Một con ngựa đau, cả tàu bỏ…?! - Dân Làm Báo

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ…?!

“…Đó! Quê hương tôi 
chung một Cha mà tuyệt tình… *” 

Một trong những điểm khác biệt lớn về văn hóa của phương Đông và phương Tây chính là tính cộng đồng. Trong khi ở Tây phương, con người ta đề cao tính độc lập của mỗi cá thể thì ở trời Đông lại mang nặng ý thức cộng đồng. Và chính nét văn hóa đó đã ăn sâu vào đời sống của con người mà cách riêng là dân tộc Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có những câu như: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Ấy là tinh thần tương thân tương ái, sự gắn bó, sống chết của những người vẫn coi nhau là anh em, là “đồng bào”. Thế nhưng ngày hôm nay chúng ta phải đau lòng mà nhìn nhận rằng, dường như sự phát triển của xã hội Việt Nam đã và đang bỏ rơi mất những giá trị nhân văn căn bản của dân tộc mình. 

Khởi đầu từ sự kiện chấn động trong năm qua, khi mà một thanh niên chưa đầy 18 tuổi thực hiện hành vi giết người, cướp của một cách hết sức dã man mà ngay cả những người lớn cũng khó có thể hình dung được. Rồi hiện tượng đó trở thành một đề tài nóng bỏng cho báo chí khai thác triệt để từ trên trang nhất đến trang cuối. Chưa kể đến là một số cư dân mạng lại lấy đó làm niềm thú vị, lấy tên của hung thủ máu lạnh để tạo thành những câu khẩu hiệu hết sức vô duyên. Dư luận cộng đồng bàn ra tán vào để rồi lại dửng dưng không dám nhìn vào hiện tượng suy đồi đạo đức của bộ phận giới trẻ hiện nay. 

Tiếp đó là câu chuyện con tàu “Vinalines” với tầm vóc vĩ đại nhất nhì của Việt Nam bị mất liên lạc trong ngày lễ Noel. Vậy mà sau đó hơn 7 tiếng đồng hồ, công ty chủ quản của con tàu này mới thông tin đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và giữ nguyên quan điểm tàu “mất liên lạc” trong những ngày sau đó. Họ thật sự bàng quan, vô cảm trước tính mạng của 22 thủy thủ trên chiếc tàu và lớn hơn chính là niềm hy vọng của gia đình người bị nạn. Và sau đó là thái độ bưng bít thông tin, lập lờ của công ty này trước những câu hỏi của dư luận đối với người duy nhất trở về từ chiếc tàu mất tích. Dẫu biết rằng thực tế vẫn hiển hiện bất chấp ý muốn của con người, thế nhưng những gì chúng ta đã làm, đã đồng hành cùng những người thủy thủ trẻ bất hạnh ấy đã đủ chưa? 

Còn nhớ đến vụ sập hầm mỏ ở Chile trước đây, chính phủ đất nước này đã hết mình trong việc giải cứu 33 người thợ bị tai nạn. Không những thế, họ còn có những hành động để củng cố tinh thần những người nhà nạn nhân, tổ chức tập trung dân chúng để mọi người đều hướng lòng về hiện trường vụ việc. Có thể thấy rằng trong suốt hơn một tháng trời, người dân Chile, chính phủ Chile đã đồng hành, cùng thao thức với công tác giải cứu khẩn trương và đầy khó khăn. Trên hết, Chile đã khiến cả thế giới phải chú ý đến 33 công dân nước họ và dành cho họ những lời cầu nguyện bình an đầy ý nghĩa. 

Một sự kiện khác trong thời gian gần đây gây chấn động không kém là hiện tượng xe ôtô, gắn máy bị bốc cháy không rõ nguyên nhân. Ban đầu người ta suy đoán là do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, thế nhưng sau khi kiểm định kỹ lưỡng, các chiếc xe được cho là bình thường về mặt kỹ thuật. Vậy là dấu chấm hỏi to tướng lại đặt ra với nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam. Dần dần việc cháy xe vốn hết sức kinh hoàng cũng trở nên chuyện “bình thường ở huyện”. Gần 100 chiếc xe bốc cháy và kéo theo cả mấy mạng người hình như vẫn chưa đủ sức nóng để những người có trách nhiệm phải lên tiếng! Thì thôi ai có xe người ấy tự lo cho mình, tự trang bị phương tiện “phòng cháy và chữa cháy” để kẻo bất trắc xảy ra lại bị xếp vào hàng “cha chung không ai khóc”. Một sự im lặng thật ghê tởm!!! 

Trong khi chỉ mấy tháng trước đây, cả thế giới đã phải cúi đầu trước tinh thần của dân tộc Nhật Bản trong cơn thảm họa họ phải hứng chịu. Để xử lý những lò hạt nhân đang sắp nổ sẽ gây ra hậu quả hủy diệt, giới chức cùng toàn thể nhân dân Nhật Bản đã làm mọi cách có thể. Người dân xứ sở hoa anh đào đã dùng cả trực thăng để làm một việc chưa từng có tiền lệ là múc nước biển tưới hạ nhiệt lò dù rằng đó chỉ là một tia hy vọng hết sức mong manh. Rồi còn bao nhiêu con người sẵn sàng xung phong trong công tác cứu nạn, tự nguyện xin được đi vào chỗ chết với chút niềm tin leo lét là có thể giúp cho dân mình được sống. Họ cũng là những con người có gia đình, có bạn bè, có cả bản tính vị kỷ nhưng họ đã sẵn sàng can đảm dấn thân cho những người dưng cùng quê hương xứ sở. 

Còn chúng ta thì sao, đến bao giờ con ngựa đau mới lại khiến cho cả tàu bỏ cỏ??? 



_______________________________

* Đó quê hương tôi - Vĩnh Điện


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo