Tiếng Hoa hay đất mẹ Trung Hoa? - Dân Làm Báo

Tiếng Hoa hay đất mẹ Trung Hoa?

Tiểu Khê (Danlambao) Dù mới chỉ là dự thảo nhưng không thể không suy nghĩ, lo lắng về sự kiện đưa tiếng Hoa vào tiểu học và THCS. Đặc biệt thông tin này lại đến vào ngày 14 tháng 3, một ngày không thể quên với nhân dân Việt Nam.

Điều đầu tiên muốn nói là chương trình học cho học sinh tiểu học. Không biết các nhà quản lý giáo dục có biết được rằng áp lực lên các cháu là không hề nhỏ. Các cháu có lẽ không còn thời gian để học làm người, chỉ đủ chỗ để nhồi nhét chương trình cho một cỗ máy. Phải chăng người lớn chúng ta đang tạo ra áp lực quá lớn lên con trẻ chỉ vì cái mục đích phục vụ nền kinh tế tri thức do những người loạn bằng cấp đặt ra. Phải chăng trẻ con ngày nay vô cảm đến mức tàn nhẫn bởi chúng không còn khoảng trống thời gian cho cái vô tư của chúng. Ngay từ lúc ấu thơ chúng đã phải hiểu rằng chúng là những "Nhân tài của đất nước" và vì vậy chúng phải được nhồi nhét tất cả mọi thứ để xứng đáng với sự kỳ vọng đó. Chúng là trẻ con mà không có được cái hồn nhiên thơ trẻ, phải gánh chịu bao nhiêu áp lực như vậy thì những tật nguyền của tâm hồn chúng sẽ làm hỏng cả một thế hệ chứ chưa nói đến những hệ lụy tiếp theo.

Thông qua tiếng Hoa mở rộng hiểu biết... Điều này không hiểu là ý các vị định nói gì. Người Hoa quả thực là có những thứ đáng để học tập. Chí ít thì họ cũng là những con người có tầm nhìn thực tế. Lãnh đạo của họ đã dồn hết tâm huyết vì một nước Trung Hoa phát triển, khẳng định vị thế siêu cường trên thế giới. Đa phần không ưa họ bởi họ luôn có tư tưởng bành trướng, bá quyền và đặc biệt là thủ đoạn thâm hiểm.

Xưa nay ta vẫn tự hào đang cùng với nước CHND Trung Hoa lấy chủ nghĩa Max- Lê nin làm kim chỉ nam cho mục tiêu xây dựng CNXH. Chỉ có điều họ nghĩ gì chắc ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Nếu ai tinh ý có thể thấy ánh mắt khinh thường của Hồ Cẩm Đào dành cho ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thế ngồi ngông nghênh của Lương Quang Liệt trước ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Thưa những nhà làm công tác giáo dục khả kính!. Chuyện những điểm 0 Lịch sử được cho là bình thường bởi vì chúng ta tổ chức thi bằng sử ta, chứ nếu thi sử Tàu tôi nghĩ kết quả khả dĩ hơn nhiều bởi chúng ta đã đưa các món Trung Hoa, những món ăn tinh thần hàng ngày cho dân ta ăn đầy ắp trên truyền hình. Điều đó đã giúp chúng ta hiểu biết thêm nhiều về Lịch sử Trung Hoa. Còn Lịch sử của chúng ta dưới bàn tay phẫu thuật của các quý ngài đã làm biến dạng, méo mó đi nhiều trong thời hiện đại. Đặc biệt những trang sử được viết chung giữa ta và họ đã bị xé rách nhiều chỗ vì những thứ họ đã dùng để dỗ dành chúng ta!

Việc học ngoại ngữ không nên là bắt buộc mà nên để cho những ai có nhu cầu và học ở lứa tuổi nào, thiết nghĩ các ngài với kiến thức đầy mình cũng nên cân nhắc. Việc học tiếng Hoa lại càng không nên ép buộc vì những vấn đề nhạy cảm hiện nay.

Nghĩ đến đây người viết cảm thấy bị hớ vì biết đâu những thâm ý sâu xa của "Đại Cục" bắt đầu lộ diện. Không khỏi băn khoăn khi thấy những vấn đề tưởng không liên quan lại thấy chúng bỗng lôgic dù rất mơ hồ. Phải chăng cái sự tham nhũng nó đã làm kiệt quệ cái đất nước này để đến mức phải tìm mọi cách móc túi nhân dân đề bù đắp những phần đã bị thâm hụt?. Từ các loại thuế, các loại phí rồi các loại giá. Mà tập đoàn tham nhũng thì không khi nào hết tính tham. Liệu rằng có phải gã nhà giầu hàng xóm lại bơm tiền và xúi chúng làm bậy với mục tiêu đồng hóa?. Mà cái lũ tham nhũng chúng đâu cần đến tổ quốc, đến nhân dân.

Hỡi những nhà lãnh đạo còn lương tri. Xin hãy ngẫm cho kỹ trước khi quyết định.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo