Đào Tuấn - Tháng 5-2008, sau sự kiện “Chủ tịch Cao Bằng Lô Ích Giang trả lại quà biếu”, đại biểu QH Dương Trung Quốc nhắc lại câu chuyện ông chủ tịch TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên “mang bạc tỷ đến trình báo, nhưng các năm sau đó không thấy ông ấy trình báo và nộp lại quà biếu nữa”. Những trường hợp, rất hiếm- trình nộp lại quà biếu, thực chất là nộp lại của hối lộ, được vị đại biểu QH nổi tiếng thẳng thắn bình luận theo kiểu dân gian là “chỉ có bị lộ hay không bị lộ mà thôi”.
Việc Chủ tịch của Thủ đô không thấy nộp lại quà biếu nữa dường như có liên quan ít nhiều đến ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Năm 2001, ông Nghiên được thuê lại biệt thự này với giá 500 ngàn đồng/tháng, (trong khi “một ngày trước đó” còn được cho thuê với giá 5000 USD/tháng). Tháng 8-2006, ông làm đơn xin mua theo nghị định 61 với giá 1,3 triệu đồng/m2. Báo Tiền Phong ước tính với “giá hóa giá”, ngôi biệt thự có giá chưa tới 1 tỷ đồng, bằng 10 tháng cho người nước ngoài thuê, trong khi giá trị thực tối thiểu 1,5 triệu USD.
Đến tận tháng 9-2007 ông Nghiên mới tuyên bố “trả lại”. Và 5 năm sau lời tuyên bố, đến tháng 9 năm ngoái, báo chí vẫn đưa tin ngôi biệt thự vẫn chưa được trả lại, thậm chí nó còn được vôi ve, tân trang xịn hơn so với 5 năm trước.
Câu chuyện nộp lại 1 tỷ trong năm đầu tiên và “ở lì” ngay cả sau khi đã hạ cánh của ông Chủ tịch đang làm nản lòng tin dân chúng.
Bởi vậy, rất dễ hiểu, dư luận đã không ít đàm tiếu khi, vừa mới đây, một vị trưởng phòng Cảnh sát giao thông CA Cần Thơ, đại tá Huỳnh Đấu Tranh báo cáo lãnh đạo và trả lại 100 triệu đồng tiền biếu xén.
Trả lời báo chí sau đó, đại tá Đấu Tranh nói ông nhiều lần được biếu “dăm bảy triệu đồng, dăm trăm đôla Mỹ, nghìn đôla Mỹ hoặc chai rượu”. Tuy nhiên, ông “đều trả lại”, ông “dặn người nhà”, ông “Cảm ơn vì người ta có lòng tốt mà biếu nhưng giải thích là công an nhân dân đang học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, phục vụ dân chứ đừng quà cáp gì”.
Ngay sau khi câu chuyện được đưa trên một diễn đàn ô tô xe máy, hàng trăm ý kiến đã tỏ ý nghi ngờ, đặt câu hỏi, thậm chí đàm tiếu: “Trước khi trả anh đã đấu tranh, mang đi trả cũng là đấu tranh, trả xong anh đấu tranh tiếp. Anh là Đấu Tranh”. Dư luận không phải không có lý khi đặt câu hỏi. Bởi khó tìm trong thực tế một cá nhân, kể cả cỡ “đại gia thủy sản” tự dưng cảm ơn 100 triệu đồng, lại tặng cho CSGT, chỉ vì được “tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính”. Và vì những “trường hợp” Lô Ích Giang, Hoàng Văn Nghiên không hề thấy xuất hiện lại.
Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân lại nghi ngờ, thậm chí đàm tiếu một câu chuyện “người thực việc thực”. Câu trả lời có lẽ cũng không có gì phức tạp: Vấn đề ở đây là niềm tin.
Hồi đầu tháng, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, con số 451 cán bộ, công chức đã nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng trong 5 năm 2006-2011 được chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là “Còn ít” và “Không phản ánh đúng thực trạng tình hình hiện nay”. Ông Phúc cũng cho rằng "Tình trạng lợi dụng các dịp lễ Tết, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp chưa giảm".
Còn nhớ năm ngoái, khi CA TP HCM đề ra quy định CSGT làm nhiệm vụ không được mang quá 100 ngàn đồng đã có không ít ý kiến cho đây là một quy định “buồn cười”. Buồn cười không phải vì “quy định 100 ngàn”, mà bởi những kỳ vọng về việc sẽ ngăn chặn ngay được tiêu cực của quy định này.
Sự nghi ngờ, những điệu cười, và lời đàm tiếu đang là một biểu hiện cho thấy người dân ngày càng ít tin vào sự thanh liêm của đội ngũ cán bộ.
Nhưng không thế nói đến một sự khủng hoảng niềm tin, bởi còn có một “ngoại lệ Nguyễn Bá Thanh”. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lại vừa có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ CA Thành phố. “Kể từ tháng 3, Lực lượng CSGT tại 4 cửa ô sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, nếu phát hiện CSGT nào nhận mãi lộ sẽ tước quân tịch và đuổi khỏi ngành, không cần phải xem xét mức độ nặng nhẹ. Tất nhiên, không xem xét đến số tiền nhận là 1 tỷ, 100 triệu, hay chỉ 100 ngàn đồng.
Điều không bất ngờ là người dân tin ngay vào những điều ông nói - dù bản chất đó chỉ là một tuyên bố như hàng chục tuyên bố trước đó.
Đơn giản là ông Nguyễn Bá Thanh đã từng nói, và đã từng làm đúng những gì mình nói. Đơn giản nhưng mà khó.
*
Một sáng kiến thực chất
Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ vừa bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh về việc trợ cấp 5 triệu đồng/tháng/người cho những CSGT đứng chốt với yêu cầu họ thực hiện nghiêm công vụ.
Hiện Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đang lên danh sách số lượng CSGT tuần tra kiểm soát tại bốn trạm cửa ô Kim Liên, Hòa Phước, Hòa Hải, Hòa Nhơn để có thể chi khoản hỗ trợ này bắt đầu từ tháng 3.
Được biết khoản hỗ trợ này sẽ được lấy từ nguồn ngân sách TP, chuyển qua thẻ ATM cho các cá nhân đứng chốt. Mục tiêu ghi rõ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, giảm tiêu cực của lực lượng CSGT, mà một trong những biện pháp giám sát sẽ là lắp đặt camera theo dõi quá trình kiểm tra, xử lý của họ tại bốn trạm cửa ô. Nếu sai phạm thì CSGT không những không được nhận tiền hỗ trợ mà có thể bị kỷ luật, đuổi khỏi ngành.
Với những khoản chi không lớn như vậy của một đô thị, tính pháp lý của nguồn quỹ không là vấn đề lớn, song tính chất và độ lan tỏa của sáng kiến lại có tính xã hội cao, khi mà tiêu cực của CSGT là “vấn nạn” trên cả nước từ nhiều năm nay chưa giải quyết được. Vì thế, khoản hỗ trợ này được rất nhiều người bàn luận, thậm chí còn xem như một loại “quỹ dưỡng liêm” hay một loại vaccine phòng ngừa tiêu cực của CSGT, qua đó xã hội hưởng lợi từ sự nghiêm minh của người thừa hành pháp luật!
Trên thực tế sự hình thành “quỹ dưỡng liêm” hay diện trợ cấp đặc thù hiện đã được áp dụng tại một số cơ quan “nhạy cảm”, như Ngân hàng Nhà nước, lực lượng thanh tra, Kiểm toán Nhà nước… và điều đó đưa lại thu nhập khá cho các công chức nhà nước thường xuyên có hoạt động va chạm với “cám dỗ”.
Thế nhưng biện pháp giám sát để hoạt động của công chức đảm bảo thật sự trong sạch chỉ có Đà Nẵng đề xuất và nó mới chỉ mang tính thí điểm trong ngắn hạn, nhiều vấn đề khác còn phải tính toán…
Ai cũng biết Singapore là một quốc gia có chỉ số trong sạch của công chức thuộc hàng cao nhất thế giới. Lý do không chỉ vì họ có chế độ đãi ngộ công chức rất cao mà họ còn xây dựng một hệ thống giám sát rõ ràng và một hệ thống đánh giá công chức hiệu quả, thực chất.
Đà Nẵng đã tiên phong thiết lập công cụ giám sát tính thanh liêm của một đối tượng công chức cụ thể, tại không gian và thời gian cụ thể. Có lẽ giải pháp ngừa tham nhũng trên diện rộng cần được bắt đầu từ những sáng kiến thực chất như thế?!
PHAN MAI