Tiến Thành (VietNamNet) - Không hiểu 2 hòn đá đào được trong vườn có giá trị như thế nào mà 2 cấp chính quyền cùng vào cuộc để cưỡng chế thu hồi, khiến cho hàng trăm người dân chứng kiến rất bức xúc. Việc làm của UBND huyện Chư Sê có hợp tình, hợp lý?
“Tài sản quốc gia” nên thu hồi ?
Sáng 29/3, trong lúc hai vợ chồng ông Lê Hùng Dũng (thôn Ia Sa, xã H’bông, huyện Chư Sê, Gia lai) đang ở nhà thì thấy đoàn cán bộ huyện gồm ông Phó chủ tịch thường trực và ông Chánh văn phòng UBND huyện dẫn theo lực lượng công an ập vào nhà yêu cầu lập văn bản thu hồi 2 hòn đá đang để trong sân. Thế nhưng vợ chồng ông Dũng không chấp nhận việc chính quyền thu hồi 2 cục đá nhà mình.
Hòn đá vô tri vô giác này không rõ có giá trị như thế nào. |
Trước sự phản đối quyết liệt của vợ chồng ông Dũng, các vị quan huyện phải yêu cầu lực lượng an ninh xã H’bông hỗ trợ, mục đích là cưỡng chế bằng được 2 hòn đá. Ông Chánh văn phòng UBND huyện Bùi Sỹ Nguyên tiến hành lập biên bản với nội dung gia đình ông Dũng đã tàng trữ tài nguyên, khoáng sản không rõ nguồn gốc và cho rằng đây là tài sản quốc gia nên phải thu hồi (?!)
Trước sức ép quá lớn của lực lượng 2 cấp xã, huyện; vợ chồng ông Dũng hoảng sợ nên xuống giọng năn nỉ xin lại một hòn đá để chơi cảnh. Xét thấy vì công sức của vợ chồng ông Dũng bỏ ra khá nhiều mới đào được 2 hòn đá nên các vị quan huyện có vẻ “xuống thang”…thông cảm. Tuy nhiên, biên bản được lập thu hồi 1 hòn đá chỉ có duy nhất một bản, không trích sao bản thứ 2 để gia đình ông giữ làm bằng chứng. Do vậy, ông Dũng đã không đồng ý ký vào biên bản.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phó chủ tịch thường trực UBND huyện, ông Chánh văn phòng lại một lần nữa lập biên bản thu hồi cả 2 hòn đá với nội dung cho rằng hai hòn đá này là loại khoáng sản không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, lần này ông Dũng cương quyết phản đối, không ký vào biên bản.
Ông Bùi Sỹ Nguyên 3 lần lập biên bản thu hồi 2 hòn đá nhưng không thành.
|
Chỉ khi thấy phóng viên xuất hiện và trước sự phản đối quyết liệt của hàng trăm người dân, việc cưỡng chế, thu hồi 2 hòn đá của 2 cấp chính quyền mới tạm dừng lại, đoàn công tác ra về.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết: Gia đình ông có một lô đất với diện tích 7.000m2 tại xã H’bông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2009, trong khi đào ao lấy nước tưới cho cây hồ tiêu, ông Dũng phát hiện 2 khối đá lớn có màu sắc đẹp nên thuê xe kéo về để chơi làm cảnh.
Một số người dân chơi đá cho biết, 2 hòn đá của ông thuộc loại đá casidol – loại đá phong thủy đang được giới chuyên chơi đá săn lùng. Tuy nhiên, vì chất liệu đá còn xấu nên trong suốt 3 năm qua, 2 hòn đá vô tri vô giác của ông Dũng để ngay trong sân nhưng không ai hỏi han, kể cả chính quyền các cấp.
Người dân bức xúc
Trao đổi với chúng tôi, hàng trăm người dân chứng kiến cảnh 2 cấp chính quyền cưỡng chế để thu hồi 2 hòn đá của ông Dũng bức xúc cho rằng: chính quyền làm như vậy là sai nguyên tắc, quan liêu, chèn ép dân quá đáng ?
Ông Dũng - chủ nhân hai viên đá bộc bạch: “2 hòn đá này, tôi tìm được trong vườn của gia đình tôi. Không biết đó là loại đá gì, giá trị bao nhiêu, đơn giản vì tôi thấy có màu sắc đẹp nên thuê xe chở về chơi cảnh chứ có mua bán gì đâu! Vậy mà chính quyền 2 cấp lại đưa lực lượng đến thu hồi là việc làm không đáng, cần phải xem xét lại”!
Ông Lê Hùng Dũng phản đối quyết liệt về việc làm của huyện
|
Riêng ông Phạm Minh Hùng, Trưởng Công an xã H’bông giải thích về việc tham gia cùng lực lượng của huyện thu hồi 2 hòn đá rằng: “Công an xã làm việc này theo sự chỉ đạo của huyện”.
Là Trưởng công an, ông phải chấp hành theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã. Ông Hùng cũng thừa nhận: “Đá của dân tìm được đã lâu, nên để cho dân sử dụng trưng bày làm cảnh chứ không nên thu. Bởi hiện nay, người dân chơi đá cảnh rất nhiều nên dân tìm được là để cho dân”.
Được biết, vào tối 28/3 các cấp chính quyền của huyện này cũng đã tiến hành thu hồi một hòn đá khác của hộ gia đình chị Trần Thị Sắc (42 tuổi) trú cùng thôn Ia Sa. Theo chị Sắc, khi gia đình chị đào ao lấy nước tưới hồ tiêu ở khu vườn kế bên vườn nhà ông Dũng thì phát hiện hòn đá cũng gần giống 2 hòn đá nói trên.
Ông Phó chủ tịch thường trực huyện Chư Sê (áo xanh đậm bên trái) dẫn quân đi thu hồi 2 cục đá |
Vì thấy hòn đá đẹp nên gia đình đã thuê xe chở về và bị chính quyền huyện tịch thu, đưa về trụ sở UBND huyện. Tuy đã chấp hành, nhưng chị Sắc bức xúc cho rằng, khi đào ao gặp đá, nếu không lấy đá lên thì không thể đào được ao. Và khi đưa được viên đá về nhà, chị đã tốn rất nhiều tiền thuê xe đào, chở…nhưng rồi mất cả đá lẫn tiền.
Vài năm trở lại đây, địa bàn tỉnh Gia Lai đang rộ lên phong trào chơi đá cảnh, đá phong thủy. Xã H’bông là địa bàn được có nhiều đá phong thủy nên giới chơi đá thường về đây để tìm mua. Người dân trong vùng cũng thường xuyên đi đào bới, tìm đá đem về bán, thậm chí có những cơ sở chuyên thu gom đá về để chế tác buôn bán… Tuy nhiên việc này vẫn chưa thấy các cấp chính quyền ngăn cấm.
Tuy giá trị của những viên đá này người dân vẫn chưa rõ, nhưng việc thu hồi của các cấp chính quyền cũng cần có những biện pháp hợp tình, hợp lý hơn!
Tiến Thành