Bùi Tín - Cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày Chủ nhật 4-3-2012 đã diễn ra khắp nước Nga rộng lớn. Theo những con số công bố đầu tiên, có 58,30% trong số 109 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Ông Vladimir Putin đã nhận được 63% số phiếu bầu và trúng cử tổng thống lần thứ 3 của nước Nga, sau hai lần trước vào năm 2000 và năm 2004. Lần này ông Putin sẽ làm tổng thống trong 6 năm.
Sau khi làm tổng thống 2 khóa liền, năm 2009 ông Putin lui xuống làm thủ tướng, nhường cho ông Dmitri Medvedev làm tổng thống một khóa - từ 2009 đến 2012, chỉ để né tránh một điều quy định trong hiến pháp là không được làm tổng thống trong ‘3 khóa liên tiếp’.
Ông đã lợi dụng một khe hở của Hiến pháp Nga để lách mình vào điện Kremli.
Điều làm cho thiên hạ đàm tiếu là 2 chính khách vào loại danh giá nhất nước lại cò kè mặc cả thỏa thuận trước với nhau rằng : nếu tôi trúng cử tổng thống tôi sẽ chọn anh làm thủ tướng của tôi, không chọn một ai khác, và sau 2 khóa, tôi sẽ vận động cho anh làm tổng thống, anh cũng sẽ phải chọn tôi làm thủ tướng cho anh. Sau đó tôi sẽ trở lại làm tổng thống, và cử anh lại làm thủ tướng của tôi. Đây là chơi trò «đổi cột» tay đôi cấp thượng đỉnh quốc gia thời hiện đại. Đông Tây kim cổ chưa từng có. Chuyện nhà nước như đóng kịch.
Một số không ít công dân Nga tỏ ra phẫn nộ trước thái độ tham quyền cố vị của ông Putin. Trong một xã hội dân chủ, thay phiên nhau theo định kỳ là hơi thở khỏe khoắn của một xã hội lành mạnh. Quy định không được làm tổng thống 3 khóa chính là để đổi mới, trẻ hóa lãnh đạo. Đã vậy bộ hạ ông Putin còn huênh hoang rằng ông Putin sẽ còn ra ứng cử tổng thống dài dài, vào năm 2018 nữa.
Các nhà soạn nhạc trẻ đã kịp thời đặt ra nhiều bài hát theo nhạc Rock, với lời hát: ‘nước Nga không có Putin’, ‘sẽ tốt đẹp bao nhiêu, Putin hãy ra đi, đủ quá rồi!’
Báo Nga châm biếm: lãnh tụ chúng ta đai đen Judo, lái máy bay tiêm kích, lái cả tầu ngầm, nếu là tài tử đóng phim chưởng có khi hợp hơn là làm tổng thống.
Trên Internet, Facebook tràn ngập những bình luận, yêu cầu ông Putin nhường chỗ cho ngừời trẻ hơn, nước Nga không thiếu nhân tài. Có bài báo chỉ thẳng ra rằng ông Putin trưởng thành từ sỹ quan KGB chuyên đàn áp, 12 năm làm tổng thống rồi thủ tướng không có thành tích gì nổi bật, xã hội thiếu dân chủ, thêm bất công, tỷ phú tăng rất nhanh, kẻ bần cùng tăng còn nhanh hơn, nạn tham nhũng tràn lan, bọn maphia, cảnh ăn chơi phá của bỏ rất xa thời cộng sản.
Thứ ba 22-2, phái Putin tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại sân vận động Luzhniki có 13 ngàn người tham dự. Ông Putin đăng đàn với chủ đề kích thích lòng yêu nước nhân ngày Chiến Thắng, kỷ niệm trận Borodino 200 năm trước, khi Napoléon Bonaparte phải rút tàn quân về Pháp. Ông còn đọc thơ của Lermontov ca ngợi chiến công Borodino, và thét to: «chúng ta là một dân tộc luôn chiến thắng. Dân tộc Nga vốn sẵn có gien chiến thắng, ghi rõ trong bộ nhớ di truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau».
Các báo Nga đối lập chỉ rõ vì không có thành tích để khoe nên Putin phải đưa lịch sử cũ ra, đánh vào niềm kiêu hãnh của thanh niên. Theo hướng tâm lý ấy, ông Putin 2 lần chỉ rõ và lên án Bộ ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ nước Nga, cung cấp tiền cho thế lực đối lập, mà không đưa ra chứng cớ nào. Người dân Nga vẫn quan tâm đến cuộc sống hàng ngày hiện tại của họ.
Hình: AP - Ông Putin rơi lệ khi tuyên bố đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống
hôm Chủ nhật 4/3/2012
Ngày chủ nhật 26-2 công dân thủ đô Moscow đã huy động gần hai chục ngàn người tay cầm tay nối liền vòng đai khép kín dài 16 kilômét quanh khu trung tâm thủ đô, với truyền đơn, biểu ngữ, tranh châm biếm, sau đó tỏa rộng vào khu trung tâm, gây ấn tượng khá lớn.
Một sáng kiến chưa từng có là 2 ngàn thanh niên thủ đô lái xe ô tô con tập trung diễu hành ở quanh vườn hoa trung tâm Moscow, làm tắc nghẽn giao thông một thời gian dài, sau đó tỏa rộng về các khu phố mang theo biểu ngữ, truyền đơn và tán phát các bài hát yêu nước, chống ‘chế độ KGB mới’..
Các nghệ sỹ thủ đô cũng đua nhau có những sáng kiến đặc sắc. Sau khi báo nhà nước Nga loan tin đầu tháng 12 vừa qua, một trung tâm trị bệnh thần kinh đã có đến hơn 90 % bệnh nhân bỏ phiếu cho đảng của ông Putin, một nhạc sỹ đã cao hứng sáng tác bài hát vui: « những kẻ bị thần kinh chúng tôi ủng hộ Putin và chúng tôi thấy hạnh phúc được có Putin trong hàng ngũ chúng tôi».
Tuần qua cuộc sống riêng của gia đình ông Putin bỗng làm xôn xao công luận Moscow. Lý do là hơn 3 năm nay người dân Nga không còn thấy ông Putin đi bên cạnh bà vợ Lioudmila và 2 cô con gái Maria và Katerina. Năm 2000 và năm 2004, 2 vợ chồng cùng đi bỏ phiếu. Hơn 3 năm nay vợ ông cũng không có mặt trong các cuộc chiêu đãi. Có tin đồn 2 người có ý định ly hôn, và lâu nay đã ly thân. Nhiều tờ báo ở Moscow và Saint Petersbourg đặt vấn đề là công dân Nga có quyền tìm hiểu, biết rõ về tình hình gia đình của ứng cử viên tổng thống.
2 năm nay có tin đồn dai dẳng là ông Putin có cô bồ rất trẻ là nữ vận động viên Alina Kabaieva, mới 30 tuổi. Lại có tin ông đã có con riêng với cô này. Do đó chủ nhật vừa qua giữa Moscow có khẩu hiệu và tranh châm biếm xuất hiện, trên đó có giòng chữ «Berlus – Putin» - ám chỉ ông Berlusconi nguyên thủ tướng Ý, tay ăn chơi nổi tiếng, và hình Putin với giòng chữ «con quỷ râu xanh».
Dù cho ông Putin trúng cử thêm một nhiệm kỳ ngay từ vòng đầu, tình hình chính trị nước Nga không còn như trước nữa. Một xã hội dân sự khá mạnh mẽ đã hình thành. Nền dân chủ Nga đang tiến từng bước vững chắc. Tự do báo chí với internet, với facebook, bloggers tự do đang phát triển. Việc hòa nhập thế giới là xu thế tất yếu đang phát triển rất nhanh.
Báo chí thế giới cho rằng nước Nga tuy thoát khỏi chế độ Xô Viết độc đoán đã 22 năm khi Đảng Cộng sản Liên Xô tan vỡ và Liên bang Xô viết bị giải thể, nhưng nước Nga có nhiều khó khăn trong thời quá độ từ độc đảng sang dân chủ.
Đảng nước Nga Thống nhất - Yedinaya Rossya - của ông Putin, thành lập tháng 4-2001 là đảng bảo thủ, toàn trị, do cựu bộ trưởng Nội vụ Boris Gryzlov thời Liên Xô lập nên, suy tôn ông Putin làm Chủ tịch đảng, vẫn là đảng mạnh nhất, tuy mới có 1,5 triệu đảng viên, nhưng nắm các cương vị chính quyền chủ chốt, nắm quân đội, an ninh, cảnh sát chìm và nổi, nắm bộ máy truyền thông quốc gia. Đảng này gần đây bị giảm sút về uy tín do độc đoán và tham nhũng.
Các đảng Xã hội Dân chủ, Dân chủ Tự do LDPR, đảng nước Nga Công bằng SR… còn non trẻ, đang trên quá trình phát triển. Ngoài ra còn nhiều tổ chức chính trị mới như Yablo - Quả Táo, Solidarnost, Phong trào công dân…cũng đang lớn dần với xã hội dân sự và trong thời kỳ hòa nhập thế giới.
Báo chí Pháp cho rằng gần đây ông Putin lu loa là Bộ ngoại giao Hoa Kỳ kích động các cuộc xuống đường chống ông Putin ở Nga, rằng Hoa Kỳ còn trả tiền cho những người biểu tình…chỉ là chơi trò đánh lạc hướng, không lừa dối được người Nga và thế giới, chỉ để che dấu những yếu kém và trì trệ của nền chính trị nước Nga, bị lũng đoạn bởi nạn độc tài quá lâu trong một vùng đất lâu năm tách biệt với thế giới. Con gấu Nga sống riêng trên một vùng đất lạnh giá ở phương Đông của châu Âu, có những giấc ngủ mùa Đông triền miên hàng vài tháng, và khi tỉnh ngủ vẫn phải mất hàng tuần lễ để thích ứng với mùa Xuân ấm áp.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào dân chủ đối kháng ở Nga tự thân cũng đủ sức bật đi cùng thời đại, tiến bước cùng Đông Âu, Trung Âu, Bắc Phi, Trung Đông, giành lại quyền dân chủ đầy đủ như các dân tộc văn minh khác.
Các nhà bình luận Pháp, Ba Lan, Đức hôm nay khi đưa tin thắng cử lần thứ 3 làm tổng thống của ông Putin đều cho rằng những năm tới sẽ không ’xuôi chèo mát mái’ cho con người hùng Putin. Nội bộ xã hội Nga sẽ nổi lên nhiều vấn đề về pháp quyền, dân chủ, tự do, quyền con người, đời sống, bình đẳng…đã bị tước đoạt quá lâu, và nay đang đặt ra cấp bách trong chương trình nghị sự của toàn xã hội.