Xuân về viết ngắn: Có phải là… nghĩa trang liệt sĩ? - Dân Làm Báo

Xuân về viết ngắn: Có phải là… nghĩa trang liệt sĩ?

Sông Kôn (danlambao) - Khi còn là học sinh, cứ mỗi độ xuân về tôi tham gia vào đội đoàn cùng với các ban ngành của chính quyền địa phương thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Mỗi lần như thế tôi hãnh diện với mọi người rằng tôi có người thân là bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và hiện đang nằm trong nghĩa trang liệt sĩ này đây. Và mỗi lần nhìn tấm bia đá khắc ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công” trang trọng trong nghĩa trang lòng tôi tự hào vui sướng, vì gia đình tôi cũng có phần “góp công” xương máu xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Lúc trưởng thành tôi xa quê hương mà đi vào xí nghiệp, ban đầu người ta “ghi công” tôi làm việc hàng ngày để rồi cuối tháng trả lương cho tôi, và sau đó tôi được làm cái việc “ghi công” để trả lương cho bao người khác. Kể từ đó tôi mới hiểu ra rằng: ghi công đó là ghi công lao, là tính toán sức lao động, “công” đó chỉ là một loại hàng hóa để thị trường trao đổi mua bán với nhau.

Xuân này trở về quê hương, tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ xã nhà như lúc còn là học sinh nhưng chỉ một mình tôi chứ không cùng với một đoàn thể nào. Nghĩa trang liệt sĩ vẫn như xưa, vẫn trang nghiêm và vẫn với dòng chữ khắc ghi “Tổ quốc ghi công”. Lần này nhìn dòng chữ “ghi công” trong nghĩa trang, và do có bệnh nghề nghiệp là hàng ngày “ghi công” trong xí nghiệp nên lần này lòng tôi đã suy nghĩ khác…


Nhớ xưa hồi còn là sinh viên học ở Đà Nẵng, một lần có cô gái mang giỏ trái cây đến ký túc xá tìm bạn ở cùng phòng với tôi mà nói rằng: “Hôm qua tắm biển bị nước cuốn trôi xa, nhờ có anh cứu mạng, giỏ trái cây này em mang đến biếu, nó chỉ là món quà mọn, không phải là để trả công anh đã cứu mạng em. Ơn cứu mạng em mang suốt đời!”

Cô gái ngày ấy đã nói đúng, mạng người không thể đánh đổi và tính bằng vật chất cho nên “cứu mạng” không thể nói là “công” được mà phải nói là “ơn”. Bác tôi cùng bao đồng đội nằm ở nơi đây cũng dùng cái mạng người cho Tổ quốc nhưng người ta lại “ghi công” chứ không “ghi ơn”. Nhìn tấm bảng khắc ghi danh sách tên các liệt sĩ và cách chi trả “chế độ” cho các thân nhân liệt sĩ sao mà nó giống bảng chấm công và cách chi trả lương công nhân ở xí nghiệp tôi quá. Cách làm ấy nói nói lên một điều rằng: “sòng phẳng”, không ai mang ơn ai.

Tôi rảo bước quanh nghĩa trang tìm kiếm mà chẳng có nơi nào có chữ “ghi ơn”. Không có “ơn” thì sẽ không có “nghĩa”. Thế thì sao họ lại gọi là… nghĩa trang liệt sĩ?

Tôi chắp tay thì thầm trước vong hồn bác, họ đã không mang ơn thì nằm ở nơi đây làm gì bác ơi. Dẫu có trang nghiêm nhưng không nghĩa tình bằng cái “nghĩa địa” xóm ta. Địa là đất, đất gìn giữ thân xác bao thế hệ con người Việt Nam nên nó mới có chữ “nghĩa”. Cái tên “nghĩa địa” có từ ngàn xưa là vậy, nhưng ngày nay cái tên đó chỉ dùng cho những vùng đất của những “thường dân” và của những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nằm lại. Bác về nơi đó mà nằm đi, không có gì xấu xa, là hạ đẳng đâu bác à. Đã đến lúc vong hồn bác đi theo tổ tiên ông bà và dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời bác hy sinh vì sự nghiệp của Đảng Cộng Sản, sự nghiệp ấy dẫu có vinh quang nhưng không thể nào mãi mãi như dân tộc Việt Nam được bác ơi!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo