Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đóng phí là yêu nước (!?) - Dân Làm Báo

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đóng phí là yêu nước (!?)

(NLĐ) - Chiều tối 3-4, sau cuộc họp thường kỳ tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dành cho báo chí hơn 1 giờ để “nói cho rõ hơn” về các loại phí mà cơ quan này đề xuất thu của người dân đi ô tô, xe máy. Ông Thăng cho rằng: “Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào” (!?)

Phóng viên: Thưa bộ trưởng, trong buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm 1-4, ông có nói năm nay chưa thu phí. Vậy theo lộ trình thì bao giờ sẽ bắt đầu thu các loại phí do Bộ GTVT đề xuất?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi xin khẳng định lại là phí bảo trì đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông Đường bộ 2008 và Nghị định 18/2012. Lẽ ra, sau khi Luật Giao thông Đường bộ 2008 ban hành, Quỹ Bảo trì đường bộ phải tiến hành thu ngay nhưng các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT, không thực hiện kịp.

Đáng tiếc là đề xuất của chúng tôi thu vào thời điểm kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang khó khăn nên không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nếu bắt đầu thu từ năm 2010 thì chắc sẽ hợp lòng dân hơn.
Về chủ trương, Quốc hội đã đồng ý với 2 loại phí này. Thiếu sót của chúng tôi là sau khi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đã không đưa lộ trình thực hiện vào trong nội dung tờ trình vừa gửi Chính phủ.

Đến nay, Chính phủ cũng chưa tiến hành họp bàn về vấn đề này. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin bổ sung hai loại phí này vào danh mục Pháp lệnh Phí và Lệ phí.

Theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Vậy người dân có quyền hỏi khi đóng phí hạn chế phương tiện xe cá nhân, họ được hưởng những dịch vụ gì?

- Quan điểm của Bộ GTVT là sử dụng đường càng nhiều thì phải nộp phí nhiều; người đi ô tô phải nộp nhiều hơn đi xe máy… Đây là phí mang tính chất gián tiếp, giúp có thêm nguồn thu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng và chúng ta không thể nói vì thu nhập của mình thấp mà hạ tầng của mình cũng phải thấp đi. Sau khi đưa ra các mức phí, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và có điều chỉnh theo hướng dãn ra cho phù hợp với từng loại xe.

Có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, Bộ GTVT đang chịu áp lực về nguồn vốn để triển khai xây dựng hạ tầng giao thông nên mới chọn phương án dễ nhất là thu phí ?

- Không có chuyện Bộ GTVT thích chọn phương án dễ. Chúng tôi đang xây dựng rất nhiều đề án, làm rất nhiều công trình một cách đồng bộ và đang phát huy hiệu quả. Điều cần nhất bây giờ là sự đồng thuận của người dân.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua có ý kiến đề nghị đưa vấn đề phí ra nghị trường để các đại biểu Quốc hội thảo luận. Bộ trưởng nghĩ sao về chuyện này?

- Điều này là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Quyết như thế nào thì tôi chấp hành như vậy.

Đề xuất ban hành thêm một loại phí để người dân đóng góp luôn là một vấn đề nhạy cảm bởi nó đụng chạm nhiều đến người dân. Ông có lo rằng khi đề xuất nhiều phí như vậy, số phiếu ủng hộ cho ông sẽ giảm đi so với trước, nhất là tới đây Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm?

- Có nhà báo từng hỏi tôi sao lại chỉ chăm chăm vào thu phí thôi. Tôi khẳng định không phải vậy, chúng tôi đang làm rất nhiều giải pháp đồng bộ. Không phải bộ thích làm thì làm mà phải làm theo chỉ đạo của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng việc này 100% người dân được hưởng lợi. Đó là lợi ích chung của đất nước. Tác động ban đầu của việc thu phí sẽ chỉ đến với hơn 600.000 người đang sử dụng ô tô, xe máy sẽ thu sau ô tô ít nhất 6 tháng.

Với nhiều người dân, việc thu phí ô tô, xe máy sẽ thêm gánh nặng đời sống. Ảnh: TẤN THẠNH

Đa số người đi ô tô hưởng lợi từ việc này vì họ sẽ có những con đường tốt để đi lại, vừa đỡ mất thời gian vừa giảm chi phí xăng dầu. Có thể nó chưa khách quan, công bằng nhưng tôi nghĩ rằng người dân phải thấy hạnh phúc, tự hào khi đóng phí.

Tôi sẵn sàng làm việc này vì đất nước, vì mục tiêu chung. Quốc hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, không tín nhiệm thì không còn cơ hội nữa. Nhưng nếu còn làm bộ trưởng thì tôi sẽ kiên quyết thực hiện các giải pháp để hạ tầng giao thông được tốt hơn.

Xây dựng lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông toàn quốc quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2012.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm ban hành quy định về phát hiện và xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông trên đường bộ; xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai và các trục giao thông hướng tâm.

H.Thành

Sẽ tổ chức phản biện

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho biết vừa gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số cơ quan liên quan kiến nghị không thông qua phí lưu hành phương tiện xe cá nhân do Bộ GTVT đề xuất.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị Bộ GTVT nên giảm 40% mức phí bảo trì đường bộ thu với ô tô và không thu đối với xe máy. “Đời sống nhân dân còn khó khăn, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính.

Đó là chưa kể những khó khăn trong việc thu phí và những phát sinh ngoài mong đợi xung quanh chuyện này” - ông Liên nói.

Một lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết sẽ tiến hành họp với các cơ quan liên quan nhằm phản biện về vấn đề trên.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo