Cán bộ Việt Nam họp chống tham nhũng - Dân Làm Báo

Cán bộ Việt Nam họp chống tham nhũng


BBC - Bí thư Đảng và chủ tịch các tỉnh thành trong cả nước có mặt ở Hà Nội để tham dự một hội nghị lớn bàn về công tác phòng chống tham nhũng trong suốt ngày thứ Tư 7/3. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người cũng đồng thời là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp trung ương.

Hội nghị, nhìn lại năm năm triển khai Luật phòng chống tham nhũng, có sự tham gia của sáu ủy viên Bộ chính trị, như Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh và phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

‘Không ngăn được tham nhũng’ 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương, ̣đã thay mặt ban báo cáo tình hình chống tham nhũng trong cả nước trong thời gian qua. 

Mặc dù cho rằng việc chống tham nhũng trong năm năm qua ‘đã có những chuyển biến tích cực’ và đã ‘từng bước kiềm chế’ được nạn tham nhũng, ban chỉ đạo cũng thừa nhận vấn nạn còn lớn. 

“Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc xã hội,” ông Phúc báo cáo. 

Ông Phúc cũng nêu lên một thực trạng là số vụ án tham nhũng có xu hướng giảm qua từng năm trong khi số vụ án hình sự thì lại tăng và số vụ án tham nhũng được phát hiện này ‘chưa phản ánh đúng tình hình đang diễn ra’. 

Còn việc điều tra xét xử các vụ tham nhũng, ông Phúc cho rằng thường kéo dài hơn các tội phạm khác và các vụ nghiêm trọng thường bị thu hẹp về đối tượng và tài sản thiệt hại trong quá trình điều tra xét xử. 

Ông Phúc cũng thừa nhận khó khăn trong việc xử lý người đứng đầu cơ quan xảy ra tham nhũng và số cán bộ bị xử lý còn ít so với số vụ việc bị phát hiện. 

Báo cáo chỉ ra việc phê bình và tự phê bình của cán bộ trong Đảng chưa có tính ‘chiến đấu, dân chủ và công khai’ và kết quả kiểm điểm gần như chưa được công khai cho người dân biết. 

Việc tổ chức, đề cử cán bộ không ‘công khai, dân chủ’, ông Phúc cho biết, dẫn đến tình trạng chạy chức chạy quyền tràn lan, trong khi thi tuyển công khai công chức ‘chỉ là cá biệt’. 

Ông cũng cho biết là chủ trương cán bộ từ chức để thể hiện trách nhiệm chỉ có trên giấy tờ chứ không có cán bộ nào thực hiện. 

Phó Thủ tướng Phúc than phiền về tình trạng viện dẫn ‘bí mật nhà nước’ để không công khai những thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước và điều này vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch và quyền được tiếp cận thông tin của người dân. 

‘Cam kết không tham nhũng’ 

Ông Phúc thừa nhận Ban chỉ đạo của ông chưa ngăn chặn được tình trạng tham nhũng 

Cuộc họp yêu cầu các lãnh đạo Đảng và chính quyền ở cả trung ương và các tỉnh ‘cam kết công khai trước nhân dân về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của mình’. 

Truyền thông nhà nước đưa tin sau 5 năm thực hiện Nghị quyết về chống tham nhũng, Đảng Cộng sản đã kỷ luật gần 3.000 đảng viên trong số gần 11.600 trường hợp bị phát hiện vi phạm. 

Trong số các đảng viên bị xử lý, có bốn ủy viên trung ương khóa X, hai bí thư và chủ tịch hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế nhà nước và 17 ủy viên trong đảng bộ các tỉnh thành. 

Hơn 450 cán bộ đã nộp lại quà tặng mà mình đã nhận với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng, theo báo cáo của Ban chỉ đạo. 

Hội nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc lần này diễn ra liền sau một hội nghị lớn khác của Đảng về triển khai Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng để khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức của các đảng viên. 

Năm ngoái, Tổ chức minh bạch quốc tế đã xếp Việt Nam hạng 112 trên tổng số 183 nước trong phúc trình về tham nhũng. 

Thứ hạng này của Việt Nam đã tăng được hai bậc so với năm trước đó, và tăng 0,2 điểm từ 2,7 lên được 2,9 điểm. 

Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá những quốc gia có điểm dưới năm là những quốc gia tham nhũng nhiều nhất.


*

Công khai danh tính người tham nhũng

Chính phủ xác định giải pháp hàng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên 

Mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí như đã đề ra tại Nghị quyết Trung ương 3 chưa đạt được; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp... Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã đánh giá như vậy tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” và tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN sáng 7-3 ở Hà Nội. 

Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, trong 5 năm (2007-2011), cả nước có 625 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xử lý hình sự 97 trường hợp; kỷ luật 555 trường hợp. Tỉnh Quảng Nam có số người đứng đầu bị xử lý nhiều nhất (77 người). Tuy nhiên, theo đại diện của 13 tỉnh, TP và các bộ, ngành, đây mới chỉ là kết quả bước đầu trong công tác PCTN. Trên bình diện chung, số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn ít. Thanh tra các bộ, ngành những năm qua hầu như không tự phát hiện được tham nhũng. Nhiều nơi 5 năm qua không phát hiện được vụ việc tham nhũng nào. 

Bên cạnh đó, đã xuất hiện hiện tượng bao che của người đứng đầu, cho “chìm xuồng” nhiều vụ việc và trù dập người tố cáo tham nhũng. Tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường rất hạn chế. 

Một tồn tại lớn trong công tác PCTN 5 năm qua được nêu trong báo cáo là tính chiến đấu, dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau còn rất hạn chế. Kết quả tự phê bình, kiểm điểm gần như chưa được công khai theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã xác định 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện thời gian tới, trong đó có việc nghiên cứu quy định một số chức danh cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương và cấp tỉnh cam kết công khai trước nhân dân sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Ngoài ra, sẽ mạnh dạn miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan do mình quản lý, phụ trách. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ thực hiện công khai danh tính những người tham nhũng, bất kể chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu. 

Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhấn mạnh quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Đảng, Nhà nước, trong đó xác định các nhóm biện pháp hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là giải pháp mang tính trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách nhất, đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác PCTN. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, giảm tối đa phiền hà cho doanh nghiệp và người dân đối với các dịch vụ công. Đồng thời, rà soát việc quản lý tài chính, ngân sách nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.



Nhiều cán bộ bất minh về tài sản
Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ việc này. Theo ông Tranh, con số 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị gần 1,8 tỉ đồng trong 5 năm qua chưa phản ánh hết thực trạng biếu xén trong các dịp lễ, Tết hiện nay.

Thế Kha





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo