Lỗi tại bà hỏa? - Dân Làm Báo

Lỗi tại bà hỏa?

Bút Lông - Thế là ngót nửa năm kể từ khi Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân gây cháy xe máy, ô tô, hôm qua (26-4) bốn bộ mới chính thức kết luận: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy, nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện…”. 

Như vậy, nghi vấn xăng dỏm gây cháy đã chính thức bị loại trừ, dù rằng các cơ quan quản lý có thừa nhận các dung môi hòa tan trong xăng có khả năng gây hư hỏng đường ống, gián tiếp dẫn đến rò xăng gây cháy. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Nếu như đã kết luận nguyên nhân chủ yếu do chập điện thì bốn bộ phải có trách nhiệm chỉ ra đầu mối chịu trách nhiệm trước người dân theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chứ không thể chỉ họp báo để minh oan cho... xăng được! 

Bởi đơn giản là việc cháy xe đã giết chết ít nhất ba người dân vô tội, làm thiệt hại trên 20 tỉ đồng, nghĩa là đã xảy ra hậu quả ở mức rất nghiêm trọng! 

Vậy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Liệu người dân có thể bằng lòng và yên tâm với các khuyến cáo chung chung là đừng lắp thêm các bộ phận phụ, lưu ý khi sử dụng hay không? 

Trên thực tế, việc cháy xe xảy ra ở tất cả các vùng, miền, các nhãn hiệu và các thời điểm, điều kiện khác nhau, nên vì thế không khó để xác định đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể! Chẳng hạn, nếu nói do đấu nối dây điện thì ắt phải có người liên quan: Nếu không do thiết kế của hãng xe thì cũng là do lỗi của dịch vụ bảo hành, sửa chữa xe. 

Vậy với các trường hợp đã kết luận do điện, trách nhiệm đó là của hãng xe, cơ sở dịch vụ hay dễ nhất là... lỗi người dân? 

Có hiệu lực gần một năm qua, dường như Luật Bảo vệ người tiêu dùng không có hiệu lực gì cả bởi qua vụ cháy xe này, các quyền căn bản nhất của người tiêu dùng như được sử dụng hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng... vẫn chưa được thực thi. 

Chả nhẽ lỗi này đành níu áo... bà hỏa?



*

Xăng không phải là nguyên nhân gây cháy xe


Hàng loạt vụ cháy xe xảy ra thời gian gần đây khiến người dân lo lắng. Ảnh: Tiến Dũng/VNE.

Tại buổi họp báo diễn ra sáng 26/4, do các Bộ: Công an, KH&CN, Công thương và Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức, không có cơ quan nào công bố kết luận nguyên nhân cháy ô tô, xe máy vừa qua là do xăng dầu trực tiếp gây nên.

Theo Bộ Công an, có 5 nguyên nhân gây cháy, nổ xe cơ giới thời gian qua, là: chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt, trong đó chủ yếu vẫn là nguyên nhân do chập điện.

Một số vụ cháy có hiện tượng bất thường như dừng xe tắt máy, tự nhiên xe nổ và cháy, khởi động lại gây cháy nổ… Dư luận nghi ngờ do xăng kém chất lượng gây nên hiện tượng cháy, nổ xe. Tuy nhiên chưa có cơ quan nào công bố kết luận nguyên nhân cháy ô tô, xe máy vừa qua do xăng dầu trực tiếp gây nên.

Liên quan đến xăng dầu, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN cho biết với các kết quả thử nghiệm 56 mẫu liên quan tới xe cháy trong thời gian vừa qua thì chưa có bằng chứng xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ ở xe cơ giới.

Cũng theo ông Vinh, hiện nay có 3 nhóm nghiên cứu tính khoa học và khả năng gây ra nguyên xe cháy gồm: Viên cơ khí động lực, Đại học Bách khoa HN, phòng thí nghiệm trọng điểm hóa dầu, Viện Hóa công nghiệp và Đại học Bách khoa TP.HCM.

Các nhóm này nghiên cứu tính khả thi về cháy nổ xuất phát từ các nguyên nhân do nhiên liệu (xăng, dầu, chất phụ gia…) và do động cơ gây ra hiện tượng cháy nổ xe cơ giới và các biện pháp phòng chống. Những kết quả nghiên cứu bước đầu như:

Nhiên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu có pha thêm các alcohol (metanol và ethanol) với nồng độ dưới 30% không thể tự bốc cháy, không gây ra cháy phương tiện ô tô và xe gắn máy, trừ trường hợp đặc biệt có sự rò rỉ nhiên liệu và có sự tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng hơn 490 độ C. Nhiên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu xăng có pha hàm lượng ethanol hoặc methanol nhỏ hơn 30% chỉ bốc cháy trên động cơ, gây ra cháy xe khi bản thân nhiên liệu bị rò rỉ và đồng thời có tia lửa điện tại thời điểm đó (chập mạch hệ thống điện của động cơ hoặc do ma sát sinh ra).

Ngoài ra, việc sử dụng xe hiện đại không đồng bộ với yêu cầu xăng, dầu tại Việt Nam hiện nay dẫn đến hiện tượng nóng máy, ống xả bị nóng hơn khi tiếp xúc với các vật dễ cháy cũng có khả năng gây ra cháy xe. Hay do tràn nhiên liệu ra ngoài trong quá trình nạp nhiên liệu hoặc nạp quá nhiều nhiên liệu, bất cẩn không đậy nắp hoặc lắp không khít dẫn đến cháy, nổ khi có sự cố chập mạch về hệ thống điện.

Như vậy, dù có nhiều nghi vấn về xăng nhưng đến nay, vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào chính thức khẳng định điều này.

Theo http://truyenthongkhoahoc.vn

*

Chuyển vụ cháy xe sang Bộ Y tế đưa vào... bệnh lạ!



Hôm qua, 4 bộ (chứ không phải 3 bộ) đồng tình bóp vú nhân dân khi công bố nguyên nhân của hàng loạt vụ cháy xe. Bà con nín thở chờ đợi, cuối cùng thì nguyên nhân cháy xe là... chưa tìm ra nguyên nhân. Hơ hơ, khôi hài không thể tưởng. Lập luận do chập điện, xe nóng máy phát cháy. Haiza, ai cũng thấy, tuyệt nhiên không có một chiếc xe từ đời honda 67 hay cub 78 cháy cả, cho dù những loại xe này người nghèo đang dùng, xăng dầu chảy tè le, điểm tiết giáp bu-ghi đề lên lửa bắn tành tạch... hệ thống điện bị chuột cắn đứt nối tèm lem... 


Lập luận không phải di xăng thì xe để trong nhà, ngoài đường, không khởi động khóa điện, không đi, chập ở đâu mà cháy? (Hay bị sét đánh?)

Có cha khôi hài hơn, kêu, vì xe hiện đại quá nên mới cháy (sản xuất theo tiêu chuẩn Euro 5 trong lúc xăng tiêu chuẩn Euro 2). Ha ha, cha này đúng là tay ngụy biện siêu đẳng. Vậy thì, từ nay 2 bộ Công an và GTVT đừng có ép để không cho người ta đăng kiểm, lưu hành xe đời cũ như lâu nay, mà phải khuyến khích họ đi xe đời càng cũ càng tốt, cho...tương thích với xăng, không lo cháy. 

Tóm lại, cả một hệ thống quản lý với vô số người có bằng cấp của một đất nước lại không thể lý giải được một hiện tượng đang diễn ra (và chỉ có ở VN), gây bất an cho người dân thì thử hỏi, dân chúng còn tin vào ai? 

TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa Cơ khí động lực (ĐH Sư phạm Hưng Yên) nói trên Thanh Niên: “Tôi không tin những số liệu mà nhóm nghiên cứu đã đưa ra. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, DN nhà nước chiếm thị phần cao và có thể động chạm đến nhiều người nên khi tôi dự hội thảo về chất lượng xăng dầu do Liên hiệp Các hội KHKT tổ chức ngày 25.4 vừa qua có người khuyên đừng nói nhiều đến nguyên nhân cháy nổ do xăng dầu. Có vẻ như người ta muốn giấu giếm điều gì đó”. 

Tôi cũng chia sẻ với ý kiến này: "..người ta muốn giấu giếm điều gì đó”. 

Và vì thế, đề nghị 4 bộ chuyển vụ cháy xe này sang cho...Bộ Y tế. Bộ Y tế chắc chắn sẽ kết luận cái rụp, rất rõ ràng, đây là...bệnh lạ (trong nhóm bệnh lạ đang phát sinh trên con người ở Quảng Ngãi). Vậy là xong!



*

Kết luận cháy xe không phải do xăng dầu liệu có sai? 

(Dân trí) - Tôi đã đọc ở một số báo về việc 4 Bộ thông báo nguyên nhân cháy xe. Xin hỏi: Sao các nhà nghiên cứu lại cứ khăng khăng khẳng định rằng cháy được “phải có xăng dầu bị rò rỉ và tiếp xúc với nhiệt độ hơn 400 độ C“?


Rất nhiều vụ cháy xe đã xảy ra trong thời gian qua (ảnh: 24h.com.vn) 

Tất nhiên có đủ hai điều kiện ấy thì 100 % cháy. Nhưng xin thưa: chưa đủ điều kiện ấy cũng đã cháy được rồi. Cụ thể: 

+ Một là: chỉ cần nhiên liệu thấm qua ống dẫn đã bị lão hoá và bay hơi ra ngoài, mắt thường ta không nhìn thấy được, tay ta sờ vào ống dẫn cũng không ướt tay. Thế là có 1 điều kiện cho sự cháy rồi. 

+ Điều kiện 2: chưa cần phải có nguồn nhiệt cao như thế, mà chỉ cần một tia lửa nhỏ do nhiều tình thế tạo ra. Ví dụ như chập điện, như xe chuyển động sinh ra ma sát, như các vật liêu cọ sát tự sinh điện trái dấu tiềm ẩn... Thì đấy, xe téc chở xăng trên đường thường tha một cái dây xích sắt kéo lê trên mặt đường đó là gì ? Dây xích sắt đó để trượt tiêu các điện tích khác dấu tích tụ trên xe xuống đất, với mục tiêu “trừ hậu hoạ”. Có nghĩa là điều kiện 2 về tia lửa trong gầm xe khi nó chuyển động là rất dễ xảy ra. 

Trở lại điều kiện 1, tôi thực sự rùng mình khi nghe Bộ Công An nói “xăng có dưới 30 % chất phụ gia” là axetol, ethanol, methanol. Xin thưa, trước đây chỉ có 5 % thôi. Tôi hiểu dưới 30 % có nghĩa là trên 20 % và gần 30 % chất phụ gia. Vậy ta có thể khẳng định rằng: Xăng Việt Nam có lẽ đã bị thương mại lạm dụng. Người ta đã pha ¼ thể tích bẳng những dung môi cực mạnh đối với cao su và nhựa. Với nồng độ phụ gia lớn như thế thì không một ống dẫn bằng nhựa hoặc cao su nào có thể an toàn bền vững trong môi trường đó được! 

Theo tôi, mấu chốt chính là chỗ này. Xăng có nồng độ phụ gia lớn khủng khiếp như thế, thì tôi cho rằng hoả hoạn xảy ra xe chắc sẽ còn tiếp tục nhiều nữa. Vì sau một thời gian các xe đã dùng xăng có pha nhiều chất phụ gia, thì it nhiều đã bị “tổn thọ” (lão hóa), có nghĩa là đã “hẹn giờ” cháy (!?) Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng chú trọng tới việc cần “làm sạch nhiên liệu” trước khi đưa ra thị trường. 

Son Vu Van



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo