Thùy Linh - Chiều ấy mình tới lớp mẫu giáo của Bé (mình hỏi tên rồi lại quên vì tên người dân tộc đôi khi rất khó nhớ) khi mặt trời sắp lặn. Nắng hanh vàng. Bé người Mông, mặc váy, quấn khăn dù người trời đã nóng. Bé quay nhìn mình… Một cái nhọt rất to bên trán sưng tím tái, đã có dấu hiệu mưng mủ vì nhiễm trùng. Một bên mắt vẫn còn thâm đen. Mình hỏi, con có đau không? Mới đầu Bé im lặng vì không hiểu tiếng Kinh và đôi mắt nhìn như dè chừng. Nghe cô giáo nói chuyện, giải thích với mình một lát, có được cảm giác yên tâm với người lạ nên Bé hết sợ. Thấy mình chụp ảnh, cười thân thiện Bé cũng bắt đầu cười như muốn đáp lễ. Cô giáo nhắc lại câu hỏi thật chậm rãi, khuyến khích nên Bé lắc đầu, còn tỉm tỉm cười… Cô giáo bảo vừa ngã hôm qua đấy. Hỏi thế nào vẫn lắc đầu nói không đau…
Con vẫn đi học...
Mình ngồi nhìn bé đến 10 phút, mặc cho mọi người giục đi tiếp vì sợ trời tối mà chặng đường còn dài… Chỉ vài lần mới có cảm giác bất lực đè nén mình như vậy. Không một cái gì có trong tay có thể giúp Bé đỡ đau và an ủi Bé. Bé ngã vì phải tự mình lần mò từ ngôi nhà cheo leo trên đỉnh núi đến lớp học ở lưng chừng núi. Mặt đập vào đá nhọn. Sưng đau thế mà hôm nay Bé vẫn lần mò theo lối nhỏ từ đỉnh núi đến lớp mẫu giáo học. Bữa cơm có thịt đã quyến rũ tính ham học của Bé và bạn bè trong lớp. Tất cả nơi mình đến các cô giáo đều bảo số học sinh tăng lên đáng kể, có lớp đã vượt chỉ tiêu qui định. Lần đầu tiên làm nghề dạy học, các cô giáo đã nhận được lời cám ơn từ cha mẹ học trò vì bữa cơm no bụng và ngon miệng. Cha mẹ còn dặn là đừng nấu ngon quá, đừng cho mì chính vì về nhà các bé chê cơm cha mẹ không biết nấu, không nấu ngon bằng cô giáo. Các cô mẫu giáo không phải đi từng nhà “xin” học sinh nữa. Trò và cô tự tìm đến nhau quây quần vui lắm…Và từ các ngọn núi cao, gập ghềnh con đường nhỏ dốc đứng, cheo leo, hàng ngày các bé lẫm chẫm tự đến trường để cùng bạn bè bi bô câu hát, học làm cô giáo, học xếp chữ, và thiết thực nhất là có bữa cơm trưa ấm bụng.
Bé ngồi trên tảng đá xem mẹ làm nương bên dưới
Chưa đủ tuổi học mẫu giáo, hàng ngày bé theo mẹ, theo chị lên nương như thế này
Trẻ con là phải đi học. Dù nhà nghèo, ở bất cứ đâu, nơi vùng biển nắng cháy và bão mưa liên miên, nơi núi cao trùng điệp ít dấu chân người thì đã là trẻ con thì phải đến trường. Cha mẹ nhọc nhằn kiếm miếng ăn hàng ngày. Trẻ con nhọc nhằn tìm nơi học cái chữ. Bụng đói cũng phải học. Manh áo phong phanh vẫn phải đến trường. Chân không giày, tất thì tụi trẻ vẫn hàng ngày bấm mười ngón chân bám vào từng centimet mặt đường gió bụi, bùn lầy để đến trường. Học gì? Thì bất cứ thứ gì, môn gì mà trẻ con thành phố, các vùng dưới xuôi đang học. Có hiểu không, có thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của tụi nhỏ và gia đình chúng không? Chả biết nữa…Các cô giáo dạy tiểu học bảo, sau khi học xong chương trình phổ thông cơ sở, nếu học sinh miền núi nói sõi tiếng Kinh, đếm và làm thành thạo các con số từ 1 đến 100 là mừng lắm rồi, là thành công rồi. Nhưng đám trẻ vùng núi vẫn phải bám vào các sách đã biên sọan chung với nhiều môn học mà chính chúng chắc chả hiểu dù được học hàng ngày. Càng không biết để làm gì khi cuộc sống tương lai của chúng vẫn bám vào mấy mảnh nương khô cằn trên triền núi với phương tiện hết sức thô sơ như ông bà, cha mẹ chúng đã và đang sử dụng?
Dù đi học, anh chị vẫn phải trông em
Còn nhỏ nhưng bé đã chịu đựng gian khổ để anh chị đến lớp - Ngủ trên lưng lúc mẹ nấu cơm cho các anh chị (phụ huynh thay nhau nấu cơm cho con em đi học)
Lớp học ghép - Bảng chia hai (thú thực phải lúc sau mình mới luận ra "câu khiến" là gì?)
Sau giờ học ở phân hiệu nội trú
Lùa trâu về chuồng sau giờ học
Ai bảo chăn trâu là khổ...
Hỏi tụi trẻ miền núi sẽ chỉ thường được nghe những câu ngắn cụt. Hỏi: Con có đi học không? – Đi. Con học lớp mấy? – Ba (bốn…) Con đi học về phải không? – Phải. Con đi chăn trâu à? - Ừ. Đây là em con à? – Đúng… Và thêm vào nụ cười ngượng nghịu hoặc xấu hổ quay mặt đi. Nếu hỏi dài, nói nhanh là tụi trẻ lập tức lúng túng, có đứa khổ sở vì không thể diễn đạt những gì chúng muốn nói, có đứa như nghẹn lời khi không thể cất tiếng… Lúc đó đành cười xí xóa và trả lời thay, hoặc lảng sang chuyện khác. Không ít lần như thể độc thọai trước mặt chúng.
Hạt ngô - đạo cụ học chữ
Con học xếp chữ - Cậu bé xếp chữ Ô bị sai
Chợt nhớ đến các lớp học mà người có chức quyền theo học để kiếm mảnh bằng thăng quan sao mà dễ dàng đến vậy…Không đến lớp vẫn tốt nghiệp. Không cần viết lụân văn vẫn có điểm cao. Những mảnh bằng trở thành vật trang trí cho những cái đầu mà dân gian đùa chuyên dùng làm chỗ đổ đất để trồng cây. Tại sao mảnh bằng ám ảnh người ta quá vậy nhỉ?
Lịêu các bé gái này có hạnh phúc hơn nhờ đi học???
Còn tụi trẻ miền núi này đang nhọc nhằn dấn bước trên con đường học vấn mông lung, bấp bênh.
Con đường sống khó vậy thì con đường học vấn càng xa ngái…
Tiếng kinh chưa sõi, liệu các cô cậu học vùng cao có hiểu được vẻ đẹp bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi?:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về