Đại biểu Quốc hội của đảng! - Đặng Thị Hoàng Yến - Dân Làm Báo

Đại biểu Quốc hội của đảng! - Đặng Thị Hoàng Yến

Hồ sơ Bà Hoàng Yến: Sáng tỏ nhiều tình tiết nhạy cảm

TT - Những “khoảng trống” trong hồ sơ đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến dường như đã được “lấp đầy”. Có đủ chứng cứ cho thấy những “khoảng trống” này bao gồm các tình tiết được coi là rất “nhạy cảm”. Bà Hoàng Yến là chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 14-4, trao đổi với Tuổi Trẻ về một số vấn đề liên quan đến những “khoảng trống” trong hồ sơ đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến, một lãnh đạo của Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội) cho biết đến thời điểm hiện nay chưa có kết luận chính thức về vụ việc. Vị lãnh đạo này cũng nói có nhiều vấn đề liên quan đến bà Hoàng Yến được xác định là khai không đúng, khai sai và không trung thực.

Từng là đảng viên

Lãnh đạo Vụ Công tác đại biểu cho rằng thông tin bà Yến không còn sinh hoạt Đảng đang được xem xét và cơ bản có thể hiểu là bà Yến đã bỏ Đảng. Việc bà Yến không khai nội dung này trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là không trung thực. Điều này vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần phải xem xét kỹ, kết luận một cách rất khách quan, đúng quy định của pháp luật. Ban công tác đại biểu Quốc hội sẽ có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội về trường hợp bà Hoàng Yến. Việc kiến nghị, xử lý như thế nào đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định.

Theo thông tin PV Tuổi Trẻ có được, trong thời gian công tác ở quận 5 (TP.HCM), bà Đặng Thị Hoàng Yến được kết nạp Đảng tại chi bộ Phòng thương nghiệp quận 5 ngày 27-11-1986. Đến tháng 4-1992, bà Yến được UBND quận 5 điều động về Phòng tổ chức chính quyền quận 5 để tạo điều kiện cho đi học. Sau đó, bà Hoàng Yến chuyển công tác về Trung tâm Phát triển ngoại thương TP.HCM. Từ thời điểm này bà Yến có còn sinh hoạt Đảng hay không, có còn là đảng viên hay không thì không được xác định. Đến năm 2011, mục “ngày vào Đảng” trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, bà Hoàng Yến khai “không”.



Từng có xác minh về đại biểu Hoàng Yến


Ngày 26-11-2011, tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công khai kết quả xác minh về đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, kết quả xác minh của Bộ Công an cho biết bà Yến chưa bị khởi tố bị can trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước (năm 1998).


Trong quá trình điều tra vụ án, có một số đối tượng liên quan nhưng trong hồ sơ lưu trữ không có bà Hoàng Yến. Tuy nhiên, bà Yến có bị cấm xuất cảnh trong hai năm (từ tháng 10-1998 đến tháng 10-2000) để phục vụ việc điều tra vụ án này. Bộ Công an cũng khẳng định chưa có tài liệu thể hiện đại biểu Yến có hành vi trốn ra nước ngoài hay tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài. “Cơ bản là không có vấn đề gì” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.


Về vụ ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần, ông Phúc cho biết do thủ tục tố tụng chưa đúng với quy định pháp luật nên ngành tư pháp đã xem xét và yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Long An ra quyết định kỷ luật, hình thức khiển trách với thẩm phán thụ lý vụ án. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ đạo tiến hành giám đốc thẩm. Nếu bản án có sai phạm sẽ phải hủy để xét xử lại (sau đó bản án bị hủy, ngày 11-4-2012 bà Hoàng Yến rút đơn xin ly hôn).


Riêng về vụ bà Hoàng Yến từng là đảng viên, trong thời điểm có cuộc họp báo, cơ quan chức năng chưa đặt ra vấn đề xác minh, nhưng lúc đó ông Nguyễn Hạnh Phúc có nói còn một số vấn đề liên quan đến bà Hoàng Yến đang tiếp tục được làm rõ.

Ngoài việc không khai rõ từng là đảng viên và không khai về chồng là ông Jimmy Trần đang bị truy nã, trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến còn có một số nội dung khác cũng khai không đúng. Chẳng hạn phần khen thưởng, bà Hoàng Yến khai có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003-2007 do góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; bằng khen của UBND TP.HCM năm 2006, 2007, nhưng thời gian này được xác định là bà Yến đang sinh sống, cư trú ở Hoa Kỳ.

Cuối năm 2011, Ban công tác đại biểu của Quốc hội có đề nghị bà Yến khai lại sơ yếu lý lịch cho chính xác, thống nhất thì bà Yến khai thêm 20 mục thành tích - chủ yếu là những danh hiệu, giải, cúp do các tổ chức phi chính phủ, các hội bình chọn, trao tặng hoặc cấp chứng thư.

Có sai sót trong thẩm định hồ sơ

Chiều qua, một cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Long An xác nhận Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản báo cáo, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề liên quan đến đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, tỉnh khẳng định quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Yến là đảm bảo khách quan, đúng quy định. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ ứng cử viên Hoàng Yến đã có sai sót.

Cụ thể, khi tiếp nhận hồ sơ của bà Hoàng Yến, Ủy ban bầu cử tỉnh Long An không kiểm tra chặt chẽ nên không phát hiện được bà này kê khai thiếu một số thông tin trong bản tự khai tiểu sử tóm tắt. Đó là không ghi rõ từng mốc thời gian (từ ngày...tháng...năm đến ngày...tháng...năm) làm công việc gì, giữ chức vụ gì, cấp bậc gì, ở cơ quan nào, ở đâu. Đáng chú ý là giai đoạn được cho là “nhạy cảm” đối với bà Hoàng Yến là năm 1994 đến năm 2011, bà này khai rất chung chung, thiếu các chi tiết trên từng mốc thời gian cụ thể.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Long An thừa nhận thiếu sót trên thuộc về Ủy ban MTTQ VN tỉnh và Sở Nội vụ. “Hiện nay tỉnh cũng đang chờ kết luận chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trường hợp đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Khi đó mới tính đến chuyện kiểm điểm, xử lý” - vị lãnh đạo này nói.

Đề cập vấn đề sai sót trong việc xác minh lý lịch bà Đặng Thị Hoàng Yến trước khi giới thiệu, hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ông Lê Phước Thọ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tổ chức trung ương - cho rằng đây là việc làm sai nghiêm trọng. Trước tiên là trách nhiệm của Ủy ban MTTQ nơi giới thiệu người ứng cử. Không thể đổ lỗi do công ty giới thiệu hay các vòng hiệp thương đều không có ý kiến thắc mắc nên không nắm rõ lý lịch bà Hoàng Yến.

Là tổ chức nắm “đầu vào” thì phải biết rõ người mình giới thiệu là ai, nhân thân thế nào. Cũng giống như khi vào Đảng, người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về tư cách, lý lịch của người mà mình giới thiệu. Ở đây, Ủy ban MTTQ chưa nắm rõ lý lịch của bà Hoàng Yến đã giới thiệu ứng cử vào cơ quan quyền lực nhất của Nhà nước là không ổn. Tiếp đến là lỗi của Sở Nội vụ, thiếu xác minh, thẩm tra. Bà Hoàng Yến từng là đảng viên, không sinh hoạt Đảng quá ba tháng thì sẽ bị gạt tên ra khỏi tổ chức Đảng, không còn tư cách là người đảng viên. Vì thế không thể nói không nắm được việc bà Hoàng Yến có vào Đảng hay chưa.

Tương tự, luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nêu rõ: “Theo Luật bầu cử Quốc hội, việc xem xét hồ sơ lý lịch, thẩm tra tư cách đại biểu được thực hiện nhiều lần, qua các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, qua sự thẩm định giới thiệu của Ủy ban MTTQ. Nếu ứng cử viên có gian dối, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra phát hiện. Chuyện khai báo không trung thực về tiểu sử, quá trình làm việc của người ứng cử không được phát hiện kịp thời trong quá trình xem xét tư cách ứng cử viên còn có trách nhiệm của hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội”.

Vi phạm quy định về bầu cử

Theo luật sư Trần Công Ly Tao, một trong các nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội là bình đẳng, đảng viên hay người ngoài Đảng đều có thể là đại biểu Quốc hội. Luật sư Trần Công Ly Tao nói: “Vấn đề là nếu anh là đảng viên thì phải khai rõ là đảng viên, người ngoài Đảng phải khai là người ngoài Đảng. Một đảng viên mà ứng cử đại biểu Quốc hội lại khai là không có Đảng là gian dối. Trường hợp người đã vào Đảng nhưng sau đó vì lý do gì đó không còn là đảng viên nữa cũng cần phải khai báo rõ ràng trong lý lịch ứng cử. Nếu ứng cử viên khai báo giấu giếm tiểu sử dẫn đến việc làm cho cử tri nhầm lẫn về tư cách đại biểu là vi phạm quy định về bầu cử”.

Theo một vị nguyên lãnh đạo trong ngành kiểm tra Đảng, cái cần nhất đối với ứng cử viên là phải có lý lịch bản thân rõ ràng, chứ không quan trọng khai như thế nào đó để có lý lịch sạch. Theo nguyên tắc này, lịch sử bản thân cũng như quá trình công tác phải ghi cụ thể, còn ngược lại được hiểu là khai lý lịch không rõ ràng hay khai không trung thực.

Vị cán bộ này cũng cho rằng với những người ứng cử đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, nếu đã từng là đảng viên nhưng sau đó không còn là đảng viên (có thể bị xóa tên do bỏ sinh hoạt hay bị kỷ luật Đảng) cần được thông tin đầy đủ trong các khâu, các bước của bầu cử, vì đây là vấn đề có tác động đến việc lựa chọn trong quá trình hiệp thương giới thiệu ra ứng cử cũng như lựa chọn của cử tri khi bỏ phiếu. Về nguyên tắc, yêu cầu để ứng cử không quan trọng là đảng viên hay không là đảng viên, miễn là có đầy đủ quyền công dân và đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định. Dẫu sao đi nữa, đứng về tâm lý, các cử tri có cảm tình với ứng cử viên không là đảng viên hơn là người đã từng là đảng viên nhưng bị xóa tên vì lý do bỏ sinh hoạt Đảng hay bị kỷ luật Đảng.


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Phải trung thực với cử tri

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã quy định năm tiêu chuẩn của đại biểu: Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp... Thứ hai, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liên chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thứ tư, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Thứ năm, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. Các tiêu chuẩn này có thể rất đầy đủ nhưng còn ở mức độ khái quát, cho nên cần được giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn nữa để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và cử tri nắm rõ, từ đó thực hiện được các quyền của mình trong quá trình bầu cử cũng như các vấn đề phát sinh sau bầu cử nếu có.

Vận dụng các tiêu chuẩn này vào từng trường hợp cụ thể, cử tri có quyền đặt câu hỏi về phẩm chất đạo đức đối với ứng cử viên hoặc đại biểu nhân dân. Dù không đặt nặng vấn đề “lý lịch” theo cách hiểu máy móc, nhưng người đại biểu nhân dân có đạo đức tốt trước hết phải là người có lý lịch rõ ràng, minh bạch để cử tri biết, từ đó cử tri mới có căn cứ để quyết định lá phiếu của mình. Trong các cuộc bầu cử ở bất cứ quốc gia nào, sự trung thực của ứng cử viên luôn được đặt lên hàng đầu, vì đó là một trong những yếu tố phản ánh phẩm chất đạo đức của ứng cử viên. Nếu ứng cử viên không trung thực với cử tri, không trung thực với các cơ quan tham gia quá trình bầu cử thì có thể khẳng định ngay là không đủ tiêu chuẩn để làm người đại biểu nhân dân.




*

Bà Hoàng Yến kể tội Jimmy Trần

Theo đánh giá của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Jimmy Trần là kẻ tứ cố vô thân, bài bạc, trộm cắp, lừa đảo… Đó là lý do khiến bà quyết định ly hôn với người chồng thứ hai này 

Sau khi đăng loạt bài về vụ án ly hôn kỳ lạ giữa bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, và người chồng là Việt kiều Mỹ Jimmy Trần, vừa qua Báo Người Lao Động nhận được văn bản của bà Yến gửi đến, trong đó bà trần tình về cuộc hôn nhân của mình và ông Jimmy Trần cũng như việc phân chia tài sản giữa hai người, đồng thời kiến nghị báo đăng lại toàn bộ. Trong văn bản này có nhiều nội dung tố tội ông Jimmy Trần. Vì khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi trích đăng một số nội dung chính. 

Cưới Jimmy Trần “để ba mẹ yên lòng” 

Trong văn bản nói trên, bà Đặng Thị Hoàng Yến viết: “Tôi gặp ông Jimmy Trần vào cuối năm 2003, khi đó ông ta bị vợ bỏ, không nhà, không cửa, không công ăn việc làm, hằng ngày phải đi tìm từng coupon giảm giá để ăn trưa. Bản thân tôi luôn luôn thương cảm cho người nghèo khó, đặc biệt lại là người Việt Nam nơi xứ người, nên khi Jimmy Trần xin được vào làm việc cho công ty của tôi ở Houston (bang Texas, Mỹ - PV), tôi đã nhận ông ta vào làm việc và phải đào tạo ông ta để xây dựng các công trình đạt tính thẩm mỹ và có chất lượng. 

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội vào tháng 11-2011. Ảnh: Đông Bắc 

Đến năm 2006, ông ta tự ý về Việt Nam gặp ba, mẹ tôi và khi đó mới biết đến tên thật của tôi. Mặc dù chồng tôi bị tai nạn mất từ năm 1989 nhưng tôi chỉ một mình nuôi dạy các con và phấn đấu để tự vươn lên... Bản thân tôi chưa bao giờ có ý định lập gia đình nữa. Tuy nhiên, ba mẹ tôi luôn canh cánh trong lòng vì lo lắng... 

Thời điểm đó Jimmy Trần luôn nói với tôi mong muốn trở về Việt Nam sinh sống quãng đời còn lại của mình. Thật sự, Việt kiều tại Mỹ hầu hết không có nhiều người suy nghĩ như vậy, do vậy tôi đã lầm tưởng rằng ông ta là một người yêu nước. Chính vì vậy, ngày 17-8-2007, tôi đã đồng ý kết hôn với Jimmy Trần với mong muốn để ba mẹ được yên lòng, dù biết rằng ông ta hoàn toàn không có một điểm nào xứng đáng khi so sánh với người chồng đã mất”. 

Ly hôn vì chồng bài bạc, quan hệ với gái mại dâm 

Về lý do ly hôn với ông Jimmy Trần, bà Yến kể: “Trước khi kết hôn, tôi và Jimmy Trần đã ký thỏa thuận, trong đó cũng liệt kê rõ Jimmy Trần hoàn toàn không có tài sản gì ngoài tài sản giá 1 triệu USD tôi cho ông ta để giữ thể diện cho ông ta như lời đề nghị của chính ông Jimmy Trần. Chỉ ngay sau khi kết hôn, tôi phát hiện ông ta bài bạc, tiêu tốn hàng triệu đô la và tôi là người phải trả nợ cho ông ta. 

Chính vì vậy, tôi quyết định ly hôn và về Việt Nam vào cuối năm 2007. Sau nhiều lần Jimmy Trần xin được về Việt Nam “để làm lại cuộc đời” như ông ta nói và đến tháng 9-2008, tôi đã đồng ý giúp cho ông ta về Việt Nam bằng cách bỏ tiền cá nhân ra cho Công ty Việt Nam Land - công ty của em họ tôi - để thuê Jimmy Trần làm việc và trả lương cho ông ta. 

Nhưng chỉ sau khi về Việt Nam chưa đầy 10 tháng thì ngày 5-7-2009, ông ta đã quan hệ với gái mại dâm khi tôi đang công tác tại Hà Nội và ngay chính bản thân tôi đã bị tống tiền gái mại dâm. Vì vậy, đến 9-7-2009, ông ta phải đồng ý ký tên vào đơn ly hôn, ghi rõ: “Lý do ly hôn: Ông Jimmy Trần vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình và vi phạm đạo đức trong sinh hoạt”. 

Đến thời điểm đó, ông ta cũng đã ghi rõ tài sản của mình chỉ có khoảng 50.000 đô la - là số tiền kiếm được nhờ làm cho Công ty Việt Nam Land, khi ông ta từ Mỹ về Việt Nam vào tháng 8-2008 tài khoản của ông ta chỉ có 3,92 đô la. Do vậy, việc chia tài sản là do hai người tự nguyện và Tòa án Long An hoàn toàn không xét xử mà chỉ đơn thuần công nhận sự tự nguyện phân chia của cả hai bên”…


“Liệu có thể tin được một kẻ như vậy”?
Về việc ông Jimmy Trần phạm pháp tại Mỹ, theo bà Yến: “Khi cung cấp hồ sơ pháp lý để đăng ký kết hôn, Jimmy Trần đã đưa ra một hồ sơ không hề khai báo mình đã phạm tội tại Mỹ.
Chỉ đến khi những phạm tội của ông tại Việt Nam được phát hiện, thì tôi mới được cơ quan Luật pháp của Mỹ thông báo: Cuối năm 1989, Jimmy Trần được thuê vào làm tổ trưởng bán hàng cho một cửa hàng, song mới chỉ có 3 tháng, vào ngày 18-1-1990 thì đã bị bắt quả tang do ăn cắp mấy chục két bia và nước ngọt của cửa hàng.
Ngày 24-1-1990, Tòa án Houston kết án Jimmy Trần: 6 tháng tù ngồi và 12 tháng tù quản thúc sau khi ra tù. Khi được chất vấn, ông ta trả lời: “Đó chính là con trai tôi nó lấy, không phải tôi”...
Trong khi con trai ông ta cũng được ông ta đặt tên Jimmy Trần và sinh ngày 6-1-1989, khi đó con trai ông ta chỉ mới đầy 1 tuổi. Một người cha đổ tội trộm cắp cho con trai mới có 1 tuổi tại Mỹ và khi Jimmy Trần bị bắt vì quan hệ gái mại dâm vào ngày 5-7-2009 tại khách sạn ở TPHCM thì ông ta giải thích rằng: “Đó là con gái tôi từ Mỹ về thăm tôi...”. Để ngụy tạo cho lời khai của mình, Jimmy Trần còn tạo một email giả danh con gái để giải thích việc này...
Trong khi đó, con gái ông ta - cô Judy Trần - không hề nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam. Có một người cha có nhân cách, có lương tâm nào có thể làm được những điều ông ta đã làm với con cái của mình???
Như vậy liệu những điều một kẻ có tiền án, tiền sự, một kẻ vu khống bịa đặt cho chính con ruột của mình để chạy tội cho chính mình, liệu có thể tin được một kẻ như vậy???"...




*

Chim Yến hót cười...



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo