Thời buổi gì mà muốn làm việc tốt cũng sợ thế? - Dân Làm Báo

Thời buổi gì mà muốn làm việc tốt cũng sợ thế?

Phương Bích - Có mỗi chuyện, thấy có người gặp hoạn nạn thì ai đó đứng ra quyên góp tiền giúp đỡ, có đao to búa lớn gì lắm đâu mà mọi người cứ quan trọng hóa vấn đề thế nhỉ? Trước đây có cậu lái xe ở cơ quan tôi chẳng may gây tai nạn chết người, cả cơ quan cũng mỗi người góp một ít tiền để giúp cậu ấy khắc phục hậu quả. Những chuyện như thế ở đâu chả có trên trái đất này (đâu chỉ có người Việt Nam mới thế). Nó là chuyện đạo lý theo lẽ thường, có chiến tích gì ghê gớm lắm đâu.

Nhưng chắc chuyện không có gì đáng nói, nếu người gặp hoạn nạn không phải là nạn nhân của một việc làm sai lầm nào đó từ phía chính quyền. Chẳng biết từ bao giờ, trong thâm tâm, người ta lại bất mãn với chính quyền nhiều đến thế. Thậm chí cứ thấy vị đại diện nào của chính quyền mà bị người dân chửi, chưa biết phải trái thế nào, người ta cứ sướng cái đã. Nay thì không những chửi, mà có người còn dám chống lại! Nhiều người bảo những bức xúc như của ông Vươn thì khắp đất nước này đều có, thậm chí nhiều lắm. Nếu như ông Vươn không dám liều chết chống lại, thì làm sao thiên hạ biết được những sai phạm nghiêm trọng của mấy ông “quan phụ mẫu” kia? Rồi còn bao nhiêu ông Vươn khác nữa, đang mòn mỏi ở những vùng quê nghèo không được ai biết tới?

Cũng tương tự như vậy, mỗi khi nghe thấy tin có người bị bắt tôi lại thấy bần thần cả người. Chưa biết họ có tội gì hay không, chỉ biết cứ tự dưng bị bắt đem đi biệt tích là lại hình dung ngay ra việc họ sẽ bị đánh đập, bị đối xử tàn tệ...Trước thì cứ nghĩ họ chỉ đánh đàn ông trai tráng, nay thì thấy họ đánh cả phụ nữ. Nghĩ mà rùng cả mình. Thật là man rợ quá!

Thật buồn khi có người lâm nạn, trái với phản xạ thông thường là xắn một tay lên giúp thì thiên hạ lại hay xa lánh, sợ vạ lây. Bây giờ tốt xấu lẫn lộn, thực giả khó phân biệt. Bởi thế khi nghe thì phải nghe bằng hai tai, phải nhìn bằng hai con mắt và cảm nhận bằng lý trí cộng với trái tim cảm thông, mới may ra hiểu được chuyện. Chắc gì tốt với người này đã là tốt với người kia? Khi các quan còn đang tại vị, các ngài lúc nào chả ở trên cương vị phán xét, giảng giải đạo đức cho thiên hạ? Đùng một cái, các ngài lại trở thành bị cáo! Nói đùng một cái nghe có vẻ dễ dàng thế, chứ để nổ được “Đùng một cái”, cũng phải đánh đổi biết bao nhiêu cuộc đời cay đắng bị dập vùi, bị chà đạp....Cứ nghe chuyện về dân kéo nhau đi từng đoàn, khiếu kiện hết năm này qua năm khác cũng đủ biết. Không biết lúc đó cảm giác của các vị ấy khi bị “đổi vai” như thế nào nhỉ? Thực sự tôi rất muốn biết điều đó.

Việc đứng ra quyên góp tiền giúp đỡ đại gia đình nhà họ Đoàn ở Tiên Lãng, giúp đỡ mẹ con Bùi Hằng ban đầu cũng có nhiều người tỏ ý e ngại, lo sợ chính quyền sẽ chụp mũ, quy kết này nọ. Nhưng cũng có người hiểu luật thì bảo: chả có gì phải sợ. Người ta góp tiền để giúp đỡ nhau thì chả có luật pháp nào cấm cái việc làm đạo lý đó cả. Thời buổi gì mà muốn làm việc tốt cũng sợ, cũng phải giấu diếm. Còn tranh thủ vơ vét của cải nhà người ta khi cưỡng chế thì lại công khai? Uất nhất là trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, họ còn cố quây bắt cả những con chó của nhà họ Đoàn, mà bác nhà văn Nguyễn Quang Vinh hài hước miêu tả: “nó mang lại một phút ngẫu hứng mang âm hưởng riềng mẻ, và tạo nên một hình ảnh quá tồi tệ của người cán bộ trước mặt nhân dân”.

Không mấy người không xúc động trước cảnh giáp tết mà gia đình họ Đoàn chồng, cha thì bị bắt vào tù, vợ con thì tá túc trong túp lều giữa tiết đông giá rét và mưa phùn. Nhà cửa tan hoang, tài sản bị vơ vét sạch bách. Không mấy người không xúc động khi biết mẹ con nhà Bùi Hằng cũng ly tán. Mẹ cũng ở trong trại giam tít đầu này đất nước (có thể gọi nó là gì khác ngoài trại giam được đây), con thì một thân một mình tận đầu kia đất nước, cách xa hàng nghìn cây số.

Bởi thế, tuy không hoành tráng như những vụ quyên góp từ thiện từ các doanh nghiệp lớn, (mỗi lần quyên góp có khi được hàng chục, hàng trăm triệu đồng), nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền ủng hộ gia đình họ Đoàn và Bùi Hằng hoàn toàn chỉ từ cá nhân cũng đã lên tới hàng trăm triệu. Cái cảm động nhất là tôi thấy có những người vào ngân hàng chỉ để ủng hộ 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng. Có lẽ đối với họ, đó cũng đã là một sự cố gắng rất lớn. Tiến Nam còn kể một bác bán hàng rong móc trong túi ra những đồng tiền nhàu nát, vuốt phẳng phiu rồi sắp lại cho đủ 100 nghìn để ủng hộ cô Bùi Hằng. Có thể nói chúng ta không ai nợ ai những tấm lòng như thế, nhưng nói cách khác thì đó cũng lại là những món nợ tình nợ nghĩa không có gì cân đong đo đếm được trong đời.

Những ngày này, tôi nhận được khá nhiều tin nhắn của những người không quen biết. Có những tin nhắn rất cảm động, họ nói tôi không cần cảm ơn vì những điều tôi và họ đang làm đều chỉ là những điều rất bình thường và giản dị. Tuy nói vậy, nhưng khi nhận được những đồng tiền đóng góp của mỗi cá nhân gửi đến, tôi như cảm nhận được sự chân thành, không chút danh lợi gì trong đó. Làm sao tôi không cảm ơn họ cho được.

Trời ơi! Sao mà thiêng thế? Vừa chạy vào “nhà” bác Bọ Lập, ngó thấy bài tường thuật trực tiếp của bác CuVinh về việc bắt...đọc vừa thấy buồn cười về giọng hài hước của bác CuVinh, vừa thấy mình mâu thuẫn quá. Cùng là cái sự bắt, nhưng sao với người này thì thương cảm, người kia lại thấy hả hê thế? Chẳng biết đó có phải là trời có mắt không, hay chỉ là sự tất yếu mà thôi.
Phương Bích


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo