SGTT.VN - Ngoài phí bảo trì đường bộ sẽ được thu từ 1.6 tới, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM ngày 15.3 vừa qua, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng còn cho biết: việc thu phí lưu hành phương tiện và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố là biện pháp để hạn chế xe cá nhân, sẽ trình Quốc hội vào thời gian tới.
Kẹt xe ở đầu cầu Sài Gòn phía quận 2. Người dân phải chịu quá nhiều loại phí trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn yếu kém. Ảnh: Thanh Hảo
Theo ông Thăng, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã ra nghị quyết đồng ý với các giải pháp của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có đề xuất hai phương án là phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí lưu hành vào trung tâm thành phố. “Chính phủ đã giao bộ Giao thông vận tải chủ trì và hiện nay đã trình, trên cơ sở thống nhất của bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ ngành liên quan”, ông Thăng nói.
Chủ trì buổi làm việc ngày 15.3, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ ủng hộ việc thu phí lưu hành phương tiện và phí vào trung tâm thành phố.
Trong khi đó, ngày 18.3, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đặng Đức Tiệp, chủ doanh nghiệp vận tải Đặng Tiến (TP.HCM) cho rằng nếu đã thu phí bảo trì đường bộ theo nghị định 18 vừa ban hành thì nên bỏ phí qua xăng dầu. “Ngoài ra, Chính phủ cần dừng chủ trương thu phí lưu hành phương tiện, ít nhất ra trong một vài năm nữa khi nền kinh tế còn không ít khó khăn, hạ tầng giao thông còn yếu kém”, ông Tiệp đề nghị.
Ông Tiệp tính toán, một chiếc ôtô mua mới ngoài việc phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT… còn phải gánh đến gần cả chục loại phí khác nhau, như: phí trước bạ, phí đăng ký biển số, phí qua xăng dầu, phí đường bộ, lệ phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ… Đó là chưa kể tới đây như đề xuất của bộ Giao thông vận tải là thêm phí lưu hành, phí vào trung tâm thành phố. Cộng gộp lại tất cả các loại phí, hiện một xe container mỗi năm đóng trên 50 triệu đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Công Phúc (trọ tại đường 19, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) hành nghề xe ôm, đề nghị Nhà nước nên giảm được khoản phí nào cho dân thì nên giảm chứ đừng thêm. “Làm nghề xe ôm bữa được bữa mất, bù qua sớt lại chỉ đủ nuôi sống gia đình qua ngày. Giờ phải đóng thêm nhiều thứ phí trong điều kiện giá cả ngày một tăng thì người dân nghèo như chúng tôi đuối sức”, ông Phúc nói.
Đ. LÊ – Đ. QUÝ – T. AN
Dự kiến mức phí lưu hành
Ông Nguyễn Văn Công, chánh văn phòng bộ Giao thông vận tải cho hay, bộ Giao thông vận tải mà trực tiếp là vụ Tài chính đang phối hợp với bộ Tài chính hoàn thiện đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân. Trước đó, theo đề án được bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng, mức phí lưu hành cụ thể như bảng bên dưới.
Với phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, dự kiến 30.000 đồng/lượt với ôtô chở người đến bảy chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt với các loại ôtô còn lại.
Tuy nhiên vào tháng 2.2102, Thủ tướng đã giao bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính xác định rõ mục tiêu, nội dung, cơ sở khoa học và thực tiễn, tính khả thi cũng như các tác động của việc thu các khoản phí trên để xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo quy định.