Dương Quang (NLĐ) - Đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My - Quảng Nam) rỉ nước là sự cố nghiêm trọng. Đã hơn 2 tháng kể từ khi sự cố được phát hiện, đến nay giải pháp xử lý vẫn còn rối rắm. Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án thủy điện 3 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam) càng lên tiếng trấn an, người dân địa phương càng run.
Không lo sao được khi ban đầu, lưu lượng nước chảy qua thân đập ước lượng 30 lít/giây, chủ đầu tư khẳng định “an toàn”; nay khi dùng thiết bị đo, lưu lượng nước tăng hơn gấp đôi, đến 75 lít/giây và chủ đầu tư vẫn khẳng định “an toàn” (?!). Có lẽ chỉ có chủ đầu tư mới nghĩ thế chứ chẳng mấy ai tin, nhất là 40.000 người dân huyện Bắc Trà My đang sống ở hạ lưu cùng hàng trăm ngàn người ở các huyện lân cận như Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, đặc biệt là TP Tam Kỳ - trung tâm hành chính - kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
Nước đang rỉ qua thân đập với lưu lượng 75 lít/giây.Ảnh: Thúy Phương
Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương vào ngày 28-3 ở Hà Nội về vụ này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói rằng việc nước thấm qua thân đập là không nằm trong thiết kế. tuy nhiên, ông khẳng định đập vẫn an toàn: “Tôi chịu trách nhiệm khi nói đập Sông Tranh 2 an toàn”. Làm sai thiết kế mà vẫn cho là “an toàn”, thế mới lạ! Và ông thứ trưởng chịu trách nhiệm là chịu thế nào? Lẽ nào đem sinh mạng và tài sản của hàng trăm ngàn người “ký gửi” vào một lời tuyên bố chịu trách nhiệm chung chung!
Chủ đầu tư hứa đến tháng 7 năm nay sẽ khắc phục xong sự cố. Với các giải pháp như chủ đầu tư đưa ra, nhiều nhà khoa học uy tín về thủy điện, thủy lợi cho rằng đó không phải là cách giải quyết căn cơ mà chỉ là “làm đẹp” để cho dân đỡ sợ! Đó là chưa kể đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên khu vực có đới đứt gãy đang hoạt động. Hơn 80 vụ động đất lớn, nhỏ đã xảy ra nơi đây do lòng hồ tích nước (730 triệu m3), cộng với vụ thân đập bị rỉ nước với lưu lượng lớn là lời cảnh báo khẩn thiết về công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dân. Điều ít ai dám nói nhưng không thể không nghĩ tới là nếu không chặn được tình trạng rỉ nước, có thể phải loại bỏ vĩnh viễn con đập này.
Trong lịch sử từng xảy ra những vụ vỡ đập đáng tiếc, như đập Bản Kiều (Banqiao Dam) trên sông Ru, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc vào năm 1975. Sau khi bị vỡ lần đầu, đập Bản Kiều được chủ đầu tư xây lại và vỡ tiếp khiến hơn 175.000 người thiệt mạng, hơn 11 triệu người mất tài sản…
*
Sông Tranh 2: Số liệu bất nhất, dân biết nghe ai
Bửu Lân-Thùy Dương (VTC News) – "Lúc thì nói nước thấm qua thân đập là 30 lít/giây, lúc thì nói là 75 lít/giây. Bất nhất vậy thì dân biết nghe ai?”, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập lo ngại.
Ngừng tích nước nếu không xử lý trước mùa mưa
Tại buổi làm việc của đoàn công tác gồm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các sở, ban ngành và các chuyên gia với các bên liên quan sau chuyến thị sát kiểm tra công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 hôm 18/4, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 cho biết, hiện cao trình nước đang ở mức 155m, lượng nước rò rỉ qua các khe nhiệt đạt mức 75lít/giây.
So với những ngày đầu thì đến nay, lượng nước rò rỉ qua thân đập vẫn không hề giảm nhưng đã được xử lý bằng cách thu nước đưa về các đường ống và cho về hạ lưu, do vậy, hiện tượng thấm qua thân đập đã giảm đi.
Đoàn công tác Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam
thị sát thực tế tình hình nước thấm qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2
Tuy nhiên, trước sự việc 10/30 khe giản nở bê tông thân đập bị rò rỉ nước và dịch chuyển rộng khiến dư luận lo lắng, Ban Quản lý dự án đưa ra phương án xử lý bằng cách dán khe nhiệt ở mặt thượng lưu đập bằng tấm “SR” kết hợp với bơm keo Polyurethan để trám kín các khe hở.
“Chúng tôi sẽ xử lý chống thấm trước mùa mưa lũ năm nay. Tuy nhiên, phương án chống thấm này chưa làm ở Việt Nam mà chủ yếu ở nước ngoài”, ông Hải trình bày.
Sau trình bày của Ban Quản lý dự án, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh và các Sở ban ngành tỉnh Quảng Nam đã đặt nhiều câu hỏi quan ngại cần làm rõ xoay quanh sự cố đang xảy ra tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang lo lắng: “Thu gom nước về một chỗ tôi thật sự chưa yên tâm. Khi xử lý xong bề mặt thân đập có khô không? Nước còn thấm trên thân đập và trong đường hầm hay không? Tôi đề nghị nếu sự cố không được khắc phục trước 30/7 thì không cho tích nước”.
Ban đầu, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 công bố lưu lượng nước chảy qua thân đập là 30 lít/giây
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 khắc phục sự cố để an dân, đồng thời đề nghị Ban Quản lý dự án xác định lượng nước thấm qua thân đập ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và tuổi thọ công trình để người dân được biết…
“Từ nay đến cuối mùa mưa bão năm nay, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không khắc phục xong sự cố thì tỉnh sẽ để nghị Chính phủ và Quốc hội không cho tích nước nhằm đảm bảo an toàn”, ông Thanh nói.
Số liệu bất nhất, người dân lo lắng!
Sau báo cáo của Ban Quản lý dự án Thủy điện 3, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ban phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Nam lo lắng: “Lúc mới bị sự cố, con số lưu lượng nước rò rỉ qua thân đập được Ban Quản lý dự án công bố là 30lít/giây. Nay cũng Ban Quản lý dự án công bố lưu lượng nước thấm qua thân đập là 75lít/giây. Vậy mức nào là cho phép đối với đập Sông Tranh 2, Ban Quản lý dự án cần làm rõ!”.
Và hiện nay là 75 lít/giây khiến các cơ quan chức năng quan ngại về tính bất nhất của số liệu
Đồng quan điểm với Ban phòng chống bão lụt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Trà My Đặng Phong băn khoăn: “Trước đây nước chảy ào ào Ban Quản lý dự án nói là 30 lít/giây, nay nếu nhìn bằng mắt thì thấy nước ít thấm hơn nhưng Ban Quản lý dự án lại công bố là 75 lít/giây thì dân không tin. Ban Quản lý dự án cần nói rõ, theo thiết kế công trình, lượng nước cho phép thấm qua là bao nhiêu để còn thông tin cho dân biết. Không công bố thì không thể an dân”. Quan ngại hơn, kỹ sư Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lo ngại: “Lúc thì Ban Quản lý dự án nói nước thấm qua thân đập là 30lít/giây, lúc thì nói là 75lít/giây. Bất nhất vậy thì dân biết nghe ai?”.