Mạng sống con người - Dân Làm Báo

Mạng sống con người

Thảo Mai (Danlambao) Lặng nhìn qua ô cửa sổ, trời chiều đã ngả màu hoang vu. Nhâm nhi ly cafe và lắng nghe tiếng nhạc, nhịp đập trong sắc màu của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát sao buồn thế. 

“Một màu xanh lam, chấm thêm màu chàm 
Thời chinh chiến đã qua rồi sắc màu tôi 
Một màu đen đen, một màu trắng trắng 
Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng.” 

Những gam màu u uất dường như không liên quan nhưng lại thấm vào trong tôi nỗi phiền muộn về xã hội Việt Nam qua ô cửa kính cuộc đời. Mạng con người ta bây giờ sao rẻ mạt thế?

Trên một trang web Thư viện Pháp luật, có đăng câu hỏi của một bạn, mà những câu trả lời cho câu hỏi đó không phải để giải đáp mà là chỉ trích vì sao người hỏi lại lạnh lùng và có một thái độ thản nhiên khi hỏi câu đó đến vậy. 

Câu hỏi đó đúng thật là lạnh lùng nhưng nó lại rất bình thường khi phản ánh sự thật đang diễn ra trong cái xã hội bây giờ. 

“1) Nếu xảy ra vụ tai nạn giao thông chết người thì chủ xe phải bồi thường tất cả bao nhiêu? 
2) Còn nếu xảy ra giết người thì tiền đền bù của gia đình bị cáo với gia đình bị hại là bao nhiêu? 
Có phải tiền đền bù đều có luật pháp quy định phải không hay do tòa án quyết định?” 

Đừng hỏi tại sao họ lại hỏi như vậy, mà phải hỏi điều gì, nguyên nhân nào khiến họ phải đặt những câu hỏi như vây? 

Chỉ vì một con cá, nghi ngờ người em ăn mất cá để phần mình trong bữa ăn, người anh có thể đánh em mình chết. Vì mấy chục nghìn, thậm chí mấy nghìn, một cậu thanh niên có thể giết chết bà chủ cửa hàng tạp hóa. Một câu nói, một cái liếc nhìn, được gọi là nhìn đểu cũng có thể trả giá bằng chính mạng sống của mình. 

Đó chỉ là một, hai ví dụ, trong hàng chục, hàng chục vụ giết người diễn ra ngày một trái luân thường, đạo lý làm người. 

Vì sao? Vì đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng, mạng con người bị coi rẻ. Mạng không bằng một con thú cưng được yêu quý. Giá của nó chỉ có vài chục triệu, đến vài trăm triệu là căng thì người ta ai còn để ý đến giá trị của con người đang sống nữa. 

Tài xế lái xe đường trường họ thầm quy định với nhau. Nếu lỡ chẳng may xảy ra tai nạn, đâm phải người ta, thì thà cố quay xe lại đè lên người ta bằng chết, còn hơn để sống mà phải nom nuôi cả đời, coi như là chẳng may đâm phải, lo mấy chục triệu tiền ma chay, tang phí là xong. Nếu giờ họ không chết, nằm đó cả đời thì phải lo cho họ suốt đời. Cái ý thức đó đã ăn ngấm vào não trạng của những con người đó và họ đã hành động như vậy. Rất nhiều, rất nhiều vụ việc xảy ra như vậy. Không có một bản án nào nghiêm khắc thật sự dành cho những hành vi này. 

Chỉ một số tiền, những lần chạy án, rồi mọi việc cũng chìm đi. 

Và thế rồi không chỉ các tài xế lái xe trường, những anh nhà giàu, những đại gia có xe hơi 4 chỗ, 7 chỗ vi vu cũng học được cái cách ném trái tim mình vào ngăn đá. Vì họ có tiền, quan trọng gì đâu, con số đó không đáng kể với những gì họ có. 

Có lẽ nhiều người biết đến vụ em Thắng bị xe điên cố tình đâm đến chết ở phố Hàng Bài, Hà Nội sẽ không thể nào quên hình ảnh em qua lời kể của người bạn trong tối hôm đó: “Em bị ngã văng ra sát cạnh ô tô, cố lấy sức gồng lên để nhoài ra khỏi đường chạy của xe. Thắng bị đau hơn nằm ngay trước xe, nhưng cậu ấy chắc chắn đã không chết nếu lái xe điên lúc đó không cuồng loạn quay đầu xe để tháo chạy và đè bẹp cậu ấy… Đó thực sự là đêm kinh hoàng nhất đối với em”. 

“Khoảng 18g30 tối hôm đó, Thắng qua Lò Đúc đón Giang rồi đi ăn bánh mỳ, hoa quả dầm với khoảng 5-6 người bạn khác. Sau đó, chúng em đi dạo, tới phố Lý Thường Kiệt, thấy Trường THPT Việt Đức tổ chức dạ hội, chúng em vào xem. Đến 21g50’, bọn em đi uống nước. Thắng đèo em về, lúc đó khoảng 22g30’ đêm. Đến đèn xanh đỏ đoạn ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài, thấy tín hiệu đèn đỏ còn khoảng 3 giây, Thắng đi chậm lại chờ đèn xanh. Bất ngờ chiếc xe Captiva 7 chỗ lao tới đâm rầm vào xe của hai đứa em”. 

“Em nhìn thấy chiếc xe và chỉ kịp nói: “Em ơi, ôtô đó. Vừa dứt câu, em đã bị đâm vào người rồi”, Giang cho biết. Xe máy bị đổ sang trái, Giang bị đầu ôtô hất, đập người xuống đường, nằm song song thân xe. Trong khi đó, Thắng nằm cách mũi ôtô khoảng 1 mét. Em thấy Thắng đang nhổm ngồi dậy, thì chiếc ôtô lại tiếp tục tăng ga chồm qua người Thắng. Khi đó em đau chân không đứng dậy được chỉ biết nhìn chiếc xe nhẫn tâm chèn qua cả người lẫn xe máy của Thắng”.” Anh ơi! Em đau quá, cứu em với”. Câu nói ấy là câu cuối cùng mà Thắng nói với em’- Giang kể lại (http://megafun.vn/tin-tuc/phap-luat/201009/Cau-noi-cuoi-cung-cua-nan-nhan-vu-xe-o-to-dien-97750/

Vụ việc rồi cũng đi vào quên lãng theo dòng thời gian, nhưng cuối cùng tên hung thủ bị xử lý ra sao? kết quả của nó đã phô rõ ra “lương tâm” của cơ quan công an điều tra, VKSND và cơ quan thi hành án. Rõ bèo, cái mạng người: “HĐXX ngày 24-8-2011 của TAND TP Hà Nội đã tuyên Nguyễn Minh Trí 36 tháng tù về tội "Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ". Dù Trí phải nhận mức án cao hơn mức mà TAND quận Hoàn Kiếm đã tuyên, nhưng gia đình bị hại vẫn không tâm phục. Họ cho rằng, các cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.”

Cố tình giết người mà lại thành “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Đổi trắng thay đen quá dễ dàng và đơn giản. 

Sự cổ vũ này đã “giúp sức” rất nhiều anh hùng xa lộ khác, cứ điên cuồng vùng vẫy trên đường phố nếu có tiền. Cho nên việc thiếu úy cảnh sát vượt đèn đỏ bị thiếu gia cố tình kéo đi cũng chẳng phải là chuyện gì quá bất ngờ hay sốc đối với dư luận cả. 

“1h30 ngày 13/3, thiếu úy công an Nguyễn Hà Lâm (26 tuổi) đi xe máy vượt đèn đỏ tại ngã tư Cửa Nam đã va chạm với ôtô 4 chỗ màu đen đang chạy cắt ngang. Thiếu úy Lâm bị hất văng lên cao, cuốn vào gầm ôtô và kéo lê khoảng 60 m, còn xe máy văng xa 5-6 m. Sau đó, tài xế ôtô tiếp tục chạy theo hướng đường Lê Duẩn.” (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/03/tai-xe-oto-keo-nguoi-di-xe-may-da-trinh-dien/). 

Đó chính là hậu quả của việc không xử lý đến nơi đến chốn, của việc có tiền là thành án của xã hội ngày nay. 

Tuy nhiên, trong sự việc trên, nhiều ý kiến lại cho rằng, nạn nhân trong vụ việc này là người lái xe ô tô, chứ không phải là người đi xe máy. Bản thân anh Lâm là một thiếu úy công an, được đào tạo và hiểu biết luật pháp nhưng lại cố tình vi phạm luật. Nếu thiếu úy công an chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, khi có tín hiệu đèn đỏ, dừng xe lại thì chắc đã không xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Và chính do sợ một thứ “luật bất thành văn”: xe lớn đền xe nhỏ bất kể đúng sai, nên người tài xế có thể không phải “máu lạnh”... cũng thành “hung thần”, biết nạn nhân vẫn trên capo hoặc trong gầm xe mà vẫn phóng đi một cách dã man. 

Đạo đức con người ở Việt Nam đang xuống cấp như thế đó. Kẻ nào có tiền thì kẻ đó thắng, ai có tiền thì tù ít, ai không có thì ngồi đếm gạch dài dài. Có tiền thì 10 còn 5, thậm chí còn 2, 3 nếu mà rót đầy vào tay những vị điều tra viên, những thẩm phán của chúng ta. Cho nên gọi là bản án chung thân mà nhiều kẻ đi tù mặt vẫn nhơn nhơn và cười hớn hở. 

Ôi nói cái gì đến việc giảm án, có những cái án đang thi hành mà người chịu thi hành án lại chẳng thấy đâu nữa kìa. Thằng bé gần nhà tôi, hôm trước rõ rang vừa hầu tòa vì tội trộm cắp và có án thi hành luôn hẳn hoi. Hôm sau vẫn thấy nó xe máy vi vu dạo phố, cafe, lên bar, vào sàn, sang đi chơi, tối về nhà bình thường. Có lý nào lại như thế? Nhưng nó là thế đấy, nó là sự thật đang diễn ra ở đất nước tôi. 

Cái mạng người quá rẻ, những kẻ có tiền còn mua được mạng người, huống hồ chi là công an, có súng, có dùi cui, có vũ khí trong tay, nắm pháp luật, nắm “quyền sinh, quyền sát”. Cứ giết người mà 7 với 4 năm tù thì 1, 2 năm là ra ngay. Đó là hy hữu, không may mắn để bị tù chứ bao nhiêu vụ, giết xong cùng lắm chỉ bị chuyển công tác, khiển trách là cùng. Thế thì ta sợ gì mà không giết những đứa khiến chúng ta bực, nhìn nó khó chịu. 

Rồi đến những cô gái bán thân xác mình, trưng cơ thể mình ra để được bán qua Đài Loan, Hàn Quốc. Đau xót lắm thay! Cũng chỉ vì tiền. Cuộc sống cùng quẫn, cơ cực, bần hàn. ở lại thì không chỉ mình chết, cả nhà cùng chết đói. Nuốt nước mắt tủi nhục, bán nhân phẩm làm người để đổi lấy sự sống. Còn có cảnh tượng nào đau long hơn? 

Cái giá của con người trên quê hương tôi nay sao mà rẻ đến thế! 

Lặng nhìn qua ô cửa kính, tôi bật khóc.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo