BBC - Thanh tra huyện Tiên Lãng đã công bố kết quả điều tra một số tội trạng của ông Đoàn Văn Vươn trong sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh thời hạn báo cáo thủ tướng về kết quả giải quyết vụ việc Tiên Lãng đang đến gần.
Chiều thứ Tư ngày 28/3, thanh tra huyện Tiên Lãng đã mời vợ các ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý là Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Hiền ra trụ sở Ủy ban xã Vinh Quang để làm việc.
Tại buổi làm việc này, thanh tra huyện đã công bố bốn sai phạm của ông Vươn trên cơ sở các tư liệu của Ủy ban xã và chứng từ của ngân hàng mà họ thu thập được.
Phó thanh tra Đỗ Như Tuyến cho biết bà Thương không cung cấp bất cứ tài liệu gì cho đoàn thanh tra xác minh do ông Vươn đang bị tạm giam.
Theo đó, ông Vươn bị nêu là có các sai phạm: lấn chiếm thêm gần 20 ha ngoài diện tích đất được giao; chặt phá rừng phòng hộ; cho thuê lại đất được giao và trốn thuế đất.
Trong đó ba sai phạm đã được Ủy ban huyện xử lý từ lâu nên thanh tra không truy cứu nữa và chỉ còn lại việc nợ thuế. Do đó, thanh tra yêu cầu gia đình ông Vươn thực nộp số tiền nợ thuế hơn 10 triệu đồng.
Bới lông tìm vết?
BBC đã phỏng vấn ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, về các cáo buộc này của thanh tra huyện Tiên Lãng.
Ông Luân là người bà Thương ủy quyền thay mặt cho gia đình bà làm việc với đoàn thanh tra khi chồng bà đang bị tam giam nhưng việc ủy quyền này không được thanh tra và chính quyền địa phương chấp nhận.
"Người ta trốn thuế không được, đề nghị nộp thuế chính quyền cũng không thu. Bây giờ lại vu vạ người ta không nộp thuế."
Vũ Văn Luân, thư ký hội thủy sản nước lợ Tiên Lãng
Ông Luân đã phản bác hoàn toàn bốn ‘tội trạng’ kể trên và cho đó là hành động ‘gắp lửa bỏ tay người’ của chính quyền Tiên Lãng.
Ông Luân cho rằng ông Vươn ‘lấn chiếm đất’ trong giai đoạn chính phủ đang có chương trình khuyến khích tất cả các tổ chức cá nhân khai hoang lấn biển. Hơn nữa, sau đó chính quyền Tiên Lãng đã hợp thức hóa hành động của ông Vươn bằng quyết định giao bổ sung cho ông phần đất ‘lấn chiếm’ gần 20 ha này.
“Giai đoạn đó (lấn biển) rất sóng gió. Làm gì có cây, làm gì có bãi bồi như thế này,” ông nói, “Suốt ngày nước trắng đánh nát bãi bồi.”
“Vùng phía nam Cống Rộc là vùng xương xẩu nhất bao nhiêu người đã không làm được mà ông Vươn đã làm được, đã che chắn cả tuyến đê biển lớn như thế,” ông nói thêm.
Về việc chặt phá rừng, ông Luân dẫn lại quyết định giao đất cho ông Vươn là ‘giao đất nuôi trồng thủy sản chứ không phải giao đất trồng rừng’.
“(Đó là việc) trong đầm người ta trong khi người ta sản xuất đào ao nuôi tôm chứ có đào rừng chặt rừng đâu,” ông Luân bức xúc.
Việc ông Vươn cho thuê lại đất được giao cũng được ông Luân viện dẫn điều 113 Luật đất đai cho là đúng pháp luật.
“Ông Vươn có quyền cho thuê đất kể cả người nước ngoài vào đây thuê đất ông Vươn cũng được,” ông nói.
Ông Luân cũng cho rằng chính quyền Tiên Lãng có lỗi trong việc nông dân không đóng thuế.
Nhiều người cho rằng gia đình ông Vươn đã đổ nhiều mồ hôi và xương máu để cải tạo đất đai
“Mỗi năm khi nộp thuế chính quyền huyện Tiên Lãng đều có ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tất cả các hộ sử dụng đất,” ông giải thích và nói thêm rằng kể từ năm 2005 chính quyền Tiên Lãng chưa ban hành quyết định nào như thế cả.
“Chúng tôi biết đóng thuế vào đâu? Đóng vào đơn này hay đóng vào đơn kia? Ông huyện ra đòi, ông xã ra đòi biết trả ông nào?,” ông nói.
Ông Luân cũng cho biết là ông Vươn đã nhiều lần làm việc với Chi cục thuế và đã đề nghị Ủy ban huyện ban hành chỉ tiêu thu thuế sử dụng đất để ‘được nộp thuế’.
“Người ta trốn thuế không được, đề nghị nộp thuế chính quyền cũng không thu. Bây giờ lại vu vạ người ta không nộp thuế,” ông bức xúc.
Ông Luân cũng nói là các nông dân khác cũng không có quyết định giao chỉ tiêu thu thuế nên cũng không nộp thuế mà bây giờ chỉ truy thu ông Vươn nên ông khẳng định kết quả thanh tra là ‘không lành mạnh’.
‘Không làm mạnh tay’
Ông cho rằng việc thanh tra ông Vươn vào lúc này cho thấy chính quyền Tiên Lãng đang ‘bới lông tìm vết’ để tìm lý do ‘bao biện cho việc làm của mình’ trong khi ‘thủ tướng đã có kết luận rõ ràng’ về những vi phạm trong việc thu hồi và cưỡng chế đất ông Vươn của chính quyền Tiên Lãng.
“Chính quyền không nhìn thấy sai phạm của mình để sửa chữa, xin lỗi, để giải quyết dứt điểm trên cơ sở xây dựng,” ông nói.
Trong buổi làm việc với đoàn thanh tra, ông Luân cho biết bà Thương và bà Hiền có yêu cầu giao kết luận thanh tra nhưng không được đáp ứng mà chỉ được trả lời rằng ‘ít ngày nữa sẽ giao’.
"Có thể Ủy ban Tiên Lãng nắm được bí mật gì đó của Hải Phòng. Cho nên nếu ông rắn tay với tôi thì tôi sẽ nói ra hết tất cả những uẩn khúc đằng sau."
Vũ Văn Luân, thư ký Hội thủy sản nước lợ Tiên Lãng
“Nếu bà Thương nhận văn bản thanh tra mà kết quả thanh tra trái pháp luật thì tôi là đại diện được ủy quyền của anh Vươn tôi sẽ chính thức khiếu nại,” ông nói.
Với tư cách là thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, ông Luân cho biết ông đã ‘theo dõi sát đường đi của thành phố Hải Phòng trong thực hiện quyết định của thủ tướng’.
Trong khi chỉ còn một ngày nữa là đến hạn chính quyền Hải Phòng phải báo cáo về kết quả thực hiện kết luận của thủ tướng là ngày 30/3, ông Luân nhận xét là ‘chắc chắn chính quyền thành phố không thể làm mạnh tay với Tiên Lãng được’.
“Ủy ban Hải Phòng cho phép Tiên Lãng làm,” ông giải thích.
“Có thể Ủy ban Tiên Lãng nắm được bí mật gì đó của Hải Phòng,” ông suy đoán, “Cho nên nếu ông rắn tay với tôi thì tôi sẽ nói ra hết tất cả những uẩn khúc đằng sau.’
Ông nói trong khoảng thời gian thực hiện kết luận của thủ tướng vừa qua, Liên chi hội của ông đã có mấy công văn gửi Ủy ban thành phố Hải Phòng nhưng đến nay thành phố đều chưa có bất kỳ động thái gì.
Một trong các công văn này đề nghị công an thành phố ‘điều tra khởi tố vụ án hình sự về vi phạm quản lý trong lĩnh vực đất đai theo điều 174 Bộ luật hình sự’ vì theo ông Luân đây là mấu chốt của mọi vấn đề ở Tiên Lãng.
Một văn bản nữa đề nghị xem xét trách nhiệm bồi thường và kiểm kê toàn bộ tài sản trên đất để bồi thường cho ông Vươn cũng như những nông dân khác ở Tiên Lãng bị thu hồi về đất.
Ý kiến luật sư
* Chính quyền Hải Phòng sẽ báo cáo kết quả thanh tra cho Thủ tướng Việt Nam
Trao đổi với BBC, luật sư Trương Chí Công chuyên về Luật đất đai ở văn phòng luật sư C & M ở Hà Nội cho biết nếu có nhân chứng xác nhận gia đình ông Vươn tự khai hoang lấn biển bằng công sức của họ để có được đất đai như ngày hôm nay thì ‘hoàn toàn phù hợp với chủ trương và chính sách của Nhà nước vào thời điểm đó’.
“Bản thân chính quyền cũng đã thừa nhận, đã xử phạt và giao thêm thì có nghĩa là ông Vươn sử dụng đất hợp pháp,” ông nói.
Về việc chặt phá rừng phòng hộ của ông Vươn, luật sư Công biện luận rằng trong hồ sơ giao đất phải ghi rõ trên đất có rừng và phải thống kê có cây gì, số lượng bao nhiêu và có phục vụ vào mục đích phòng hộ hay không thì mới có cơ sở kết tội ông Vươn ‘chặt phá rừng phòng hộ’.
“Nếu không thì ông Vươn hoàn toàn có quyền sử dụng đất vào mục đích phát triển nông nghiệp,” ông nói.
Về việc ông Vươn cho thuê lại đất, ông Công cho rằng phải căn cứ vào hợp đồng giao đất có cấm ông Vươn làm việc đó hay không, nếu không thì ông Vươn làm các thủ tục cho thuê lại đất một cách hợp pháp thì cũng không có vấn đề gì.
Luật sư Công cũng cho rằng trong vấn đề nợ thuế thì ‘lỗi là ở cơ quan nhà nước’.
“Cơ quan thuế địa phương phải có thông báo đến người có nghĩa vụ nộp thuế mức thuế mà họ phải đóng dựa trên diện tích họ được giao,” ông nói.