Phạm Trần - Chính trị Mỹ và Nhân quyền Việt Nam có khác nhau không? Câu hỏi thì dễ mà trả lời không phải là chuyện “ăn cơm, uống nước” vì ở giữa còn có một lằn ranh phân cách quyền lợi của nhau không bên nào dám xóa đi.
Quyền lợi của Mỹ và Việt Nam dính liền với mậu dịch, ngoại giao và hợp tác chiến lược, gồm cả an ninh và quốc phòng trước bối cảnh phồn thịnh kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc mà cả hai nước cùng có những lợi ích trong quan hệ ngoại giao và hợp tác.
VIỆT NAM-HOA KỲ
Về kinh tế, theo lời Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CSVN thì trong năm 2011 quan hệ thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam “tăng rất nhanh, đạt kim ngạch trên 21 tỉ USD, tăng hơn 20% so với năm 2010.”
Sơn nói: “Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong hơn 15 năm qua- kể từ khi bình thường hóa quan hệ- đã phát triển rất sâu rộng và ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, và đó chính là cơ sở để hai nước tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong thời gian tới. (Thông tin Điện tử Chính phủ Việt Nam, 13-02-2012).
Sơn nói như thế khi bàn đến kết qủa chuyến thăm-làm việc tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ ngày 07 đến 12 tháng 02 (2012) của Phái đòan Thương mại Việt Nam do Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng dẫn đầu.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn một số trở ngại trong hợp tác kinh tế, mặc dù đã 6 năm qua hai đời Tổng thống George W. Bush và Barrack Obama, kể từ khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, World Trade Organization) ngày 11/07/2006.
Một trong những lý do hàng đầu để cho Việt Nam có đủ điều kiện gia nhập Tổ chức WTO là do quyết định của Tổng thống Bush rút Việt Nam ra khỏi danh sách Các nước Đáng quan Tâm (Country of Particular Concern, CPC) trước khi ông qua Hà Nội họp Hội nghị hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, APEC) cuối tháng 11/2006.
Những điều ràng buộc trong CPC liên quan đến các vi phạm quyền tự do tôn giáo và nhân quyền của người dân của một nước, trái với tiêu chuẩn và điều kiện của WTO.
Thật ra trong thời gian 11 năm thương thuyết và vận động để được vào WTO, phiá Việt Nam đã nới rộng một phần các quyền tự do, kể cả tự do tôn giáo theo chế độ xin-cho và thả một số tù nhân lương tâm và chính trị.
Do đó, Tổng thống Bush đã rút Việt Nam ra khỏi CPC để đáp lại yêu cầu của Quốc hội Mỹ muốn nới rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam để giải tỏa chính trị nội bộ và đáp lại nhu cầu của các Công ty Mỹ.
Tuy vậy, cho đến tháng 3/2012, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam có đủ điều kiện của nền Kinh tế Thị trường vì Nhà nước Cộng sản chưa chịu từ bỏ chủ trương theo đuổi điều được gọi nền “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và tiếp tục vi phạm nhân quyền, khủng bố và bắt giữ những người chỉ vì muốn bầy tỏ quan điểm của họ.
Chính sách kinh tế của chính phủ Việt Nam dành đặc quyền lãnh đạo kinh tế cho nhà nước và các Doanh nghiệp nhà nước được giao cho vài trò “chủ quản” của nên kinh tế nên không có tự do kinh doanh và thiếu công bằng với các thành phần kinh tế tư nhân và giữa các công ty trong nước và nước ngoài.
Sự “kỳ thị” rõ nhất được thể hiện trong hai lĩnh vực thuê mướn đất đai và cơ sở làm việc.
Sự bất bình đẳng còn chênh lệch trong các lĩnh vực thuê-mua, thuế khóa phức tạp, thủ tục, giấy tờ chồng chất và cách cư xử không minh bạch trong kế toán và tình trạng “tham nhũng, bôi trơn” dưới gầm bàn cho các viên chức nhà nước đã đến mức như bắt buộc nên đã làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng bỏ cuộc.
Ngoài ra các công ty nước ngoài còn phải đối phó với chế độ Công đoàn tại các xí nghiệp do cán bộ đảng nắm giữ để gây áp lực với chủ nhân khi họ thấy cần. Do đó nhiều cuộc đình công, lãng công của công nhân đòi tăng lương, đòi thay đổi chế độ ẩm thực gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư.
Vì vậy, mặc dù đã nhiều lần thương thảo, mới nhất là các cuộc họp ở Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội giữa Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng và các viên chức Mỹ, đề nghị “Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ và dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập” (Generalized System of Preferences (GSP), nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa cho.
Quy chế GSP ra đời ngày 01/01/1976, từ Luật Thương mại của Mỹ có hiệu lực năm 1974 nhằm chủ yếu nâng đỡ các nước có nền kinh tế non kém, nhưng minh bạch và tự do và nhất là không tranh thương bất chính với hàng hóa của Mỹ.
Khi một nước được hưởng chế độ GSP thì sẽ được miễn thuế hay chỉ phải đóng theo chỉ số rất thấp trong tổng số 4,800 loại hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ.
Cho đến nay đã có 129 nước trên thế giới được hưởng quy chế GSP của Mỹ.
Việt Nam chưa được hưởng GSP vì chưa thỏa mãn được những tiêu chuẩn của nền kinh tế tự do thị trường, bình đẳng và được luật pháp bảo vệ như các quốc gia khác quy định bởi WTO.
Trong cuộc họp ở Hoa Thịnh Đốn trong chuyến làm việc của Phái đòan Vũ Văn Ninh, theo lời Bùi Văn Sơn thì phiá “Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ, nhất là các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ đồng thời xóa bỏ những rào cản thương mại đối với những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ như cá tra, cá ba sa, tôm, ống thép cuộn các-bon, trụ điện gió.”
Nhưng tại sao lại có “những hàng rào cản” này?
Bởi vì tất cả hàng hòa của Việt Nam xuất cảng sang Mỹ đều do các Doanh nghiệp của Nhà nước làm chủ. Vì vậy các công ty này đã nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất xây cơ sở sản xuất và của chế độ nâng đỡ tài chính được gọi là “bao cấp” của chính phủ.
Do đó gía thành của mỗi mặt hàng đều thấp hơn phí tổn thật sự, nếu các sản phẩm này sản xuất bởi công ty tư nhân. Do đó khi hàng đem vào nước Mỹ thì được được bán với giá rẻ hơn gía của các loại hàng cùng lọai của các nhà sản xuất Hoa Kỳ khiến cho các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt thòi.
Vì vậy, các nhà sản xuất và nuôi trồng thủy sản của Mỹ đã phản đối chủ trương bán phá gía của các công ty Việt Nam và áp lực các Dân biểu và Nghị sỹ của họ ở Quốc hội chấp thuận các biện pháp chế tài đối với các mặt hàng của Việt Nam.
QUYỀN LỢI MỸ-TRÁCH NHIỆM VIỆT
Như vậy, chính phủ Mỹ có mâu thuẫn giữa mậu dịch và đòi quyền bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm cho công nhân Việt Nam, quyền con người của công dân Việt Nam và quyền được đối xử công bằng của các Công ty Mỹ đầu tư ở Việt Nam, và bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất Mỹ hay không?
Không đối nghịch nhau vì nuớc Mỹ không bỏ được quyền lợi lâu dài của họ ở Việt Nam, mặc dù hai nước trước đây từng là thù nghịch, nhất là khi cả Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có một “đối thủ” Trung Cộng để cạnh tranh và canh chừng.
Cũng nên biết số tiền Việt Nam nợ nước ngòai tính đến năm 2010, theo báo Dân Trí, đã lên tới 32,5 tỷ Mỹ Kim, chiếm lối 42,2 % tổng lợi tức đồng niên của quốc gia. Khỏan tiền nợ của Việt Nam trong cùng thời kỳ với Trung Cộng khỏang 5% trong số này.
Trung Cộng cũng đã trở thành đối tác thượng mại đứng đầu trong các nước buôn bán và đầu tư vào Việt Nam.
Cuối năm 2010, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên trên 12 tỷ dollars. Trị giá thành tiền số hàng Việt Nam nhập siêu từ Trung Cộng tính đến cuối tháng 4/2011 là 4,1 tỷ mỹ kim hay 84% tổng nhập siêu cả nước cùng thời kỳ.
Như vậy sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam càng ngày gia tăng.
Trong khu đó, Mỹ thiếu Trung Quốc khoảng 1.160 tỷ Mỹ kim trong cán cân mậu dịch giữa hai nước.
Do đó, song song với chuyện buôn bán làm ăn hai bên cùng có lợi để “nương tựa vào nhau” trong hợp tác chiến lược, bao gồm cả hai lĩnh vực quốc phòng và an ninh mà hai bên bắt đầu đối thọai từ năm 2011, Hoa Kỳ và Việt Nam không thể tách rời khỏi Trung Cộng về mặt kinh tế.
Do đó việc Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân đã quy định trong 4 bản Hiến pháp của Việt Nam, từ năm 1946 cho đến năm 1992 cũng chỉ dự đóan nhằm mục đích muốn cho Việt Nam đứng vững trước sự lấn át càng ngày càng rõ rệt của Trung Cộng.
Do đó mà mặc dù Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear đã nhìn nhận Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội vẫn tiếp tục có những “bất đồng ý kiến nghiêm trọng” về nhân quyền, hai nước cũng không gỉam bớt hợp tác kinh tế.
Ông Shear nói rằng nhìn chung tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tuy có vài sự tiến triển, nhưng riêng hai lĩnh vực “tự do tư tưởng” và “tự do hội họp” thì càng ngày càng tồi tệ.
Đại sứ David Shear nhận nhiệm vụ ở Hà Nội cuối tháng 8/2011 thay cho ông Michael Michalack đã đưa ra nhận định của ông tại buổi tiếp tân tại tư gia Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, chiều ngày 11/03 (2012) tại Falls Church, Virginia.
Ông Quân là bào huynh của Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam trong hơn 30 năm qua tại Sài Gòn. Bác sỹ Quế đã bị tù 3 lần, tổng cộng trên 20 năm và hiện nay ông tiếp tục bị giam và canh gác ngày đêm tại nhà từ năm 2005.
Đại sứ Shear nói với ngót 200 quan khách, kể cả một số nhà lãnh đạo cộng đồng, tôn giáo và đòan thể chính trị vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn rằng ông đã nói thẳng cho các cấp lãnh đạo Việt Nam từ lớn tới nhỏ biết, sự hợp tác về kinh tế, ngọai giao và chiến lược giữa hai nước chỉ có kết qủa nếu có tiến bộ về nhân quyền.
Ông Shear cũng nói đi nói lại nhiều lần rằng chính phủ Việt Nam biết rất rõ điều đó và rằng Hoa Kỳ luôn luôn đặt điều kiện cho sự cải thiện về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngọai giao.
Nhà Ngọai giao kỳ cựu nói thêm Hoa Kỳ rất muốn thấy hai Điều 79 và 88 của Luật Hình sự của Việt Nam liên quan đến “tội họat động nhằm lật đổ chính quyền” và “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” được rút lại vì Nhà nước đã lạm dụng các điều này để khủng bố và bắt giam phi pháp những người dân muốn sử dụng quyền tự do ngôn luận và hội họp của họ.
Ông Shear cũng nói Hoa Kỳ mong muốn nhà nước Việt Nam phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm và chính trị, và hy vọng hai người bị bắt cuối năm 2011 là bà Bùi Thị Minh Hằng, người đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng và Ca-Nhạc sỹ Việt Khang, tác gỉa 2 bản nhạc ái quốc “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai” sẽ được phóng thích trong một tương lai gần.
Trong lĩnh vực Tôn giáo, Đại sứ Shear nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam dành nhiều dễ dàng hơn cho các Tổ chức Tôn giáo đăng ký để họat động, mặc dù Hoa Thịnh Đốn muốn chế độ đăng ký được bãi bỏ vì biện pháp này đi ngược lại quyền tự do tôn giáo của người dân.
Như vậy thì giữa lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ về nhân quyền và việc Hoa Thịnh Đốn tiếp tục gia tăng mậu dịch với Hà Nội có gì chống đối nhau không?
Tất nhiên là không vì quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Hoa Kỳ và Việt Nam biết rõ như thế, nhưng tiến bộ được đến đâu, theo lời ông Shear, thì “phải có thời gian”.
Ông nói, trong vị trí của ông là người đại diện cho nước Mỹ ở Thủ đô Hà Nội và các nhân viên sứ qúan cũng như Tòa Tổng Lãnh Sự tại Sài Gòn đã và sẽ tiếp tục làm việc không ngừng để thúc đẩy cho tình hình nhân quyền được cải thiện.
Cũng như thế, dù chưa biết yêu cầu của trên 140 ngàn người Việt ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư (TNT) kêu gọi Tổng thống Barrack Obama “không nới rộng quan hệ thương mại với Việt Nam chừng nào Việt Nam còn tiếp tục vi phạm nhân quyền” sẽ được Chính phủ Mỹ đáp ứng được đến đâu, nhưng người Việt tị nạn đã hành động chính trị hợp lý và phải được trân trọng.
Chiến dịch TNT của Đài truyền hình SBTN (Saigon Broadcasting Television Network) lúc đầu chỉ nhắm vào tranh đấu đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Việt Khang, bị bắt ngày 23/12/2011, đã biến thành cuộc vận động rộng lớn cho nhân quyền và cho tất cả những người Việt Nam còn bị bức hại, khủng bố và giam cầm chỉ vì muốn có tự do và quyền làm người được tôn trọng.
Cuộc hành trình của trên ngàn người, thuộc mọi thành phần và lớp tuổi từ các cụ gìa trên 90, có nhiều cụ phải ngồi xe lăn có các cháu nhỏ đẩy từ phía sau trong thời tiết lạnh căm, cho đến em bé 3 tháng tuổi từ 49 trong số 50 tiểu bang về thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong 2 ngày 5 và 6 tháng 3 (2012) là một hành động chính trị bất thường, phản ảnh một tinh thần đòan kết keo sơn, bất khuất và trách nhiệm của con Rồng, cháu Lạc đối với quê hương và những đồng bào thiếu may mắn chưa được hưởng tự do ở Việt Nam.
Chỉ có vô lý và vô trách nhiệm chăng là yêu cầu của ai đó muốn hủy bỏ Cuộc biểu dương lực lượng của trên ngàn người già, trẻ, gái, trai trước Tòa Bạch Ốc ngày 05/03 (2012) bất chấp tiết trời giá lạnh.
Cũng rất chính đáng và đáng ca ngợi là sự cương quyết bác bỏ thẳng tay của cấp Lãnh đạo của Cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn và của các nơi từ xa về trước yêu cầu lố bịch và phản bội tinh thần đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam đã đến từ một thiểu số chỉ biết đặt quyền lợi cá nhân nhỏ mọn lên trên quyền lợi và sinh mạng của 90 triệu đồng bào trong nước. -/-
(03/012)