Những hình ảnh thương tâm nhất năm 2011 - Dân Làm Báo

Những hình ảnh thương tâm nhất năm 2011

Trần Việt Trình (Danlambao) - Câu chuyện này có thể thật, có thể không, nhưng bức ảnh rất thực. Một bức hình không thể nào tạo dựng được. Nhìn vào bức hình chúng ta thấy ngay một bà cụ già lụm khụm, lưng còng, tuổi đã quá lớn, ngồi ủ rủ bên lề đường với vốn liếng buôn bán chỉ là một nhúm rau...


Hình em bé Aden Salaad, 2 tuổi, ở Somalia gầy tong teo vì đói ăn. Cậu bé là bức tranh khắc họa rõ rệt nhất nạn đói khủng khiếp đang hoành hành hơn một nửa thế kỷ nay ở châu Phi, làm ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người dân.

(Ảnh: AP/Rebecca Blackwell) 

Hình hai em bé đang ôm an ủi nhau ở một bãi phế liệu ở Kathmandu, Nepal. Hai anh em vô gia cư này sống ở một vỉa hè kề cận bãi phế liệu. Mỗi buổi chiều, hai anh em đưa nhau ra bãi phế liệu để bươi móc tìm đồ phế thải để sinh sống.


(Ảnh: Chan Kwok Hung


Trên đây là 2 trong số 10 tấm hình được VietNamNet trong nước đưa tin vào cuối tháng 12 năm rồi và được cho là 10 bức ảnh thương tâm nhất năm 2011. Nhưng không. Đối với tôi, tấm hình dưới đây mới thật là gần gũi, thật là thương tâm và đánh động lòng người (VN) nhiều nhất.


Đó là bức ảnh đăng cùng một câu chuyện được lan truyền rộng rãi và gây xôn xao trên internet ở trong nước cũng như ở hải ngoại vào cuối năm rồi, một câu chuyện thật cảm động tạo cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ. 

Câu chuyện như sau: 

Ăn rau không chú ơi? 

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy. 

- Ăn hộ tôi mớ rau...! 

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. "Mình thương người thì ai thương mình" cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã. 

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt. 

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn! 

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ. 

Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà: 

- Rau này bà bán bao nhiêu? 

- Hai nghìn một mớ. Bà cụ mừng rỡ. 

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ. 

- Sao chú mua nhiều thế? 

- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy! 

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui. 

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ... 

- Nghỉ thế đủ rồi đấy! 

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ. 

Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ. 

Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế. 

Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. 

Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo: 

- Bà bán rau chết rồi. 

- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? Chị bán nước khẽ hỏi. 

- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác. 

- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh. 

Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. 

Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia... 

Gã không ngờ.........! 

Câu chuyện trên đây có thể thật, có thể không, nhưng bức ảnh rất thực. Một bức hình không thể nào tạo dựng được. Nhìn vào bức hình chúng ta thấy ngay một bà cụ già lụm khụm, lưng còng, tuổi đã quá lớn, ngồi ủ rủ bên lề đường với vốn liếng buôn bán chỉ là một nhúm rau. 

Đọc qua, chúng ta thấy ngay câu chuyện xảy ra ở trong nước, người viết là người trong nước, và hẳn nhiên được phát đi từ trong nước. Câu chuyện này nói lên được điều gì? 

Thứ nhất, bức hình nói lên được hiện thực một góc cạnh cuộc sống của xã hội VN ngày nay. Trong một xã hội nhiễu nhương và giàu nghèo quá cách biệt hiện nay, một bà lão tuổi đã quá cao, sức khoẻ không còn, cũng phải bươn chải buôn bán để mưu sinh thay vì được ở nhà hưởng tuổi già vui vầy cùng con cháu. 

Thứ hai, câu chuyện nêu lên được cái vô tình, đưa ra được căn bệnh “vô cảm” đang hoành hành mãnh liệt trong xã hội VN ngày nay. Thấy một bà cụ tuổi đã quá lớn, đáng là bà ngoại bà nội của mình, còn phải tảo tần mua bán kiếm sống, vậy mà một cô gái qua đường đã không rung động được lòng nhân mà còn ong ỏng mắng “Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!”

Thứ ba, bà cụ già tuy rất nghèo về vật chất nhưng giàu về chữ tín, lòng tự trọng, tính nhẫn nại và đức hy sinh. Rau đã bán và người thanh niên hứa cuối ngày sẽ trở lại lấy nên bà cụ già nhất mực ngồi chờ đợi dưới cơn mưa, không bỏ về và ai mua giúp cũng không bán. Có lẽ do vậy mà bà cụ bị cảm lạnh và qua đời. 

Trong bốn cái hỷ-nộ-ái-ố của con người, câu chuyện ngắn trên đây có đủ ba yếu tố cuối: nộ, ái và ố. Chử hỷ không tìm thấy được qua câu chuyện. Chữ hỷ ngày nay dường như là một cái gì đó xa vời với đời sống người thường. Nó như một cái gì xa hoa, chỉ được tìm thấy trong thế giới của những kẻ cầm quyền, những kẻ nắm quyền lực trong tay, những kẻ ăn trên ngồi tróc và thừa bạc lắm tiền. Quê hương Việt Nam của tôi ngày nay là thế đó. 

21 tháng 2 năm 2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo