Lệnh tạm giam của Tòa án? - Dân Làm Báo

Lệnh tạm giam của Tòa án?

VRNs (02.02.2012) – Sài Gòn – Gần đây có một vị chức sắc tôn giáo hỏi VRNs về việc Toà án có quyền ra lệnh tạm giam không? Đây là một vấn đề cần phải được những người am hiểu pháp luật trả lời, nên chúng tôi đã hỏi luật sư thường xuyên tư vấn của chúng tôi.

Vị luật sư này trả lời như sau:

Theo Quý vị cho biết: Một người nhận được lệnh tạm giam 90 ngày của Tòa án Quận A gởi qua đường Bưu điện, kèm theo là Quyết định phân công giải quyết vụ án hình sự. Trước đó, người này chưa bao giờ bị khởi tố, bị điều tra, nhận kết luận điều tra hoặc cáo trạng… Cũng chưa hề bị bắt, tạm giam…

Sau khi nghiên cứu chúng tôi cho rằng ngoại trừ trường hợp Tòa án Quận A đùa dai, bằng không thì ông Phó Chánh Án (người ký lệnh tạm giam) và Tòa án A này đang thực hiện việc làm trái pháp luật nghiêm trọng.

1. Trước hết, theo quy định pháp luật, để Tòa án có thể ra Quyết định “tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án” như lệnh tạm giam đã nêu thì người ấy phải đã bị khởi tố bị can. Phải bị chụp ảnh, lập danh chỉ bản. Phải được giao Quyết định khởi tố có lập biên bản… Sau đó phải bị điều tra, bị hỏi cung và các thủ tục tố tụng khác. Nếu “có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm…” thì phải có Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Người này phải được nhận Bản kết luận điều tra. Và Viện Kiểm sát – nếu quyết định truy tố – phải có Bản Cáo Trạng, trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày có Bản Cáo trạng, Viện Kiểm sát phải thông báo cho bị can, giao Bản Cáo trạng cho bị can…

Như vậy, một người chưa hề bị khởi tố bị can, chưa “được” hỏi cung lần nào, cũng không nhận được Bản kết luận điều tra, Bản Cáo trạng… mà nay Tòa án Quận A lại Ra lệnh tạm giam bị cáo[1] để đảm bảo xét xử thì đúng là coi trời bằng vung.

2. Cũng theo thông tin thì người này bị Viện Kiểm sát nhân dân Quận A truy tố về tội: Phá rối an ninh – Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo khoản 1 Điều 89 – 88 của Bộ luật Hình sự. Đây là hai tội thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XI Bộ luật Hình sự). Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Tòa án Quận A không có thẩm quyền xét xử. Như vậy mà ông Chánh Án Quận A nhận hồ sơ, phân công thẩm phán và ông Phó Chánh Án Ra lệnh tạm giam thì đúng là điếc không sợ súng.

3. Ngoài ra, cũng theo Quý vị cho biết thì Quyết định được ký vào ngày 26.01.2012 (tức ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn) là ngày nghỉ Tết, ghi sai địa chỉ nơi ở của người này thì đúng là Tòa án Quận A đã ăn ngọn nói hớt.

Ý kiến chúng tôi: Người này cần trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác liên hệ trực tiếp với Tòa án nhân dân Quận A tìm xem họ đùa dai hay họ “coi trời bằng vung”, “điếc không sợ súng”, “ăn ngọn nói hớt”…, để tùy trường hợp mà buộc họ xin lỗi vì xúc phạm danh dự nhân phẩm hoặc tố cáo hành vi “ra Quyết định trái pháp luật”; “giả mạo trong công tác”; “lợi dụng chức vụ quyền hạn…”.

Luật sư Thái Hà

http://www.chuacuuthe.com/archives/26012

[1] Bị cáo: là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 50 Bộ luật Tố tụng Hình sự)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo