Bút Lông - Tại cuộc họp báo trưa 1-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chính thức xác nhận rằng phí hạn chế các phương tiện cá nhân mà Bộ đề xuất còn có thêm mục đích là tăng nguồn thu chứ không phải chỉ nhằm giảm ùn tắc như công bố ban đầu.
Như vậy, với khoảng 600.000 xe hơi thuộc diện thu phí sẽ đem lại nguồn thu khoảng 12.000 đến 15.000 tỉ đồng, một khoản tiền rất lớn nếu so với kế hoạch thu của Quỹ Bảo trì đường bộ.
Trong khi đó theo kế hoạch, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ được áp dụng ngay và với gần 2 triệu xe ô tô phải đóng với mức 2,16-27,28 triệu đồng/năm, tính tương đối khoảng 10 triệu đồng/xe thì số thu của ô tô vào quỹ này cũng lên tới khoảng 20.000 tỉ đồng, đáp ứng tới 80% nhu cầu của ngành!
Đáng nói, Quỹ Bảo trì đường bộ là tên gọi của một điều luật đưa vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cách đây bốn năm, trong đó chỉ nêu vẻn vẹn vài dòng và giao cho Chính phủ quy định nên Quốc hội đã ấn nút thông qua. Một số đại biểu khi đó cứ đinh ninh rằng quỹ sẽ có nguồn từ ngân sách, có nguồn từ việc đóng góp của doanh nghiệp vận tải, xây dựng công trình giao thông hoặc từ nguồn tài trợ nên khi Bộ GTVT công bố thu từ… dân thì họ hết sức bất ngờ, song “luật”… đã rồi! Quá trình đưa quỹ này vào hoạt động sau này do vấp phải sự phản ứng gay gắt, Chính phủ đã phải bàn bạc rất kỹ càng, cuối cùng phải ra nghị định mới có đủ cơ sở để thu.
Do đó dễ hiểu vì sao loại phí mới - phí hạn chế phương tiện cá nhân - lại bị dư luận phản đối rầm rộ như thế, nhất là khi những mức thu dự kiến được Bộ GTVT đưa ra dường như không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào.
Nay với trả lời của bộ trưởng GTVT đã lộ thêm mục tiêu thứ hai (và chủ chốt?) của phí này là tăng nguồn thu cho ngành, khả năng đạt được sự đồng thuận của Chính phủ và nhất là Quốc hội dự kiến sẽ càng khó khăn hơn. Bởi các cơ quan này có quyết định việc gì cũng phải căn cứ vào tính thuyết phục của đề án, căn cứ vào nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, nhất là phải căn cứ vào sự đồng thuận của đông đảo người dân.
Vì thế, việc (muốn) tận thu nhờ vào quyền lực như trên có thể tạo nên tiền lệ rất xấu, bởi nếu GTVT làm được thì các bộ, ngành khác đang cung cấp dịch vụ công cơ bản cho người dân cũng có thể làm theo.
Thế thì còn đâu “của dân, do dân và vì dân” nữa?!