“Nói phá lều không chỉ là phá lều” hay sợ hội chứng đám đông? - Dân Làm Báo

“Nói phá lều không chỉ là phá lều” hay sợ hội chứng đám đông?

Đông Hải Long Vương Ngày 18/12, trên blog nguyencuvinh có đăng bài "Chúng nó phá nát lều ở tạm và bàn thờ tại nền nhà anh Vươn", ắt hẳn nhiều người theo dõi sự kiện Đoàn Văn Vươn hơn 1 tháng qua càng thêm bức xúc với những người đã gây ra chuyện đó? Những ai đã thương cảm với gia đình ông Đoàn Văn Vươn càng thêm thương cảm hơn!

Sự việc kẻ xấu phá hoại căn lều nhà ông Vươn làm tôi nhớ đến câu nói của Tổng Bí Thư – Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) – Nguyễn Phú Trọng “Nói biển Đông không chỉ là biển Đông” trong một lần Ông phát biểu trước cử tri và được phát trên truyền hình. Đó cũng là lý do tôi mượn ý câu nói này cho tựa đề “Nói phá lều không chỉ là phá lều“ 

Để hiểu tại sao chúng ta hãy xem ngày 15/12, cũng trên blog nguyencuvinh có bài “Cuộc hội ngộ cảm động của những nông dân mất đất” 

Những nông dân ở Hưng Yên đến Tiên Lãng-Hải Phòng chia sẻ sự mất mát, đau thương với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh blog nguyencuvinh.wordpress.com 

Xem bức hình và đọc bài viết trong đường link trên những ai mẫn cảm chuyện chính trị ở Việt Nam sẽ thấy có dấu hiệu còn hơn cả câu nói của trung tướng Nguyễn Quốc Thước “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn” cho nên chuyện cái lều không nhanh chóng bị phá mới là chuyện lạ. Chúng ta chỉ cần tua ngược lại thời gian độ 5-6 tháng trước, nơi mà tâm điểm của truyền thông tự do không do nhà nước kiểm soát dồn dập đưa tin những cuộc biểu tình yêu nước trong mùa hè 2011 tại Hà Nội. Cuộc biểu tình cuối cùng (lần thứ 11) kết thúc vào ngày ngày 21/8/2011 nhưng sau đó thì sao? 

Những chuyện lẻ tẻ như tụ tập uống cafe vỉa hè cũng bị loa gọi giải tán, đi uống bia mừng sinh nhật cũng có người gây rắc rối làm nhốn nháo cả quán xá-khu phố, tới nghe “hội thảo cỏ” về Hoàng Sa do diễn giả Tiến Sĩ Nguyễn Nhã thì mất điện. Đỉnh điểm nhất là sự việc đi dạo quanh Hồ Gươm – Hà Nội ngày 27/11/2011 đã nhanh chóng bị giải tán lùa lên xe bus hàng loạt, nếu ai quan sát thực tế rõ ràng đó chỉ là đi dạo phố của một vài chục người quen mặt đã từng đi biểu tình trước đó vài tháng mà thôi. 

Xa hơn chút vào năm 2007-2008, cũng có một vài cuộc biểu tình yêu nước diễn ra. Ở Sài Gòn đến lần thứ 2, còn Hà Nội cố vớt vát đến lần thứ 3 thì bị dập tắt tuy âm thầm nhưng không kém phần răn đe mạnh mẽ. Lúc này đã có yếu tố nông dân – dân oan xuất hiện. Ấy là chưa tính cuộc biểu tình không thành ở chợ Đồng Xuân-Hà Nội đầu năm 2008, đã có sự tập kết của gia đình những ngư dân Thanh Hóa bị giặc Tàu bắn chết tại Hà Nội. 

Thanh niên Nguyễn Tiến Nam – áo trắng trên cùng bên phải – cùng các dân oan trong cuộc biểu tình yêu nước tháng 12/2007. Ảnh : nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa !? 

Trong quá khứ rất nhiều lần chính quyền đã giải tán, bắt bớ, phá án những nhóm người có mục đích thành lập đảng, phong trào/Khối, tôn giáo/liên tôn và gần đây nhất là “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”

Khoan vội đánh giá những nhóm người này động cơ, đường lối ra sao? Tầm vóc, phạm vi, thành tích/tác hại thế nào? Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là những nhóm người có xu hướng hoạt động chính trị. Ít nhất vào lúc này tại Việt Nam thực tế (không phải Hiến Pháp) việc hình thành các tổ chức chính trị, đảng phái, hội/đoàn không nằm trong hệ thống của ĐCS VN bằng cách này hay cách khác đều bị vô hiệu hóa, bị triệt tiêu ngay từ trong trứng nước. Cho nên sự việc phá lều nhà anh Vươn tưởng như rất vu vơ, tư thù cá nhân nhưng xét trong bối cảnh toàn cục tình hình trên thế giới đang diễn ra và những chuyện trong nước đã từng xảy ra có thể thấy đây không hoàn toàn là ngẫu nhiên, cảm tính. 

Quay trở lại chuyện của ông Vươn nói riêng và dân oan nói chung. Câu hỏi được đặt ra: 

Ai? Luật lệ nào? Chính sách nào? Hệ thống nào? Tóm lại nguyên nhân của mọi nguyên nhân nào? 

- Đã gây ra oan trái cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, bất đắc dĩ khiến anh-em của Ông phải đối mặt với vòng lao lý?

- Đã khiến cho biết bao nông dân hiền lành, chất phác xưa nay chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời phải bỏ quê lên phố tranh đấu cho những oan ức của mình?

- Cũng từ việc tố cáo/khiếu nại lẻ tẻ của những người nông dân không có kết quả với một niền tin tuyệt vọng vào Đảng-Bác, như một phản ứng tự nhiên họ đi tìm và chia sẻ-đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Dần dần họ sẵn sàng gia nhập bất cứ tổ chức/hội đoàn/phong trào nào (nếu có) để biến mất mát, đau thương của mình thành hành động tập thể nhằm đấu tranh với các bất công khác trong cuộc sống qua đó gián tiếp góp phần gióng lên tiếng nói cải tạo xã hội tốt đẹp hơn? 

Hỏi tức là trả lời! 

Sự kiện Đoàn Văn Vươn đã được nhiều người mổ xẻ dưới nhiều góc cạnh, tầm mức khác nhau, tác động đã lan rộng khắp toàn quốc. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh một điều đó là tự do báo chí, tự do lập hội, tự do lập đảng cạnh tranh tất yếu phải xảy ra trong tương lai cho dù có sự bức hại, gây khó dễ ở các mức độ khác nhau tùy từng trường hợp. Hiện nay, người ta né tránh giảm bớt bằng việc dùng thuật ngữ “xã hội dân sự“. Vấn đề này không mới chỉ là tiếp nối của những nhóm rời rạc trong thế kỷ trước đã phải chịu đựng khốn khổ trong cuộc sống, mòn mỏi trong ngục tù thậm chí phải đi “mò tôm” (*) không chừng chỉ nhằm cất lên tiếng nói ưu tư với thời cuộc, với dân tộc, với sự bất công trong xã hội. 

Trong quá khứ và hiện nay, ĐCSVN đã bao đồng tất thảy từ chuyện nhỏ cho đến chuyện to, từ chuyện con cá lá rau cho đến chuyện quốc gia đại sự. Nếu như năng lực, đạo đức của người cầm quyền từ cơ sở đến trung ương có thực tài, vì nước vì dân, vì tiền đồ dân tộc đâu có xảy ra hàng loạt những chuyện tiêu cực như ngày hôm nay? Xã hội đâu có điên đảo, băng hoại trên mọi lĩnh vực và tai hại nhất là trong hệ thống giáo dục? Các cựu tướng lãnh/công chức và trí thức từng cống hiến cho chế độ phải ngán ngẩm, suy tư qua các hình thức như thơ-văn, kiến nghị, hành động phản kháng ở cấp độ thấp từ việc bỏ Đảng (tiêu cực) cho đến cấp độ cao phản đối sự cầm quyền của ĐCSVN (tích cực?). 

Cho dù người cầm quyền có tìm cách tiêu diệt những đám đông có xu hướng, mầm mống hoạt động chính trị thì điều này vẫn âm thầm diễn ra tuy không có sự đột phá, cách mạng nhưng như chiếc xe lu chậm chạp đang lầm lũi tiến lên. Nó không phụ thuộc vào sự duy ý chí của những người đối lập tên tuổi mà cũng không thể bị ngăn cản dù bị đối phó quyết liệt có hệ thống, có lớp lang của đảng cầm quyền. Đây cũng là xu thế tất yếu về nhận thức trước những tiến bộ khoa học của nhân loại và không thể đảo ngược! Đó là sự thật! (**) 


————————————– 

(*) Mò tôm: tiếng lóng ám chỉ việc thủ tiêu, bị đầu mối không chỉ đối với kẻ thù của ĐCSN VN mà ngay cả chính với đ/c của mình trong thời chiến.

(**): Mặc dù có một số bài viết trên Internet đã kết luận/tiên đoán điều này từ trước, nhưng cá nhân tôi rút ra nhận xét khi chiêm nghiệm từ cuộc sống của những người dân thường, của chính những đảng viên của ĐCSVN đang đi làm chứ không phải về hưu mới mạnh dạn, lớn tiếng phát biểu.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo