BBC - Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu Thành viên Ban cố vấn của Chính phủ dưới thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC ông tin rằng ngày càng xuất hiện thêm nhiều trí thức có "bản lĩnh", "dám hành động" theo lý trí và trí tuệ mà họ hiểu biết vì đất nước, dân tộc.
"Người trí thức phải hành động. Nhưng hành động như thế nào, đó là tùy theo bản lĩnh, trí tuệ, nhận thức và vị thế của họ."
Bình luận về cuộc thảo luận trên BBC gần đây về chủ đề Trí thức và Đảng lãnh đạo, nhà xã hội học cho rằng không nên nghĩ "những người trí thức không xuống đường biểu tình là những người trùm chăn. Ông nói:
"Nói như thế là nói vô trách nhiệm và không thiếu những người âm thầm suy nghĩ và họ có những đóng góp của họ."
Giáo sư Tương Lai chia sẻ với quan điểm của Giáo sư Chu Hảo khi cho rằng "vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ là một vai trò khách quan" và ông cho rằng "nếu không có vai trò đó thì không thể có Cách mạng tháng Tám, không thể có hai cuộc kháng chiến."
Bàn về cách thức đóng góp cho đất nước của trí thức Việt nói riêng, người Việt nói chung, chuyên gia về xã hội Việt Nam đặt câu hỏi:
"Nếu ai cũng bỏ nước ra đi, rồi đứng ở bên ngoài nói, để không bị một ràng buộc gì cả, thì đất nước này sẽ thế nào đây?
"Tôi thì khác, tôi bám trụ tại đây. Tôi vẫn ở trong Đảng này, tôi vẫn là người ở trong chế độ này, nhưng tôi muốn góp phần một cách công khai và minh bạch thúc đẩy những bước phát triển để Đảng có thể tự chấn chỉnh, tự đổi mới.
"Và tôi tin rằng những điều đó có thể làm được vì những người nhận thức được, những người yêu nước không ít đâu."
Mở đầu cuộc phỏng vấn, từ Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai đánh giá ý nghĩa của việc các trí thức ở hai miền trong năm qua đã tham gia các cuộc biểu tình yêu nước và chống Trung Quốc và hậu thuẫn "giới trẻ" xuống đường tham gia ra sao.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/02/120204_vn_intelligentsia_prof_tuonglai.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/02/120204_vn_intelligentsia_prof_tuonglai.shtml