Chuyện dài Đinh La Thăng - Dân Làm Báo

Chuyện dài Đinh La Thăng


Chống ùn tắc và TNGT: Sao toàn tính chuyện thu tiền dân?

Thành Văn (Phapluattp) - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kiến nghị nâng mức xử phạt, tăng thẩm quyền xử phạt...và lúng túng không trả lời thẳng bất cứ chất vấn nào của các đại biểu tại cuộc giải trình trước Ủy ban Pháp luật QH...

“Để chống ùn tắc và tai nạn giao thông, chúng ta có biện pháp gì ít tiền mà hiệu quả không? Ví như ở các nước, để hạn chế tai nạn giao thông người ta áp dụng biện pháp tạm giữ những lái xe say rượu, thậm chí là phạt tù. Tại sao chúng ta không làm điều đó mà chỉ toàn nói đến tiền?”

Đây không chỉ là câu hỏi của đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Tiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH) tại phiên giải trình của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trước Ủy ban Pháp luật của QH ngày 24-4 mà cũng là câu hỏi của nhiều ĐB khác và đông đảo người dân. 

Cử tri kêu “khổ lắm rồi!”

Theo ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hiện nay tình trạng xây dựng công trình giao thông chất lượng kém, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng vẫn còn diễn ra nhiều nhưng Bộ GTVT vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Từ thực trạng trên, ông Vinh đặt vấn đề: Liệu việc thu phí bảo trì đường bộ đã hợp lý, nhất là trong điều kiện đời sống nhân dân đang rất khó khăn?

Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh bổ sung: Cầu Thăng Long đầu tư bao nhiêu tiền của mà làm xong cứ hỏng đi hỏng lại. Cứ như thế này, dù có bao nhiêu phí nữa mà không khắc phục được lỗ hổng để chất lượng công trình kém hiệu quả thì cũng khó thuyết phục được người dân. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho biết: “Cử tri vừa nhắn tin cho tôi kêu là nhiều phí thế này dân khổ lắm rồi!”.


Những câu hỏi xung quanh vấn đề phí giao thông đã không được 
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời thuyết phục. Ảnh: THÀNH VĂN

Thu phí của dân còn tham nhũng thì sao?

Đáp lại, Bộ trưởng Thăng khẳng định đã phát hiện ra vấn đề trên và đang có những giải pháp để nâng cao chất lượng công trình giao thông. Riêng về vấn đề phí cho quỹ bảo trì đường bộ, ông Thăng nói đây là giải pháp để có nguồn thu sửa chữa đường. Hơn nữa, đây cũng không phải là giải pháp do Bộ đề xuất mà thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ do chính QH ban hành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh lý giải thêm: Việc xây dựng quỹ được làm theo thông lệ thế giới và để phục vụ cho giao thông tốt hơn, đường đỡ xuống cấp hơn. Tuy nhiên, bà Minh thừa nhận hiện nay kinh tế, đời sống đang rất khó khăn nên Bộ đang tính toán, cân nhắc thời điểm, mức thu cho phù hợp.

Không đồng tình với những câu trả lời trên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kể một câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa: Khi khánh thành một nhà văn hóa, đại diện các lực lượng đến dự ghi sổ lưu niệm đều kể công, trong đó công an nói “vì dân phục vụ”, ông bác sĩ nói “chữa bệnh cho toàn dân”, ông giao thông nói “phục vụ cho toàn dân”. Cuối cùng đến lượt bác nông dân mới ghi là “tôi trả tiền cho tất cả”. 

“Câu chuyện ấy cho thấy chúng ta hạn chế thu tiền, hạn chế huy động đóng góp của nhân dân được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu” - ông Thuyền nói. Ông Thuyền cũng minh định khi thông qua Luật Giao thông đường bộ, đúng là QH có đề cập đến việc thành lập quỹ. Nhưng trong đó lại đề cập rất nhiều các biện pháp thu như thu từ ngân sách Nhà nước phân bổ hằng năm và các nguồn thu khác từ đường bộ chứ đâu nhất thiết bắt dân đóng góp. “Thu phí của dân tính từng cách, còn tham nhũng, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng thì sao?” - ông Thuyền đặt vấn đề.

Phí chưa thu, ngân sách đã bị ảnh hưởng

Đề cập đến đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân ở mức 20-50 triệu đồng/ô tô/năm của Bộ GTVT, ĐB Phùng Văn Hùng (Ủy ban Kinh tế) bức xúc: Nếu chúng ta thu phí hạn chế phương tiện xe cá nhân thì ai sẽ đầu tư làm đường theo hình thức BOT? Ngay họp thường vụ vừa rồi, bộ trưởng Tài chính cũng cho biết chưa thu phí nhưng ngân sách đã bị ảnh hưởng rồi, giá ô tô, giá xe máy đều giảm, không ai dám mua nữa. 

Chưa dừng lại, ông Hùng truy tiếp: Muốn thu phí thì phải bảo đảm sự công bằng nhưng ở đề án thu phí hạn chế xe cá nhân lại không bảo đảm điều này. “Tất cả những người mua xe ô tô, từ xe rẻ, xe đắt, cả tháng người ta đi một lần mà vẫn phải nộp phí thì có công bằng không? Chúng ta đưa ra một chính sách phải đảm bảo công bằng thì người dân mới sẵn sàng đóng góp. Giá ô tô đắt nhất rồi sao lại còn thu phí nữa? Đúng là biện pháp dễ nhất là thu tiền của dân…” - ông Hùng nói.

Tán thành với ý kiến trên, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng giá ô tô Việt Nam hiện nay quá đắt rồi, người ta cũng đã phải đóng rất nhiều loại phí. “Theo dự tính, hiện nay mỗi năm số tiền thu thuế tiêu thụ đặc biệt do ô tô đóng góp vào khoảng 1-1,5 tỉ đô la và đều nộp vào ngân sách. Vậy bao nhiêu trong số đó được dành cho giao thông?” - ông Quốc nêu câu hỏi.

Không trả lời cụ thể vào câu hỏi, Bộ trưởng Thăng chỉ cho biết việc thực hiện đề xuất trên là theo các quy định hiện hành!



Tại sao Bộ lại im phăng phắc?
Tai nạn giao thông hiện đang là vấn đề cấp bách (trong đó nhiều trường hợp là do lái xe uống rượu bia - PV). Thế nhưng khi QH thảo luận đến rượu bia thì tại sao bộ giao thông cứ im phăng phắc? Đã thế Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia lại sử dụng dự án nghiên cứu tác hại của rượu bia do chính một đơn vị mà đứng sau nó là ngành công nghiệp rượu bia tài trợ.

ĐB NGUYỄN VĂN TIÊN, Phó Chủ nhiệmỦy ban Về các vấn đề xã hội của QH


Để lại tiền phạt có dẫn đến lạm thu?
Đề cập đến con số 2.500 tỉ đồng thu được mỗi năm từ việc xử phạt vi phạm giao thông, nhiều ĐB băn khoăn về việc 100% số tiền trên được để lại cho các lực lượng bảo đảm an toàn giao thông sử dụng, trong đó CSGT được hưởng đến 70%.

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), người dân cho rằng CSGT đi làm thì đã hưởng lương và hiện nay xin vào CSGT không dễ. Nếu để lại tiền phạt để cải thiện đời sống thì người thi hành sẽ phạt nhiều hơn, dẫn đến lạm thu.


Kiến nghị tạm giữ lái xe say rượu
Tại phiên giải trình, ngoài giải pháp thu phí hạn chế phương tiện xe cá nhân, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng còn đưa ra một số giải pháp khác để giải quyết các vấn nạn trong giao thông hiện nay. Đó là:

- Nâng mức xử phạt đối với các vi phạm giao thông nói chung.
- Tăng thẩm quyền xử phạt cho thanh tra viên và công an.
- Tịch thu xe đua không phân biệt chủ sở hữu.
- Siết chặt quản lý, kiểm soát bằng lái xe để tránh làm giả.
- Tạm giữ lái xe vi phạm về uống rượu bia.
- Lập 23 trạm cân trên quốc lộ để chặn xe quá tải, có thể đề xuất tịch thu xe quá tải phá đường như tịch thu xe đua…


Thành Văn


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo