Dân Làm Báo - Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá năm năm công tác Phòng chống Tham nhũng (PCTN) ông Thủ tướng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN phán: Phải khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi. Đây là lời vàng ngọc của người mà mới đây thôi, 11 tháng 11 năm 2011, đã điều động và bổ nhiệm con trai của mình là Nguyễn Thanh Nghị vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
1. Ông Dũng tuyên bố: "Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ, trong đó phải công khai minh bạch trong khâu tuyển dụng cán bộ; công khai, dân chủ trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, kể cả trong việc khen thưởng, kỷ luật để khắc phục, ngăn ngừa các tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền..."
Làm thế nào để công khai minh bạch khi mọi cơ chế truyền thông đều bị kiểm soát và bóp nghẹt!?
Làm thế nào người ta tin được cái gọi là ngăn ngừa các tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền... khi chính ông là người đặt con trai của ông vào ghế Ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành TƯ đảng trong đại hội đảng 11, trong khi trước đó trong đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), con trai ông ra ứng cử Thành ủy chỉ được 15/400 phiếu bầu thành ủy viên. Và cũng chính ông là người đặt con trai ông vào ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng?
Làm thế nào để có "Dân chủ" khi mà mọi đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, khen thưởng, kỷ luật đều nằm trong tay đảng viên các ông?
2. Ông Dũng với tư cách là Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN đã nhận xét rằng "việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi. Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ."
Nhận xét này vô cùng chính xác... áp dụng cho chính ông:
- Việc kê khai tài sản của ông (Nguyễn Tấn Dũng) chưa được công khai rộng rãi. Thu nhập từ đâu để ông xây ngôi nhà họ hoành tráng, đồ sộ ở Rạch Giá, cô con gái của ông vừa giữ chức Chủ tịch VietCapital Bank - nắm giữ 6,48 triệu cổ phần, chiếm 43,2% vốn điều lệ của công ty, vừa nắm chức vụ Chủ tịch 3 tổ chức khác là công ty quản lý quỹ Bản Việt, công ty chứng khoán Bản Việt và công ty bất động sản Bản Việt?. Những tài sản như nhà hàng, khách sạn, đất đai, đoàn xe taxi vài trăm chiếc, tậu đất, mua nhà, gởi nhà băng nước ngoài ông có kê khai minh bạch?
- Khi ông nói "nhiều cán bộ, đảng viên" thì nhiều là bao nhiêu người.? Bao nhiêu phần trăm trong số 3 triệu đảng viên đang nắm giữ đặc quyền đặc lợi?
- Tại sao qua bao nhiêu kỳ đại hội, vấn nạn tham nhũng hoành hành mà ông - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN cũng không hoàn tất được một cái quy định để xem xét, xác minh, làm rõ...? Hay là bên ngoài ông nói cho có còn bên trong ông không muốn có quy định gì cả bởi vì như trên, chính ông là người có nhiều bất minh nhất!?
Đặc biệt ông Dũng báo cáo rằng có một số nhóm ý kiến khác nhau về mô hình BCĐ.
- "Giữ như quy định hiện hành, chỉ cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, bổ sung thêm thành viên, cả chuyên trách".
- "Giữ nguyên mô hình BCĐ trung ương về PCTN, còn BCĐ ở địa phương không để chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng ban nữa mà giao cho chủ tịch HĐND".
- "Thay người đứng đầu, với ba lựa chọn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch QH làm trưởng BCĐ trung ương"
- "PCTN không cần phải có BCĐ, mà để các cơ quan chức năng, từ cấp ủy, đến cơ quan nhà nước các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện đúng chức năng chính trị, chức năng luật định của mình."
Trước những ý kiến đó (mà ý kiến sau cùng có thể nói là chính đáng nhất) thì ông... tuy nhiên NHẤN MẠNH: "Quan điểm chung vẫn là không thể có ai làm thay chức năng của cấp ủy trong công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, bao gồm cả việc điều động, kiểm tra, xử lý cán bộ... Không thể có một cơ quan chống tham nhũng nào đứng ngoài hệ thống bộ máy nhà nước, độc lập với sự lãnh đạo của Đảng”.
Mà đảng ông là đảng thế nào?
Đây đảng ông là đảng mà ông Tổng Bí Thư phải thú nhận: “Đứng trên tổng thể mà xét, hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng.”
Vậy thì ông vẫn một mực khư khư nhất quyết nhấn mạnh là cái Đảng đang "suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên", trong đó có ông, tiếp tục lãnh đạo chống tệ nạn tham nhũng mà những kẻ tham nhũng cũng chính là các ông.
Cho nên không có gì ngạc nhiên để 5 năm nữa cũng chính các ông ngồi họp bàn với nhau và ông lại nhai lại những điều cũ rích như vừa mới nhai lại trong đại hội "đảng tham nhũng chống tham nhũng" là "Chống tham nhũng đã đạt một số kết quả chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn đẩy lùi, còn gây bức xúc lớn trong xã hội và đang là thách thức lớn đối với quản lý nhà nước..."
Đến lúc đó, cũng chẳng ai biết tài sản ông bao nhiêu, vẫn chỉ biết cái nhà họ của ông thì rất to, con gái ông thì rất giàu, con trai ông chức vụ rất lớn và những thứ bất minh khác chỉ có trời mới biết dưới chính sách "công khai, minh bạch" của ông.
*
Thủ tướng: Khắc phục cơ chế tạo đặc quyền, đặc lợi
- Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là trong thu chi ngân sách, đầu tư công, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi - Thủ tướng nói.
Hôm nay (7/3) tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triệu tập hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.
Nộp lại quà tặng trị giá gần 1,8 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công tác chống tham nhũng 5 năm qua tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế yếu kém. Số vụ việc được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Số vụ án tham nhũng được điều tra, xét xử trong từng năm có xu hướng giảm trong khi các vụ án hình sự nói chung lại ngày càng tăng. Rất ít phát hiện ra số vụ việc quy mô lớn.
Trong 5 năm qua, nạn tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ vẫn còn nghiêm trọng. Nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn gây bức xúc. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm, nhiều nơi né tránh. Nhiều nơi chưa có quy định cụ thể về quy tắc ứng xử trong việc cưới, tang, mừng nhà mới, tổ chức sinh nhật, nhận học hàm, bằng cấp. Việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và các tài sản có giá trị khác.
Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ.
Tính đến nay, cả nước có 652 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 97 trường hợp. Đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng.
Theo Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, 5 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để thực hiện nghị quyết TƯ 4 không thể không đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng. “Các tổ chức đảng, cấp ủy, người đứng đầu, đảng viên cần tiên phong đi đầu, không nể nang, né tránh… Người đứng đầu phải gương mẫu để cấp dưới noi theo”, ông nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chia sẻ, tình hình tham nhũng trên địa bàn còn nghiêm trọng, phức tạp. Trong khi đó, rất ít vụ việc được ngăn chặn, phát hiện.
Ông Quân đề xuất phải đưa phòng chống tham nhũng là tiêu chí hàng đầu để kiểm điểm, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết không đề bạt cán bộ có hành vi sai phạm, suy thoái về đạo đức, lối sống, có dư luận không tốt, thu hồi tài sản sau thanh tra.
Nói như Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, nơi nào người đứng đầu có quyết tâm cao thì nơi đó công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả rõ rệt.
‘UB chống tham nhũng không thể đứng ngoài bộ máy nhà nước’
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Ban chỉ đạo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trình Bộ Chính trị và Hội nghị TƯ 5 tới đây.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chống tham nhũng đã đạt một số kết quả chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn đẩy lùi, còn gây bức xúc lớn trong xã hội và đang là thách thức lớn đối với quản lý nhà nước.
Theo Thủ tướng, bên cạnh giải pháp chống tham nhũng, cần quan tâm đến phòng ngừa, đầu tiên là phải nâng cao quyết tâm, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý Nhà nước, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là ở các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ, trong đó phải công khai minh bạch trong khâu tuyển dụng cán bộ; công khai, dân chủ trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, kể cả trong việc khen thưởng, kỷ luật để khắc phục, ngăn ngừa các tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền.
Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền đặc lợi.
Ngoài ra, bộ máy các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh để xử lý đúng người, đúng tội. Việc xét xử án tham nhũng phải kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, cần thể hiện tính dân chủ, công khai minh bạch đối với các lĩnh vực dễ tạo ra tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử.
Về vấn đề kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, cách thức kiện toàn như thế nào cho hiệu quả vẫn đang còn nhiều ý kiến thảo luận.
“Nhưng dù lập Ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập hay giữ nguyên bộ máy giống như hiện nay thì cũng không có quyền làm thay cấp ủy đảng trong công tác cán bộ, không thể làm thay chức năng của thanh tra kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố… Ủy ban phòng chống tham nhũng không thể độc lập, đứng ngoài bộ máy nhà nước, đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận để xin ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
*
Thủ tướng chỉ đạo: Xóa nguồn gốc tạo đặc quyền, đặc lợi
Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh.
Ngày 7-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cùng Phó Thủ tướng - Phó Trưởng ban Thường trực Nguyễn Xuân Phúc cùng Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đồng chủ trì hội nghị toàn quốc đánh giá năm năm công tác PCTN.
Báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTN nhận xét việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi. Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ.
Nhiều đề xuất về mô hình BCĐ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đánh giá về năm năm triển khai luật, nghị quyết PCTN có một số nhóm ý kiến khác nhau về mô hình BCĐ.
Nhóm thứ nhất cho rằng nên giữ như quy định hiện hành, chỉ cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, bổ sung thêm thành viên, cả chuyên trách. “Các ý kiến này cho rằng mô hình BCĐ hiện hành đi vào cuộc sống chưa lâu, chưa thấy có cản trở gì nhiều. Vừa rồi Chính phủ họp, 16/22 thành viên Chính phủ 16 đồng ý cơ bản giữ nguyên như vậy” - Thủ tướng nói.
Một số đề xuất khác như: giữ nguyên mô hình BCĐ trung ương về PCTN, còn BCĐ ở địa phương không để chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng ban nữa mà giao cho chủ tịch HĐND.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Một nhóm ý kiến khác là thay người đứng đầu, với ba lựa chọn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch QH làm trưởng BCĐ trung ương.
Nhóm ý kiến thứ tư, cũng đáng chú ý, là PCTN không cần phải có BCĐ, mà để các cơ quan chức năng, từ cấp ủy, đến cơ quan nhà nước các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện đúng chức năng chính trị, chức năng luật định của mình.
Nhóm quan điểm còn lại, Thủ tướng nói mới xuất hiện ở dự thảo báo cáo chính thức, là lập ủy ban PCTN.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh dù lập BCĐ theo mô hình nào thì quan điểm chung vẫn là không thể có ai làm thay chức năng của cấp ủy trong công tác cán bộ. “Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, bao gồm cả việc điều động, kiểm tra, xử lý cán bộ. BCĐ dù thế nào cũng không thể làm thay nhiệm vụ của cấp ủy là huy động mọi nguồn lực vào công tác PCTN. Ngoài ra, dù là BCĐ hay ủy ban cũng không thể làm thay nhiệm vụ cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước. Hơn nữa, cũng không thể giao cho BCĐ hay ủy ban nhiệm vụ điều tra, truy tố vì không khả thi. Không thể có một cơ quan chống tham nhũng nào đứng ngoài hệ thống bộ máy nhà nước, độc lập với sự lãnh đạo của Đảng”.
Thêm nhiều giải pháp mạnh
Hội nghị đồng tình với những giải pháp lớn thúc đẩy công tác PCTN thời gian tới. Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu các đề án áp dụng một số biện pháp PCTN mà Công ước LHQ về chống tham nhũng khuyến nghị, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt với người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả. Có quy định nhằm hạn chế tối đa việc cho bị can tại ngoại trong quá trình điều tra án tham nhũng, hạn chế việc cho hưởng án treo, đặc xá với người phạm tội tham nhũng.
Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bao gồm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, quyền; mở rộng từng bước phạm vi công khai kết quả kê khai; quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm bất thường…
Theo Thủ tướng, để góp phần chống tham nhũng hiệu quả thì phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý nhà nước, tránh xin-cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là ở các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước. Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi.
NGHĨA NHÂN