Muốn lượm cục đá cũng phải trình, xin!? - Dân Làm Báo

Muốn lượm cục đá cũng phải trình, xin!?

Thấy đá quý không thể đào mang về mà phải lập dự án, xin khai thác… Huyện hơi quá khi cưỡng chế đá. Việc huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) lập biên bản, tiến hành cưỡng chế hai tảng đá do một người dân đào trong vườn khiến người dân đặt ra hàng loạt câu hỏi về căn cứ pháp lý. Nó cũng khiến nhiều người sưu tầm đá lạ, đá trang trí đặt trong sân vườn ở TP.HCM không khỏi băn khoăn: liệu “đá cưng” của mình có bị tịch thu? 

“Đá ngoài đường, không phải thích là lượm” 

Ông M. (ở quận Gò Vấp) thích sưu tầm đá gỗ (gỗ hóa thạch) để trưng trong nhà. Nghe thông tin vụ cưỡng chế hai tảng đá, ông tặc lưỡi: “Nếu TP.HCM mà làm như trên Gia Lai thì nhiều khả năng mấy cục đá trong nhà tôi cũng bị tịch thu”. 

Theo ông, mấy cục đá ông mua từ nhiều nơi khác nhau và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. “Một lần đi Gia Lai, thấy người dân đào được một cục đá hóa thạch có hình thù ngồ ngộ nên tôi mua với giá 1 triệu đồng. Những lần khác tôi cũng mua theo kiểu tình cờ và mang về trưng trong nhà. Nếu nó bị tịch thu thì “oan” quá!” - ông nói. 

Rất nhiều người dân ở TP.HCM sưu tầm đá phong thủy, không có nguồn gốc chứng từ (ảnh bên). Ảnh: MINH NHỰT. 

Lãnh đạo Sở TN&MT một địa phương (đề nghị không nêu tên) nhận định: Hai hòn đá mà ông Lê Hùng Dũng ở Gia Lai đào được trong vườn không đương nhiên là của ông ấy. Luật Đất đai chỉ giao cho công nhận quyền sử dụng đất chứ không giao những tài nguyên, khoáng sản trong lòng đất cho ông Dũng. “Các loại tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng tích tụ tự nhiên, khoáng vật, khoáng chất có ích (thể rắn, lỏng, khí) hiện tại hoặc sau này có thể được khai thác đều là khoáng sản. Các loại khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ sau này có thể khai thác lại cũng là khoáng sản. Đá tự nhiên cũng là một loại khoáng sản” - vị này nói. 

Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP, đồng tình và cho rằng luật pháp Việt Nam chỉ công nhận quyền sử dụng đất nên việc chủ quyền sử dụng đất phát hiện hai tảng đá đó, dù không phải là khoáng sản, vật quý thì vẫn thuộc quyền sở hữu của toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Những ai sử dụng, chiếm giữ các vật, tải sản trên và trong lòng đất mà mình được giao quản lý, sử dụng phải được phép của cơ quan chức năng. 

Nhiều người dân phản ứng vụ cưỡng chế hai tảng đá ở Gia Lai (ảnh trái). Ảnh: ÁNH DƯƠNG 

Liên quan đến việc khai thác khoáng sản, theo vị lãnh đạo Sở TN&MT vừa nêu, từ năm 1996 nước Việt Nam đã có Luật Khoáng sản khẳng định đây là nguồn tài nguyên của quốc gia, do Nhà nước quản lý. Luật Khoáng sản mới (QH thông qua năm 2010) đã kế thừa quan điểm này. “Người dân chỉ khai đào khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nếu đó chỉ là đá thông thường thì phải xin phép địa phương nhưng nếu là đá quý thì phải ra tận trung ương để xin phép. Còn trường hợp vô tình phát hiện đá quý thì phải trình báo” - vị này phân tích. 

Có thể tịch thu nhưng chưa bao giờ làm 

Cách lý giải trên đã khiến nhiều người dân băn khoăn. Một người dân ở khu vực huyện Xuân Lộc, Đồng Nai thắc mắc: “Ở chỗ tôi, nhiều người hay lấy đá ở suối về làm nhà. Ở những nơi khác, người dân cũng lấy đá làm móng nhà. Không lẽ họ sẽ bị cưỡng chế, dỡ nhà và giao nộp đá à?”. 

Đến cả những người dân ở TP.HCM cũng không khỏi bối rối bởi không hiếm nhà sử dụng đá để trang trí trong sân, vườn nhà hoặc làm tiểu cảnh, hòn non bộ. Theo các nghệ nhân chơi đá cảnh, vài năm gần đây TP.HCM nở rộ thú chơi đá phong thủy nên rất nhiều nhà có mẫu vật. Đa số họ tự sưu tầm hoặc mua từ các nguồn trôi nổi nên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. 

Theo vị lãnh đạo Sở TN&MT trên, việc khai thác cát, đá làm vật liệu xây dựng thông thường cũng phải xin phép thông qua việc lập dự án, để được xem xét có phù hợp với quy hoạch, chiến lược… “Đá quý hay đá thông thường lưu thông hợp lệ trên thị trường khi có nguồn gốc, chứng từ hợp lệ, tức chúng phải được khai thác, chế biến và buôn bán hợp pháp. Thế nên nếu phát hiện chúng ở đâu mà không rõ nguồn gốc thì cơ quan chức năng có quyền tịch thu. Nguyên tắc là vậy nhưng chúng tôi chưa bao giờ kiểm tra, xử lý những trường hợp người dân có vài viên đá kiểng trong nhà, trong vườn” - vị này nói thêm. 

Luật sư Hà Hải cũng cho rằng việc trưng bày, sử dụng các vật này thì phải có nguồn gốc về pháp lý rõ ràng, như mua từ nguồn nào, có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ hợp lệ thì mới được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng cho những trường hợp khai thác khoáng sản với số lượng lớn, có giá trị về kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến môi trường, an ninh…. “Việc người dân sưu tầm vài ba cục đá làm cảnh thì không nên cứng nhắc cưỡng chế tịch thu. Người dân thấy có hòn đá đẹp mắt, nhặt về trưng trong nhà mà áp dụng luật để tịch thu thì quá kỳ!” - luật sư Hà Hải nói. 

Huyện hơi quá khi cưỡng chế đá 

Ngày 3-4, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (Gia Lai), cho biết: Việc cưỡng chế, thu hồi hai hòn đá huyện làm chưa thật hợp tình, hợp lý vì chưa làm rõ nguồn gốc đá mà đã tổ chức thu hồi. Tuy nhiên, nếu là đá khai thác trong vườn nhà thì dù có giá trị hay không có giá trị, cơ quan chức năng cũng đều có quyền thu. Bởi lẽ dù người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng việc cấp giấy sử dụng đất là để sản xuất chứ không phải để khai thác đá. Thời gian tới, huyện sẽ mời các hộ gia đình đang sở hữu đá ở địa phương lên để làm rõ nguồn gốc. (ÁNH DƯƠNG)

Sở TN&MT TP.HCM chỉ quản lý việc cấp phép, khai thác nên xác định: Ở TP không có tình trạng khai thác các loại đá bày bán ở các cửa hàng. Chuyện các cửa hàng lấy đá ở đâu, nguồn gốc thế nào… do Sở Công Thương quản lý. Các cửa hàng đã được cấp phép kinh doanh, chắc chắn đá bày bán phải có nguồn gốc, chứng từ hợp pháp… (Ông NGUYỄN VĂN NGÀ, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở TN&MT TP)


TRUNG THANH - MINH PHONG

*

Gia Lai: Hai cấp chính quyền 'xuất binh' vì…hòn đá


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo