Bộ trưởng Tài chính mất ngủ vì lạm phát - Dân Làm Báo

Bộ trưởng Tài chính mất ngủ vì lạm phát

Trà Phương - "Cả nước phải kiềm chế lạm phát ở mức 6,5% trong 10 tháng còn lại của năm. Đây là điều quá khó, nhất là trong trường hợp nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động đến 0,36% CPI. Tôi cũng mất ngủ về chuyện này” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.


Theo tính toán, 10 tháng còn lại của năm phải giữ lạm phát khoảng 6,5%. Đây là điều quá khó trong khi giá điện, xăng dầu đều đang rập rình tăng. 

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ với báo giới tại lễ ký cam kết tiết giảm chi phí 5% của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ngày 21-2. Ông Huệ cũng cho biết lộ trình đến năm 2013, các mặt hàng điện, than, xăng dầu cơ bản được điều hành theo cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa giá điện sẽ phải tiếp tục tăng để bù đắp tất cả chi phí hợp lý của DN. 

Giữ lạm phát dưới 10%: Quá khó! 

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ (ảnh trái), năm 2012 Chính phủ đặt ra hai mục tiêu quan trọng, một mặt theo cơ chế thị trường, mặt khác chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số. Hai mục tiêu này gần như trái ngược nhau, không gian chính sách và dư địa để cho DN phấn đấu là rất khó khăn. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 1%. Bộ Tài chính mong CPI tháng này tăng dưới 1% nhưng nếu tăng 1,5% thì cũng có thể xem là thành công vì đây là tháng dư âm sau tết. “Như vậy, cả nước phải kiềm chế lạm phát ở mức 6,5% trong 10 tháng còn lại của năm. Đây là điều quá khó, nhất là trong trường hợp nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động đến 0,36% CPI. Tôi cũng mất ngủ về chuyện này” - ông Huệ chia sẻ. 

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết giá năng lượng trên thế giới gần đây tăng mạnh do thời tiết khắc nghiệt ở châu Âu cũng như căng thẳng ở vùng Vịnh. Trong khi đó, việc thua lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN có nguyên nhân từ chính sách điều hành giá. “Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết điều hành giá theo cơ chế thị trường. Không chỉ có điện mà xăng dầu và than cũng phải tiến đến cơ chế này, dứt khoát là không thể bao cấp tràn lan và phải bù chéo như hiện nay” - ông Huệ khẳng định. 

EVN thoái vốn khỏi lĩnh vực trái ngành 

Trước đó, tại lễ ký cam kết tiết giảm chi phí 5% của EVN, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã công bố cam kết trong năm 2012, EVN sẽ triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh với mục tiêu trên 1.800 tỉ đồng. “Số tiền trên sẽ không tính vào bù lỗ kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2012, tình hình kinh doanh lỗ hay lãi còn tùy vào giá điện, nếu được điều chỉnh thì sẽ lãi” - đại diện EVN lý giải. 

Trong năm nay, EVN cũng thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, tập đoàn này tập trung vào sản xuất, kinh doanh điện năng, thực hiện thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Đầu tiên là bàn giao toàn bộ EVN Telecom cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng. EVN cũng sẽ đàm phán để bán bớt cổ phần tại Ngân hàng An Bình (AB Bank) và thực hiện việc chuyển nhượng vốn 5,3% tỉ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại AB Bank cho Ngân hàng HD Bank. Trong lĩnh vực bất động sản, EVN sẽ có chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại các công ty mà tập đoàn này liên kết. Đối với bảo hiểm, EVN cũng đã chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC). 

EVN cũng đang xin ý kiến Thủ tướng cho bán tiếp cổ phần đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần như Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Thủy điện Thác Bà, Thác Mơ, Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh… Nguồn vốn thu được sẽ tập trung đầu tư nguồn và lưới điện. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo