng, mà cả những con người khốn khổ đang ở đâu đó dù bên trong hay bên ngoài nhà tù nữa chứ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo