Làm gì để lấy lại lòng tin nhân dân? - Dân Làm Báo

Làm gì để lấy lại lòng tin nhân dân?

"Tôi không phải là người trong Đảng nên chả có hy vọng gì về cuộc họp này. Nhưng với tư cách người Việt Nam, sống dưới sự cai trị của cái đảng này, nếu cái đảng này sửa đổi được chính nó, người dân Việt Nam cũng đỡ. Nếu họ chấp nhận đa nguyên đa đảng, không giữ độc quyền nữa, điều đó sẽ rất tốt. Tất nhiên tôi không nghĩ đợt này họ sẽ đi đến được như vậy. Nhưng nếu họ đang trong quá trình tiến đến việc đó, nếu họ hiểu rằng chỉ có thể tồn tại khi vứt bỏ độc quyền, bằng không lịch sử và nhân dân sẽ vứt họ vào sọt rác. Chỉ cần họ hiểu được điều ấy, đã là tốt rồi..." - Ts Nguyễn Quang A 

*

BBC - Một số người quan tâm chính trị đang sống ở Hà Nội tỏ ra không tin vào kết quả chỉnh đốn Đảng dù một hội nghị lớn đang diễn ra.

Toàn bộ các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có mặt tại Hà Nội từ 27/02 để dự hội nghị ba ngày về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Đảng Cộng sản nói vấn đề xây dựng Đảng đang trở nên "cấp bách". 

Nhưng không ít trí thức cho rằng bất kỳ thay đổi nào đưa ra từ hội nghị cũng sẽ không đủ để lấy lại lòng tin của người dân vào Đảng. 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (tự giải tán năm 2009 để phản đối Quyết định 97 của chính phủ): 

Tôi không phải là người trong Đảng nên chả có hy vọng gì về cuộc họp này. Nhưng với tư cách người Việt Nam, sống dưới sự cai trị của cái đảng này, nếu cái đảng này sửa đổi được chính nó, người dân Việt Nam cũng đỡ. 

Nếu họ chấp nhận đa nguyên đa đảng, không giữ độc quyền nữa, điều đó sẽ rất tốt. Tất nhiên tôi không nghĩ đợt này họ sẽ đi đến được như vậy. Nhưng nếu họ đang trong quá trình tiến đến việc đó, nếu họ hiểu rằng chỉ có thể tồn tại khi vứt bỏ độc quyền, bằng không lịch sử và nhân dân sẽ vứt họ vào sọt rác. Chỉ cần họ hiểu được điều ấy, đã là tốt rồi. 

Thực tiễn đất nước thúc ép sự thay đổi, phải cải cách chính trị. Không thể cải cách kinh tế mà không đi liền với cải cách chính trị.

Người ta mất niềm tin từ lâu rồi. Đảng Cộng sản không còn là cái đảng một thời động viên hô hào người dân đoàn kết giành độc lập. Bây giờ họ là đảng cầm quyền. Họ chẳng liên quan gì ý thức hệ Marxist, mà chỉ làm sao bảo vệ quyền lợi của họ mà thôi. Đảng kiểm soát mọi thứ từ kinh tế đến quân đội, công an. Nhóm lợi ích lớn nhất đất nước chính là cái đảng này. 

Nếu bảo rằng góp ý gì, tôi nói phải tôn trọng những điều mà chính nhà nước này đã tuyên bố là sẽ tôn trọng. Những quyền cơ bản của con người như tự do báo chí, bầu cử sòng phằng, tạo điều kiện cho các lực lượng khác cạnh tranh với đảng cộng sản. 

Đấy là con đường tốt cho chính Đảng Cộng sản. Nhưng để họ chấp nhận toàn bộ những điều như thế, là không tưởng trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, phải làm sao để họ chấp nhận càng nhiều càng tốt. Nếu chưa chấp nhận hết, thì họ cũng phải hình dung trong đầu là có lộ trình để tiến đến những điều đó. 

Chuyện chỉnh đốn tận gốc rễ là khó vì không có sức ép cạnh tranh buộc họ phải thường xuyên chỉnh đốn. Chứ thỉnh thoảng điều chỉnh một chút, cũng có tác dụng nào đấy. Nhưng về dài hơi, khó đem lại hiệu quả. 

Luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao:

Chúng tôi đã theo dõi nhiều những đại hội như thế rồi, chỉnh đốn đảng rồi cải tiến cái nọ cái kia. Những kiểu hội nghị như thế vẫn làm, rất long trọng, nhưng rồi không nói cụ thể làm thế nào, chỉ nói những câu công thức. Chuyện cũ chép lại. 

Nếu các ông cầm quyền hiện nay phê phán, tôi mạnh dạn xin nói tôi là người làm những việc này mấy chục năm rồi. Nhưng đọc xong, tôi cũng chả hiểu làm như thế nào.

Lòng tin của nhân dân lung lay đã từ lâu chứ có phải hôm nay mới lung lay. Mất lòng tin vào Đảng, mất lòng tin đảng viên. Chính đảng viên cũng không tin lãnh đạo. Người ta nói chuyện đó từ lâu. Bây giờ có nói cũng chỉ là nói lại thôi. Bây giờ người ta còn nói đảng viên 'nhạt Đảng' cơ mà. 

Cái đảng hiện nay là cái đảng cầm quyền chứ làm gì có đảng cộng sản. Đảng ấy theo chủ nghĩa nào, đường lối nào, không thấy nói. 

Những kiểu hội nghị thế này, chúng tôi theo dõi nhiều rồi. Tôi thấy nhàm chán. 

Chỉnh đốn là phải chảy máu, đau lòng khốn khổ. Thế có chỉnh đốn được không? Rõ ràng mình đang ốm đau. Nhưng từ chỗ ốm đau chuyển sang mạnh khỏe là một quá trình khó khăn. 

Cái hội nghị này, tôi chưa đọc kỹ nội dung của nó mà đã nói, như thế tôi sai phạm, nói không căn cứ. Nhưng từ kinh nghiệm mấy chục năm nay, tôi cho đấy chỉ là sáo rỗng.








Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo