Đoạn kết-mở nào cho các ông chủ tịch Tập đoàn ? - Dân Làm Báo

Đoạn kết-mở nào cho các ông chủ tịch Tập đoàn ?

Sỏi - Mấy hôm nay, ngoài vụ Đoàn Văn Vươn, các báo cũng chỉ có khoét thêm chút về vụ ông Đào Văn Hưng, nguyên chủ tịch EVN bị mất chức-chính xác là bị TTg cho miễn nhiệm, chuyển về bộ Công thương chờ kiểm điểm xong xuôi cùng các cán bộ liên quan ở EVN thì mới bố trí việc mới. Cơ bản thông tin vẫn cu cũ, nhàn nhạt như thế này: nào là do điều hành "yếu" - không biết thằng nào dùng từ này, nhưng chắc chắn không phải của chân chạy bộ Công thương; nào là do thua lỗ của EVN telecom... Nhưng dù thế nào, với sức ép báo chí kiểu này, chắc anh Hưng cũng khó bề mà nắm được chức vụ phó tổng cục trưởng tổng cục Năng lượng-tức là làm phó cho anh Phạm Mạnh Thắng - người trước đây vài năm còn là nhân viên dưới quyền của anh.

Có nghe một số phóng viên khi gọi điện nói chuyện với anh Hưng có kể rằng, anh rất buồn vì bảo với mấy chục năm làm trong ngành điện, góp sức không ít để xây dựng lên một hệ thống, một cơ sở hạ tầng điện lực khá đồ sộ, cơ bản cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày nay mà bảo anh "điều hành yếu" thì quả là khó nuốt trôi ?. Rồi thì bảo, kinh doanh thua lỗ...thì nhìn qua mấy tập đoàn như Vinashin, Vinalines khác xem ? Cũng đâu có ra gì ?. Nếu đúng như lời chúng nói, dường như ông cựu chủ tịch EVN không tâm phục khẩu phục lắm với quyết định cho miễn nhiệm từ TTg.

Cũng có thể hiểu và thông cảm với anh Hưng vì đúng là anh đã trải qua một cái Tết buồn nhất trong nhiều năm nay-vì truớc nay, anh chỉ có lên mà không có xuống, Tết này lại biết tin buồn, phải say Goodbye với EVN, với chiếc chế chủ tịch đầy quyền lực của một tập đoàn doanh thu hàng trăm ngàn tỷ đồng/năm. Bao nhiêu tờ báo, phóng viên vốn cũng thân thiết với anh trong ngần đó năm, đến lúc hữu sự, chẳng thằng báo nào tha, nó vẫn viết, thậm chí cứ rỉa đi rỉa lại câu "điều hành yếu". Như tớ đã nói, thực sự, so với tổng giám đốc Phạm Lê Thanh-nay được kiêm tạm thêm chức chủ tịch thay anh Hưng, so với các anh phó tổng khác, công bằng mà nói, trình độ quản lý, sự hiểu biết về nghề điện...mọi thứ, Mr Hưng đều cao hơn một bậc. Thế nên, bị bêu riếu là "điều hành yếu", làm sao cho anh khỏi buồn ?. Đã buồn, anh muốn nghỉ hưu sớm về ẩn cư mà cũng không được chấp thuận, để rồi đây, có kết quả kiểm điểm của bộ, anh lại bị báo chí đồng loạt rỉa rói một lần nữa-thì còn gì buồn hơn: nỗi buồn chồng chất nỗi buồn và nỗi đau tiếp nối nỗi đau !.

Nhưng đó là cảm xúc tức thời thôi. Sau này, bình tĩnh hơn, anh Hưng có ngồi ngẫm lại thì thấy mình cũng còn may mắn chán so với nhiều ông chủ tịch tập đoàn nhà nước khác. Này nhé, gần nhất là anh Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch Vinashin cũng đang bạc dần mái tóc, ngẫm nghĩ về thế sự sau song sắt trại giam, hàng ngày bị các điều tra viên trẻ tuổi gọi lên, gọi xuống, hỏi đi hỏi lại về điều A, B, C...Anh Trần Quang Vũ, cũng nguyên tổng giám đốc Vinasink oai quyền hống hách là thế, bỗng chốc cũng "nhập kho", chưa biết đến bao ngày nữa mới hầu tòa để rồi lại về nhà lao ngồi suy ngẫm tiếp ?. Trước đó nữa, ta thấy có anh Đoàn Văn Kiển, UVTW-nguyên chủ tịch cũng một tập đoàn thuộc loại lớn nhất của Việt Nam-tập đoàn Than-Khoáng sản cũng bị kiểm điểm rồi cho nghỉ hưu vì một loạt "khuyết điểm" nghiêm trọng: để vàng đen của đất nước xuất lậu lớn quá, để cho công ty của thằng em lũng đoạn, dinh líu, tham gia cả vào quá trình này...Thế thì so với mấy ông ấy, việc bị kiểm điểm rồi tiếp tục cho làm cán bộ quản lý ở bộ Công thương thì anh Đào Văn Hưng xem ra còn may mắn nhiều hơn chứ nhỉ ?. Chỉ có anh Dương Chí Dũng, chủ tịch HDTV của Vinalines hôm qua thì đúng là có may hơn anh chút vì vừa bị miễn nhiệm làm chủ tịch nhưng lại được chuẩn bị bổ ngay làm cục trưởng cục Hàng hải-một ví trí không đến nỗi nào.

Tất nhiên, trong con mắt của những người lắm chuyện; tình trạng thua lỗ chồng chất của EVN (khoảng 35.000 tỷ đồng lũy kế đến hết năm 2011); thua lỗ do điều hành, quản lý tồi ở EVN Telecom, sự lộn xộn trong tổ chức của EVN...thì đó cũng là những tội lỗi chẳng bé chút nào. Nhưng anh Hưng cũng có thể biện bạch là lỗ 35 ngàn tỷ đó là do bao nhiêu năm phải tăng giá điện ở mức thấp, giá điện bán ra chẳng bù được cho giá thành, rồi đầu tư ra ngoài ngành -gọi là thế nhưng chỉ mới có hơn 3% (quy định cho phép lên tới 30% cơ mà), và tổng lại là có lãi, bù được một phần nhỏ cho thua lỗ kinh doanh điện...Nên nhớ là mấy thằng báo chí hay la lối, chửi bới các tập đoàn là đầu tư ngoài ngành nhé, chính nó cũng đầu tư ra ngoài ngành chẳng ít. Ví dụ "thằng" báo Tuổi trẻ còn đầu tư, kinh doanh chỗ tắm bùn ở Nha Trang (vì thế ngày xưa họ viết bài đầu tiên về việc ông Đào Đình Bình-cựu bộ trưởng giao thông đi tắm bùn trong khi tàu đỏ chết bao nhiêu người ông không biết); cũng đầu tư vào bất động sản...Báo Thanh niên cũng thế. Mấy thứ đó thì liên quan chó gì đến viết báo, bán báo chứ ?. Thề là hiện nay, nhiều báo, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành còn lớn gấp mấy lần EVN, PVN, Vinashin...ấy chứ.

Nhưng nói gì, biện bạch gì cũng còn có ý nghĩa gì nữa ?. Đến lúc ra đi thì phải ra đi thôi. Có ai có thể ngồi mãi một chỗ được chứ ? Anh không thể tiến lên thì anh phải lùi xuống, chứ có đâu người ta thích anh ngồi mọc rễ lên như thế được ?. Ở khối tập đoàn, tổng công ty khác, người ta chỉ ngồi được vị trí chủ tịch, tổng giám đốc được một nhiệm kỳ thôi là phải phắn, để chỗ cho thằng khác tiến lên rồi thằng khác lại tiến lên nữa ?? Anh cứ ngồi đấy mãi, ai còn có động lực phấn đấu cho được ? Ai quà cáp, chạy qua chạy lại với tôi ?. Hơn nữa, đúng là anh cũng có công lao thật nhưng bây giờ, anh đã đi đến giới hạn của sự cống hiến: anh chỉ biết giữ ghế của anh và tư duy của anh không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới, tái cơ cấu hệ thống, tái cơ cấu ngành điện để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Có những người tuy ít kinh nghiệm, non về trình độ hơn anh nhưng hứa hẹn làm tốt hơn anh chuyện đó thì anh phải ra đi thôi, đừng than thầm, kêu oan khổ nữa. Chừng đó năm làm lãnh đạo, thu nhập của anh cũng đủ để đến giờ, thích tiêu gì thì tiêu, thích mua gì thì mua...Cứ giả bộ khổ hạnh tý thôi cũng được nhưng cũng đừng lên buồn lâu quá. Đời được mấy tý, nhiều tiền, tha hồ ăn chơi, việc gì phải buồn, anh hĩ ?.

Nhìn lại các lãnh đạo tập đoàn, đúng là số phận sau khi nắm chức vụ cao nhất thường là kém đi chứ không mấy người khá lên nhỉ ? . Trong số khá lên, hiện nay chỉ sáng chói là ngài Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Tập đoàn giàu nhất Việt Nam-Tập đoàn Dầu khí-một tập đoàn mà lãnh đạo chủ yếu ngồi thảnh thơi, hô quân múc tài nguyên-dầu đem lên bán, lợi nhuận bao giờ cũng cao để khoe làm thành tích. Thế nên có tha hồ mà ký tá, ban phát...dễ dàng xin được mỗi năm để lại hàng ti tỉ đồng để chi cho đủ thứ A, B, C...Anh Thăng giờ là ủy viên TW, bộ trưởng Giao thông, trên vị trí mới đầy hứng khởi không biết còn thăng tiến đến đâu. Nhưng mấy ai được như ngài thượng thư Đinh La # ?.

Kết luận là, cái ghế chủ tịch hội đồng thành viên của các tập đoàn nhà nước-một vị trí đầy hoa thơm, quả ngọt đấy nhưng cũng rất sóng gió, gai góc-nơi chôn vùi biết bao tên tuổi "anh hùng": Đoàn Văn Kiển, Phạm Thanh Bình, Trần Quang Vũ... nhưng cũng có thể là bậc thang rất tốt cho những kẻ tài cao, chí lớn muốn hướng tới những nấc thang quyền lực, những chiếc ghế danh vọng hơn nữa. Nhưng dù nó thế nào, ai đã làm ở tập đoàn hay ở ngành, nghề khác có thể chuyển về, vẫn đều ham muốn ngồi lên nó-vâng, để thà một phút vinh quang rồi chợt tắt-còn hơn buồn le lói-quanh năm-như bọn cán bộ, chuyên viên quèn. Hê hê.

Sỏi



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo