Cưỡng chế phân - Dân Làm Báo

Cưỡng chế phân

Cu Làng Cát - Nghe kể, quan huyện vốn tham lam sai quân nha đi khắp vùng vơ vét, từ đầm vùng đến cây cối, đá cảnh, nhà ai có chai lọ lạ cũng cưỡng chế bằng được về bỏ trong phủ chiêm ngưỡng. Cứ nghe đến cái gì lạ, huyện quan lại cho đi cưỡng chế, căn cứ đủ thứ có vẻ dỏng dạc để đưa hết về phủ, nói là tài sản quốc gia, nhưng không đưa cho con dân văn bản nào chứng minh. Cứ cưỡng chế, cưỡng chế, rồi về lấp khắp phủ, khiến huyện đường đông đúc các vật dụng cưỡng chế được từ thượng vàng đến hạ cám.

Cuối huyện, có anh Ba Họ là chưa bị cưỡng chế vì nhà nghèo rớt. Vợ chồng chẳng có cục đất chọi cu, may nhờ có người tôi tớ làm trong phủ huyện mà anh Ba Họ được cắt cho mấy thước ruộng mần ăn.

Huyện anh Ba Họ vốn giàu có, nhưng qua mấy năm cưỡng chế, nhà ai cũng không muốn sắm sanh, chơi cảnh. Sợ cưỡng chế thu hồi. Ngay cái roi mây có hình kỳ quái của cụ Cố Hồng 90 tuổi, cụ dùng chống nạng đi mà cũng bị cưỡng chế nữa là sắm sanh thứ lớn.

Ở huyện Lò này, cái quần con của chị Ả Mẹt, nghe mô có người quen bên Pháp tây tặng, dân đồn giá những ngàn quan pháp, đắt lắm, huyện quan cũng cho dân đến cưỡng chế với lý do phơi phóng không đúng nơi quy định. Cũng khổ, chị Ả Mẹt một hôm giặt giũ xong lại phơi nở nạp rào, huyện quan ngang qua thấy khéo quá mà cưỡng chế.

Có bữa, huyện quan đến làng Lòi, thấy gái nữ trong làng mặc đồ toàn hàng hiệu Guci, thấy khéo cũng tìm hiểu, té ra hàng nhập lậu, huyện quan đọc lệnh cưỡng chế thu hồi, làm chị em làng Lòi một phen nuy bất đắc dĩ.

Anh Ba Họ nghĩ kế, mần răng để cho huyện quan một phen bẽ mặt, chớ mần ăn kiểu ni rầy chết. Dân bực không chịu được. 

Anh Ba Họ sai vợ lấy cái nón úp giữa sân, rồi lấy vải điều quý phái úp lên nón, kêu vợ con, họ hàng sang canh giữ một cách quan trọng. Quân sai đi tuần thấy lạ, về kể huyện quan, huyện quan thấy hấp dẫn, huy động thơ lại soạn văn bản, nói cái vật phủ lụa điều đó là tài sản quốc gia, cần cưỡng chế thu hồi để nghiên cứu.

Một ngày gửi giấy lệnh cưỡng chế. Xong. Huyện quan động binh, thẳng tiến làng Môn Lòi của anh Ba Họ. Xuống Môn Lòi, huyện quan đọc lệnh cưỡng chế, cả nhà anh Ba Họ vây lấy cái nón phủ vải điều, người thì van xin, người thì quỳ khóc, người lại đấu khẩu, rất căng.

Nhưng cuối cùng huyện quan vẫn một mực phải cưỡng chế, vì nó là tài sản quốc gia. Nhà anh Ba Họ vẫn không buông cái nón phủ lụa điều. Huyện quan thấy lạ, nghĩ chắc nó quý. Đích thân đến xem. Sai quân nha cứ ba tên lính cai ôm một người nhà anh Ba Họ đi ra xa cái nón phủ lụa điều để huyện quan làm việc.

Chừng mọi người lui xa, không lao vào cái nón, huyện quan nghe một lính cai thì thầm bên tai, trong đó có vàng. Huyện quan vốn tham, nếu là vàng thì phải lấy nhẹ nhàng, cho vào bao tay trước khi dở nón. Việc này không ai khác là phải đích thị huyện quan ra tay. Lão mừng hùm. Phen này giàu thêm.

Lão huyện tiến đến, một tay thưng nhẹ chiếc nón để đám quân sai và dân làng không thấy trong đó có gì, một tay thò vô, vừa thò vừa thấy âm ấm, nhão nhão, ươn ướt, rút tay ra, tá hỏa một tay đầy cứt trâu đen sì sì. Huyện quan tẽn tò. Hét đưa Ba Họ đến nói: 

Láo, sao nói đây là vàng?

Ba Họ: Bẩm thưa quan, nhà con làm ruộng, cứt trâu là phân, phân bằng cứt trâu bón lúa tốt lắm, nhà con nghèo không tiền nhiều mua phân hóa hoc, lấy phân trâu bón nên mỗi năm, nhà con vẫn cúng cứt trâu, coi cứt trâu như vàng, nên mua nón với vải điều phủ lên cho trịnh trọng. Cứt trâu cho lúa tốt, mà lúa tốt thì thóc nhiều, thóc nhiều là có gạo ăn bẩm quan ạ.

Huyện quan nghe thế, mặt tái mét, biết mình bị lừa nên ra mương rửa tay, tót lên xe về, mặt ê chề.

Cả làng Môn Lòi khen Ba Họ giỏi.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo