Ngô Lâm (Phapluatvn) - TS Lê Thẩm Dương văng tục trên bục giảng được nhà trường cho rằng bài giảng nhiều thông tin “bổ ích” và “tung” lên website để chia sẻ kinh nghiệm; clip của sinh viên trường báo chí “Đường Tông thỉnh bao cao su” báng bổ đạo Phật được trao giải thưởng suất sắc; các nghệ sỹ nhà hát Tuổi trẻ “thú hóa” người tham gia giao thông thành lợn, chó, thỏ, chim… được lãnh đạo ngành GTVT khen là cách tiếp cận sáng tạo trong tuyên truyền văn hóa giao thông…
Phải chăng văn hóa “gây sốc”, phản cảm, kỳ quặc đang được một bộ phận công chúng tung hô và ung dung chọn cho mình một “chỗ đứng” giữa ‘chốn đông người”?
TS Lê Thẩm Dương với những phát ngôn được cư dân mạng cho là TS chửi bậy trên bục giảng
“Vợ tôi nấu cho nồi canh cá ngon 7 điểm, chỉ khen mức 7 thôi. Hồi tôi học quản trị về tôi khen 10 cho mẹ phê luôn. Mà cái đàn bà VIệt Nam nó chiều chồng các anh chị ơi. Nó thấy thằng chồng khen ngon mẹ nó cho ăn một tuần canh cá. Cá nó lòi ra mũi cái tội khen láo… Và khen đúng lúc xảy ra sự việc. Vậy thì nó nấu cho nồi canh cá phải khen tại mâm cơm ấy. Cái thằng đàn ông Việt Nam không thể chấp nhận được, gia trưởng, ăn xong trợn mắt trợn mũi phi mẹ lên giường ngủ. 12h đêm chợt tỉnh giấc chợt nhớ đến nồi canh đạp con vợ: “dậy, chính thức khen em canh chiều ngon”. Mẹ, nó lấy gối nó nhét vào mồm mày”.
“Thế tối chồng nó hoàn thành nhiệm vụ thì phải khen nó sao? Good, good, good. Gặp cái thằng chồng dễ thương ngồi bắt đầu thực hiện đúng 4 bước cho đàng hoàng. Bắt đầu vào trận cái là khởi động, xong đến vượt chướng ngại vật, tăng tốc rồi mới về đích. Mẹ tôi nói thật, nữ thì nó tát vào mặt. Mẹ mày chứ, bà mày đang muốn về đích mà cứ khởi động…”.
Đó chỉ là một trích ngắn những phát ngôn tục tĩu làm “nóng” các diễn đàn cộng đồng mạng tuần qua của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Một bài giảng kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ mà hầu như mỗi câu nói của Tiến sĩ đều có từ chửi thề, lấy quan hệ vợ chồng để làm ví dụ một cách thiếu tế nhị đã nhận được những phản ứng không tốt từ dư luận.
Thế nhưng trong khi nhiều nhà giáo uy tín, nhiều giáo sư có học hàm học vị và cộng đồng dư luận bày tỏ ý kiến về sự phản cảm quá đà của TS Dương trên bục giảng thì những người có trách nhiệm- như Tiến sỹ Trần Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT, nơi TS Dương được mời giảng và có những phát ngôn “gây sốc” lại cho rằng TS Lê Thẩm Dương nói đùa cợt liên quan đến phụ nữ là để dẫn dắt câu chuyện để sau đó chốt lại vấn đề mà thầy đề cập đến.
Vị đại diện cho đơn vị này còn nhấn mạnh rằng những phát ngôn đó “nếu như đặt ở bối cảnh trong bục giảng Sinh viên Đại học chắc các em sẽ bị sốc, bởi lẽ các em chưa thể thẩm thấu được nhưng nếu đặt bối cảnh những học viên ở đây là doanh nghiệp thì sẽ thấy rất bình thường, thậm chí là… hay”.
Clip hoạt hình giáo dục sức khỏe sinh sản mang tên "Thầy trò Đường Tông đi thỉnh... bao cao su" phát tán trên Internet cũng đang khiến cư dân mạng “sôi sùng sục” vì phản cảm. Nội dung clip dài hơn 1,5 phút clip do sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền dàn dựng, được xây dựng dựa trên cốt truyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong bộ phim dài tập Tây Du Ký.
Clip thỉnh bao cao su bị cư dân mạng cho rằng là sự xúc phạm lớn tới đạo Phật
Cư dân mạng ào ạt comment bày tỏ bức xúc: không hiểu nhóm “tác giả” này đã nghĩ sao khi xây dựng hình ảnh một danh nhân đã đi vào văn học, nhất là có đã “chế” những ngôn ngữ phản cảm và vô ý thức trong cuộc đối thoại giữa nhân vật trước Phật Tổ, có "sáng tạo" kỳ quặc là được Phật tổ trao... bao cao su cho 4 thầy trò “Đường Tông” sau khi họ vượt qua bao chướng ngại để đến Tây Trúc (?!)
Cư dân mạng cho rằng clip thể hiện sự vô ý thức văn hóa, phản cảm, thậm chí báng bổ, xúc phạm đạo Phật. Thế nhưng clip này lại được Ban tổ chức cuộc thi “tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án "Friendly condom" (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012 đánh giá cao.
Gây sốc không kém là hình ảnh lợn, chó, thỏ, chim… được đưa lên sân khấu nhà hát Âu Cơ chủ nhật vừa qua để tham gia giao thông với ngụ ý: Nếu tham gia giao thông không theo luật thì chưa đủ… tính người.
Quá quắt hơn, vị đạo diễn “ngoa ngôn” còn hùng hồn phát biểu trên báo rằng: “Người ta hơn con vật ở chỗ có ý thức. Người không có ý thức thì không hơn con vật là bao. Tuy nhiên, những con vật trong tiểu phẩm đều rất đáng yêu. Tôi tin rằng có người khi xem tiểu phẩm của chúng tôi không thấy buồn cười nhưng vài hôm sau lại vỗ đùi ha hả mà tự bảo: Hôm qua mình đi đúng y như con lợn”.
Người tham gia giao thông bị "thú hóa" thành lợn, chó, thỏ...
Cũng giống như “mục đích” của cuộc thi mà clip Đường Tông thỉnh… bao cao su đặt ra, chương trình “sân khấu hóa văn hóa giao thông” cũng được “khoác” lên mình những “thông điệp” lớn lao.
Và dường như vì thông điệp lớn lao ấy, người ta dễ dàng “đánh bùn sang ao” để khen ngợi cả những tư duy sáng tạo một cách kỳ quặc, phản cảm, không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” và nếp nghĩ của đại bộ phận những người tôn trọng văn hóa.
Điểm lại 3 “sự vụ” “gây sốc” tuần qua, xin mượn lời của đồng nghiệp báo bạn để nhấn mạnh rằng: đúng là có những điều không thể đem ra đùa giỡn. Sự coi thường văn hóa chính là hành động tự báng bổ lấy mình. Những người được giao trách nhiệm ở một cuộc thi lớn ( như cuộc thi mà clip thỉnh bao cao su đoạt giải), hay Ban tổ chức một chương trình lớn như “văn hóa giao thông”, hay người có trách nhiệm trong vụ mời TS chửi bậy trên bục giảng… không thể có những ‘đánh giá nhầm’ như thế!
Càng không thể dùng cách đó nhằm để “thu hút” bất cứ một “mục tiêu” gì, thật sẽ tai hại lắm thay!
Ngô Lâm (Tổng hợp)