“Chuyện cổ tích” không có hậu: một bài báo giá 18 triệu đồng - Dân Làm Báo

“Chuyện cổ tích” không có hậu: một bài báo giá 18 triệu đồng

Tùng Hương (phunuonline) - Câu chuyện về chị Phạm Thị Lành, người phụ nữ nghèo bán vé dạo ở Bến Lức (Long An) sẵn sàng đưa 12 tờ vé số trúng thưởng 5,4 tỷ đồng cho khách, dù đó chỉ là “mua thiếu qua điện thoại”, được không ít người xem như “chuyện cổ tích” thời hiện đại. Thế nhưng khi tìm về cù lao Long Khánh, ấp Long Hữu (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), nơi chôn nhau, cắt rốn của chị Lành, chúng tôi bất ngờ hơn với câu chuyện khác và đoạn kết không có hậu đang ám ảnh người phụ nữ giàu lòng nhân ái này.

Chị Lành luôn vui vẻ, tốt bụng 

NGƯỜI BÁN VÉ SỐ HIẾM CÓ 

Tết năm nay 29 tuổi, nhưng chị Phạm Thị Lành đã có trên 10 năm với nghề bán vé số. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị đã cùng chồng rời quê Đồng Tháp lên Long An, tạm trú tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Cũng như nhiều người bán vé số khác, mỗi cuối ngày là chị Lành chạy vắt giò lên cổ để bán hết vé số. Khoảng 16g ngày 15/11/2011, do còn 22 tờ vé số (tỉnh Bến Tre) bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (hành nghề chạy xe ba gác) mua giùm. Qua điện thoại, anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba dãy số khác nhau. Kết quả xổ số, hai tờ vé số còn lại của chị đã trúng giải đặc biệt (ba tỷ đồng), riêng 20 tờ của anh Tuấn có ba tờ trúng giải đặc biệt, chín tờ trúng giải khuyến khích. 

Bất chấp lời xúi giục của nhiều đồng nghiệp, chị Lành vẫn giữ nguyên ý định đưa cho anh Tuấn toàn bộ 12 tờ vé số trúng thưởng trị giá lên đến 5,4 tỷ đồng với lý do: “Rất nhiều lần anh Tuấn mua qua điện thoại và dù không trúng nhưng vẫn trả tiền sòng phẳng. Vì thế, nay vé số bán cho anh Tuấn đã trúng thì phải đưa cho anh Tuấn hưởng”. Ngay sau khi lãnh tiền trúng thưởng, việc làm đầu tiên của chị Lành là trở về quê mua đất, cất nhà cho đại gia đình gồm cha mẹ già đang cưu mang sáu đứa cháu nội mồ côi (con người anh thứ ba qua đời, anh thứ tư bị tâm thần, vợ bỏ đi). Sau khi cất căn nhà trị giá 500 triệu đồng, tặng cho sáu anh chị em mỗi người 100 triệu đồng làm vốn, chị Lành đã mua 2,5 tấn gạo tặng bà con trong xóm ăn Tết. 


Chị Lành với bài viết "đắt tiền" trên tạp chí HTV 

MỘT BÀI BÁO GIÁ 18 TRIỆU ĐỒNG 

Chúng tôi vượt hàng trăm cây số về cồn Long Khánh với ý định “xông đất” nhà mới của Lành. Vừa đến nơi, chúng tôi đã đối mặt với bầu không khí lạnh lùng và cái nhìn đầy nghi ngại của gia đình chị Lành và cả hàng chục người dân trong xóm. Không gặp được trực tiếp, liên lạc qua điện thoại, chị Lành bảo đang bận việc phải đi gấp và hẹn gặp nhau vào buổi sáng mai. Thế là chúng tôi lại vượt sông Tiền quay về Hồng Ngự tìm phòng nghỉ qua đêm. Đúng hẹn, chúng tôi trở lại và tiếp tục nhận lấy những cái nhìn ghẻ lạnh. Một lát sau, bà Phạm Thị Thèm (mẹ chị Lành) từ trong nhà bước ra dò hỏi tiếp: “Mấy người tìm con Lành có chuyện gì không…? Viết báo cái gì mà thêm bớt quá chừng, lại mắc quá, chỉ có bài nửa trang mà ăn tới chín triệu đồng. Con tôi đi bán vé số chứ có phải người mẫu đâu!”. Sau một hồi trút giận, bà Thèm đưa chúng tôi xem quyển tạp chí truyền hình HTV, trong đó có bài viết về Lành và Tuấn. Hai nhà báo đã đến tận nhà yêu cầu chị Lành phải đưa cho đủ số tiền 18 triệu đồng (do chị Lành và anh Tuấn đồng ý “cưa đôi” mỗi người phải trả chín triệu đồng). Mãi đến khi chúng tôi phân tích, chứng minh thấu đáo, bà Thèm mới gọi chị Lành từ bên trong nhà bước ra. Gương mặt đầy nét hoài nghi, chị Lành nói: “Nghe nhà báo đến, tưởng đến viết báo ăn tiền nên em sợ không dám ra…”. 

Trao đổi với chúng tôi, chị Lành cho biết, sau khi trúng số được khoảng 1,5 tháng, trong lần đi bán vé số ở Bến Lức thì được Lữ NguyễnBùi Ngọc Đạt xưng là ở báo Lao ĐộngHTV đến tìm hiểu để viết bài về “người tốt, việc tốt”. Sau một hồi trò chuyện, hai nhà báo hứa sẽ cho đăng hình ở trang nhất của tạp chí số Xuân 2012 và sau đó đề nghị anh Tuấn và chị ký “hợp đồng” hỗ trợ số tiền 18 triệu đồng để làm từ thiện. Tuy nhiên ngay ngày hôm sau, được nhiều người phân tích, anh Tuấn và chị Lành điện thoại, đề nghị không thực hiện hợp đồng thì được cho biết “đã triển khai rồi, không thể dừng lại được”

Khi tạp chí phát hành, do chị Lành bận về quê cất nhà nên ngày 14/1, Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt đã xuống tận Long Hữu nhờ công an xã dẫn đến nhà. Tuy có phản ứng cách làm của Lữ Nguyễn, nhưng do ngại va chạm với “nhà báo” và sợ mắc cỡ với chòm xóm nên cuối cùng gia đình chị Lành im lặng trao chín triệu đồng trong sự tức giận

Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng công an xã Long Khánh A, Tiêu Ngọc Toại, người trực tiếp dẫn Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt cho biết: “Ngày 14/1, khi đến liên hệ với chúng tôi, Lữ Nguyễn xưng là PV báo Lao Động (trên danh thiếp, cùng tên Lữ Nguyễn, nhưng một mặt ghi là PV báo Lao Động, một mặt ghi là PV tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam) và Bùi Ngọc Đạt (tạp chí HTV) có nhờ dẫn đến nhà chị Lành để tặng báo, tạp chí gì đó. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo xã, chúng tôi đưa hai nhà báo đến nhà chị Lành, do cơ quan có công việc nên sau đó chúng tôi xin ra về. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa một lần nhận được phản hồi gì từ phía chị Lành”. 



*

Bài liên quan đã đăng:

Đóa sen trong bùn

Đinh Quang Anh Thái (Người Việt) - Bà Phạm Thị Lành, 29 tuổi, sống ở tỉnh Ðồng Tháp. Gia cảnh của bà nghèo, rất nghèo, đến độ – theo bản tin của báo Thanh Niên phát hành ở ViệtNam – “không có cục đất chọi chim”. Bà cùng chồng đến thị trấn Bến Lức tỉnh Long An thuê nhà trọ và đi bán vé số kiếm miếng cơm qua ngày. 

Bà Lành nghèo về mặt vật chất, nhưng vô cùng giàu có về mặt khác: lòng tử tế và lương thiện. 


Hình: Bà Phạm Thị Lành. 

Bản tin tổng hợp của báo Người Việt kể rằng, một buổi chiều trung tuần tháng 12 năm 2011, trời chập choạng tối, buôn bán ế ẩm, bà Lành vẫn còn hơn 20 vé số. Bà bèn gọi điện thoại cho một khách hàng quen thuộc là Ðỗ Ngọc Tuấn, nài nỉ mua giùm. Ông Tuấn sống bằng nghề đạp xe ba gác, cũng nghèo ngang ngửa với bà. Ông Tuấn từng nhiều lần mua giùm những vé số ế ẩm của bà Lành và trả tiền sòng phẳng dù kết quả sổ số không trúng đồng xu nào. 


Theo tường thuật của các báo Thanh Niên và Dân Việt, ông Tuấn hứa với bà Lành là ông mua 20 tấm vé số trong đó có dãy số X91207, do tỉnh Bến Tre phát hành. 

Không ngờ những vé số này có 10 vé vừa trúng độc đắc vừa trúng an ủi tổng cộng 6 tỉ 600 triệu đồng (khoảng 330,000 Mỹ kim). 

Hơn 300 ngàn đô la Mỹ, giấc mơ cả đời của nhiều người. Ngay cả những người quần quật đi làm tại Mỹ. 

Nhiều đồng nghiệp bán vé số khuyên bà Lành nên giữ lấy những tấm vé số đó vì người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua. 

Bà Lành gạt phăng vì “ông Tuấn là một trong những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ, không thể vì tiền mà đánh mất chữ tín.” 

Bà Lành đã trao những vé số trúng cho ông Tuấn. Cử chỉ này của bà khiến những người biết chuyện xốn xang. Và người ta cũng xốn xang khi biết ông Tuấn đã rút ngay một tờ vé trúng kèm 200,000 đồng đưa cho bà “để làm vốn”. 

Hẳn sẽ có người xuýt xoa, “they must be crazy”. 

“Điên”, hay “gàn”, trong xã hội nhiều phần đảo điên hiện nay tại Việt Nam, hiểu cách nào đó, lại là cách ứng xử của người tử tế, chính trực. 

Nói về LÒNG TỬ TẾ lại nhớ cuốn phim“Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Trong phim có đoạn lời người dẫn phim nói rằng, có một thời ở đất nước chúng ta, hai chữ Nhân Dân được thấy ở khắp nơi: công an Nhân Dân, Ủy ban Nhân Dân, báo Nhân Dân, vì Nhân Dân quên mình...; vậy mà khi có chính quyền trong tay, đời sống thật của nhân dân hết sức nghèo khổ, nhếch nhác, và những phận người cơ cực, lam lũ như bác phu xe, người quét rác…, không còn được nhắc nhở gì nữa, cứ như là những người nghèo khổ này đã biến mất trên cuộc đời. Trần Văn Thủy kết luận, ăn ở với nhau như thế thật là không tử tế. 

Nói về lòng chính trực, lại nhớ chúng ta vừa mất đi một nhân cách lớn: Václav Havel, nhà biên kịch, lãnh tụ Cách Mạng Nhung và cũng là tổng thống đầu tiên của Cộng hòaCzech. Và hơn cả,Havellà một người trọn đời đấu tranh để khôi phục và gây dựng LÒNG CHÍNH TRỰC của đồng bào ông, nói riêng; và của con người, nói chung. 

Riêng cách ứng xử của bà Phạm Thị Lành, một độc giả Người Việt email cho tòa soạn nói rằng,“bà Lành là một đóa sen trong bùn”



*

Người bán xổ số “đổi” vé trúng 6,6 tỷ lấy... 200 ngàn đồng 

Dư luận Long An đang xôn xao với thông tin một người bán vé số nghèo đưa cho khách 10 tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng để nhận lại 200 ngàn đồng tiền xổ số, dù khách chỉ “mua thiếu qua điện thoại”. 

Người bán vé số không tham tiền tỷ này là chị Phạm Thị Lành, 29 tuổi, hiện đang tạm trú tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An. Do ở quê nhà Đồng Tháp không có đất sản xuất nên vợ chồng chị Lành tới Bến Lức bán vé số mưu sinh từ nhiều năm nay. 

Khoảng 16 giờ ngày 15.11, còn hơn 20 vé bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức - hành nghề chạy xe ba gác - nài nỉ mua dùm. Anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba số khác nhau. Gọi là “mua” nhưng chỉ là nói qua điện thoại, anh Tuấn cũng chưa trả tiền. 

Chiều cùng ngày, lốc vé 10 tờ của công ty XSKT tỉnh Bến Tre mang dãy số đuôi X91207 trúng đặc biệt 4 tờ, trúng an ủi 6 tờ. Nhiều đồng nghiệp bán vé số bảo người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua và nói chị Lành toàn quyền định đoạt “số phận” 10 tờ vé số với trúng thưởng với giá trị lên đến gần 7 tỷ đồng này. 

Tuy nhiên, chị Lành gạt phăng và cho rằng anh Tuấn là một trong những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ chị. Rất nhiều lần anh mua qua điện thoại và dù không trúng lần nào nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Do đó, không thể vì tiền mà chị đánh mất chữ tín. 

Ngay lập tức, chị bấm điện thoại gọi anh Tuấn đến quán cà phê để bàn giao số trúng. Cảm kích trước lòng tốt của người bán vé số, anh Tuấn đã tặng 1 tờ trúng giải đặc biệt cho người bán vé số nghèo. 

Theo tìm hiểu của Dân Việt, vợ chồng chị Lành trước đây sống cùng mẹ ruột là bà Phạm Thị Thèm trong một căn nhà cũ nát rộng chỉ 27m2, dựng nhờ trên đất của một người thân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. 

Anh Đỗ Ngọc Tuấn - người may mắn trúng số độc đắc. 

Hai người anh trai của chị Lành, một người bị tâm thần, một chết sớm trong khi các chị dâu lại bỏ đi, để lại đến 6 đứa bé côi cút cho bà Thèm và chị Lành nuôi dưỡng. Do bà Thèm đau ốm liên miên lại không có đất sản xuất nên vợ chồng chị Lành đang tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số. 

“Hôm đó tôi để dành cho mình một tờ, lại được tặng thêm một tờ nên đổi thưởng được gần 3 tỷ đồng. Số tiền này, vợ chồng tôi đem về quê cất nhà mới cho mẹ, số còn lại gửi ngân hàng lấy lãi nuôi các cháu. Hiện giờ mọi người bảo tôi là “tỷ phú” nhưng hàng ngày tôi vẫn đi bán vé số để kiếm tiền sinh sống”. 

Hỏi có hối tiếc khi giao hết vé trúng cho người khách dù người này chỉ mua bằng miệng và chưa trả tiền, chị Lành đáp ngay: “Có cho tôi suy nghĩ thật kỹ thì tôi cũng trả lại cho khách. Lâu nay họ không thất tín với mình thì mình cũng phãi giữ chữ tín với họ!” 

Theo Hữu Danh

Dân Việt



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo